.
KỲ 16.
Sau lễ cưới giữa Đinh Bộ Lĩnh và đại tiểu thư Trần Nương hai hôm, Trần Minh Công họp tướng lĩnh ở Đại sảnh đường. Ông nói với các tướng lĩnh:
- Ta nay đã già, tài cầm quân không bằng hậu thế. Vừa rồi Đinh sứ quân vừa ra quân chỉ một trận đã lấy được Cổ Loa vốn nổi tiếng kiên cố không mấy ai đánh được, đem toàn bộ vùng đồng bằng rộng lớn quan trọng về chiến lược nối với Bố Hải Khẩu, Câu Lậu, Hoa Lư, tạo thế và lực áp đảo có thể không một sứ quân nào đương cự nổi. Để tạo điều kiện cho Đinh sứ quân trong các chiến dịch tiếp theo, sau khi đã bàn bạc với Hội đồng gia tộc, trong đó có tướng quân thúc thúc Trần Thăng, Trần Nguyên Thái, nay ta quyết định trao lại quyền Chủ soái quân đội Bố Hải Khâu và Hoa Lư cho Đinh sứ quân, cho Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh như quân đội đang tôn sùng. Vạn Thắng Vương có ấn tín này sẽ được toàn quyền điều động quân đội tướng lĩnh, toàn quyền thưởng phạt các tướng lĩnh và binh sĩ. Làm như vậy để ta được nghĩ ngơi, lo việc phát triển kinh tế điền trang, cứu giúp bách tính; thứ hai, Vạn Thắng Vương có toàn quyền để phát huy hết tài năng của mình mà chiến thắng, để sớm thống nhất đất nước. Nay thống nhất gọi chung là quân đội Hoa Lư vốn nổi tiếng. Ta mong rằng các tướng quân ủng hộ và chấp hành kỷ luật cho tốt.
Các tướng đứng dậy đồng thanh đáp:
- Chúng mạt tướng xin tuân theo mệnh lệnh của chúa công.
Đinh Bộ Lĩnh vội quỳ xuống:
- Con xin tuân lệnh và sẽ không phụ lòng mong mỏi và ủy thác của nhạc phụ.
Việc Đinh Bộ Lĩnh trở thành con rể của Trần Minh Công và trở thành Chủ soái của toàn bộ quân đội Hoa Lư- Bố Hải Khẩu làm toàn quân nức lòng phấn khởi. Họ tin rằng bằng tài quân sự của mình, Vạn Thắng Vương sẽ đưa toàn quân tới thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước nhanh chóng.
Trần Minh Công nói tiếp:
- Sau Cổ Loa, ta nghĩ rằng Đinh sứ quân nên tiêu diệt hoặc là thu phục Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu. Đằng Châu giáp ranh Bố Hải Khẩu của ta, là một lực lượng to lớn, luôn đe dọa phía Đông Bắc của ta. Địa bàn quản lý của Phạm Bạch Hổ giáp Bố Hải Khẩu lên đến Hồng Châu, An Biên và lên đến tận Lục Châu miền Đông Bắc của đất Việt. Tiêu diệt hoặc thu phục được Phạm Bạch Hổ thì sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh sứ quân là không ai có thể đảo ngược được nữa. Có tướng quân nào hiểu rõ Phạm Bạch Hổ nói thêm cho các tướng quân đây rõ.
Lưu Cơ nói:
- Thưa chúa công, Phạm Bạch Hổ sinh năm 910, quê quán ở Đằng Châu. Cha là Phạm Chiêm, còn gọi là Phạm Lệnh Công, thân mẫu là Đào Thị Hồng, còn gọi là Doanh Nương. Phạm Bạch Hổ sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống võ nghệ, đời đời là hào trưởng đất Trà Hương, Đằng Châu, nổi tiếng cương trực, có chí vì dân, vì nước. Ông nội là Phạm Chí Dũng, là Hồng Châu tướng quân. Anh trai là Phạm Man, tham chính đô đốc, hiện đang phò tá Ngô Xương Xí ở Bình Kiều Ái Châu. Các cháu là Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng là những danh tướng. Phạm Bạch Hổ vốn là khai quốc công thần thời Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ và thời Tiền Ngô Vương. Năm 18 tuổi đã theo và phò tá Dương Đình Nghệ, đã tham gia trận đánh quân Nam Hán ở Đại La năm 931, cùng Tiền Ngô Vương đánh bại và tiêu diệt Thừa Chỉ Trần Bảo, tướng Nam Hán sang cứu viện năm 931, đã tham gia đánh Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn năm 938, tham gia trận thủy chiến Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán năm 938. Được Tiên Ngô Vương phong là Châu Mục Đằng Châu, lại phong là Phòng Át tướng quân trấn giữ toàn cõi Đông Hải từ Đằng Châu, An Biên tới Lục Châu. Khi Dương Tam Kha làm chính biến soán ngôi năm 945, Phạm Phòng Át là người che dấu cho Nam Sách Vương và trở thành nhạc phụ của Nam Sách Vương, tức là ông ngoại của Ngô Xương Vương, hiện nay và là ông ngoại của nhà sư nổi tiếng đương thời là Ngô Chân Lưu, tức là Ngô Xương Tý, em Ngô Xương Vương. Đúng như chúa công nói, trong các sứ quân hiện nay thì thế lực của Phạm Bạch Hổ rất lớn, lại có bề dầy thanh thế chính trị, liên quan đến hai họ thế lực là Dương và Ngô.
Trần Minh Công nói:
- Đa tạ tướng quân Lưu Cơ, không hổ danh là quân sư của Đinh sứ quân. Quân sư có nắm chắc thân thế sự nghiệp của tất cả các sứ quân như nắm chắc Phạm Bạch Hổ không?
- Dạ mạt tướng không dám, nhưng nếu khi nào chúa công cần thiết thì cho phép mạt tướng mạo muội trình bày.
Trần Minh Công nói:
- Quân sư khá lắm, biết người biết địch thì trăm trận trăm thắng. Trước khi đánh sứ quân nào, các tướng quân phải hiểu rõ thân thế, sự nghiệp, tính cách và đặc biệt là cái tâm và đạo. Người có tâm, có đạo vì dân vì nước thì nên chiêu hàng, thu phục để đỡ tốn xương máu của con em. Đối với Phạm Bạch Hổ ta nên như thế nào đây?
Đinh Bộ Lĩnh nói:
- Dạ, thưa nhạc phụ, vậy là lực lượng của Phạm Bạch Hổ không kém lực lượng ta. Cuộc chiến giữa ta và Phạm Bạch Hổ nếu ta thắng lợi thì tổn thất của ta cũng không phải là nhỏ. Ta có thể không đủ lực mà đánh dẹp các sứ quân khác. Con cho rằng tốt nhất làm sao cho Phạm Bạch Hổ quy hàng. Khi đó không thiệt hại mà lại được thêm lực lượng của Đằng Châu, ta đủ sức đánh dẹp các sứ quân khác.
Trần Minh Công hỏi:
- Đinh Sứ quân có kế sách gì cho Phạm Bạch Hổ quy thuận không?
Đinh Bộ Lĩnh đáp:
- Dạ, thưa nhạc phụ, căn cứ vào tính cách của Phạm Bạch Hổ là cương trực, có lòng vì dân vì nước, ít tham vọng bá vương thì ta lấy chính nghĩa của ta là thống nhất đất nước, chấm dứt nội chiến để bách tính sớm thoát khổ nạn binh đao thì Phạm Bạch Hổ chắc đồng ý quy thuận.
Trần Minh Công nói:
- Được, ta giao việc này cho con, là thống soái thì tự quyết định đi.
- Dạ, đa tạ nhạc phụ.
Đằng Châu, trong tư dinh của Phạm Bạch Hổ ở Trà Hương, sau bữa ăn sáng, Phạm Bạch Hổ đang ngồi uống trà thì có gia nhân vào báo:
- Dạ, bẩm chúa công có sứ quân của Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu tới xin gặp.
- Cho vào.
- Dạ.
Sứ giả vào. Phạm Bạch Hổ nhìn ra thì là một võ tướng. Võ tướng cúi đầu chắp tay thi lễ:
- Mạt tướng là Phạm Thành, bộ tướng của Đinh sứ quân, muốn trao cho chúa công bức thư của Đinh sứ quân.
- Miễn lễ, tướng quân ngồi đi. Bay đâu rót nước!
- Dạ, đa tạ chúa công.
Trong khi Phạm Thành uống nước thì Phạm Bạch Hổ bóc thư ra đọc. Thư viết: “Kính gửi Phạm Phòng Át tướng quân, mạt tướng là Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư nghe đại danh của Phạm Phòng Át tướng quân từ lâu, đại công thần của Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ, Đại công thần của ba triều Ngô Vương, góp vào các chiến công hai lần đánh bại quân Nam Hán, giành lại độc lập cho nước nhà. Nay vận nước đang lúc khó khăn, nước nhà chia năm sẻ bảy, vì quyền lợi cá nhân, các sứ quân gây ra cảnh nồi da nấu thịt, bách tính điêu linh cực khổ vì nạn binh đao. Trong khi đó, cục diện 5 đời 10 nước bên Trung Nguyên đang hồi kết thúc. Bất kỳ một triều đại nào thống nhất Trung Hoa mà Nước Việt ta còn chia cắt thì làm sao đủ sức chống nổi sự xâm lăng của giặc. Nguy cơ mười mươi đã rõ rành rành. Cho nên phải thống nhất đất nước là yêu cầu bức thiết, quyết định tồn vong của dân tộc. Mạt tướng là sứ quân ở Hoa Lư nhưng đã về với Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu để nhằm thực hiện mục đích trên nhằm cứu nguy dân tộc. Trần Minh Công không màng vinh thân phì gia mà canh cánh một một nổi niềm lo cho an nguy của dân tộc. Phạm chúa công là một lão thần, đã suốt đời chiến đấu vì đất nước, hẳn cũng đã mang cái lo của dân, của nước. Nếu Phạm chúa công mà cùng hợp tác với Trần Minh Công thì sẽ tạo nên một sức mạnh khả dĩ thu phục được các sứ quân khác, nhanh chóng thống nhất đất nước, tạo phúc cho đất nước và cho muôn dân, lưu danh sử sách, rạng danh tiên tổ. Kính mong chúa công suy xét vì lợi ích của quốc gia.
Nay kính thư. Đinh Bộ Lĩnh”.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a8058.html