Hành khất đại hiệp

Trong đoàn hát của Bầu Chí Tâm Hoa Anh Đào (1983) kịch bản chủ lực hát đêm đầu tiên là vở Trăng Soi Cổ Tháp, một kịch bản dã sử kiếm hiệp của soạn giả Yên Lang (tên trước 1975 là Nắng Thu về Ngõ Trúc) mà vai chánh là Vũ nguyên Phong (Bửu Ngọc đóng) một lãng tử yêu cô Quận chúa Hoàng Oanh (Phương Linh) em gái của một Vương gia Triều Tống (Hữu Thìn).

Nhưng vai diễn của gã hành khất mù thầy của Vũ Nguyên Phong, võ nghệ cao cường trong kịch bản thì không ai hát qua anh Hai Chí (diễn viên Long Giang Bảo)thậm chí nhiều người nói nếu anh nghỉ đoàn này thì chắc dẹp tuồng hát đó vì không tìm được người thế anh hát vai lão Hành khất mù.

Vợ anh, chị Hai Nhành gốc là một đào hát bội, vào cải lương thì chuyên hát các vai đào mụ. Vợ chồng anh có thằng con trai tên Hải mặt mày cũng sáng sủa dễ thương, nó từ nhỏ lớn lên trong gánh hát nên nó cũng có ước mơ sau này trở thành kép hát nhưng cái hơi ngỗng đực vì vậy nó chỉ đóng được vai... quân sĩ.

hanh-khat-1636604786.jpg

 

Hai mẹ con Má Bảy và thằng Được coi âm thanh nghỉ nấu cơm hội về quê ở Phú Hòa, thế là chị Hai lãnh luôn phần nấu cơm hội để có thêm thu nhập. Mà chị không nhận thì cũng chẳng ai chịu nhảy vô gánh phần củi lửa này vì nấu cơm cho gánh hát cực trần thân lai khổ.

Trong đoàn ai cũng kính trọng anh chị, ngoài đời và sân khấu anh chị không mích lòng ai, lúc tập tuồng thì nghệ sỹ nào hỏi về chuyên môn anh cũng chỉ dẫn nhiệt tình. Đến khi hết ai chịu coi cải lương Bầu Chí Tâm nhảy qua làm Tạp kỷ Ca múa nhạc tổng hợp. Thế là những người nghệ sỹ già như gia đình anh chị  phải "lên bờ" (cách gọi của dân theo ghe hát) tìm cách mưu sinh. Kép Lão Kiều Quốc Thanh thì toàn gia thê tử hơn chục người tá túc nhà người bạn ở gần Đình Phú Hòa, ai còn trẻ bay nhảy thì tìm đoàn khác, riêng anh chị thì về bến Đình ở Chắc cà Đao mua chiếc ghe nhỏ đậu nhờ ở bến sông Đình.

Một buổi sáng đang ngồi đánh cờ với mấy người bạn ở gần bến đò Công chánh Long Xuyên, bỗng nguyên một bàn tay đưa vào mặt tôi nguyên xấp vé số và nói:

- Anh Nhạc sỹ ơi mua giúp kẻ đui này vài chục tờ vé số mua gạo được không vậy?

Bực mình và theo phản xạ tôi đưa tay gạt nhưng hình như hắn có võ nên dễ dàng thoát khỏi cái gạt của tôi. Mà ai mà biết tôi là nhạc sỹ mà gọi? Nhìn kỷ  thấy anh, tôi thảng thốt  kêu lên:

- Trời ơi... "Hành khất đại hiệp" Long Giang Bảo.

Tay bắt mặt mừng kéo nhau ra quán cà phê anh kể :

- Bây giờ anh chị về đậu nhờ ghe ở bến Đình có ai kêu hát (hát bội) thì đi, xong lại về tại bến. Hàng ngày anh lội từ Chắc cà đao xuống Long xuyên bán vé số cũng kiếm cơm được, thằng Hải nó có vợ và ở bên vợ luôn rồi.

Hai anh em ngồi nhâm nhi ly cà phê bồi hồi nhắc nhau những ngày phiêu bạt. Tôi nhắc anh kỷ niệm hai anh em hát chung trong kịch bản Kiếm sỹ Trùng Quang (soạn giả Phong Quang) anh hát vai Trương Hạ, một tướng của giặc Ngô còn tôi hát vai Xì lẩu một tùy tùng là một vai hề tưng tửng, khi hai thầy trò bị nghĩa quân rượt chạy trối chết Trương Hạ mới hoàn hồn kêu thuộc hạ là Xì Lẩu điểm danh xem phe ta ai mất ai còn, đọc tên nào cũng chẳng có ai dạ, đọc tới Trương hạ thì anh dạ lớn, hai thầy trò mới phì cười vì Trương Hạ bị rượt quên cả tên của mình.

Trương Hạ hỏi:

- Mày có lộn ai không tao nhớ tao đâu phải tên Trương Hạ?

Tôi nhanh miệng:

- Trời ơi có hình nè, sao mà lộn được đại quan.

Anh hỏi:

- Hình tao đâu đưa coi?

Tôi lật cái tấm vải lụa trên tay  "gát chéo" hai ngón tay nói:

- Giống cái mặt đại quan y chang luôn mà..

Lúc đó anh bật cười sằng sặc vì bất ngờ nên chịu không nổi cái rắn mắt của tôi.

Chị Hai Nhành cũng có lần hát chung với tôi trong tuồng Tô Anh Võ ở đoàn Thoại Sơn của Bầu Chí Hồng .

Tuồng như vầy:

- Tô anh Võ ở với mẹ mình ngay chân núi, sống nghề chăn dê anh tình cờ cứu được  cô gái xinh đẹp tênTuyết Mai và mang về nhà sống chung. Một lần Tô anh Võ dẫn người ân nhân cũng là anh em kết nghĩa của mình là Hà Trung Tín đến nhà chơi. Trung Tín tưởng Tuyết Mai là em gái của Tô Anh Võ nên ngõ ý hỏi cưới, vốn tánh khờ và đang say rượu nên Anh Võ hứa gả Tuyết Mai. Ba của Trung Tín là Hà lão Nhân mang sính lễ qua rước dâu, chị Hai Nhành hát vai người mẹ vì bảo vệ danh dự của con trai nên đành ngậm ngùi gả người con gái mà mình đã chọn làm con dâu. Tôi được Bầu giao cho hát vai Hà Lão Nhân lúc rước dâu đi ngoái lại thấy người mẹ đang nghẹn ngào (sắp ca vọng cổ) tôi quay lại an ủi (phần này không có trong kịch bản)

- Chị sui đừng buồn, con gái chị bây giờ là con dâu của tui. Nhà tui nhà chị cũng gần, có nhớ con thì chịu khó lội vài dặm đường là tới... Hay chị sợ không ai chăm sóc bầy dê của chị? Đừng ngại, nhà tui cũng có nuôi dê lấy sữa, hôm nào chị qua thăm con tui đãi chị uống ngày mấy cữ cũng được...

Chuyện chị Hai Nhành ghiền sữa dê thì ít ai biết, vì vậy lúc tôi vừa quay đi thay vì khóc để vô câu vọng cổ chị lại gục xuống cười sằng sặc... (khán giả không ai biết) màn kéo rồi chị cứ cười hoài và chỉ vào mặt tôi nói:

- Cái thằng sui mắc dịch... nhây như quỷ ai mà chịu nổi.

Hỏi sao không lên bờ mà xuống ghe anh cười :

- Theo gánh hát mấy chục năm giấy tờ tùy thân cũng đâu còn, thôi thì sống được mấy năm nữa đâu mà lên bờ chi cho lu bu chú ơi.

Khi chia tay anh vỗ vào vai tôi nói:

- Cho anh gởi lời thăm thím và mấy đứa nhỏ nhe. Hôm nào vợ chồng em lên Chắc cà đao ghé ngay bến sông là gặp chiếc ghe của anh chị liền.

Vậy mà mấy năm sau tôi mới ghé thăm anh. Dưới bến Đình không có chiếc ghe nào của vợ chồng anh? Hỏi thăm thì người ta cho biết:

- Hai ông bà ở ghe hát chết hết rồi... thằng con trai đem chiếc ghe đi mất luôn...

Tôi chợt cay đôi mắt... bỗng thấy mình có lỗi với anh, với chị...

Tại cuộc sống vất vả mưu sinh nuôi bầy con đang lớn hay tại vì tôi sống quá vô tình? Biết đâu gặp mình sớm hơn thì mình có thể giúp gì được cho anh chị hay không?

Mới đây hay tin xóm Đình ở Chắc cà đao đang bị phong tỏa cách ly, nếu vợ chồng anh còn sống thì chắc mình sẽ tìm đến thăm và ôm theo thùng mì cứu đói. Nhớ lắm, lão "Hành khất đại hiệp" một thời gạo chợ nước sông./.

Theo Chuyện Quê 

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-khat-dai-hiep-a8089.html