“Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang”

Ngày 22/11, Hà Giang đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng, giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hà Giang”. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.

hoi-thao-1637601578.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo

 

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 DTTS rất ít người, gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Đây cũng là 5 trong số 14 dân tộc có khăn đặc thù vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227, ngày 14/7/2021. Theo đó, nhóm DTTS này luôn được sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư toàn diện của Chính phủ, của các cấp chính quyền.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Mạnh Dũng nêu rõ: Văn hóa là một nguồn nội lực quan trọng, việc khai thác các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là xu thế chung của nhiều địa phương. Do đó, cần thiết phải gọt giũa, “gạn đục, khơi trong” các phong tục tập quán truyền thống, loại trừ những cái lỗi thời, bảo tồn phát huy những yếu tố tốt đẹp, bổ sung điểm mới, tiến bộ của thời đại, nhằm xây dựng một nền văn hóa các DTTS tỉnh giàu bản sắc, với những sản phẩm văn hóa đa dạng, phục vụ cho việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững.

Để cải tạo, bài trừ các tập quán lạc hậu trong các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đặc biệt cần tiếp tục có các giải pháp can thiệp, thiết chế, chế tài để xử lý hành vi thực hành hủ tục hiệu quả hơn, nhất là với những vi phạm chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh, góp phần duy trì sự ổn định tư tưởng, tinh thần của đồng bào, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, cần xác định rõ việc cải tạo, bài trừ hủ tục là việc làm của toàn dân; quá trình thực hiện cần linh hoạt, không chủ quan, máy móc. Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh cần thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của thôn bản; đây là nhiệm vụ của các cấp có trách nhiệm tham gia trong việc bài trừ hủ tục; nêu cao vai trò của hội nghệ nhân dân gian. Tiến hành bài trừ hủ tục cần phải có lộ trình cụ thể. Đồng thời kịp thời tuyên dương khen thưởng những mô hình, gương điển hình có trách nhiệm, thực hiện tốt.

Các đại biểu đã thảo luận tập trung làm rõ thực trạng, cách nhận biết, nguyên nhân tồn tại, hậu quả của các tập quán, hủ tục lạc hậu; các giải pháp cải tạo, bài trừ và các khuyến nghị bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đánh giá về công tác chỉ đạo, định hướng các ngành trong khối tư tưởng, văn hóa và hệ thống tôn giáo các cấp trong tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp văn hóa truyền thống; kinh nghiệm tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; việc tập hợp các nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng và việc bàn trừ các hủ tục lạc hậu; giải quyết các vấn đề cải tạo, bài trừ hủ tục, nhìn từ góc độ pháp lý, luật tục. Một số ý kiến nhấn mạnh vai trò của ngành giáo dục trong việc cải tạo và bài trừ hủ tục lạc hậu; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong bài trừ các hủ tục lạc hậu trong dân tộc Mông tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn; Thực trạng và giải pháp cải tạo, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc…

Nhiều ý kiến đều nhất trí cho rằng, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án… của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương và của tỉnh. Do đó, đời sống đồng bào dần được cải thiện với nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong đời sống của đồng bào các DTTS Hà Giang còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, nhất là trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng; sinh hoạt gia đình và trong sản xuất đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do các tập quán tồn tại từ lâu trong đời sống đồng bào trở thành thói quen  trong cộng đồng, dù biết là không còn phù hợp, đã lạc hậu nhưng cộng đồng không thể tự bỏ, đặc biệt đối với các tập quán tâm linh…

Lê Hoàn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-thao-nghien-cuu-thuc-trang-va-giai-phap-bai-tru-mot-so-tap-tuc-lac-hau-trong-dong-bao-dtts-tinh-ha-giang-a8329.html