Từ một bài viết

Một thầy giáo tận tuỵ cả đời để dạy dỗ cho những học trò nên người. Vâng, chỉ vậy thôi!

tu-mot-bai-viet-1636864224.jpg

Thầy Nguyễn Lương Thường - 

Một thầy giáo tận tuỵ cả đời để dạy dỗ cho những học trò nên người

Nhân ngày lễ tôn vinh các thày cô giáo trong ngày lễ 20-11 năm trước tôi có đăng bài Bác tôi là thầy giáo đã nhận được những niềm vui bất ngờ.

1/ Có một học trò cũ của thầy từ Thái nguyên gửi tới tôi dòng tin nhắn này - anh Hoàng Trọng Hiếu (Năm sinh 1943).

"Chào chú Tiến Nhân!

Hôm nay anh được xem ảnh thầy Nguyễn Lương Thường. Giai đoạn 1952-53-54 thầy làm hiệu trưởng trường Đông Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Thầy dạy mình lớp 4 và học cùng anh Hưng và chị Hương, em Việt học lớp dưới. Năm ấy hình như gia đình thày bị quy là đìa chủ hay sao ấy.

Nhìn ảnh thầy hồi trẻ mình vẫn nhận ra.

Cảm ơn Tiến Nhân cho mình được thấy lại hình ảnh thầy nhân dịp 20/11 dù thầy đã đi xa!

Năm1981 mình đến thăm thầy ở HL thầy còn khỏe. Và là lần gặp cuối cùng!.

2/ Một người cháu nội của thày Nguyễn Lương Thường đã gửi tới tôi một tấm hình quý giá - bức ảnh chụp chung Thày và cha tôi. (Bức ảnh đen trắng không biết chụp ở đâu và thời gian nào?)

3 / Một tin nhắn khác

"Học sinh thầy giáo Thường ở Yên Bái và Tuyên Quang còn khá nhiều (mặc dù đã nhiều người qua đời)

Ngay ở HN có 5 người học thầy, đều người Đông Lý.

Ở tp Yên Bái còn khoảng 10 người, thị trấn Yên Bình 8 người đều từ 74 trở lên."

4/ Mới nhất ngày 29-10-2021, một học trò cũ của Thày là Nhà Báo Nguyễn Uyển (sinh năm 1940) được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV tại Hà Nội

5/ Nhiều tin nhắn tỏ ý muốn tụ hội các học trò cũ của thầy Nguyễn Lương Thường ở Hà Nội

Tôi trò nhỏ nhất của thày tuổi đã 70, liệu có được không? Dịch bệnh thì vẫn lan tràn, biết khi nào đừng lại.

6/ Tôi đăng bài viết này trong dịp 20-11, cũng chỉ muôn một điều:

Vinh quang này thuộc về thầy!

TN 12-11-2021

Bác tôi là nhà giáo

Tôi không biết cái tên "Ông đồ" biến mất từ lúc nào. Nhưng khi người ta goi những người dậy chữ là "Thầy giáo" thì có lẽ bác tôi là một trong số những người đầu tiên . Đấy là tôi chỉ nói ở cái phủ Động lâm ngày trước (gồm ba xã Động lâm-Quân khê-Hiền lương) thuộc huyện Hạ hòa tỉnh Phú thọ ngày nay. Dường như , những ai đang ở độ tuổi 70 trở lên khi mang cái chữ ra khỏi làng , đều biết tới ông. Đó là nhà giáo Nguyễn Lương Thường.

(1904. - 1983.)

Tôi gọi ông là bác ruột. Nếu bố tôi còn sống thì năm nay đã ngoài 100 tuổi . Bố tôi đã được ông kèm cặp chuyện hoc hành. Rồi tất cả các anh chị tôi đều là học trò của ông ở cái trường làng ấy. Tôi sinh sau muộn màng , nhưng vẫn được ngồi lên đùi ông để học vài câu tiếng Pháp bồi.

Tôi nhớ, tôi đã gào lên cái câu "oong -ê - cô -li- ê... oong-ê- cô - li- ê." trước đám trẻ trong làng, một cách đầy cao ngạo. Câu đó chỉ có nghĩa một- chiếc- áo ji- lê”, thế thôi!...

Nay tôi vẫn được nhìn thấy những cuốn sách của bác tôi. Những cuốn sách mà tay tôi đã đặt vào đấy từ khi còn là cậu bé.

Ngày ấy, tại chính giữa nhà, ông kê một bàn dài có hai hàng ghế hai bên cho con cháu đoc sách. Một quy đinh nghiêm ngặt của ông:

Không được nằm đọc!

Không gấp gáy sách!

Khi đoc chưa xong, phải đánh dấu bằng miếng bìa nhỏ mà ông đã kẹp sẵn!

Ông là người nghiêm khắc, đức độ và tận tụy. Ở cái vùng quê hẻo lánh này, ông là thầy của bao thế hệ nối tiếp nhau. Con cháu và học trò của ông về thăm ông, chỉ có quà biếu mà ông thích nhất, đó là... Sách! Cả cuộc đời ông, chỉ duy nhất một nghề dậy học.

Tôi đã được ông cho cuốn sách ngày tôi chào ông để vào chiến trường, đó là cuốn Kiếm sống của Mác- xin- goki. Tôi đã không giữ nổi nó sau chiến tranh khi trở về. Nhưng... vẫn kịp... đưa tang ông.

Khi ông mất, các con chia gia sản của ông cũng là những cuốn sách, để gìn giữ. Đám tang ông, đến bây giờ tôi không thể quên được. Cái phủ Động Lâm ngày xưa ấy, có một đám tang chung cho cả ba xã... ba xã đưa tiễn một người thầy.

Ông không phải là người nổi tiếng. Ông chỉ là một người , mà dân làng thường gọi "Thầy giáo Thường"..."ông giáo Thường "... "cụ giáo Thường" với tất cả lòng kính trọn. Nhiều ngày sau, hoc trò ông ở nhiều nơi vẫn tìm về, ra mộ thắp hương cho ông.

Có lần tôi tới một gia đình ở Phúc yên, bên cạnh ban thờ chính của gia đình, có một ban bên cạnh , thờ ảnh của ông. Người con trai trưởng thắp hương cả hai ban và nói: "Bố tôi lập ban này để... thờ người thầy đã dậy học bố tôi. Khi xắp đi xa, bố tôi dặn dò và giao lai cho tôi để hương khói"

Tôi đứng yên lặng, cúi đầu. Những sợi khói mỏng tang, quẩn quanh với những bức chân dung một người thầy. Mùi hương thơm cứ bay bay... bay bay.

Chả lẽ, chỉ có một điều giản đơn thế này?

Một thầy giáo tận tuỵ cả đời để dạy dỗ cho những học trò nên người

Vâng, chỉ vậy thôi!

Theo Trái tim người lính

Tiến Nhân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-mot-bai-viet-a8139.html