Cơ quan tôi ở Hoàng Quốc Việt nên mỗi tuần; 5 hoặc 6 ngày tôi phải đi ngang qua chợ Bưởi khi đi làm buổi sáng và trở về nhà cũng đi ngang chợ Bưởi vào buổi chiều. Lúc đi tôi thường đi đường Thụy Khuê; lúc về tôi hay theo đường Hoàng Hoa Thám nên mỗi ngày gần như tôi vòng quanh chợ Bưởi một lần.
Chợ Bưởi giống như một chợ quê nằm ở nội thành Hà Nội. Quê từ con giống, cây trồng, dụng cụ lao động bán ở chợ; quê đến cách giao tiếp thật thà chân quê của người bán với người mua. Quê từ chợ có phiên theo ngày của lịch âm (mồng 4; mồng 9; 14; 19; 24; 29. Tháng 6 phiên); quê đến cái tên của chợ “Chợ Bưởi; nghe nói là vì ngày xưa bưởi trôi theo sông về bến chợ rất nhiều nên chợ được đặt tên là Bưởi” và quê nhất là không gian của chợ (chợ ở trong nhà cầu của chợ; chợ lan cả ra đường làng, đường phố - rất là quê).
Vỉa hè phố Thụy Khuê; đối diện với chợ Bưởi; ngày xưa luôn có hàng bán dao; kéo; cuốc; xẻng; liềm; búa…; kế bên là hàng bán quang gánh, thúng mủng, rổ rá. Chếch về phía trường mẫu giáo Bình Minh là hàng bánh rán ngon có tiếng của chợ Bưởi (hay Thụy Khuê); đầu tiên chỉ có bánh ngọt, sau chắc do nhu cầu của khách hàng nên nhà hàng làm cả bánh mặn. Từ khi chợ Bưởi phải đập đi để xây mới thì hàng bánh rán đó đã chuyển về ngõ 242 Lạc Long Quân. Khách hàng vì nhớ bánh rán chợ Bưởi nên tìm đến 242 LLQ để thưởng thức hoặc mua mang về cho người thân. Chợ Bưởi xây xong nhưng hàng bánh rán không thể quay về vỉa hè Thụy Khuê nữa vì vị trí 242 LLQ rộng rãi, yên tĩnh hơn cho người làm bánh; khách ngồi ăn hoặc đợi mang bánh về nhà; đi giao bánh cho khách ở xa. Tuy nhiên người ta vẫn gọi đấy là bánh rán chợ Bưởi (hoặc bánh rán Thụy Khuê).
Trên dốc Bưởi; đoạn đường tiếp nối giữa đường Bưởi và đường Lạc Long Quân là nơi mua bán chó mèo; gà lợn. Nhiều lần đi đúng phiên chợ; tôi thấy cả ổ chó hoặc ổ mèo đựng trong những chiếc thúng, trông chúng thật đáng yêu. Gia súc; gia cầm được bán ngay mặt đường bất chấp xe cộ; thật rất quê và thật đáng nhớ. Bây giờ thì không mấy khi thấy cả ổ chó; ổ mèo được bày bán như vậy; thay vào đó là những cửa hàng mua bán chó cảnh, mèo cảnh nằm trên đường Hoàng Hoa Thám. Các chú chó; cô mèo được nhốt trong những chiếc cũi đẹp; được tắm gội, chải chuốt trông sang chảnh và tây lắm nhưng thật xa lạ với tôi.
Cũng trên dốc Bưởi; ở vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám; nằm sát chợ Bưởi là các hàng bán cây giống; hạt giống và các loại cây cảnh; hoa cảnh. Ngày xưa mấy hàng ấy chuyên bán cây giống xà lách, rau cải.. là chính nhưng bây giờ chúng đã trở thành thứ yếu (thật may là vẫn còn để cho ai đó thấy nhớ thì ra mua hoặc ra xem). Từ đầu dốc Bưởi cho đến gần dốc Đốc Ngữ của phố Hoàng Hoa Thám đã biến thành chợ Hoa và cây cảnh. Nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của xã hội tăng nên nguồn cung ứng những thứ đó cũng tăng lên nhanh chóng; cả về lượng lẫn về chất. Hàng ngày; nhất là vào phiên chợ; rất nhiều thợ chở cây, hoa từ Văn Giang (Hưng Yên) và các vùng ven đô khác đến đường Hoàng Hoa Thám; đến chợ Bưởi để bán tạo nên một chợ quê bán cây, hoa mà không dễ gì nơi khác có được. Ở 456 Hoàng Hoa Thám; dưới một khu sân, chắc của một khu tập thể cũ (diện tích khoảng 200m2) có chợ phiên đồ xưa (họp vào sáng thứ Bảy hàng tuần) và chợ phiên đá quý (họp vào sáng chủ nhật hàng tuần).
Trong chợ đồ xưa; là những đồ dùng, vật dụng xưa nhưng không phải cổ được trao đổi, mua bán. Nhìn thấy những thứ đồ xưa ấy; ký ức thời bao cấp, thời chiến tranh sẽ trở lại với những ai từng trải qua; và với những ai chưa từng trải qua có thể tưởng tượng được người thân của mình đã từng sống như thế nào trong thời xưa ấy để mà thấu cảm, để mà bao dung. Tôi còn thấy một phụ nữ từ TP. HCM thi thoảng mang quân phục; đồng hồ; đài cũ… của Mỹ đến bán ở chợ này. Các mặt hàng trong chợ đồ xưa đều có giá phải chăng; nhấc lên đặt xuống thoải mái; chẳng mua cũng chẳng sao nên đa phần là khách đến ngắm. Chợ đá quý chắc chỉ dành cho những người sành về nó nên người bán thường đông hơn người mua; đá quý Lục Yên (Yên Bái) và nhiều vùng đất khác ở trong và ngoài nước đều có thể tìm thấy ở chợ đá quý 456 HHT. Đầu cầu vượt HHT – Văn Cao có một chợ nhỏ bán gà giống; và một chợ chim; thức ăn cho chim nằm ở nhánh đường phụ cạnh dốc Tam Đa. Tại chợ chim; mỗi phiên chợ ta sẽ thấy rất đông thanh niên ngồi nghe tiếng chim hót; dàn âm thanh tiếng chim các loại líu lo làm dịu đi nỗi lo âu thường nhật. Chợ trong chợ; chỉ có chợ Bưởi mới có mà thôi.
Quay lại khu chợ Bưởi cũ; nay được xây thành hai tầng giống như nhiều chợ khác ở Hà Nội; tầng chệt (tầng 1) vẫn dành cho chợ truyền thống, tầng hai dành cho siêu thị. Tuy nhiên vì chợ Bưởi có 3 mặt giáp đường nên giá trị của chợ truyển thống vẫn còn chứ không mất đi như chợ hàng Da. Trong nhà cầu chợ sát đường HHT; ngày xưa có hàng lòng lợn tiết canh, cháo lòng rất ngon; nổi tiếng chẳng kém lòng lợn, cháo lòng Chợ Đuổi. Bên cạnh hàng lòng lợn là hàng bún chả; cả hai hàng ăn này buổi trưa lúc nào khách cũng phải chờ. Nơi đây từng là nơi tụ tập; liên hoan mừng sinh nhật; mừng thăng quân hàm; mừng nghiệm thu đề tài; tổng kết năm của nhiều thế hệ các nhà khoa học; các sỹ quan của các Viện Nghiên cứu, học viện quân sự nằm ở gần chợ Bưởi. Bây giờ thì khác rồi; các nhà hàng sang trọng, đặc sản nằm dọc đường Hoàng Quốc Việt; Nguyễn Khánh Toàn mới là nơi thường đến của những thực khách thế hệ sau của những Viện đó; chỉ có người cũ mới nhớ đến lòng lợn; bún chả chợ Bưởi. Hàng cháo lòng; lòng lợn chợ Bưởi chuyển về phố Thụy Khuê từ khi chợ được đập đi xây mới và cũng không trở về chốn cũ sau khi chợ xây xong. Ai nhớ lòng lợn chợ Bưởi; nếu vào chợ không thấy thì ngược theo phố Thụy Khuê sẽ tìm được hàng lòng lợn; cháo lòng (chợ Bưởi) ở bên trái đường; vị vẫn ngon nhưng không gian thì không còn quê nữa. Nhớ lắm; chợ Bưởi xưa.
Có một bạn fb. nói tôi đăng ảnh chợ Bưởi; nếu có. Tôi có nhiều ảnh chợ Bưởi lắm; nhưng chỉ đăng ảnh không, tôi thấy mình có lỗi với chợ Bưởi; với những người bán hàng ở chợ Bưởi; có lỗi với Thụy Khuê; với Hoàng Hoa Thám vì tôi đi qua đó gần như mỗi ngày của 30 năm qua. Tôi không phải là một nhà Hà Nội học nên chắc chắn tôi chưa mô tả được hết lịch sử cũng như các đặc điểm khác của chợ Bưởi. Tôi chỉ như một lữ khách đi ngang qua chợ Bưởi; yêu chợ Bưởi; viết những cảm nhận của riêng mình với chợ Bưởi. Nếu các bạn ở xa đến Hà Nội; hoặc các bạn ở Hà Nội mà chưa từng đến Hà Nội thì nên đến chợ Bưởi một lần; để cảm nhận một phiên chợ quê ấm áp hoặc mát lành rất giống mà cũng rất khác với chợ quê; nhưng rất đáng để đến.
Theo Chuyện làng quê
Nguyen van Noi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-buoi-xua-va-nay-a8129.html