Sự thật “Vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970” (Kỳ 6): NGƯỜI MỸ ĐÃ XÂY DƯNG THÊM MỘT… TRẠI TÙ BINH SƠN TÂY TRÊN ĐẤT MỸ NHƯ THẾ

Cho đến thời điểm ấy thì Hồ sơ mục tiêu Sơn Tây đã được chất đầy các ngăn tủ của Bộ chỉ huy hành quân của cuộc tập kích.

chuytratim1-1637396546.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong đó, có rất nhiều các bức không ảnh được phóng cỡ lớn, chụp tất cả các vùng đất từ biên giới Việt - Lào đến thị xã Sơn Tây. Đặc biệt là địa hình khu vực trại giam tù binh và xung quanh. Những tấm ảnh đó đều được các chuyên gia chia thành ô vuông như bản đồ. Mỗi ô trên ảnh tương ứng với 100 mét vuông trên thực địa. Các bức ảnh này đều rõ ràng và chi tiết tới mức người ta có thể phân biệt được từng dãy tường gạch, từng khu nhà ở, từng rãnh nước và từng ngọn cây có trong khu trại tù binh Sơn Tây.

Ngoài ảnh ra, tướng Blackburn và Mayer còn cho dựng lại cả sa bàn khu vực trại giam, đồng thời phóng và vẽ tấm bản đồ về mục tiêu cực lớn. Nó được in sao cẩn thận nhưng chỉ có vài bản.

Nhưng như thế mà dường như vẫn chưa làm cho người Mỹ yên tâm. Simons cho rằng không thể huấn luyện cả trăm quân tập kích một vùng đất xa lạ và nguy hiểm chỉ với loại sa bàn đồ chơi và bản đồ thực tập. Ông ta đề nghị cho dựng một mô hình trại giam Sơn Tây với tỷ lệ 1/1, nghĩa là giống y chang như thật, để phục vụ cho tập luyện.

chuytratim-2-1637396712.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Đầu tiên, Cục Tình báo quân đội Mỹ đã phản đối đề nghị này, vì sợ làm như vậy vô tình mục tiêu cuộc tập kích sẽ bị bại lộ bởi những kẻ tò mò và đặc biệt là bởi các thiết bị săn tìm đặt trên vệ tinh tình báo kỹ thuật của Liên Xô phát hiện được. Sự lo ngại này không phải là vô căn cứ. Người Mỹ biết rất rõ loại vệ tinh Cosmos 355 của Liên Xô hồi ấy đã được trang bị loại máy ảnh rất hiện đại, cho phép chụp được những bức không ảnh phân biệt rõ cả sự thay đổi của cửa sổ trong một ngôi nhà, nếu đó là mục tiêu. Vệ tinh này thường xuyên bay quan sát trên vùng trời của căn cứ không quân Eglin hai lần trong một ngày, với độ cao khoảng 130 km... Nhưng trước sự thúc bách của nhiệm vụ, Simons vẫn kiên quyết bảo lưu đề nghị của mình là phải xây dựng một mô hình trại tù binh như thật!

Cuối cùng, các chuyên gia CIA Mỹ đã tìm được một lối thoát: Họ sử dụng các loại vật liệu xây dựng nhẹ để tạo nên một mô hình trại giam tù binh Sơn Tây. Mô hình này mang tên một cô người mẫu nổi tiếng ở Mỹ hồi đó là Barbara, có thể nhanh chóng được tháo rời ra một cách dễ dàng và cất giấu đi. Đó là các tấm vải bạt chuyên dụng và cọc gỗ. Với loại chất liệu này người ta rất dễ dựng thành các bức tường rào, nhà cấp bốn và thậm chí cả những ô cửa sổ, cửa chính được cắt khéo léo rồi sơn phết với màu sắc như thật. Để có một mô hình hoàn chỉnh, các chuyên gia đã phải sử dụng tới 710 chiếc cọc gỗ và 1.500 yard vải bạt (mỗi yard bằng 0,914 mét). Cột cờ và những chiếc cột điện ở trại tù binh cũng đã được các chuyên gia dựng lên trong mô hình với kích cỡ đúng như thực tế, để các Phi công làm quen. Thậm chí, người ta còn kỳ công tới mức cho chuyển cả một số cây to (được đào cả gốc lên), về trồng lại nơi dựng mô hình của trại tù binh!... Nghe nói, riêng công trình này, các chuyên viên CIA đã phải làm mất mấy tháng trời và tiêu tốn một khoản tiền rất lớn!

chuytraitim-3-1637396862.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Thời gian đầu, mô hình trại tù binh Sơn Tây nói trên chỉ ban đêm người ta mới cho dựng lên để lính biệt kích luyện tập, còn ban ngày được tháo rời ra, ngụy trang kỹ để tránh sự phát hiện của vệ tinh Liên Xô. Về sau, người ta có tập cả ban ngày, nhưng rất hạn chế và cũng chỉ giới hạn trong 4 tiếng đồng hồ (thời gian vệ tinh tình báo kỹ thuật Cosmos 355 của Liên Xô không chụp ảnh được). Tướng Manor nói: “Tuy là kiến trúc tạm thời, nhưng mô hình này cũng đủ để cho những người lính có một cảm nghĩ xác thực là họ sẽ thấy những điều gì và họ biết rằng mình sẽ phải hành động ra sao, khi tới một mục tiêu có địa hình tương tự.”

VÀ HỌ ĐÃ CHO QUÂN BIỆT KÍCH KHỔ LUYỆN CÔNG PHU NHƯ THẬT…

Ngày 20 tháng 8 năm 1970, cuộc tập luyện của không quân Mỹ và Toán hành động hỗn hợp cấp thời bắt đầu. Trước đó, những người trong đơn vị này đã được cấp trên ưu tiên tăng khẩu phần ăn theo nhu cầu; đồng thời tập trung rèn luyện để nâng cao thể chất tới mức tốt nhất.

Hằng ngày, Simons đã bắt tất cả 103 quân tình nguyện đều phải ôn lại những bài thể dục cơ bản của lính Mỹ, rồi đeo ba lô cùng vũ khí trang bị chạy bộ mấy cây số đường dài. Các bài tập càng ngày càng nặng hơn, khó thêm và thời gian tập cũng tăng dần... Ngoài ra, họ còn phải học thêm về cách định hướng máy bay trực thăng, cách truyền tin, liên lạc, đột kích, cách phá các loại khoá và cửa, cách vượt ngục... và xen lẫn kết thúc cuối ngày là tập điền kinh. Simons muốn tất cả những binh lính trong đơn vị biệt kích của ông ta đều phải “vừa có sức tuyệt vời, lại vừa thiện chiến không thể chê vào đâu được”!

Việc tập luyện cho các Phi công trong đoàn bay mới là khó khăn và phức tạp nhất. Mặc dù tất cả bọn họ đều là những tay lái siêu hạng, nhưng yêu cầu của nhiệm vụ lần này khá đặc biệt. Để tránh bị ra đa phát hiện và sự trừng trị của lực lượng Phòng không miền Bắc Việt Nam, Manor đã yêu cầu các Phi công phải bay thấp sát ngọn cây và ngoằn ngoèo dưới thung lũng các dãy núi trong nhiều giờ liền. Hơn nữa, họ toàn tập bay ban đêm, dưới ánh trăng mờ và không được sử dụng vô tuyến điện liên lạc. Nghĩa là bay trong im lặng với đội hình sát nhau. Chỉ cần một sai sót nhỏ là máy bay có thể va vào nhau, húc vào núi, hoặc rơi xuống nơi lởm chởm đất đá của vùng Bắc tiểu bang Georgia.

Lái trực thăng bay thấp đã khó, điều khiển loại máy bay C-130 bay thấp còn khó hơn nhiều. Trong kế hoạch của chiến dịch Bờ biển Ngà, Manor và Simons sử dụng tới 3 chiếc C-130 tham gia vào cuộc tập kích. Một chiếc là loại giải cứu HC-130 sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho trực thăng trên không phận của Lào. Hai chiếc C-130 còn lại được trang bị loại khí cụ bay đặc biệt và hệ thống hồng ngoại dò tìm hiện đại bậc nhất thời đó. Một chiếc sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường 6 chiếc trực thăng đến Trại tù binh Sơn Tây rồi thả pháo sáng và pháo khói để hỗ trợ cho đơn vị biệt kích hành động. Chiếc kia sẽ hướng dẫn một số máy bay phản lực oanh tạc và yểm hộ xung quanh... Các chuyên gia đã tính toán rằng: tốc độ thường khi bay thấp của một chiếc C-130 là 250 km; nhưng để phục vụ cho việc tập kích Sơn Tây, các Phi công đã phải ép tập bay với tốc độ 105 km, gần như mất hết tốc lực, nên càng cực kỳ nguy hiểm!

Vậy mà, các toán phi hành đoàn đặc nhiệm của Manor đã phải tập luyện tới trên 1.000 giờ bay “căng thẳng đến thót tim”, với 368 phi vụ trong những điều kiện cực kỳ khắt khe kể trên.

Ngày 28 tháng 9 năm 1970, Toán hành động hỗn hợp cấp thời bắt đầu phối hợp giữa bộ binh và không quân luyện tập tấn công. Đúng như Simons đã hài hước ví đó là sự “quần nhau với mô hình trại tù binh Sơn Tây”. Mỗi ngày họ thực hiện ba cuộc đổ bộ bằng trực thăng và đêm đến lại thêm ba cuộc như thế... Simons đã cho người của ông ta luyện tập nhiều đến mức những lính Mỹ trong đơn vị biệt kích này đều thuộc lòng cấu tạo của mục tiêu cần tấn công. Nếu như có bịt mắt lại, họ vẫn có thể bắn trúng đích theo lệnh chỉ huy.

Đêm ngày 6 tháng 10 năm 1970, Tướng Manor và Đại tá Simons đã tổ chức buổi tổng diễn tập cuối cùng có bắn đạn thật trước sự chứng kiến của Blackburn và Mayer. Các máy bay trực thăng và C-130 đã bay một đoạn đường dài tượng trưng từ một căn cứ xuất phát tại Thái Lan, vượt qua biên giới Lào đến Sơn Tây. Trong cơn lốc gió cuốn ầm ầm của cánh quạt những chiếc trực thăng, pháo sáng thả trắng trời đêm và tiếng súng nổ inh tai, quân biệt kích đã bất ngờ đổ bộ vào các phòng giam tù binh trước khi nhanh chóng tiêu diệt hết các mục tiêu... khiến cho Blackburn và Mayer rất hài lòng.

Cũng trong thời gian này Trung tá Cataldo rất bận rộn, vất vả với việc chuẩn bị vũ khí, trang bị và hậu cần cho cuộc tập kích: Đó là những khẩu súng trung liên M-60, bắn đạn 7,62 ly; súng chống tăng loại 66 ly cỡ nhẹ; những khẩu CAR-15 rất nhỏ, nhẹ, báng gấp; súng phóng lựu đạn M-79; một số mìn sát thương và những túi chất nổ có sức công phá cực mạnh; những ống kính ngắm đặc biệt, giúp người sử dụng nó có thể nhìn rõ mục tiêu trong đêm tối... Ngoài túi thuốc quân y của lính biệt kích Mỹ, Cataldo còn chuẩn bị thêm cả một số chăn đệm đặc biệt, một số dép ba ta đế mềm, 100 bộ đồ ngủ và áo choàng, một lô thức ăn nhẹ nhưng dinh dưỡng cao... Tất cả những thứ ấy là để sẵn cho tù binh sử dụng trên đường dài bay về Mỹ.

Như vậy, Chiến dịch Bờ biển Ngà đã bước vào giai đoạn cuối cùng.

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Đặng Vương Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vu-tap-kich-cuu-phi-cong-my-tai-son-tay-nam-1970-ky-6-nguoi-my-da-xay-dung-them-mot-trai-tu-binh-son-tay-tren-dat-my-nhu-the-a8278.html