Mãnh Long quá giang

Hai chàng lính đồng hương, con nhà mồ côi tên Kiên và Dũng vào miền Nam chiến đấu, cùng đem lòng yêu cô giao liên tên Liên của đơn vị, nhưng cô gái chỉ phải lòng anh chàng Kiên biết nghề võ

manh-long-qua-giang-1637211635.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn sưu tầm)

Một người đàn ông chưa nhiều tuổi lắm nhưng tóc đã bạc trắng, tay xách chiếc túi du lịch có buộc chiếc mũ mềm màu xanh của lính. Ông thong thả những bước chân vững chãi đi dưới hàng cây, hướng về khách sạn Hà Nội.

Theo sau người đàn ông là hai thanh niên trẻ, quần loe tóc dài...

Chợt một cậu vượt lên, giật cái túi của người đàn ông. Người đàn ông như có con mắt phía sau, ông buông tay cầm túi, giơ lên vuốt vào cánh tay của thanh niên giật túi - đẩy, đưa, xoay một cái - cậu thanh niên đã nằm quay đơ, còn cái túi văng ngay bên cạnh. Người đàn ông dợm bước thì cậu thanh niên còn lại đã nhanh như cắt đứng chắn mặt, vòng tay nói:

- Cháu xin lỗi, bạn cháu bị bệnh từ bé, khi thấy mũ bộ đội thì thích giành lấy cho mình, đã lâu lắm rồi, hôm nay mới bị tái phát lại... Ạ

Người đàn ông đưa mắt dò xét, cảnh giác nói:

- Ta đã để ý bọn bay từ khi xuống xe buýt...đi theo ta để có mục đích gì?

Cậu thanh niên chỉ nói câu xin lỗi, rồi định kéo bạn bỏ đi...

Người đàn ông vươn tay, định chộp vào vai cậu thanh niên, cậu thanh niên hụp người chúi về trước một bước tránh, rồi quay mặt lại đối diện đương đầu với người đàn ông. Người đàn ông tay trên tay dưới đưa ra... hai người chạm tay, chạm chân, quấn lấy nhau chưa đầy một phút thì tách rời và cùng thốt một câu giống nhau:

- Mãnh Long quá giang...!?!

Chàng thanh niên thay đổi sắc mặt hỏi:

- Chú là chú Kiên?

Người đàn ông sững sờ:

- Cháu có phải tên Cường?

Cậu trai trẻ quỳ gối, nói lý nhí:

- Cháu xin lỗi chú, ân nhân của gia đình cháu Ạ.

...

Hai chàng lính đồng hương, con nhà mồ côi tên Kiên và Dũng vào miền Nam chiến đấu, cùng đem lòng yêu cô giao liên tên Liên của đơn vị, nhưng cô gái chỉ phải lòng anh chàng Kiên biết nghề võ.

Giai đoạn chiến tranh ác liệt, trong một trận chiến tại nội thành, Kiên bị mảnh đạn cối găm vào ngực, đơn vị được lệnh rút ra, Kiên phải nằm lại ở cơ sở...trước khi bạn rời đi, trong lúc thập tử nhất sinh, Kiên thều thào ngắt quãng với Dũng:

- Tao sẽ được làm bố...mày thay tao chăm sóc Liên, sau này nếu con trai đặt tên là Cường, con gái thì Lan...có lẽ tao không qua khỏi...

Dũng rơi nước mắt động viên:

- Mày phải sống để gặp con, gặp Liên...giữ lấy cái mũ của tao nhé!

Mày mạnh mẽ như "mãnh Long quá giang" mà.

...

Thời đó việc "ăn cơm trước kẻng" là lớn chuyện lắm...

Dũng báo cáo đơn vị xin tổ chức đám cưới với Liên, hai người được cho ra Bắc, Liên vào làm nhà máy dệt, Dũng đi học sĩ quan rồi công tác bên nghành an ninh quân đội...bị bệnh hiểm nghèo, mới mất chưa lâu.

Dũng với Liên chỉ có mỗi con là thằng Cường nên tập trung yêu thương vào nó, học xong phổ thông, đã thi đỗ vào trường quân sự.

Về phần Kiên, may mắn được một gia đình bác sĩ cứu sống, do cơ sở vỡ, một thời gian dài bị mất hoàn toàn liên lạc với đơn vị...xoay sở thay đổi thân phận, vài năm sau thì lấy con gái của vị ân nhân, sống và làm ăn cùng gia đình nhà vợ. Gần hai chục năm trôi qua, lúc nào Kiên cũng mong ngóng có ngày được ra Bắc để có cơ hội gặp lại những người thân yêu.

...

Mâm cơm có ba người...

Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, tuy mái tóc đã nhiều sợi bạc nhưng cũng không làm mất đi những nét chưa phai của một thời xuân sắc...dịu dàng nói với cậu con trai:

- Bố con là Dũng, còn đây cũng là cha của con.

Người đàn ông tên Kiên cười sung sướng:

- Bố của con chỉ tên là Dũng, ta là người có gia đình riêng rồi, gia đình của con là ở đây, hãy chăm sóc tốt cho mẹ, hương khói chu đáo cho bố...nếu có điều kiện thì hai mẹ con vào thăm, chơi với ta, lúc nào cả nhà ta cũng hoan nghênh chào đón.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ, có cả những giọt lấp lánh ở đuôi mắt hai người đàn ông...có lẽ phần nhiều là vì hạnh phúc.

Chiến tranh là khốc liệt, mất mát...nhưng bên trong nó vẫn có những câu chuyện tình, nở hoa bất tử...thế đấy Ạ.

Theo Chuyện làng quê

Vũ Xuân Trường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/manh-long-qua-giang-a8221.html