Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinh-blinh1-1637633530.jpg

Tranh minh họa bìa sách của NXB Văn học: Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đăng quang,  lấy đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, niên hiệu Thái Bình, năm 968 là năm Thái Bình thứ nhất, kinh đô Hoa Lư, Quốc hiệu Đại Cồ Việt. Đinh Bộ Lĩnh  trở thành Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.Nguồn: Internet.

 

Kỳ 29.

Trong cung điện rộng rãi của Hoa Lư, hôm nay Đinh Tiên Hoàng Đế thiết triều bàn việc tổ chức xây dựng vương triều và đất nước. Đinh Tiên Hoàng ngồi trên ngai vàng là một chiếc ghế lớn bằng gỗ lim, đầu hai tay ngai ghế có đầu hai con rồng vàng. Bức tường cung điện sau lưng hoàng đế ngồi lại ốp thêm một phiến đá cũng khắc hai con rồng to lớn uốn lượn và đầu chạm vào vòng tròn mặt trời. Trước mặt vua và thấp hơn là hai hàng ghế gỗ sến cho bá quan văn võ ngồi thiết triều. Đinh Tiên Hoàng đầu đội vương miện, áo long bào có thêu hình hai con rồng uốn khúc, chân đi hài màu vàng. Hai bên có hai nội quan đứng giúp việc. Dưới hai hàng ghế là hai bên bá quan văn võ. Ngồi ngay đầu hàng ghế là Trần Minh Công và Phạm Phòng Át. Đinh Tiên Hoàng nói:

- Hôm nay là buổi thiết triều đầu tiên của nhà Đinh. Sau nhiều năm thiên hạ loạn lạc, không có một triều đình trung ương thống nhất. Sau bao nhiêu hy sinh của bách tính, của hàng vạn binh sĩ, của hàng trăm tướng lĩnh đã tạo nên một quốc gia thống nhất. Như đã công bố trong lễ đăng quang, ta lấy đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, niên hiệu Thái Bình, năm 968 là năm Thái Bình thứ nhất, kinh đô Hoa Lư, Quốc hiệu Đại Cồ Việt. Những điều này triều đình đã viết trong “Cáo Thị” gửi bách tính, quan lại trong toàn Đại Cồ Việt. Nội quan Đỗ Thích đâu?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, có thần.

- Cáo thị của triều đình đã gửi đi toàn quốc chưa?

- Dạ bẩm Hoàng thượng, các nội quan đã chép sạch sẽ gửi đi các châu, huyện và còn dán ở các trấn trị các châu cho bách tính đọc ạ.

Đinh Tiên Hoàng nói tiếp:

- Các đại thần văn võ bá quan nghe khẩu dụ sau đây:

- Nay phong Trần Nương làm đệ nhất hoàng hậu, Dương Văn Nga làm Đại Thắng Minh Vương hoàng hậu, Ngô phu nhân làm đệ tam hoàng hậu, Trinh Minh làm Trinh thục hoàng hậu, Nguyễn Thị Sen làm Từ Phi hoàng Hậu, Kiều Thị làm Kiều Quốc hoàng hậu, Cồ Thị làm Cồ Quốc hoàng hậu, Ca Thị làm Ca Ông hoàng hậu.

- Nay phong Trần Minh Công là Phụ Dực Quốc Chính Thượng tướng quân, ăn lộc ở đất Sơn Nam, thực ấp 2000 hộ. Phong Phạm Phòng Át làm thân vệ Đại tướng quân, ăn lộc ở Đằng Châu, An Biên, Lục Châu, thực ấp 2000 hộ. Phong Lê Hoàn làm Thập Đạo Tướng quân, Tổng chỉ huy 10 đạo quân của Đại Cồ Việt. Phong Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công. Phong Đinh Điền làm Ngoại Giáp, phụ trách công việc đối ngoại của Đại Cồ Việt. Phong Lưu Cơ làm Đô Hộ Phủ Sĩ Sư. Phong Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, Trịnh Tú, Bùi Quang Dũng, Đinh Võ Trung làm Đại tướng của Đại Cồ Việt. Phong Lý Công Uẩn làm Điện Tiền chỉ huy sứ, phụ trách quân ngự lâm bảo vệ kinh thành và hoàng gia. Phong Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Tổng trấn Hoa Lư. Phong Trần Thăng là Phò Mã Đô Úy. Phong Trần Nguyên Thái làm Phò mã Thị Lang Ngoại Giáp. Phong Ngô Nhật Khánh làm phò mã Đô úy. Phong Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống, ban Khuông Việt Đại sư, đứng đầu Phật giáo toàn cõi Đại Cồ Việt. Phong Trương Ma Ni làm Tăng Lục. phong Đặng Huyền Quang, đạo sĩ làm Sùng Chân Uy.         

- Chính quyền địa phương các đạo phải cấp ruộng đất cho các gia đình có con em hy sinh hoặc đang tại ngũ mà đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.

Tất cả bá quan văn võ đều quỳ và đồng thanh:

- Chúng thần tạ ơn Hoàng thượng.

- Chúc mừng Hoàng thượng đăng quang. Hoàng thượng vạn vạn tuế.

- Các ái khanh bình thân.

- Tạ Hoàng thượng.

Đinh Tiên Hoàng nói tiếp:

- Nay ta xóa bỏ cách chia hành chính cũ là châu, cả nước nay chia thành 10 đạo, dưới đạo là châu, dưới châu là huyện, dưới huyện là hương và xã. Quan đứng đầu đạo gọi là Tổng trấn. Mười đạo hành chính này cũng là 10 đạo quân binh do quan Thập đạo tướng quân chỉ huy. Tổng trấn các đạo là những võ quan đã có nhiều công lao đóng góp trong cuộc nội chiến. Mười võ tướng sau đây nhận chỉ: Nay phong Phạm Công Thanh, Phạm Công Hoài, Phạm Công Định, Phạm Thành, Phạm Phổ, Đinh Đức Đạt, Trịnh Đức Thông, Nguyễn Đức Long, Lã Lang, Ngô Xương Xí nhận chức Tổng trấn các đạo.

10 võ quan bước ra quỳ và đồng thanh:

- Tạ ơn Hoàng thượng. Chúc Hoàng thượng vạn vạn thuế.

- Các ái khanh bình thân.

- Tạ Hoàng thượng.

Đinh Tiên Hoàng nói tiếp:
- Về quân sự, biên chế đơn vị lớn nhất là đạo, sau đạo là quân, sau quân là lữ, sau lữ là tốt, sau tốt là ngũ. Nay chúng ta có khoảng 1 triệu quân chính quy mà dân số Đại Cồ Việt khoảng 5 triệu. Cho nên, để bảo đảm sản xuất và quốc phòng, ta chủ trương chính sách “Ngụ binh ư nông”, tức là gửi quân lính ở nhà nông, một phần hai quân sĩ về làm ruộng, hết hai mùa vụ 1 năm lại về quân ngũ và một phần hai tiếp theo lại về thay thế, nghĩa là thay phiên nhau sản xuất nhưng cũng là thay phiên nhau giữ nước.

- Lại nữa, cai trị đất nước phải có pháp luật. Nay Đại Cồ Việt chưa có pháp luật thành văn, ta hạ lệnh lấy phong tục tập quán của người Việt làm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, dùng trong tố tụng. Về trừng phạt, ta chủ trương trừng phạt nặng để khiếp sợ mà không dám phạm pháp, tội nặng mà trừng phạt nhẹ là đồng lõa với tội ác và tội do đó mà mọc như cỏ dại. Ta ra lệnh kẻ phạm tội nặng ném vào vạc dầu đang sôi hoặc ném vào chuồng hổ cho hổ xé xác. Ngày mai, tại sân triều phải đặt một vạc dầu lớn và 5 chuồng hổ rộng để sẵn sàng thi hành pháp luật.

Các đại thần văn võ bá quan lại đứng dậy cúi mình:

- Chúng thần tuân chỉ.

Đinh Tiên Hoàng nói tiếp:

- Lại nữa, đất nước giữa các vùng phải giao lưu buôn bán sản vật, đổi cái thừa mua cái thiếu để sử dụng, phát triển sản xuất. Ta ra lệnh ngân khố nhà nước thu vàng trong toàn quốc, trên cơ sở số vàng nhà nước trong kho mà đúc ra tiền đồng để cho thiên hạ dễ mua bán. Đồng tiền này mang niên hiệu của ta là đồng Thái Bình Hưng Bảo. Các quan ở triều đình cũng như ở trung ương căn cứ theo các chỉ dụ này mà hành pháp, không được sai phạm sơ suất. Các quan ở địa phương và trung ương lớn nhỏ đều ăn lộc triều đình, lộc triều đình là thuế má của bách tính, cho nên làm việc phải vì xã tắc, vì bách tính, vì triều đình. Ai vi phạm trừng phạt không tha. Ai còn tấu gì nữa không?

- Chúng thần tuân chỉ.

- Bãi triều.

Kinh đô Hoa Lư trong một đêm mùa hạ. Trong biệt phủ của phò mã Đô úy Ngô Nhật Khánh, Ngô hoàng hậu đang ngồi nói chuyện với con trai của mình. Ngồi bên cạnh là đứa bé trai 5 tuổi trông khôi ngô lanh lợi. Đó là hoàng tử Hạng Lang, con trai của Đinh Tiên Hoàng và Ngô hoàng hậu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-29-a8330.html