Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinh-tien-hoang-51-1636771269.jpg
Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 19.

Liền chọn 100 võ sĩ mặc quân phục, mang phù hiệu quân Nguyễn Siêu và đi vào chiến lũy. Lính canh cửa quát:

- Dừng lại, quân nào?

Nguyễn Đoàn người chỉ huy 100 lính giả của Nguyễn Siêu mắng:

- Ngươi mù không thấy quân phục quân ta à? Chúng ta vâng lệnh chúa công đi cầu cứu quân của sứ quân Lã Đường, Lý Khuê về, rõ chưa.

Tên lính gác cả sợ:

- Dạ, tối quá không thấy gì, xin tướng quân đại xá.

100 võ sĩ Hoa Lư lọt vào chiến lũy. Bên ngoài, quân Hoa Lư đã bao vây chiến luỹ chờ tín hiệu là xông vào. Canh ba, quân Hoa Lư bên ngoài trông thấy doanh trại của quân Nguyễn Siêu bốc cháy, tất cả các cánh cổng bốn hướng đều mở toang. Quân Hoa Lư xông vào chém giết. Quân Nguyễn Siêu náo loạn chống cự yếu ớt. Tiếng reo hò, tiếng trống thúc ngũ liên, tiếng tù và, tiếng binh đao chạm nhau khô khốc, tiếng kêu rống lên và thây đổ vật xuống. Những ngọn lửa khói bốc cao lưng trời sáng rừng rực khắp Tây Phù Liệt, thây đổ máu tuôn thảm khốc. Nguyễn Siêu bị Lê Hoàn giết chết ngay tại trận, còn khoảng 2000 quân hạ vũ khí đầu hàng quân Hoa Lư. Các tướng Tây Phù Liệt Nguyễn Tri Khả, Đỗ Cư, Hữu Dực, Nguyễn Hiền đều tử trận. Đó là ngày 15 tháng 7 năm 967.

Tháng 8 năm 967 mùa thu đang đến với đất Việt và thành Cổ Loa, gió lạnh đã về, những lá vàng trút xuống đầy lối đi. Xa xa Tam Đảo, Ba Vì mờ mờ sương trắng. Thành Cổ Loa vươn mình lên bầu trời xám, vài đàn chim đang mải miết bay về phương Nam tránh rét. Trong đại điện của Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh đang họp các tướng lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Trận chiến sắp tới chúng ta phải tiêu diệt sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, chúa tể ở Đỗ Động Giang, Thanh Oai, Giao Châu. Nếu chúng ta làm chủ vùng này thì thêm một địa bàn nối thông với Hoa Lư và Bố Hải Khẩu. Đây là một sứ quân có lực lượng hùng mạnh. Quân sư Lưu Cơ có biết nhiều về Đỗ Cảnh Thạc không?

Lưu Cơ đáp:

- Bẩm Vạn Thắng Vương, Đỗ Cảnh Thạc vốn người Việt gốc Hoa, cha là Đỗ Thục người Quảng Lăng, Giang Tô, mẹ là Trần Thị Thọ, người Việt, quê ở Đỗ Động Giang. Thời Ngũ đại thập quốc, tương đương thời tự chủ của An Nam, Đỗ Thục sang đất Việt lấy vợ người Việt và sinh ra Đỗ Cảnh Thạc năm 912. Năm 937 Đỗ Cảnh Thạc vào Ái Châu theo Tiền Ngô Vương, tham gia trận Bạch Đằng năm 938 góp phần đánh bại quân Nam Hán, Năm 939 được Tiền Ngô Vương phong là Chỉ huy sứ. Năm 950 Đỗ Cảnh Thạc cùng Dương Cát Lợi lật đổ Dương Tam Kha, đưa Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn lên ngôi. Năm 965 khi Ngô Xương Văn tử trận, Lã Tử Bình chuyên quyền, Ngô Xương Xí về Bình Kiều, Ái Châu, Đỗ Cảnh Thạc rời Cổ Loa về quê nhà là Đỗ Động Giang, Quốc Oai và Thanh Oai, Giao Châu, cách Cổ Loa khoảng 80 dặm về phía Tây. Tại đây, Đỗ Cảnh Thạc đã xây dựng thành Quèn, còn gọi là thành Đỗ Động và đồn Bảo Đà, cách thành Quèn 10 dặm, trở thành một sứ quân có lực lượng mạnh, tự xưng là Đỗ Cảnh Công, lập hành cung tới 72 trị sở, đóng chiến thuyền, tích tụ lương thực, chiếm cứ một vùng rộng lớn bao gồm trung du và đồng bằng, địa bàn nhiều sông ngòi phức tạp.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Như vậy Đỗ Cảnh Thạc là công thần ba triều nhà Ngô, thế lực và uy tín rất lớn. Chủ trương của ta và của Trần Minh Công là chiêu hàng. Ai hàng thì thu nạp để đỡ tốn xương máu. Ta đã gửi thư cho Đỗ Cảnh Thạc với lời lẽ khiêm tốn là cùng hợp tác để lo sự nghiệp thống nhất đất nước nhưng ngài ấy từ chối và hẹn quyết chiến. Các tướng quân có kế gì đánh bại được Đỗ Cảnh Thạc không?

Nguyễn Bặc nói:

- Đỗ Cảnh Thạc thế lực mạnh cho nên mộng bá vương rất lớn chứ không nhìn toàn cục vì lợi ích quốc gia nên không dễ gì mà thuyết hàng phục. Vì vậy, ta phải vào hang cọp mới bắt được cọp. Cái yếu trong bố phòng của Đỗ Cảnh Thạc là thành Quèn cách Bảo Đà 10 dặm. Chúng ta dùng cách phân tán lực lượng của Đỗ Cảnh Thạc ra mà đánh. Ta chia quân tấn công cả thành Quèn và đồn Bảo Đà làm cho Đỗ Cảnh Thạc Bắc Nam không cứu được nhau thì sẽ bị tiêu diệt.

Lê Hoàn nói:

- Nếu như Đỗ Cảnh Thạc ở Thành Quèn hay ở Bảo Đà thì nên tập trung toàn bộ binh lực tấn công nơi đó, bắt được Đỗ Cảnh Thạc và tiêu diệt được lực lượng trung tâm thì 72 trại quân của ông ta cũng phải đầu hàng.

Đinh Bộ Lĩnh nói;

- Tướng quân nói phải lắm, nhưng vấn đề là Đỗ Cảnh Thạc hiện đang ở thành Quèn hay là Bảo Đà. Quân ta hiện có 5 vạn, Đỗ Cảnh Thạc chí ít cũng 4 vạn nhưng phân tán nhiều nơi. Ta tập trung đánh vào nơi có Đỗ Cảnh Thạc. Đỗ Cảnh Thạc thất bại thì toàn bộ hệ thống 72 quân doanh sẽ sụp đổ. Thám mã đâu.

- Dạ, bẩm chủ soái

- Ngươi dẫn 5 võ sĩ đi về Đỗ Động Giang dò xem Đỗ Cảnh Thạc hiện đang ở thành Quèn hay Bảo Đà. Ta sẽ gặp ngươi ở dọc đường hành quân. Rõ chưa?

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Thám mã đi rồi, Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh 5 vạn quân, cử Lê Hoàn và Phạm Hạp đi tiên phong, Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng Đinh Võ Trung, Lưu Cơ đi trung quân tả hữu, Đinh Điền, Phạm Cự Lượng đi hậu quân tiến về hướng Tây Nam Cổ Loa, tiến về Đỗ Động Giang. Người ngựa đi rung chuyển đường đất, cờ bay rợp trời theo gió thu. Quân Hoa Lư vừa chiến thắng Lã Tử Bình, Nguyễn Siêu, thu phục được Phạm Bạch Hổ nên bước đi ngạo nghễ của một đội quân bách chiến bách thắng với chủ soái của họ được binh sĩ gọi là Vạn Thắng Vương. Dọc đường thám mã về báo cho Đinh Bộ Lĩnh:

- Dạ, bẩm chủ soái, Đỗ Cảnh Thạc hiện ở thành Quèn ạ.

Đinh Bộ Lĩnh hạ lệnh:

- Toàn quân tiến về thành Quèn!

- Dạ, tuân lệnh chủ soái.

Xế chiều, quân Hoa Lư đã trông thấy thành Quèn sừng sững dưới trời Đỗ Động Giang, hai mặt của thành tựa lưng vào sông Tích, hai mặt còn lại núi đồi không cao lắm bao quanh. Nơi giáp giữa chân thành và đồi là đầm lầy. Trên thành những lá cờ vàng mang chữ Đỗ Cảnh Công bay trong nắng gió. Kỳ lạ là không thấy Đỗ Cảnh Thạc đem quân ra ngoài thành giao chiến. Cửa thành đóng im ỉm và trong thành thì im lặng một cách đáng ngờ vực. Đinh Bộ Lĩnh cho rằng Đỗ Cảnh Thạc đang dùng chiến thuật cố thủ giữ thành. Đinh Bộ Lĩnh hạ lệnh cho quân tràn xuống bao vây thành. Quân tiên phong của Lê Hoàn chặt cây làm thành chiếc cầu nhỏ trên mặt đầm lầy cho đại quân xông vào bao vây thành. Trên thành vẫn không một mũi tên, một hòn đá bắn xuống, không một sự kháng cự nào. Quân Hoa Lư dùng những cây gỗ đâm mạnh vào cổng, cổng thành mở toang, quân Hoa Lư xông vào nhưng toàn thành trống không, không một bóng người, không một sự sống. Quân Hoa Lư đang ngạc nhiên thì thốt nhiên trên những ngọn đồi tiếng chiêng trống thanh la vang trời và xuất hiện 4 vạn quân của Đỗ Cảnh Thạc đã hình thành thế bao vây quân Hoa Lư và họ có lợi thế hơn vì ở trên cao. Thì ra Đỗ Cảnh Thạc biết thế nào quân Hoa Lư cũng tấn công thành Quèn nên đã biến thành Quèn thành cái bẫy. Đỗ Cảnh Thạc cho quân và dân rút ra ngoài hết. Trong thành không để lại lương thực, nước uống, vũ khí. Quân Hoa Lư hai bên đã bị sông Tích vây chặn, còn hai bên đồi núi thì đã bị quân Đỗ Cảnh Thạc bủa vây. Đỗ Cảnh Thạc trù tính vài ngày nữa quân Hoa Lư sẽ chết đói, chết khát mà tan vỡ.

(Còn nữa)

CVL

       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-19-a8114.html