"Tôi nói đồng bào nghe rõ không".Tiếng "đồng bào" cất lên thật gần gũi, đầy xúc cảm khi Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Rồi cũng từ hai tiếng "đồng bào" ấy, mà bao nhiêu người con đã hy sinh để giải phóng ách nô lệ, giành độc lập, tự do cho đồng bào mình. Tôi thật sự xúc động khi mỗi lần đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đi thi đấu tại nước ngoài. Ở đâu cũng thấy có người Việt Nam mặc áo đỏ, với ngôi sao vàng trước ngực, đến cổ vũ, động viên cho đội tuyển mình thi đấu. Đó là tinh thần dân tộc, là nghĩa đồng bào, cho dù, họ bận rộn với bao công việc mưu sinh nơi xứ người, nhưng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, họ bỏ tất cả để đến cổ vũ cho đội bóng quê hương.
Thiên tai, lũ lụt, nghĩa đồng bào lại thể hiện bởi những đợt quyên góp, những chuyến hàng cứu trợ, lặn lội trong mưa bão đến những nơi gặp thiên tai để phát tận tay người dân từng gói mỳ tôm, từng hộp sữa, từng cân gạo cho đồng bào mình đang trong cơn khốn khó...
Có người nói, trong thời bình, nhất là trong cơ chế thị trường, tình nghĩa con người ngày một kém đi. Đến anh chị em ruột thịt còn tranh giành nhau miếng đất, mảnh vườn, của cải... do cha ông, tổ tiên để lại, huống chi là con người với nhau! Tôi thì không nghĩ hoàn toàn như vậy! Nghĩa đồng bào trong con người Việt Nam ta không bao giờ mất đi, nó là một "mã gien" bất biến trong mỗi con người Việt; nó ẩn chứa trong dòng máu, trong hơi thở con cháu dòng dõi Tiên - Rồng. Nó tạm lắng ẩn để rồi lại bùng lên mạnh mẽ khi Tổ quốc gặp khó khăn cần chung tay, góp sức; khi đồng bào gặp hoạn nạn cần sẻ chia cứu giúp. Chân lý ấy lại một lần nữa được chứng minh trong đại dịch Covid-19 vừa qua!
Một đứa bé mới mười ngày tuổi, theo cha mẹ thoát ra từ vùng dịch, đi xe máy vượt hàng ngàn cây số; vượt đêm, vượt gió lạnh, vượt nắng mưa để về quê vì bố mẹ mất việc làm, mất thu nhập trong dịch bệnh. Trên đường đi, gia đình bé đã nhận được bao nhiêu tấm lòng nghĩa hiệp của những người không quen biết. Họ lo lắng, đồng cảm, đồng hành để đưa bé về tận quê nhà. Khi bé đã an toàn, họ mới thấy lòng mình nhẹ nhõm. Nghĩa đồng bào là động cơ và mục đích để họ làm điều đó.
Có lúc, trong chúng ta có những suy nghĩ chưa đúng về người trẻ: Giới trẻ bây giờ sướng thật, chỉ biết hưởng thụ, không chịu được khổ cực, dễ nản lòng với khó khăn...? Nhưng trong dịch bệnh, chúng ta sẽ thay đổi cách nhìn nhận về các bạn trẻ.
Mắc covid-19 phải nhập viện, khỏi bệnh ai cũng muốn về nhà. Nhưng một bạn, hai bạn, ba bạn và nhiều bạn trẻ khác đã lan tỏa tình yêu thương, đồng cảm với những bệnh nhân F0 nặng. Họ tình nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc những người bệnh không quen biết; họ làm những công việc mà có lẽ ở nhà, họ không bao giờ đụng tay, đụng chân đến: Gội đầu, dọn vệ sinh cho bệnh nhân nặng, khuân vác bình ô xy giúp bác sĩ... Chính họ là những "đốm lửa" tỏa sáng đầu tiên, để ngành y tế và Nhà nước phát động phong trào "FO tình nguyện" trên phạm vi cả nước. Chứng kiến những mất mát đau thương của đồng bào mình đã làm thay đổi cách sống của các bạn trẻ ấy theo hướng biết quan tâm và sẻ chia với đồng loại.
Nhắc đến sự hy sinh, mất mát vì đồng bào trong đại dịch, không thể không nhắc đến những người ở "tuyến đầu" chống dịch. Họ phải làm việc 24/24 giờ, 48/48 giờ mỗi ngày và hơn thế. Họ xa gia đình nhiều tháng trời, căng mình chống dịch, ăn bờ, ngủ bụi; vật lộn, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhiều y bác sĩ đã mắc covid 19 và không may tử vong. Họ chính là những "liệt sĩ áo trắng". Dù không có được danh hiệu "Liệt sĩ" như nội hàm của danh hiệu này. Nhưng họ là "liệt sĩ" trong lòng dân, được cả xã hội tôn vinh, kính trọng.
Chúng ta cảm động trước sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung, một người nổi tiếng, được nhiều người ngượng mộ. Không chỉ ngượng mộ vì giọng hát, mà cả những việc làm thiện nguyện mà chị đã dấn thân làm, chị đúng là thiên sứ đối với những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Trong đại dịch, chị đã xông pha làm thiện nguyện; để rồi mắc bệnh và ra đi vì Covid -19. Cũng có nhiều người không nổi tiếng như chị, như trường hợp của anh Vũ Quốc Cường, mà mọi người thân mật gọi là "Cường béo" cũng tình nguyện tới nhiều nơi diễn biến dịch bệnh phức tạp để trợ giúp người nghèo. Sau đó, anh Cường và vợ con đều mắc Covid-19. Anh Cường là người con Phật đã trở về cõi Phật, để lại bao hoài bão, dự định ấp ủ cho người nghèo.
Trong đại dịch Covid 19, lịch sử đã lặp lại, khi phong trào "Cởi áo cà sa, khoác chiến bào" do giới tăng ni phát động để hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm xưa của Hồ Chủ Tịch. Thì nay, trong thời dịch bệnh hoành hành, một lần nữa, nó lại được tái hiện bằng phong trào "Cởi áo cà sa khoác bờ lu trắng phòng chống dịch". Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, gắn kết với đồng bào là vậy.
Khi tôi viết những dòng này, Lễ kỉ niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh, tử nạn trong đại dịch Covid -19 đang diễn ra. Những ngọn nến, thay cho ánh đèn điện được tắt đi. Trên những dòng sông, hoa đăng đang lung linh toả sáng. Tiếng còi tàu đang hú vang để nhắc nhở chúng ta về sự mất mát lớn lao này, và cũng để mọi người nâng cao nhận thức trước đại dịch còn diễn biến khó lường. Buổi lễ cùng thể hiện nghĩa đồng bào, gắn kết, chung tay chia sẻ, đoàn kết, tạo sức mạnh nội sinh vượt qua và chiến thắng dịch bệnh.
Con người Việt nam là vậy, nghĩa đồng bào là vậy. Xin được tri ân những tấm lòng thơm thảo vì đồng bào trong đại dịch, nhất là những người đã hy sinh cuộc sống của mình để làm đẹp thêm nghĩa cử cao đẹp - nghĩa đồng bào.
Theo Chuyện Làng Quê
Trần Minh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nghia-dong-bao-a8281.html