Kỳ 24.
Trong thành Bát Vạn, Nguyễn Thủ Tiệp ngóng chờ mãi mà không thấy tăm hơi quân của Lý Khuê đến cứu, trong lòng rối loạn lo lắng không yên, trút giận vào Nguyễn Quốc khánh. Nguyễn Quốc Khánh thấy chủ tướng trút giận vào mình thì cũng trút giận vào lính tráng, trong đó có 10 tên lính ngủ say trên mặt thành trong khi làm nhiệm vụ. Nguyễn Quốc Khánh đánh họ tóe máu ở lưng, còn phạt không cho ăn uống. Nguyên đó là những người lính của Thứ sử Vũ Ninh Dương Huy. Khi Nguyễn Thủ Tiệp xung đột với Thứ sử Dương Huy để lấy toàn bộ Vũ Ninh thì 10 người lính này bị bắt và đầu hàng. Họ bị đối xử tàn bạo, đã nung nấu ý định làm phản. Đêm đó, 10 người lính vừa đau, vừa đói khát. Một người lính nói:
- Ta nghe nói Vạn Thắng Vương dụng binh như thần, lại nhân nghĩa với quân sĩ. Thành này sớm muộn cũng thất thủ. Hay là ta lập chút công lao với Vạn Thắng Vương rồi về với quân Hoa Lư, biết đâu cuộc đời lính tráng trâu ngựa như chúng ta sẽ khá hơn chăng?
Một tên nói:
- Đúng đấy, đằng nào quân Hoa Lư tràn vào ta cũng chết, nếu không ta cũng chết vì đòn roi đói khát của tên mạt tướng Nguyễn Quốc Khánh độc ác này.
- Vậy huynh biết chữ, viết vài chữ dùng tên bắn ra ngoài hẹn mở cổng thành cho Đinh Bộ Lĩnh đi.
- Rồi.
Đêm đó một người lính Hoa Lư vào gặp Đinh Bộ Lĩnh:
- Dạ, bẩm chúa công, mạt tướng nhặt được một bức thư từ trên thành bắn xuống.
Đinh Bộ Lĩnh mở thư. Thư viết: “Canh ba đêm nay, khi có một phát tên châm lửa bắn lên thì cổng thành đã mở, xin chúa công cho quân tấn công thành. Chúng tôi là 10 người lính của Thứ sử Dương Huy xưa muốn về với chúa công. Ký tên: Tâm”. Đọc xong thư, Đinh Bộ Lĩnh nói:
- Báo cho tướng quân Nguyễn Bặc và quân sĩ, canh ba đêm nay khi nhìn thấy phát tên châm lửa bắn lên trời thì cổng thành mở, theo đó mà tràn vào.
- Da, mạt tướng tuân lệnh.
Canh ba đêm đó,10 tên lính chia nhau giết lính canh cổng, mở toang hai cửa thành phía Nam và Phía Đông. Bên ngoài, quân Hoa Lư nhìn thấy tên lửa bắn lên và cổng thành mở toang liền tràn vào thành chém giết. Tiếng reo hò vang động, lửa cháy dữ dội, gươm dao sáng loáng dưới ánh sáng lửa. Quân của Nguyễn Thủ Tiệp bị bất ngờ chống cự yếu ớt, một số bị giết, còn đại đa số đầu hàng. Nguyễn Thủ Tiệp chạy một mạch vào Hoan Châu, đến cửa Cồm, Quỳnh Lưu và chết ở Hương Ái. Đại tướng Nguyễn Quốc Khánh giả làm thầy cúng chạy đến bến đò No thì bị quân Đinh Bộ Lĩnh bắt và bị chém đầu.
Trong trận chiến với Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du, Đinh Bộ Lĩnh cũng đồng thời đánh bại Lý Khuê ở Siêu Loại, Nam Tiên Du. Lý Khuê còn có tên là Lý Lãng Công, quê quán Thuận Thành, Vũ Ninh, là hào trưởng văn võ song toàn, đức độ, tín nghĩa, đã hứa với ai điều gì thì thực hiện bằng được. Năm 965 khi Nam Tấn Vương tử trận, đất nước lâm vào cảnh loạn ly, Lý Khuê nổi lên ở quê hương mình và chiếm Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình thuộc Vũ Ninh và một phần Gia Lâm làm lãnh địa cát cứ. Đại bản doanh đóng ở Luy Lâu nhưng căn cứ quân sự chính là Ấp Cội thuộc Nguyệt Đức, Thuận Thành. Bên ngoài thành, một hệ thống ao hồ vây quanh, trong hệ thống ao hồ là tường lũy cao, chung quanh lũy trồng tre gai dày đặc che chắn. Cả ấp chỉ để có hai cổng ra vào. Đồn canh cổng một nửa hầm chìm dưới đất, một nửa lên mặt đất. Nửa trên mặt đất tròn giống bụng người nên gọi là đồn Bụng. Trong chiến lũy có những gò đồng để có thể rút vào được gọi là những Tầm Bui. Giữa căn cứ là một cái ao lớn, chung quanh trồng tre gai, giữa ao nổi lên một gò đất để họp bộ chỉ huy gọi là Vườn Phú.
Khi biết Đinh Bộ Lĩnh sẽ tấn công căn cứ của Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê hẹn với Nguyễn Thủ Tiệp sẽ đem quân ứng cứu nhưng đến bờ Nam sông Đuống đã bị quân của Đinh Liễn chặn ở bờ Bắc, thủy quân thì chặn dưới sông nên không qua được. Đinh Bộ Lĩnh dù đang bao vây Bát Vạn nhưng khi nghe tin Lý Khuê đã rời căn cứ Ấp Cội, liền cho thám mã chạy về Cổ Loa truyền lệnh cho Lê Hoàn tức tốc từ Tây Nam đánh sang Siêu Loại, chặn đường về căn cứ của Lý Khuê ở phía Nam, đồng thời hạ lệnh cho Đinh Liễn vượt sông Đuống đánh Lý Khuê ở mặt Bắc. Lý Khuê vượt sông Đuống không được đang định rút về căn cứ thì thám mã báo:
- Dạ bẩm chúa công, tướng Lê Hoàn đã đem quân Hoa Lư chặn mất đường quân ta rút về Ấp Cội.
Lại một thám mã báo:
- Dạ bẩm chúa công, quân Hoa Lư đã vượt sông Đuống tấn công quân ta ở phía Bắc.
Lý Khuê kinh hoàng:
- Đinh Bộ Lĩnh quả là tay dùng binh như thần.
Lý Khuê vừa dứt lời, quân Hoa Lư từ hai hướng Bắc- Nam ập vào chém giết. Quân Siêu Loại tan vỡ, hai vạn quân bị giết, số còn lại thì đầu hàng. Lý Khuê bị trúng tên độc, mở đướng máu chạy về đến Dương Xá, Gia Lâm thì tử trận. Đó là ngày 30 tháng 4 năm Mậu Thìn 968.
Từ Vũ Ninh, Đinh Bộ Lĩnh quyết định hành quân xuống vùng Tế Giang ,Văn Giang thuộc Đằng Châu đánh sứ quân Lã Đường. Lã Đường sinh năm 927 trong một gia đình hào trưởng giàu có. Cha Lã Đường là Lã Đại Liêu, nguyên là bộ tướng của Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu. Lã Đại Liêu có tham gia trận Bạch Đằng năm 938 và lập nhiều chiến công dưới triều Tiền Ngô Vương. Lớn lên, Lã Đường theo nghiệp cha, trông coi vùng đất Tế Giang, mang tên một dòng sông. Sông Tế Giang là con sông nối sông Hồng với sông Cầu và sông Thương. Tế Giang là vùng đất bùn lầy, quanh co hiểm yếu. Lã Đường đã xây dựng căn cứ làng Khoai - Đình Bến làm tổng hành dinh. Trong một trận chiến bị thương, Lã Đường được một cô gái thuyền chài cứu chữa, chăm sóc, Lã Đường cảm tạ lòng tốt đó và kết duyên cùng cô gái. Cuộc hôn nhân đã sinh cho Lã Đường một con trai tên là Lã Lang khôi ngô tuấn tú, tài giỏi, tinh thông võ nghệ.
Tháng tư năm 968, sau khi làm chủ Vũ Ninh, Đinh Bộ Lĩnh sai Lưu Cơ làm chủ tướng, cùng Nguyễn Bặc, Bùi Quang Dũng đem 1 vạn quân tiến về phía Đông Nam đánh Lã Đường. Lã Đường chủ trương thực hiện chiến thuật du kích, đóng giữ những nơi hiểm yếu, gặp quân Hoa Lư đông thì tránh đi, gặp ít thì đánh. Lưu cơ, Nguyễn Bặc đối phó bằng cách đánh vào lương thực của Lã Đường. Tất cả phòng tuyến vòng ngoài bị công phá. Quân Hoa Lư dưới sự chỉ huy của Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Bùi Quang Dũng bao vây thành Tế Giang. Thành tế Giang cạn kiệt lương thực. Trong thế lâm nguy, Lã Lang nói với Lã Đường:
- Con xem Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đúng là thiên tài quân sự, đã đánh bại và thu phục 8 sứ quân, kể cả sứ quân có lực lượng mạnh như Đỗ Cảnh Thạc, Lã Tử Bình. Lực của ta đâu bằng các sứ quân đó. Cố thủ chống cự cuối cùng cũng thất bại và chết. Ta nên đầu hàng thì hơn.
Lã Đường nói:
- Nhưng đầu hàng họ cũng giết.
Lã Lang nói:
- Con nghe nói sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Đằng Giang ta đã theo về với Trần Minh Công và Đinh Bộ Lĩnh, có bị giết đâu? À mà nói tới Trần Minh Công con mới nhớ cha từng kể xưa ông nội là Lã Đại Liêu là bộ tướng của Trần Minh Công, mà Trần Minh Công là nhạc phụ của Đinh chúa công. Sao không tận dụng quan hệ này để Đinh Bộ Lĩnh không giết chúng ta?
Lã Đường nói:
- Mải việc quân ta quên khuấy đi. Để ta viết một bức thư cho Nguyễn Bặc, may ra cứu vãn được tình thế.
Lã Đường viết một bức thư lên mặt thành Tế Giang bắn xuống. Nguyễn Bặc đọc thư. Thư viết: “Kính gửi tướng quân Nguyễn Bặc và Đinh chúa công, khi xưa cha mạt tướng là Lã Đại Liêu là gia tướng từng phục vụ chúa công Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu. Nay mạt tướng xin đầu hàng. Đinh chúa công có nể tình đó mà tha chết thì mạt tướng kéo cờ trắng, mở cửa thành và nguyện trung thành phục vụ cho sự nghiệp của Đinh Chúa công. Nay kính thư- Mạt tướng Lã Đường”.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-24-a8215.html