Kỳ 18.
Rồi chiêng trống thanh la vang động, 3 vạn quân xuất phát đi về hướng Nam. Phạm Cự Lượng đi tiền quân, Phạm Hạp đi hậu quân, Đinh Bộ Lĩnh và Phạm Bạch Hổ đi trung quân, Bụi cuốn, gió thổi, cờ bay rợp trời, quân đi trong nắng. Bách tính hai bên đường biết là quân của Phạm Phòng Át liền đem nước, rượu, bánh đứng hai bên đường úy lạo.
Được thám mã về báo, Trần Minh Công ra lệnh cho đại bản doanh Bố Hải Khẩu chuẩn bị đón tiếp. Do đó, khi quân Đằng Châu đến thì Phạm Bạch Hổ, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng và toàn thể quân đội được Trần Minh Công và các tướng đón tiếp trọng thị. Tướng lĩnh và quân đội hai bên tiệc thâu đêm suốt sáng mừng cuộc hội ngộ có một không hai. Từ đó, quân Đằng Châu và các tướng lĩnh kết hợp với quân Hoa Lư- Bố Hải Khẩu, đặt dưới sự chỉ huy của Đinh Bộ Lĩnh, tạo nên một sức mạnh vô địch, một đối sánh lực lượng vượt xa các sứ quân khác để Đinh Bộ Lĩnh chiến thắng họ, thống nhất đất nước, thiết lập một triều đại mới.
Sau khi ở Bố Hải Khẩu về lại Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh Cho Đinh Liễn, Trịnh Tú cùng ra tham chiến mặt trận phía Bắc, cử Đinh Đức Đạt, Đinh Đức Thông, có Phạm Bạch Hổ giúp sức bảo vệ Hoa Lư và Vô Công. Ra đến nơi, Đinh Bộ Lĩnh chủ trương tiến đánh các sứ quân gần Cổ Loa và Đại La để bình định hết Giao Châu. Trong cuộc họp tướng lĩnh ở Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh hỏi quân sư Lưu Cơ:
- Trận chiến tới ta muốn trước tiên đánh dẹp Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt. Quân sư có biết tường tận về Nguyễn Siêu nói cho các tướng lĩnh cùng nghe.
Lưu Cơ nói:
- Dạ bẩm Vạn Thắng Vương, Nguyễn Siêu là người Việt gốc Hán. Ông Nguyễn Siêu là Nguyễn Hãng, người Đà Dương, Phúc Kiến, Danh tướng Bắc Triều. Cha Nguyễn Siêu là Nguyễn Nê, đem quân qua đất Việt đòi Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ phải triều cống. Nhưng Nguyễn Nê đã ở lại đất Việt và lấy vợ người Việt sinh ra ba người con trai trong các năm 906, 908 và 924. Đó là Nguyễn Siêu, Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Tiệp. Lớn lên, ba người này nhiều của cải tiền bạc, nhiều quân. Từ năm 945 đến nay, họ trở thành ba sứ quân chiếm cứ ba vùng. Lãnh thổ của Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, Thanh Trì, Giao Châu, cách Cổ Loa khoảng 20 dặm về phía Nam, địa bàn rộng khoảng 40 dặm vuông. Thành lũy bên ngoài là những lũy tre gai dày đặc, bên trong lũy tre là tường bằng đất nện dài khoảng 5 dặm kéo từ làng Việt Yên đến Ngọc Hồi. Bên trong chiến Lũy là tổng hành dinh của Nguyễn Siêu và doanh trại của binh lính. Binh lính của Nguyễn Siêu khoảng 1 vạn và 8000 võ sĩ. Đây được gọi là căn cứ Tây Phù Liệt.
Đinh Bộ Lĩnh nói;
- Chúng ta phải tiêu diệt Nguyễn Siêu và căn cứ Tây Phù Liệt. Nay ta cử Nguyễn Bộ làm chủ tướng, Nguyễn Phục làm phó tướng cùng hai tướng Đinh Thiết và Cao Sơn tiến về Tây Phù Liệt, tiêu diệt Nguyễn Siêu, mở ra hành lang Tây Nam thông Cổ Loa với Hoa Lư và Bố Hải Khẩu.
Bốn tướng nói:
- Xin tuân lệnh chúa công.
Nguyễn Bộ và ba tướng dẫn 2 vạn quân về Tây Phù Liệt. Quân Hoa Lư đến gần địa phận làng Việt Yên, nơi con đường nhỏ, có bãi rộng nhưng cây cối um tùm rậm rạp. Tướng Nguyễn Phục nói với Nguyễn Bộ:
- Qua con đường hẹp có bãi rộng cây cối um tùm, tướng quân đề phòng có mai phục.
Nguyễn Bộ nói:
- Nguyễn Siêu chỉ là con chuột trong lũy tre làng ở Tây Phù Liệt, nghe đến danh tiếng quân Hoa Lư đã rụng rời khiếp vía, còn đâu ý chí nữa mà mai phục.
Tướng Cao Sơn nói:
- Tướng Nguyễn Phục nói phải đấy thưa chủ tướng. Chủ tướng nên cử vài trăm lính đi do thám tình hình rồi tiến quân cũng chưa muộn.
Nguyễn Bộ nói miễn cưỡng:
- Cứ làm vậy đi.
Rồi cử 100 lính kỵ binh và bộ binh và ra lệnh:
- Các ngươi đi đến vùng có bãi rậm xem có mai phục không rồi về báo cho ta!
- Dạ, tuân lệnh tướng quân.
Một trăm lính kỵ binh và bộ binh đi qua bãi rộng an toàn rồi quay lại bẩm báo:
- Dạ, bẩm tướng quân chỉ toàn cây cỏ ếch nhái, không có quân mai phục.
Các tướng Hoa Lư yên tâm thúc quân hành quân tiếp. Khi đại quân Hoa Lư đã lọt hết vào bãi rậm, thốt nhiên có vài phát tên châm lửa bắn lên không trung. Quân Hoa Lư chưa kịp nhận ra điều gì xẩy ra thì từ bốn phía liên tục những trận mưa tên dội vào. Quân Hoa Lư liên tục gục xuống trong hoảng loạn rồi lại gục xuống. Thây đổ ngổn ngang, máu chan hòa mặt đất và cây lá. Bốn tướng Hoa Lư bị trúng tên mà chết. Khi đó quân Nguyễn Siêu mới xông ra chém giết. 2 vạn quân Hoa Lư chỉ 5000 người sống sót chạy về. Đó là lần thất bại tổn thất lớn đầu tiên của quân Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh được tin tức giận kêu lên:
- Ta đã giao nhầm trọng trách cho Nguyễn Bộ, đã làm mất 2 vạn quân và bốn đại tướng đã cùng ta chung gian khổ từ thời niên thiếu.
Ngay lập tức, Đinh Bộ Lĩnh cho Đại tướng Nguyễn Bặc dẫn 1 vạn quân đi tiên phong, Lê Hoàn chỉ huy 8000 quân tiếp ứng, Phạm Hạp chỉ huy 7000 quân hỗ trợ cho các cánh quân. Tất cả do Đinh Bộ Lĩnh làm thống soái tiến đánh Tây Phù Liệt để trả thù cho 1,5 vạn quân và bốn Đại tướng bị Nguyễn Siêu giết hại. Quân đi như nước tràn gió cuốn, chân người ngựa rung chuyển mặt đất. Cờ vàng thêu hình bông lau bay phấp phới, vũ khí sáng lóa ngút trời.
Thám mã về báo cho Nguyễn Siêu:
- Cấp báo, cấp báo, bẩm chúa công, quân Hoa Lư do Đinh Bộ Lĩnh làm chủ soái đang tiến như vũ bão về phía ta.
Tướng Nguyễn Tri Khả nói với Nguyễn Siêu:
- Thế giặc rất mạnh, theo mạt tướng, chúa công cần cho người sang cầu cứu sứ quân Lý Khuê và Lã Đường bên kia sông Hồng thì mới có thể chống được với Đinh Bộ Lĩnh. Khi đó, ta bên trong đánh ra, bên ngoài quân cứu viện đánh vào thì sẽ bắt được Đinh Bộ Lĩnh.
Lý Khuê hỏi:
- Ai dám đem 100 võ sĩ vượt sông Hồng sang bờ Bắc cầu viện Lã Đường và Lý Khuê?
Trần Côn nói:
- Mạt tướng xin đi
Rồi Trần Côn nhanh chóng xuống thuyền. Khi đó quân Hoa Lư chưa bao vây mặt sông, nhưng khi thuyền ra giữa sông thì bị một cơn lốc to làm thuyền và 100 lính Nguyễn Siêu dạt trôi vào bờ và bị quân Hoa Lư bắt. Đinh Bộ Lĩnh hỏi Trần Côn:
- Các ngươi sang bờ Bắc làm gì, nói thật ta tha mạng.
- Dạ, bẩm chúa công, Nguyễn Siêu sợ chúa công, cho chúng tôi sang bờ bắc cầu cứu Lý Khuê và Lã Đường tiếp viện.
Đinh Bộ Lĩnh bảo Lê Hoàn:
- Tướng quân đem chúng vào trong bảo chúng cởi hết quân phục, cả binh phù và vũ khí.
Trần Côn hoảng sợ:
- Xin chúa công tha mạng, mạt tướng chỉ là tiểu tướng, chỉ vâng lệnh thôi ạ.
Đinh Bộ Lĩnh cười:
- Ta không giết các ngươi, chỉ là mượn quân phục của các ngươi thôi. Tướng quân lấy quân phục của ta cho chúng mặc rồi cho chúng ăn tử tế.
Trần Côn và 100 lính chắp tay rập đầu vái lạy:
- Đa tạ chúa công, đa tạ…
Lê Hoàn đem 100 bộ quân phục sắc lính của Nguyễn Siêu ra và hỏi:
- Chúa công có mưu kế gì chăng?
Đinh Bộ Lĩnh nói:
- Cơn dông giữa sông là trời cho đêm nay ta giết được Nguyễn Siêu. Tướng quân cho 100 võ sĩ của ta mặc quân phục này vào, đem theo đủ binh phù của Nguyễn Siêu lọt vào trong chiến lũy, canh ba đốt doanh trại, mở cổng chiến lũy cho đại quân tràn vào chém giết.
Lê Hoàn nói:
- Diệu kế, diệu kế.
(Còn nữa)
CVL
PGS TC Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-18-a8098.html