Thầy ra thầy - Trò ra trò ( Nhân đọc cuốn sách quý: Nguyễn Khắc Phi – Người thầy tài hoa, tận tụy)

Hằng năm cứ đến Ngày Nhà giáo VN 20-11, mấy anh chị em chúng tôi –   Lớp Đại học Văn khoa Hà Nội ( 1954-1955 )  – những cụ ông, cụ bà còn lại đang sống tại Thủ đô, lọ mọ tới họp lớp tại “Đại giảng đường”  số 23 Đường Lê Thánh Tông ( đối diện với TTXVN số 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội)   .

chuy1a5-1637122463.jpg

 

 Đại học Văn khoa ngày ấy, khi Cuộc Trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chính phủ  ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lớp học sinh kháng chiến tốt nghiệp THPT  thi đậu vào Đại học Văn khoa Hà Nội, học chung với sinh viên nội thành. Phòng học khi ấy gọi là “ Đại giảng đường “ vì nó  rộng lớn , vào học như vào ngồi rạp chiếu bóng . Học sinh chúng tôi nghe thày giảng, ghi là chính, chẳng có giáo trình . Sinh viên ra Thư viện Quốc gia ở đường Tràng Thi,  đọc sách báo tham khảo, theo hướng dẫn của các giáo sư . 

chy1a1-1637122561.jpg
Ảnh bìa 1 của sách.

 

Đại học Văn Khoa Hà Nội là tiền thân  các khoa Văn , Sử của hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) sau này .

Hai năm nay, do nạn dịch COVID-19 kéo dài, chúng tôi không họp được lớp như quy ước: còn ai ta còn đến đây gặp nhau, thường vào dịp Ngày Nhà giáo VN để kỉ niệm cứ 5 năm 2 lần, một lần vào ngày nhập trường và một lần vào ngày tốt nghiệp .

chuy1a2-1637122641.jpg
Ảnh bìa 2 của sách.

*

 Tôi đang cầm trong tay cuốn sách quý  “ NGUYỄN KHẮC PHI - NGƯỜI THẦY TÀI HOA ,TẬN TỤY” , nửa sau là các bài viết của “Thầy Phi”, nửa trước là 42 bài viết của các bạn đồng nghiệp và các học trò của Thầy. Quý không phải chi vì cuốn sách in rất đẹp được giải thưởng “ Sách đẹp Việt Nam” mà ở nội dung – sức nặng tâm tình thày trò một thời và kiến thức thông tuệ của MỘT NGƯỜI THẦY đã gửi gắm và chứa đựng trong đó . Cuốn sách do một nhóm biên soạn 3 người, có học vị, học hàm, được các cựu sinh viên của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi cử ra để tuyển chọn nội dung . Sách do Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2014 , tái bản năm 2019 với Lời thưa :“ Món quà của chúng tôi kính dâng Thầy, chúc thọ Thầy bước vào tuổi  80” . Giáo sư sinh ngày mùng hai tháng năm, năm Giáp Tuất ( 1934 ) tại xã Sơn Hòa  (nay là xã An Hoà Thịnh), huyện Hương Sơn , tỉnh Hà Tĩnh. 

chuy1a4-1637122709.jpg

Bạn học tôi thưở ấy có nhũng người “ nổi  như cồn” , cũng có những người “ áo gấm đi đêm” . Trong bài viết  Ông Phi , trang 34, Giáo sư . NGND Nguyễn Đình Chú  viết :

“ Ông Phi ‘ Être né sous une bonne étoile’(1) – Ông là con nhà nòi ra nòi , thông minh như Ông không dễ có nhiều . Cùng lớp Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Khóa 1954-1957 của chúng tôi, có bạn viết nhiều sách hơn Ông Phi , đã được giải thưởng khoa học của Nhà nước và giải thưởng cao hơn nữa nhưng thực lòng mà nói, tôi vẫn cho là không bằng Ông Phi ở nhiều phương diện thuộc về tố chất cần có của một vị giáo sư văn học.  Đặc biệt là ở độ cao của vòm trần văn hóa . Nhưng , cũng thật lòng mà nói, tôi chưa thấy ở  Ông Phi những tư tưởng gì lớn trong học thuật, kể cả trong cuộc sống. Dĩ nhiên, đây cũng là giới hạn chung của cả thế hệ chúng tôi chứ đâu phải một Ông Phi …”

Sở dĩ Ông Chú viết Ông Phi là “ con nhà nòi ra nòi” vì ai đã đọc tiểu thuyết  Biết đâu địa ngục thiên đường  của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê(2) , Giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2011- đều biết rõ, dẫu rằng tiểu thuyết là hư cấu, nhưng cái “ cốt” của truyện là tác giả - em trai Ông Phi - kể chuyện thực gia đình mình trước cơn biến động của đất nước giữa thế kỷ XX.

  Cha của  Ông là bậc đại Nho,18 tuổi đậu Cử nhân, 19 tuổi đậu Hoàng giáp, từng đảm niệm nhiều chức quan trong triều đình nhà Nguyễn: Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tuần vũ Khánh Hoà, Thừa Thiên Phủ doãn, Tham tri bộ Hình, Q. Tổng đốc Thanh Hoá. Ngay sau khi thi đỗ, được yết kiến Vua Thành Thái, vị Tiến sĩ tân khoa trẻ tuổi này đã dâng lên Nhà Vua “ Tứ tôn châm” về kế sách trị nước mà nhiều người ca ngợi và nghĩ rằng cho đến nay vẫn không hề cũ : TÔN TỘC ĐẠI QUY-   TÔN LỘC ĐẠI NGUY- TÔN TÀI ĐẠI THỊNH – TÔN NỊNH ĐẠI SUY “. Ra làm Tổng đốc Thanh Hoá mới 8 tháng, năm 1942, cụ Nguyễn Khắc Niêm đã xin về hưu trước tuổi, nói như GS. Chú, “nêu gương sáng hiếm hoi cho cái mà hôm nay hậu thế đang thèm khát muốn có là văn hoá từ chức”. 

chuy1a3-1637122763.jpg

 

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi còn có hai người anh trai là Bác sĩ  Nguyễn Khắc Viện  - một nhà văn hóa nổi tiếng và Nguyễn Khắc Dương, từng làm Chủ nhiệm Khoa Văn – Triết Đại học Đà Lạt, am hiểu về các tôn giáo mà có người cho rằng tầm  tri thức văn hóa về một số phương diện nào đó cũng ngang tầm với  Ông anh Nguyễn Khắc Viện .                                                                *

Mấy hôm nay, tôi “ mê”  đọc  Nguyễn Khắc Phi – Người Thầy tài hoa, tận tụy, càng đọc, càng ngấm câu  của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với Ngành giáo dục là phải dạy và học sao cho “ Thầy ra thầy, trò ra trò”. Và, hồi tưởng thời chúng tôi – thời trường kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhà trường của chế độ ta đã thực sự nghiêm túc phấn đấu theo phương châm ấy. 

Tôi thiển nghĩ: Nói đến giáo dục và trường học, tựu trung có 3 chiếc chìa khóa có thể giúp ngành giáo dục mở ra được cánh cửa tâm hồn, nhân cách và trí thức học trò từ vỡ lòng cho tới khi vào đời, đó phải chăng là THẦY GIÁO, SÁCH GIÁO KHOA VÀ GIÁO TRÌNH, CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TRONG ĐÓ CÓ KHOA HỌC GIÁO DỤC ? Điểm lại từng người trong số đồng môn của mình, qua thực tế cũng như qua cuốn sách, tôi thấy ít ai có cả 3 chiếc chìa khóa đó trong tay như “Ông Phi” . 


Người Thầy  

GS Nguyễn Khắc Phi từng là cán bộ giảng dạy cơ hữu của 3 trường Đại học: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh, Tổng hợp Hà Nội, đã từng đi thỉnh giảng ở nhiều trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm trong nước, dã được mời giảng tại các trường ngoài ngành giáo dục như Trường Tuyên huấn Trung ương, Trường viết văn Nguyễn Du, không kể đã 3 lần tham gia giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Phnom Pênh .

 Năm 1957, tốt nghiệp Đại học, ông  được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Văn học Trung  Quốc ở Khoa Văn ĐHSP Hà Nội, rồi ĐH Tổng hợp Hà Nội. Chưa ấm chỗ với biết bao khát vọng nghiên cứu văn học Trung Quốc, khi Nhà nước mở thêm trường  Đại học Sư phạm Vinh – Nghệ An, thầy giáo trẻ Nguyễn Khắc Phi đã được điều vào góp phần xây dựng trường rồi ở lại giảng dạy tại đó trên 17 năm ròng. Năm 1976, Bộ Giáo dục điều động ông trở lại ĐH Sư phạm Hà Nội, 13 năm sau, lại chuyển ông lên NXB Giáo dục; tăng cường cho bộ máy lãnh đạo với cương vị Tổng biên tập. Điều đáng nói là chính ngay sau khi được điều động lên NXB Giáo dục, dầu công việc rất mới mẻ, khó khăn và bận rộn, ông Phi vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy ở các trường Cao đẳng và Đại học, đặc biệt là mới tham gia giảng dạy ở bậc học cao nhất: đào tạo tiến sĩ cho ĐHSP Hà Nội và một số Viện nghiên cứu như Viện Văn học, Viện Khoa học Giáo dục. Cho đến lúc nghỉ hưu, ông đã hướng dẫn thành công 9 luận án Tiến sĩ và tham gia chấm hàng chục luận án tiến sĩ khác, kể cả luận án về những bộ môn khác như Lí luận văn học, Văn học Ấn Độ, Văn học Việt Nam, Phương pháp giảng dạy văn học, thường là với cương vị Người phản biện Một hoặc Chủ tịch Hội đồng. 

 Ông là tấm gương sáng về tự học ngoại ngữ: tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh với mục đích thiết thực là mở rộng nâng cao kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học . 

Là người Thầy 32 năm đứng trên  giảng đường một số trường Đại học, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng  sinh viên  các khóa học mà nay đã trở thành nòng  cốt trong giảng dạy ở các cấp học cả nước và những nghiên cứu sinh của ông nay đều đã trở thành những cán bộ nghiên cứu khoa học có năng lực, có nhiều đóng góp về học thuật cho đất nước . 

 Trong “ Lời thưa …” đầu cuốn sách, nhóm chủ biên viết: “Thầy chúng tôi, ngay ở tuổi tám mươi, vẫn luôn trẻ trung , sung mãn cả về sức lực , bút lực và nhất là tâm lực với cuộc đời, với con người; vẫn xông xáo trên các diễn đàn khoa học; vẫn tiếp tục sự nghiệp  “ trồng người” qua việc giảng dạy, hướng dẫn và đánh giá các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở khắp 3 miền đất nước  và cần mẫn thực hiện vai trò cộng tác viên  “ gạo cội” của Nhà xuất bản  Giáo dục Việt Nam , Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm . Tình yêu cuộc sống , niềm dam mê khoa học, vẻ đẹp trí tuệ và tài hoa của Thầy  đã truyền cảm hứng cho tất cả những ai có cơ hội được làm việc, được học tập cùng Thầy “ . 

GS. TS. NGND Trần Đình Sử viết: “Giáo sư Nguyễn Khắc Phi – Một bậc Thầy thông tuệ , đa tài …”. PGS.TS Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm KHXH VN viết : “Tôi cũng như một số bạn bè đồng nghiệp khác không có may mắn được là học trò của GS Nguyễn Khắc Phi, nhưng đều yêu mến gọi Ông là “ Thầy Phi “- một cái tên khiến những người biết Ông  và nhất là những học sinh của Ông đều cảm thấy hết sức gần gũi và thân thiết. Tôi chỉ bắt đầu được đọc Ông khi đã vào Đại học, khi đi tìm tài liệu tham khảo cho môn Văn học Trung Quốc do Ông viết …” .

 PGS.TS Trần Lê Bảo viết “ Tôi là người lính từ chiến trường Lào về , năm 1975 thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ….Vào giờ Thơ Đường của Thầy Phi, chúng tôi phải đua nhau đi ăn cơm tập thể sớm , để có thể đến lớp trước, được ngồi phía trên để  nghe . Thầy giảng say mê bằng cả tâm hồn và cả sự trải nghiệm cuộc sống. Thơ Đường vốn khó hiểu mà chúng tôi nghe Thầy giảng  vẫn rất hứng thú. Nhiều buổi lên lớp Thầy say sưa giảng quá giờ mà chẳng sinh viên nào muốn  về …”

TS. Phạm Hải Anh - Hãng phim Thiên Ngân , trong bài “ Cười lớn với trời xanh” nêu ấn tượng : “ Đầu tiên là cái dáng của Thầy . Nhìn Thầy hăng say trên bục giảng , bọn sinh viên năm thứ hai chúng tôi thì thầm với nhau ‘Nếu … trói Thầy lại một chỗ thì Thầy có giảng được nữa không nhỉ …?’. Thầy đi lại đi lại, vung tay; bài giảng không chỉ ở lời mà sống động trong từng cử chỉ, nhịp điệu, gương mặt luôn hất lên nhìn trời. Thầy đọc thơ ngân nga như hát, khi cao hứng Thầy hát thật …”

Là người dạy văn học nước ngoài, Nguyễn Khắc Phi quan niệm: Văn học nước ngoài, trong đó có văn học Trung Quốc, ngoài mục đích tự thân, chủ yếu, còn phải đảm nhận mục đích phụ trợ nhưng quan trọng là góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học khác, trước hết là 2 môn Văn học Việt Nam và Lí luận văn học. Không phải ngẫu nhiên, ngay lúc mới ra trường, trong những ngày cả nước chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tại gần một chục địa điểm sơ tán, Nguyễn Khắc Phi đã tranh thủ thời gian học ngoại ngữ và mạnh dạn bước ngay vào một chuyên ngành khoa học bấy giờ còn rất mới lạ là Văn học so sánh. GS. TSKH. NGND Phương Lựu, trong cuốn sách Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, đã đánh giá một cách khách quan: “ Lí thuyết văn học so sánh vào Việt Nam có phần chậm, nhưng hoàn toàn không phải là được mở đầu bằng bài Văn học so sánh ở Hungaria của S. Lazlo (Tạp chí Văn học số 3, 1979), như có ý kiến đã khẳng định. Trước đó mười năm đã có bài Nghiên cứu so sánh văn học của Nguyễn Khắc Phi (Thông báo khoa học, Trường Đại học Sư phạm Vinh, số đặc biệt, 1969). Thật ra, trước đó 5 năm, năm 1964, mới ở độ tuổi 30, Nguyễn Khắc Phi thực tế đã vận dụng văn học so sánh để viết một chuyên luận dày dặn trên 100 trang nhan đề là  Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và thơ ca cổ điển Trung Quốc, một công trình đánh dấu cho phong cách khách quan, cẩn trọng, tỉ mỉ, thấu triệt trong nghiên cứu khoa học của Nguyễn Khắc Phi như nhiều người đã nhận xét. Nhờ phương hướng kết hợp giảng dạy và nghiên cứu lành mạnh ấy, những bài giảng về văn học nước ngoài của Nguyễn Khắc Phi luôn sinh động, gắn bó với thực tiễn văn học của dân tộc, làm nổi bật được cả đặc sắc, quá trình tiếp nhận sáng tạo của văn học dân tộc. Nhà văn Văn Chinh , sau khi được nghe giảng một loạt chuyên đề về văn học Trung Quốc ở Trường viết văn Nguyễn Du , viết : “ …Có thể nói Thầy đã giúp chúng tôi ‘ đắp con đê’ của niềm tự tin, tự  chủ, bên ‘ cái bóng Hymalaya’  của nền văn học đầy khự tính chất đế quốc văn hóa của nó , cứ đè nghẹt lên chúng tôi và tạo nên cảm giác văn học ta là cái đuôi mờ nhạt của Văn học Tàu . Đó là cảm giác có thật của không ít người tự ti …” . Sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp văn học so sánh, thầy còn chỉ rõ, trong khi tiếp nhận sáng tạo phần tinh hoa của văn học Trung Quốc, nền văn học Việt Nam có những điểm nổi bật mà văn học Trung Quốc cũng khó bề so sánh như truyền thống văn học yêu nước, nhất là truyền thống phục vụ sự nghiệp chống ngoại xâm. Nhà văn tỏ ra rất tâm đắc với nhận định chuẩn xác của thầy: “càng xung đột thì càng phải biết rõ họ, học họ cho sâu sắc, như Cụ Nguyễn Trãi xưa , tri thức văn hóa Hán của Cụ mạnh bằng cả một đạo quân …”

  Có tới gần ba chục bài viết về Thầy Phi  bày tỏ tình cảm sấu sắc, lòng biết ơn của TRÒ đối với THẦY như thế.

 Sách giáo khoa- Giáo trình 

Ông là người đầu tiên được giao đảm trách cương vị Giàm đốc Trung tâm Sách và Giáo trình của Trường Đại học Sư phạm Hà nội, tiền thân của NXB ĐHSP hiện nay, và ngay sau đó được cử làm Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập của NXB Giáo dục. Ông đã nhiều lần được cử lảm uỷ viên Hội đồng bộ môn môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT và một số Hội đồng cấp học của Bộ. Cương vị công tác buộc ông và cho phép ông quán xuyến gần như hầu hết các cấp học. Ông đã từng làm Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định Quốc gia sách Giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt ở Tiểu học, Tổng chủ biên SGK môn Ngữ văn Trung học cơ sở, Phó chủ tịch thẩm định Quốc gia SGK môn Ngữ văn Trung học phổ thông, Trưởng  ban xây dựng Chương trình và biên soạn giáo trình cho Ngành Ngữ văn của Cao đẳng Sư phạm , hai lần được cử làm Chủ biên Giáo trình Lịch sử Văn học Trung Quốc cho hệ thống các trường ĐHSP. Ngoài SGK, Nguyễn Khắc Phi còn viết hàng chục đầu sách bổ trợ, tham khảo môn Ngữ văn cho các cấp học, không phải chỉ về văn học Trung Quốc là thế mạnh của ông, mà chủ yếu là những bài về văn học Việt Nam, phần học quan trọng nhất và chiếm nhiều giờ nhất ở các trường phổ thông. 

  Cuốn sách cho biết, mới đây khi dấy lên tranh luận những ý kiến khác nhau trên một số báo và mạng xã hội quanh việc chọn và sử dụng bản dịch bài thơ “ Nam quốc sơn hà” trong Sách giáo khoa Ngữ văn 7 , tập I, GS Nguyễn Khắc Phi đã có các bài trả lời trên Báo điện tử Đảng Cộng sản VN và một số báo , đài giải đáp mấy vấn đề cốt lõi mà bạn đọc quan  tâm về những tranh luận học thuật đó . Tuy nhiên,  vẫn còn có người muốn tiếp tục nêu câu hỏi và ý kiến khác về  tác phẩm có tầm quan trọng đặc biệt này. Bởi vậy, Toà soạn Báo Văn nghệ  mời  GS Nguyễn Khắc Phi tóm lược tổng quát tình hình thảo luận về đợt trao đổi này cũng như đề xuất một số việc cần làm. Sau bài viết trước một tượng đâì bất hủ  về tinh thần của dân tộc của ông đăng trên báo Văn nghệ số 49 ra ngày 5/12/2015, có thể nói, mọi băn khoăn về tác phẩm này cơ bản đã được giải quyết. .

Chỉ qua một hiện tượng cũng đủ thấy, tuy là chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc, Nguyễn Khắc Phi đã am hiểu các vấn đề của Văn học Việt Nam thấu đáo như thế nào. Qua một bài giới thiệu trên báo Nhân  Dân gằn đây của TS. Nguyễn Sĩ Đại, mọi người cũng biết, chỉ riêng về văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Vinh đã cho ra mắt một cuốn sách dày 650 trang khổ lớn nhan đề Văn học Trung đại Việt Nam – Nghiên cứu và bình luận, chủ yếu tập hợp những bài viết của Nguyễn Khắc Phi xoay quanh những tác phẩm được dạy ở các trường phổ thông qua các thời kì.

 Các công trình nghiên cứu

Tôi cứ nghĩ người Thầy phải tâm huyết, có kiến thức uyên thâm đến chừng nào mới “đẻ”  ra được những công trình , đề tài nghiên cứu phục vụ cho công tác giảng dạy của mình. Không chỉ “ thông minh vốn có tự trời “ mà GS Nguyễn Khắc Phi còn có ý chí, một quyết tâm tự học  rất cao.

Cuốn sách đã liệt kê và giới thiệu với bạn đọc hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu in thành sách , thành tuyển  tập cùng hàng trăm bài viết, trả lời phỏng vấn của Ông đăng tải trên các báo, đài trong nước ; có bài đã được dịch ra tiếng nước ngoài và một số bài đã được đăng ở các Kỷ yếu của các Hội thảo Quốc tế được tổ chức ở Việt Nam  . 

Tiêu biểu như : Thơ văn cổ Trung Hoa – mảnh đất quen mà lạ  (đã được tái bản ). Mối quan hệ giữa Văn học Việt Nam và Văn học Trung Quốc  qua cái nhìn so sánh (đã được tái bản). Nguyễn Khắc Phi tuyền tập (trên 1000 trang), Về thi pháp  Thơ  Đường ( biên soạn và dịch thuật cùng GS. Trần Đình Sử), Văn học Trung đại Việt nam – Nghiên cứu và bình luận, Từ điển thuật ngữ văn học (Đồng chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục -50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển (đồng tác giả:Vũ Thanh Khiết) …

GS Nguyễn Khắc Phi còn  tham gia biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam (uỷ viên của Tiểu ban văn học ), Từ điển Văn học (phụ trách mảng Văn học Á- Phi), chủ biên cũng như đồng tác giả nhiều cuốn sách ,  công trình nghiên cứu khác về lĩnh  vực văn học.

Trên lĩnh vực dịch thuật, Nguyễn Khắc Phi cũng đã để lại những dấu ấn nhất định: Ông là chủ biên dịch Tuyển tập Truyện ngắn xuất sắc Cảnh thế thông ngôn ở đời Minh của Phùng Mộng Long, cuốn Ngôn ngữ thơ Trung Hoa viết bằng tiếng Pháp của Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp F. Cheng, công trình nghiên cứu độc đáo lần đầu tiên trên thế giới dùng Kí hiệu học để nghiên cứu thơ Đường, dịch hàng trăm bài thơ, bài từ cổ điển Trung Quốc từ Kinh Thi, Nhạc phủ cho đến tác phẩm của hàng chục nhà thơ nổi tiếng như Đào Tiềm, Tào Thực, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Tô Đông Pha, Lý Thanh Chiếu, Viên Mai…Chưa một ngày được học ở Trung Quốc, nhưng ông lại  được mời hiệu đính một số công trình dịch thuật như Lịch sử Văn học Trung Quốc do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc .

Cũng cần nói thêm: Nguyễn Khắc Phi là người cho đến nay “độc chiếm” chuyên mục Kết hợp giảng dạy ngữ văn và tiếng Anh trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Nguyễn Khắc Phi hiện là cố vấn khoa học của 2 Hội Thơ Đường luật Việt Nam, một của Viện Nghiên cứu và Phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và một của Viện Minh triết.

Nguyễn Khắc Phi không chỉ có đóng góp cụ thể đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn thể hiện những phẩm chất cần có của một nhà khoa học. GS Trần Đình Sử nhận xét: “ Nguyễn Khắc Phi là người dám đấu tranh cho lẽ phải và tiến bộ . Trong nhiều cuộc va chạm với các quan điểm cũ về một số vấn đề nhạy cảm, Anh đều đứng về phía đổi mới. Là người thông minh , sắc sảo , Anh dễ dàng phát hiện những chỗ khiếm khuyết  của người này, người khác, cấp này cấp nọ. Hễ có dịp thuận  tiện là Anh phê bình . Trong khoa học  cũng vậy, trên báo chí, sách vở  có chỗ nào  chưa chuẩn là anh ghi lại, nghiên cứu,  suy nghĩ, phát biểu ý kiến thẳng thắn. Về điều này, có thể có người không thích Anh lắm, nhưng tôi nghĩ đó là một phẩm chất đáng quý của Anh …”. PGS. Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy TP. Hồ Chí Minh đã nhắc lại một số vụ tranh luận “ trái chiều” trong nghiên cứu văn học và SGK mà Nguyễn Khắc Phi có tham gia để qua đó làm nổi bật “thái độ trung thực, rất có trách nhiệm” của Anh.

                                      *

 “ NGUYỄN KHẮC PHI - NGƯỜI THẦY TÀI HOA , TẬN TỤY “ , mới cầm cuốn sách nằng - nặng trên tay , tôi tự hỏi thầy trò nhà này “ đánh bóng“  cho nhau, phải  không nhỉ? Nhưng, đọc xong cuốn sách, thú thực tôi “ hơi choáng “ trước sức làm việc và “ chất xám “ của một đồng môn. “ Giấy trắng mực đen”, tôi tin lòng tự trọng của những nhà trí thức đã viết về Nguyễn Khắc Phi trong cuốn sách này – những người thầy và trò .

Tên cuốn sách như vậy, nên người tuyển chọn cũng không ngần ngại kể ra những sự việc, cho in một vài “sáng tác” để nói lên những “tài vặt” của Thầy.

Ông Phi làm thơ, bình thơ, xướng họa thơ, trong đó có những bài thơ chữ Hán viết ngay tại chỗ trong những dịp đi công tác ở Trung Quốc, trước mặt  những nhà nghiên cứu văn học của Trung Quốc.  

Ông Phi dịch sách,  chuyển ngữ thơ, ngữ ca khúc từ tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong đó có bài Chim sâu nổi tiếng, được trình bày trong liên hoan văn nghệ của trường .

Ông Phi sáng tác nhạc, trong đó có bài Thuở ấy, Trường Vinh viết trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập ĐHSP Vinh, được Đoàn văn công Quân khu IV cử các nghệ sĩ sang dàn dựng thành hợp xướng, bài Còn mãi với thời gian (đồng tác giả: Hoa Nam), đã được Đài phát thanh tiếng nói VN thu thanh và được coi như “tộc ca” của dòng họ Nguyễn Khắc.  

Ông Phi đàn, hát, điều khiển hợp xướng của trường, hát những bài hát bằng tiếng Trung Quốc ngay tại Công viên Nhân dân ở Nam Ninh, hát điệu Khúc theo nhạc cổ Trung Quốc trong vở kịch Đậu Nga oan ở Vân Nam khiến thính giả Trung Quốc  ngạc nhiên.

Ông Phi đánh bóng bàn điêu luyện, đã 2 lần giật giải hạng A của cơ quan Bộ Giáo dục…

 Nguyễn Khắc Phi xuất thân từ “Danh gia vọng tộc “, nhưng, nói như GS. Nguyễn Đình Chú là “Ông  “ ngáp” được lộc Đời là không khí sửa sai Cải cách ruộng đất, nên được giữ lại Trường ĐHSP Hà Nội làm cán bộ giảng dạy…” .                                                             

Kết bài, xin được bộc bạch mấy ý nghĩ:  Âu cũng là “ duyên kỳ ngộ “ hy hữu trong “cơn lốc " Cách Mạng Vô Sản  !   Hy hữu,  bời bên cạnh Nguyễn Khắc Phi cũng chỉ có một số không nhiều người khác còn nổi tiếng như hoặc hơn “Ông Phi" như : Họa sĩ nổi danh  Phan Kế An (Con của Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại) ; GS. BS Phạm Khuê, Nhạc sĩ  NSND Phạm Tuyên (con của Thượng thư Bộ lại Phạm Quỳnh ); nữ nhà báo Bùi Bội Anh, đồng nghiệp của tôi ( Con của Thượng thư Bùi Bằng Đoàn ) - những “ cậu ấm cô chiêu” sớm giác ngộ cách mạng và đã có những đóng góp xứng đáng cho cách mạng.

------------------------------                                   

(1). Ông được  sinh ra dưới một ngôi sao tốt lành 

(2) Nguyễn Khắc Phê , nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương , Chủ tịch Hội Nhà văn , nguyên Phó CT Hội LHVHNT Thừa Thiên – Huế 

Nguyễn Văn Trường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thay-ra-thay-tro-ra-tro-nhan-doc-cuon-sach-quy-nguyen-khac-phi-nguoi-thay-tai-hoa-tan-tuy-a8198.html