Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng – “Bức tranh hành đạo” đa sắc màu về người con đất Tổ Vua Hùng

Với chúng tôi thì nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng giống như một hoạ sĩ. Và cuộc đời hành đạo thăng trầm của bà như một bức tranh, đan xen những mảng màu sáng là những gam màu tối. Để rồi hoà trộn vào nhau, tạo nên một tác phẩm hội hoạ đa sắc màu – “Bức tranh hành đạo”.

256046716-1649072118757641-1041044524786297961-n-1637223325.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng

Người con đất tổ Vua Hùng

Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, chúng tôi đến với Phú Thọ. Mảnh đất cội nguồn, linh thiêng của dân tộc. với hàng ngàn năm văn hoá lịch sử dựng nước và giữ nước. Miền đất này lưu giữ một kho tàng văn hoá vô – hữu (phi vật thể - vật thể) đồ sộ, được trao truyền cho đến tận ngày nay.

Phú Thọ có 967 điểm di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 318 di tích được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan đến Hát Xoan; 4 bảo vật quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là những con số thống kê “biết nói” của Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ vào năm 2020. Nếu như Phú Thọ tự hào là địa phương có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", "Hát Xoan Phú Thọ". Thì cùng với Ca Trù, lần nữa Việt Nam ta tự hào khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại - Một loại hình tín ngưỡng đã có từ lâu đời, phát triển rộng và xuyên suốt khắp dải đất hình chữ S xinh đẹp của chúng ta.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng; sinh năm 1959 - Thủ nhang bản điện Ngọc Minh Phương tại xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. là một trong những nghệ nhân đã và đang lưu truyền nét đẹp văn hoá tín ngưỡng đó - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.

“Bức tranh hành đạo” đa sắc màu

35 năm đồng, cũng là 35 mảng màu sáng – tối trong “bức tranh hành đạo” của nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng. “Cuộc đời của người hành đạo gian truân lắm. Năm 1983 tôi bắc ghế “hầu Thánh”, thời điểm đó mọi người chưa biết thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì. Tất cả đều quay lưng với tôi, buồn lắm... Là giáo viên mầm non và là hiệu trưởng của trường, nên việc hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu của tôi lại càng trở lên khó khăn, áp lực hơn bao giờ hết. Năm 1991 bắt buộc tôi phải xin nghỉ dạy. Cũng mất vài năm, tôi lưu lạc sang tận Trung Quốc để làm ăn và mong muốn quên đi tất cả. Nhưng rồi cái duyên với đạo đã thôi thúc tôi về nước và tiếp tục công việc phụng sự của mình.” – Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng nghẹn ngào chia sẻ. Một bức tranh muốn trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, chạm đến trái tim người thưởng tranh, ngoài yếu tố đẹp thì còn phải có cái “hồn”. Cái “hồn” ở đây chính là tâm huyết, sự kiên trì bền bỉ của tác giả “thổi” vào đó. Với mong muốn đem đến những giá trị tốt đẹp cho đời.

Phải chăng Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng đã làm được điều này. Bằng một sợi dây vô hình nào đó bà đã và đang kết nối, lưu giữ đạo Mẫu – Đạo của người Việt từ quá khứ, hiện tại và đến cả tương lai. Với chúng tôi thì bà giống như một người hoạ sĩ. Và cuộc đời hành đạo thăng trầm của bà như một bức tranh, đan xen những mảng màu sáng là những gam màu tối. Để rồi hoà trộn vào nhau, tạo nên một tác phẩm hội hoạ đa sắc màu – “Bức tranh hành đạo”.Và giờ đây người “hoạ sĩ” đó cùng với “tác phẩm hội hoạ” của mình, đã được nhiều người biết đến hơn. Khi mà nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ, giành được nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, giải thưởng cao quý tại các cuộc thi diễn xứng chầu văn toàn quốc.

Một mùa xuân mới đang chào đón chúng ta. Mong sao nghệ nhân Nguyễn Thị Xuân Bằng sẽ luôn mạnh khoẻ, để cống hiến cho đời nhiều điều tốt đẹp hơn. Dù như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi luôn vững tin “bức tranh hành đạo” của bà sẽ mãi còn đó với thời gian.

Bình An, Đạt Tân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-nguyen-thi-xuan-bang-buc-tranh-hanh-dao-da-sac-mau-ve-nguoi-con-dat-to-vua-hung-a8225.html