Làng tôi vốn là một làng quê thuần nông. Người dân quê tôi trước kia chủ yếu gắn bó quanh năm với đồng ruộng. Họ cũng ít khi giao lưu đây đó. Khi có hàng nông sản cần bán, họ đem bán ở chợ quê, quá lắm lên chợ Bản ở Định Long trao đổi, cái chợ này nổi tiếng là chợ trâu bò, người khắp nơi trong tỉnh cũng đến mua và bán. Người quê chân chất quanh lũy tre làng. Nhưng từ khi làng trở thành huyện lị, lũy tre cũng bỏ đi, người tứ xứ đến xen cùng người gốc, làng cũng "nở mày nở mặt" với các xứ xung quanh.
Ngày tôi còn dạy ở miền núi, nghe mấy anh chị người Thái dạy con bằng tiếng Kinh mà thấy lạ. Tôi hỏi, sao không dạy các cháu bằng tiếng Thái, một chị đồng nghiệp bảo, lớn lên nó sẽ biết. Mặc dù là người Kinh, tôi vẫn cảm giác những người Thái này sẽ bị "đồng hoá", văn hoá dân tộc mình sẽ dần mai một đi thôi. Và hôm nay bỗng dưng lòng tôi thấy băn khoăn, tiếng làng tôi cũng theo lũy tre làng bỏ đi tự bao giờ tôi cũng chẳng hay.
Ngày học đại học, tôi phải cố gắng không lộ ra tiếng làng mình giữa bạn bè cùng lớp đến từ khắp nơi. Giờ học thể dục quốc phòng phải điểm danh, tôi cố nói chuẩn từ "có" đôi khi thấy ngượng mà lệch ra thành "cố", hòng giấu đi tiếng làng mình chỉ nói "cúa" mà thôi. Rồi các bạn bè gọi nhau "cậu, tớ", "bạn, mình", tôi vẫn muốn gọi những đứa bạn là "tau, mi" thấy gần gũi hẳn ra, chứ "tao, mày" đối với quê tôi lại giống người ghét bỏ.
Người trẻ cười thế hệ người già nói tiếng "nặng", giờ người ta đều nói chuẩn phổ thông và nhẹ nhàng êm ái. Người ta rủ nhau đi Hà Nội, Sài Gòn... tham quan danh lam thắng cảnh, chẳng còn mấy người í ới gọi nhau xuống gốc đướn (gốc dưới - gốc cây duối) để mà nhởn ví nhau (chơi với nhau). Bọn trẻ chẳng biết cầm "cái chũn két hè chua khỏi bửn", không biết vị "he he cháy họng của chấy hột tiu"...
Con cháu nghe bà kể chuyện không hề biết "con kha, con chúa", có hôm lại cười sao ngày xưa ông bà không ăn gạo, thóc, cứ lo tìm "cấu, lọ" để làm gì. Lạ đời nữa sao gọi mẹ bằng bu, bằng đẻ, bố lại là thày, hay anh trai của mẹ gọi là "cạu", chị của bố lại là "ua". Chuyện cổ tích làng "nghe buồn cười, không hấp dẫn". Chẳng thể ngờ cây xoan trước cả làng gọi là cây đu, quả bưởi, quả thị thơm lừng là "chấy bưởn", "chấy thậy" ngày xưa...
Lại quay về chuyện ngày trước tôi dạy ở vùng dân tộc thiểu số. Mỗi khi học sinh, phụ huynh nói chuyện với tôi, họ đều nói bằng tiếng phổ thông rất chuẩn, chuẩn hơn tôi, một người Kinh, nói tiếng phổ thông. Nhưng khi họ nói chuyện riêng với nhau, họ lập tức quay ra nói chuyện bằng tiếng Thái, rất tự nhiên và chắc họ cũng rất đỗi tự hào (đó là tôi cảm nhận, chứ chắc họ không nghĩ đến tự hào đâu). Trái lại ở quê tôi, bây giờ trong cuộc trò chuyện, ai nói tiếng quê mình, thì chính những người làng lại cười họ "văn hoá nhà quê".
Tôi không nghĩ to lớn và sâu sắc như Phạm Quỳnh, ông chủ báo Nam Phong: "... tiếng ta còn, nước ta còn...", tôi cũng nhận thức được, xã hội phát triển, nói tiếng phổ thông là xu thế tất yếu. Nhưng cũng đôi lúc tôi lại nghĩ, tiếng nói cũ của làng cũng là một tài sản của ông cha, ngôn ngữ nào rồi cũng chỉ là phương tiện giao tiếp, đánh mất tiếng nói của ông bà như là "một đứt gãy thời gian". Lời khấn đến tổ tiên bằng tiếng phổ thông mà người xưa không hiểu, sao có thể "phù hộ kịp thời" cho cháu con đây!!
Giữa làng quê ngại nói tiếng quê mình, cũng vì ngại người quê mình "nhắc nhở". Bâng khuâng buồn bởi tiếng quê mình lạc lõng giữa quê tôi...
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/co-mot-con-duong-nho-chuyen-ngay-xua-a8015.html