Trong đoàn hát thân nhau cở nào cũng không bao giờ ai trả tiền cho ai. Sáng cặp cổ nhau đi ra quán nhưng tiền ai nấy trả. Chơi như Mỹ vậy cũng hay, khỏi ai nợ nần ai.
Hữu Thìn đi gánh hát một mình vừa hát vừa cho tiền góp nên kinh tế cũng khá, anh không nhậu nhẹt nên cũng không tâm sự gì nhiều, tôi cũng không hỏi chuyện vợ con. Mỗi lần ngồi nói dóc ở quán cà phê là cười rôm rả vang trời những câu chuyện vui trong đời đi hát, cái tướng dong dỏng cao và cái miệng móm rất duyên của anh. Nghe anh nói chuyện có duyên người ta tưởng anh hát hề nhưng anh cũng thú thiệt có thử đủ thứ hết: Hát Hề thì chẳng ai cười , hát kép mùi thì chẳng ai vỗ tay , trời sinh cái tướng dềnh dàng nên anh chuyển qua hát kép độc. Một lần dự tiệc cưới của đôi nghệ sỹ trong đoàn là Chí Long và Ngọc Loan Anh, anh bị ép uống chỉ 1 ly rượu, lát sau anh lật ngang bất tỉnh làm tôi phải cõng anh đưa lên Trạm y Tế xã cấp cứu.
Một hôm tháng mưa dầm (1983) đoàn hát ở chợ Vàm Nao thì ba anh Hữu Thìn xuống chơi, bác tuy lớn tuổi nhưng dáng vẻ vẫn còn phong trần lắm. Khác tính người con hay bu lu ba loa, bác ngồi trầm ngâm ít nói có vẻ như không muốn tiếp xúc với ai.
Tôi rụt rè hỏi bác thứ mấy?
Bác nói:
- Tôi là Nghệ sỹ Hữu Thạch diễn viên của đoàn Cải lương Hàm Luông - Bến Tre, còn thứ thì cháu kêu là chú Năm.
Năm đó, Bão nối Bão nên đoàn cứ nghỉ hát triền miên, chú Năm cũng không biết nói chuyện với ai nên chỉ có tôi là người mỗi buổi sáng thường chào hỏi chú, mà chắc chú Năm cũng không quan tâm đến tôi làm nhiệm vụ gì trong cái gánh hát mắc... mưa này.
Một hôm đang ngồi chung trong quán cà phê chú Năm chợt hỏi:
- Cháu làm cái gì trong đoàn?
- Dạ cháu là nhạc công ạ.
- Biết nhậu nhẹt gì không?
- Dạ con biết, nhưng không nhiều.
- Vậy là được rồi, cháu ở chỗ nào?
- Dạ con ở trong cái trường học phía sau chợ.
Chú Năm có vẻ vui:
- Vậy về chờ chú một chút, chú đi kiếm mồi hai chú cháu mình nhậu chơi.
Mồi chú đem lại chỉ vài con cá biển chú nói:
- Dân Bến Tre ăn cá biển quen rồi, cháu đừng chiên đem hấp với mỡ hành ăn mới đã.
Rượu vào vài ly chú Năm trở thành một con người khác. Chú nói đủ thứ chuyện về thời còn hát kép chánh, thời còn là cậu Thanh niên mới lớn tầm thầy học cho bằng được 3 bài Nam 6 bài Bắc, rồi chú nhắc lại thời huy hoàng của mình khi thành một kép trẻ, một cái tên mà nếu đêm nào chú không có hát sẽ không có người mua vé.
Chú chợt nói :
- Cháu lấy đàn đàn đàn chú ca vài bài cho đã..
Tôi lắc đầu:
- Con là dân đàn tân nhạc chú ơi.
- Tân nhạc thì chú ca nhạc, cháu đàn bài Phi Vân điệp khúc được không?
- Dạ chỉ tàm tạm thôi ạ.
- Vậy là được rồi, nghề dạy nghề lo gì.
Thế là ông nhỏ đàn, ông già ca, ca hết bài tân nhạc rồi chú Năm ca qua luôn cổ nhạc. Thấy tôi đàn lỏm bỏm chọt vô bản họng chú xua tay:
- Thôi, bỏ cây đàn xuống để chú ca không cũng được..
Ca một lúc cũng chán (có lẽ tại trình độ của tôi đàn tệ quá) chú nâng ly rồi kể:
- Bây giờ nghỉ hát về nằm nhà buồn lắm con ơi, nhớ ánh đèn nhớ khán giả, nhớ những đêm nằm co trên sân khấu vừa ngắm hạt mưa rơi vừa ngáp vì hết tiền mua điếu thuốc. Muốn theo đoàn chơi vài tháng nhưng sợ sức khỏe mình bây giờ không cho phép. Có dịp về Bến Tre gặp mấy người chơi tài tử con hỏi kép mùi Hữu Thạch ai cũng biết. Vậy mà thằng Hữu Thìn con chú nó giống ai mà ca không bài nào ra bài nào nên phải chịu hát kép độc. Đúng là cha làm thầy con đốt sách chẳng sai.
Chú Năm chợt hỏi:
- Hay con làm đệ tử chú nhé. Bao nhiêu bài bản tài tử cải lương chú gom hết vào trong bụng rồi, tuy chú không biết đàn nhưng chú có thể đọc chữ đàn ra cho con đàn theo. Giống như Lệnh hồ Xung học đàn trong Tiếu ngạo Giang Hồ vậy.
- Nhưng con ngu lắm chú ơi có biết gì về xàng xư liêu cống.
Chú Năm cười ha hả:
- Ba Nam sáu Bắc là gì con biết không?
Tôi lắc đầu.
Chú Năm cười nói:
- Ba Nam là: Nam xuân, Nam ai và Nam đảo. Sáu Bắc là Lưu thủy trường, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi. Bảy bài là : Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê....
Chú Năm càng nói tôi càng lắc đầu... chỉ 7 nốt Đồ rê mi fa sol la si đã làm nhức đầu gần chết rồi... Chú Năm đưa cho tôi quyễn sách "Hát bội, Đàn ca Tài Tử & Cải lương Miền Nam" của tác giả nào thiệt tình tôi cũng không nhớ (hình như là của nhạc sỹ Trần Văn Lời, Bến Tre) quyển sách khoảng 400 trang, ghi hết bài bản cải lương và chữ đàn cổ nhạc...
Chú Năm nói:
- Chú cũng không sống được bao lâu nên giử quyển sách này trong mình xem như là vô nghĩa. Thôi thì xem như cơ duyên chú cháu mình gặp nhau, nếu thích vọng cổ thì con có thể tập đàn theo cách hướng dẫn trong sách này. Chú tâm đắc nhất là 38 (?) câu Bài hạ trong bài: "Bá Nha ngộ Tử Kỳ ."
Chú ca như vầy :
- Dòng... sông... Tích giang...
Có một chiếc tiểu thoàn ...
Mờ mịch trôi theo giòng...
( tôi chỉ nhớ được bấy nhiêu)
Lời ca man mác chuyện tình bạn thâm giao tri kỷ của Bá Nha và Tử kỳ thời Xuân Thu chiến quốc... bài Ngũ đối hạ với văn phong tự sự nên hát xong câu chuyện rồi người nghe vẫn còn ngẩn ngơ về tình bạn tri kỷ tâm giao giữa người đánh đàn và kẻ nghe đàn...
Xong tiệc nhậu, chú đưa tôi luôn quyển sách chú nói:
- Con còn trẻ cứ cầm lấy lúc nào rảnh thì xem, biết đâu sau này trở thành một tài tử cải lương thì sao. Chú thì thuộc lòng hết rồi nên khỏi cần giữ mần chi. Chú cháu mình gặp nhau cũng xem như là tri kỷ, ráng mà tập cho thuộc bài Bá Nha ngộ Tử Kỳ, dưới mỗi câu chú có nhờ bạn ghi ký âm ra nốt nhạc hết rồi, con ráng mà tập để mai mốt nhớ tới nhau.
Vài hôm sau, khi trời quang mây tạnh đoàn hát vượt con sông hậu về Đình Bình Thủy cho kịp bến cúng Đình, hai chú cháu ngồi gần nhau giữa cảnh trời nước mênh mông chú Năm chợt hỏi:
- Con biết đánh cờ tướng không?
- Dạ biết chút chút, chi vậy chú?
Chú cười vang:
- Thì đánh vài ván chứ chi nữa.
- Đoàn hát cấm đánh cờ mà chú.
- Bậy... đứa nào cấm? Cờ tướng là môn giải trí trí tuệ có ảnh hưởng gì đến gánh hát mà cấm nhỉ?
Thì ra trong cái giỏ của chú lúc nào cũng có đem theo bộ cờ tướng. Tôi mới biết Chú Năm là một cao thủ trong môn cờ trí tuệ này.
Ghé bến cúng Đình Bình Thủy, hôm sau Chú Năm đón xe Châu Đốc về quê, Chú đến âm thầm và đi cũng vội vã.
Anh Hữu Thìn nói:
- Ông già tui có vẻ thích ông quá hen. Hồi xưa tới giờ ổng xuống đây hoài mà không chơi với ai. Nếu không gặp ông chắc ba tôi về sớm rồi. Ổng nói tiếc là ổng không gặp ông sớm hơn để ổng truyền hết nghề cho ông...
Vài tháng sau thì anh Thìn xin nghỉ phép về thọ tang cha ...
Vậy là chú Năm mất rồi...
Từ đó tôi cũng thấy một nỗi buồn man mác. Ôi Bá Nha ngộ Tử Kỳ xưa chắc cũng buồn đến thế là cùng. Chợt nhớ câu hát của chú Năm:
Dòng sông Tích Giang...
Có một chiếc tiểu Thoàn...
Mờ mịt trôi theo dòng...
Ôi sao mà nhớ quá Bá Nha ơi.
Theo Chuyện làng quê
Bùi Trung.
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ba-nha-ngo-tu-ky-a8151.html