Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 13)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinhbolinh-1636248691.jpg
Hình ảnh bìa sách Đinh Bộ Lĩnh trong sách giáo khoa của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 13

Chương II

NHÀ ĐINH (968 - 980)

I

Huyện Vô Công thuộc cực Bắc của Ái châu vào một đêm mùa hè trăng sáng. Bầu trời mờ ảo nhấp nhánh những vì sao li ti như những viên ngọc xa xăm. Trăng sáng vằng vặc rải ánh sáng xuống muôn nơi, ngàn xanh cây lá được ánh trăng rải xuống lưa thưa lấp loáng. Những dãy núi đá cao ngất nối nhau như những bức tường thành làm cho vùng Hoa Lư- Vô Công vô cùng huyền ảo như thế giới của thần tiên.

Dưới một mái nhà đại sảnh của căn cứ Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đang ngồi uống rượu với các tùy tướng. Chủ soái ngồi ở sau chiếc bàn gỗ kê ngang nhìn ra ngoài, chiếc bàn kê dọc giáp với bàn kê ngang là các thuộc tướng ngồi. Đinh Bộ Lĩnh đưa mắt nhìn ra xa. Không xa lắm là những núi đá cao bao bọc quanh động Hoa Lư, tạo nên bức tường thành vững chắc để Đinh Bộ Lĩnh thoát được những cuộc tấn công từ bên ngoài vào thành. Những núi đá cao uốn quanh tạo nên những hình thù kỳ quái. Ngồi ở dãy bàn dọc là các thuộc tướng từ thời Đinh Bộ Lĩnh theo cha là Đinh Công Trứ phục vụ cho Tiền Ngô Vương, từng tham gia chặn quân Nam Hán ở Lục Châu năm 938, từ thời cha làm Thứ sử Hoan Châu. Đinh Bộ Lĩnh nhớ lại thời mới có vài năm gần đây, thời gian trôi như chớp mắt, quá nhiều biến cố xẩy ra với gia đình và với Nước Việt. Đầu tiên là trận hỏa hoạn trong dinh Thứ sử Hoan Châu của cha. Hỏa hoạn đã thiêu cháy hết kho tàng quân lương, doanh trại, công đường, công văn giấy tờ hành chính, của cải vàng bạc. May mà Ngô Vương nể cha là một cựu thần, không tra cứu, nhưng cha quá suy nghĩ về trách nhiệm mà ốm và qua đời. Tiếp đó mẹ cũng qua đời do đau buồn. Rồi Tiền Ngô Vương, người có thể cho Đinh Bộ Lĩnh thế tập chức sắc của cha nhưng chưa kịp làm gì cho chàng tướng trẻ thì cũng qua đời. Nam Sách Vương có biết Đinh Bộ Lĩnh nhưng chỉ ngồi ngai vàng được một năm thì bị Dương Tam Kha soán ngôi phải trốn tránh ở Đằng Châu. Dương Bình Vương chỉ biết cha chàng là Đinh Công Trứ mà không biết hoặc quên Đinh Bộ Lĩnh, ở ngôi 5 năm cũng không đoái hoài đến con của thứ sử công thần nhà Ngô còn đang bơ vơ chưa có danh phận. Thôi đành tự mình gây dựng cơ nghiệp và làm anh hùng trong thời loạn. Từ đó, Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng tâm phúc dấy binh ở Hoa Lư này đã được mấy năm, đã mang tiếng là tạo phản chống lại nhà Ngô.

Sau khi Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập giành lại ngai vàng nhưng trên thực tế, quyền lực không vượt quá miền Giao Châu, có thể không vượt quá miền Cổ Loa. Khắp nơi các hào trưởng ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng gây dựng giang sơn riêng, không phục tùng chính quyền trung ương. Đã thế, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lại tấn công Hoa Lư, đe dọa tính mạng Đinh Liễn. Từ đó, mối quan hệ giữa Đinh Bộ Lĩnh với triều đình Cổ Loa chấm dứt. Những diễn biến ở triều đình Cổ Loa cho thấy việc Đinh Bộ Lĩnh không về với triều Hậu Ngô Vương là hoàn toàn chính xác. Ngô Xương Xí đã phải lui về Bình Kiều, Ái Châu, các anh hùng kỳ cựu như Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Nhật Khánh, Dương Huy, Phạm Bạch Hổ đã rời Cổ Loa để nhường chỗ cho loạn thần Lã Tử Bình tác oai, tác quái ngồi lên ngai vàng.

Qua cuộc tấn công của ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập, Đinh Bộ Lĩnh nhận thức được một điều là nếu cứ cố thủ ở Hoa Lư chắc chắn sẽ bị tiêu diệt vì thiếu lương thực, thiếu lực lượng, thiếu địa bàn trù phú để lấy nhân tài vật lực cho chiến tranh với các thế lực sứ quân. Cái huyện Vô Công này là huyện nghèo, toàn núi đá và cây cỏ mà nhiều nhất là cây lau. Hay là đem quân về với một sứ quân nào đó có địa bàn giàu nhân tài vật lực, đang hùng mạnh, chiến đấu dưới cờ của ông ta rồi gây dựng lực lượng, dựa theo sự biến chuyển của thời cuộc mà lựa tính sau. Thời cuộc như ván cờ, Đinh Bộ Lĩnh cảm thấy có năng lực chơi trong ván cờ này. Nhưng theo về ai bây giờ? Tướng Nguyễn Bặc thấy Đinh Bộ Lĩnh đăm chiêu liền nói:

- Chúa công đêm nay uống rượu nhiều, chắc có điều ưu phiền. Yên tâm đi. Công tử Đinh Liễn đã trở về Hoa Lư, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn đã chết, Ngô Xương Xí đã chạy về Bình Kiều, Ái Châu. Còn cái tên Lã Tử Bình này đâu phải là đối thủ của chúng ta.

Các tướng Nguyễn Bồ, Đinh Võ Trung, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Lê Hoàn cùng nâng ly mời Đinh Bộ Lĩnh:

- Phải rồi chúa công, lo nghĩ làm gì, cho dù Lã Tử Bình hay ai nữa cũng có làm gì được thành Hoa Lư vững chắc của chúng ta đâu. Nào, mời chúa công cạn chén. Không say không về doanh trại…

- Đa tạ, mời các tướng quân.

Sau khi mọi người cạn, đặt bát cho Trịnh Tú rót bát khác thì Đinh Bộ Lĩnh hỏi:

- Có tướng quân nào biết kỹ về sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu không?

Mọi người ngạc nhiên. Lưu Cơ hỏi:

- Chúa công quan tâm đến Trần Lãm làm gì, định tấn công Bố Hải Khẩu chăng?

Đinh Bộ Lĩnh đáp:

- Đất Vô Công này vừa nghèo, vừa thiếu nhân tài vật lực, ta cứ loanh quanh cố thủ mãi ở đây không phát triển được lực lượng để bình thiên hạ, có khi lại bị người ta tiêu diệt. Cứ tưởng tượng xem Hoa Lư bị bao vây vài tháng, địch không vào được nhưng ta đã chết đói hết rồi. Ta muốn đem quân về sáp nhập với một sứ quân nào đó, ví dụ như Trần Lãm để mở ra một cục diện mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước, lập triều đại mới.

Lưu Cơ nói:

- Từ lâu tôi cũng đã nghĩ như chúa công nên tôi đã tìm hiểu hầu hết các sứ quân, trong đó có Trần Lãm. Trần Lãm hiện nay là một sứ quân hùng mạnh nhất, chiếm cứ một vùng từ phía Nam sông Luộc, kéo dài xuống ven biển Nam Định mà trung tâm là vùng đất Thái Bình với Đại bản doanh là Bố Hải Khẩu. Cha Trần Lãm là Trần Đức, vốn là người Quảng Đông, Trung Nguyên đến định cư ở vùng biển Thái Bình. Đến đời Trần Lãm thì ông mở mang cơ nghiệp, nay thành một hào trưởng hùng mạnh, gia nhân hàng nghìn, quân bản bộ hàng vạn. Trong điền trang của ông, ông chiêu mộ hàng vạn gia đình sinh sống với cuộc sống ấm no. Tiếng tăm và thế lực của Trần Lãm vang dội khắp nơi. Ông lại có lòng nhân đức, biết nhìn nhận thời cuộc, biết thu nhận hiền tài. Tại hạ nghĩ là chúa công nên về với Trần Lãm là tốt nhất.

Đinh Bộ Lĩnh hỏi:

- Thế còn gia đình nhà Trần Lãm như thế nào?

Lưu Cơ đáp:

- Trần Lãm có hai người em trai là Trần Thăng và Trần Nguyên Thái. Trần Lãm không có công tử, chỉ có một tiểu thư.

Lê Hoàn nói:

- Tướng quân Lưu Cơ nói phải, xét về thiên thời, địa lợi nhân hòa để phát triển lực lượng thì chỉ có thể là ven biển Thái Bình Nam Định. Hai nơi đó nối với vùng Hoa Lư, Vô Công của ta thì tạo ra thế và lực liên hoàn rất lớn. Cho nên, mạt tướng đồng ý việc chúa công nên về với Trần Lãm.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Các tướng quân nói phải lắm:

- Bay đâu.

- Dạ, bẩm chúa công.

- Đem giấy mực và bút ra đây

- Dạ.

Có giấy mực, Đinh Bộ Lĩnh lập tức viết thư cho Trần Lãm và giao cho Đinh Điền:

- Ngày mai tướng quân đem thư này, thay mặt ta đến Bố Hải Khẩu trao cho Trần Tướng Công.

- Da, mạt tướng tuân lệnh chúa công.

Trịnh Tú lại rót rượu, các tướng lại cùng Đinh Bộ Lĩnh nâng chén:

- Nào, chúc mừng cuộc hội ngộ của chúa công và Trần Minh Công thành công tốt đẹp.

- Đa tạ, đa tạ…

Tiếng chạm bát vang lên vui nhộn. Các tướng cùng Đinh Bộ Lĩnh lại cạn. Tiếng trống quân doanh đã điểm canh ba. Trăng đã ngã chếch về tây. Đêm khuya, vùng Hoa Lư càng thêm huyền ảo nhưng cũng chứa đựng những bất trắc thời loạn ly không lường trước được.

Trưa hôm sau, tại đại sảnh đường ở Bố Hải Khẩu, Trần Lãm vừa dùng cơm trưa xong đang ngồi ở phòng khách. Chợt có gia nhân vào báo:

- Bẩm chúa công, có tướng quân Đinh Điền mang thư của Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư muốn gặp và trao cho chúa công.

- Cho mời vào.

Đinh Điền đi cùng người gia nhân vào một ngôi nhà sang trọng, lợp ngói vẩy cá, tường quét vôi trắng, những cột nhà gỗ lim người ôm một vòng tay, bàn ghế toàn bằng gỗ tứ thiết chạm khắc hoa văn tinh xảo, khảm ngọc trai sáng bóng. Ngồi ở ghế chủ nhân là một người đàn ông cao lớn, khoảng 50 tuổi, người mập, mặt vuông, môi dầy, mắt sáng, mặc áo dài đen, búi tóc quấn khăn thếp màu đen. Đinh Điền biết đó là Trần Lãm, liền chắp tay thi lễ:

- Mạt tướng Đinh Điền kính chào Trần chúa công.

Trần Lãm đứng dậy đáp lễ:

- Không dám, chào Đinh tướng quân, mời tướng quân ngồi.

- Dạ, đa tạ Trần chúa công.

- Bay đâu

- Dạ.

- Đem nước mời Đinh tướng quân.

Khi Đinh Điền uống xong bát nước, đặt bát xuống bàn. Trong khi người gia nhân rót thêm một bát mới, Trần Lãm hỏi:

- Nghe nói Đinh tướng quân từ Hoa Lư không biết có việc gì hạ cố tới Bố Hải Khẩu của lão phu.

Đinh Điền thưa:

- Dạ, bẩm Trần chúa công, chúa công mạt tướng ở Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh từ lâu đã nghe tiếng tăm của Trần chúa công nên ngày đêm mơ ước được hội kiến. Nay sai mạt tướng tới đây để đặt vấn đề hội ngộ. Xin trình chúa công bức thư của chúa công tôi.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                                                                                     

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-13-a7993.html