Sự thật “Vụ tập kích Sơn Tây” năm 1970 (Kỳ 9): ĐÊM SƠN TÂY KHÔNG QUÊN BIỆT KÍCH MỸ LÀM NHỮNG GÌ!

Đoàn trực thăng biệt kích do một chiếc C-130 dẫn đường, lầm lũi bay trong đêm như kiểu “đi ăn trộm”. Simons ngồi trên chiếc trực thăng được nguỵ danh là “Quả táo số Một” bắt đầu ngủ lấy sức. Theo kế hoạch, kể cả thời gian tiếp liệu trên không phận của Lào, đúng 3 giờ sau họ sẽ đổ bộ xuống Sơn Tây...

chuy1q1-1637638796.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Những Phi công trong phi hành đoàn của Simons không ngờ rằng máy bay của họ chỉ là một trong hơn 100 chiếc đủ loại: Trực thăng HH-53, C-130, A-1, F-105, F-4... được cất cánh từ 5 căn cứ không quân tại Thái Lan, 3 tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ, mà Lầu Năm Góc đã huy động tham gia chiến dịch này. Và quy mô của chiến dịch diễn ra trên một vùng trời rộng tới gần 300.000 km2 của vùng Đông Nam Á.

Viên Phi công Donohue lái chiếc “Quả táo số Ba” bắt đầu hạ thấp độ cao khi bay vào không phận Việt Nam. Bay sau anh ta là hai chiếc “Quả táo số Bốn” và “Quả táo số Năm”. Khi chỉ còn cách mặt đất chừng 500 bộ (1 bộ = 0,3048 mét), các Phi công Mỹ đã có thể nhìn sông Đà lấp loáng dưới ánh trăng và dãy núi Tam Đảo trùng điệp để định hướng đúng như bản đồ bay đã ghi.

chuy2q1-1637638995.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Khi chỉ còn cách mục tiêu khoảng 2 dặm, Donohue cho Quả táo số Ba bay chậm lại để chiếc C-130 cùng hai chiếc trực thăng khác vượt lên chuẩn bị thả pháo sáng. Lúc đó kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ 17 phút của ngày 21 tháng 11 năm 1970. Như vậy, phi hành đoàn biệt kích của Simons đã bay đến Sơn Tây nhanh hơn... 01 phút so với kế hoạch dự kiến. Quân Mỹ cho rằng đây là thời gian bộ đội canh giữ trại tù binh đang đổi gác, nên sẽ bị bất ngờ và không kịp trở tay!

Trong ánh pháo sáng lóa mắt của chiếc C-130 bắn xuống, đoàn trực thăng Mỹ bay sát ngọn cây, cánh quạt chém vào không khí tạo nên những luồng gió lốc rú rít ầm ầm giữa đêm khuya.

Sau những giây phút căng thẳng cố gắng định hướng cho máy bay đến đúng trại tù binh, Donohue bỗng phát hiện ra mình đã bay chệch về phía Nam mục tiêu khoảng 400 mét. Nơi ấy cũng có một cơ sở giống như trại giam, nhưng không thấy có con sông nhỏ ở ngoài tường rào như các chuyên gia DIA đã mô tả. Anh ta lập tức lái chiếc Quả táo số Ba quay lại.

chuy3q2-1637639098.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bây giờ thì Donohue và cả Đại uý Thomas Waldron - viên Phi công lái phụ đã nhìn thấy trại tù binh Sơn Tây với 3 chiếc chòi gác rõ mồn một. Chỉ có điều các cây cối trong trại có vẻ xanh tốt và cao to hơn rất nhiều so với những gì họ hình dung từ bên Mỹ. Có lẽ chúng đã lớn vổng lên sau mùa mưa vừa rồi!

- Chuẩn bị nổ súng! - Donohue nói nhanh vào chiếc máy truyền tin, đồng thời anh ta hạ bớt tốc lực cánh quạt... “Bắn!”

Sau khẩu lệnh ngắn gọn, chiếc Quả táo số Ba rung lên. 2 khẩu súng máy được gắn bên hông của chiếc trực thăng thi nhau nhả đạn một cách tàn nhẫn.

- Trúng rồi! Đổ sụp hết rồi!

Có tiếng reo lên khoái trá của mấy gã xạ thủ. Donohue liếc mắt thấy rõ những chiếc chòi gác sụp xuống tan tành khi chiếc trực thăng lướt qua...

Quả táo số Ba đã hoàn thành nhiệm vụ mở màn cuộc đột kích. Nó bốc lên cao hơn, bay về hướng Đông khoảng 1,5 dặm, tìm một bãi đất trống và đáp xuống. Cũng tại đây, một tốp trực thăng khác đã đợi sẵn, tất cả vẫn để cánh quạt quay tít. Chúng có nhiệm vụ chờ đón các tù binh được giải thoát đưa ra khỏi trại giam rồi bốc lên luôn... Theo kế hoạch đã được định trước, tất cả các nhân viên tổ lái đều được lệnh sẵn sàng lẳng hết các thứ dụng cụ mang theo cho máy bay nhẹ bớt... để ưu tiên di tản những tù binh Phi công được cứu thoát.

Donohue vặn to âm lượng máy truyền tin. Sau 3 giờ đồng hồ phải bay trong câm lặng, bây giờ thì tất cả các máy truyền tin được mang theo của các toán tập kích đều đã bật công tắc. Thôi thì đủ các làn sóng FM, EM, VHF, UHF... với vô vàn những âm thanh hỗn tạp cùng vang lên trong tiếng súng nổ và tiếng động cơ cánh quạt trực thăng hối hả...

Có lẽ nhiệm vụ khó khăn nhất thuộc về chiếc trực thăng mang nguỵ danh Quả táo số Hai do Đại uý Dick Meadows chỉ huy, Phi công H. Kallen lái chính và Herb Zehnder lái phụ. Bọn họ có nhiệm vụ chở một toán đột kích đáp xuống chiếc sân nhỏ của trại tù binh, ngay sau khi chiếc Quả táo số Ba đã tiêu diệt hết các mục tiêu chòi gác. Toán đột kích này có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là khống chế, tiêu diệt những bộ đội Việt Nam có trong trại và tiếp cận ngay các buồng giam để bảo vệ tù binh. Sau đó, họ sẽ “nội công” để một lực lượng khác “ngoại kích”, phá bức tường rào của trại giam, tìm cách đưa tù binh vừa giải cứu được ra ngoài...

Theo kế hoạch đã được các chuyên gia Mỹ tính toán rất kỹ thì chỉ cần chiếc HH-53 khổng lồ đáp được xuống khoảng sân nhỏ của trại giam, không làm tốp lính bị thương, đã là thành công! Một khối thuốc nổ C4 cực mạnh đã được khóa chặt dưới sàn của máy bay (đề phòng đối phương tháo gỡ), với 2 ngòi nổ hẹn giờ, để Dick Meadows phá tan chiếc máy bay đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nghe nói, một sỹ quan cao cấp của Lục quân đã không đồng ý với kế hoạch này, chỉ vì... tiếc của. Tướng Blackburn tức lắm! Ông ta đòi gặp riêng viên sĩ quan nọ để “làm cho ra nhẽ”. Viên sĩ quan nọ đã ‘thật thà” khuyên Blackburn nên dùng loại trực thăng UH-1 của bộ binh, giá tiền chỉ có 350.000 đôla một chiếc, thay vì dùng loại HH-53 của Không quân, giá tiền những gần 1.000.000 đôla mỗi chiếc!

Blackburn đã suýt nổi khùng lên. Ông ta nói đại ý: Không thể dùng đô la để cò kè hơn thiệt với tính mạng hàng trăm tù binh Phi công Mỹ đang bị giam ở Sơn Tây. Đến thời điểm đó, quân đội Mỹ đã mất không dưới 3.000 chiếc trực thăng các loại trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ giàu có lắm, nếu có mất thêm vài chiếc trực thăng nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì! Nhưng chỉ cần mất một người lính, hơn nữa lại là một Phi công, thì đó là cả một sự khủng khiếp!

*

...Trở lại đêm thực tế ở Sơn Tây, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng viên Phi công H. Kallen vẫn không tài nào điều khiển nổi chiếc Quả táo số Hai đáp xuống sân trại giam được như ý muốn. Vào những giây phút cuối cùng trước khi tiếp đất, càng của chiếc trực thăng đã vướng phải hàng dây thép chăng ngang sân (kiểu dây phơi quần áo), còn chiếc cánh quạt quá dài tới 62 bộ đã chém đứt ngang mấy thân cây to, băm nhỏ từng khúc, khiến cành lá của chúng văng ra tung tóe khắp nơi, rơi rụng ào ào...

Một tiếng va chạm cực mạnh, ầm vang hơn cả bão lốc. Chiếc trực thăng đổ nhào trong sân trại tù binh khiến cho những tấm kính chắn gió vỡ vụn, ô cửa sổ méo mó. Động cơ máy bay gầm lên dữ dội và lồng lộn như thú dữ bị trọng thương. Chiếc cánh quạt sứt mẻ đã chém đứt thêm mấy đoạn cây lớn nữa, rồi mới chịu bất lực dừng hẳn vòng quay...

Cú va chạm khủng khiếp đã làm cho một lính Mỹ bị văng ra khỏi máy bay đến mấy mét, một người khác bị vỡ cổ chân. Đại uý Dick Meadows ê ẩm cả người, nhưng anh ta cố vùng ngay dậy được và thoát ra khỏi chiếc máy bay hỏng. Dick Meadows chạy cách xa khoảng hơn chục mét thì dừng lại và quỳ xuống. Anh ta hướng chiếc loa pin vào khu buồng giam và bắt đầu phát thanh bằng tiếng Mỹ. Giọng anh ta hổn hển, gấp gáp, nhưng cố gắng bình tĩnh: Chú ý! Chú chú ý! Chúng tôi là người Mỹ! Chúng tôi đến đây để cứu thoát các anh ra khỏi chỗ này! Để đảm bảo an toàn, yêu cầu tất cả các anh hãy nằm xuống nền nhà! Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong sau vài phút nữa!...

Trong khi Dick Meadows phát thanh nhắc lại nội dung trên nhiều lần, thì 13 lính trong toán đột kích còn lại của anh ta với súng tiểu liên lăm lăm trong tay đã nhanh chóng tỏa ra tiếp cận các phòng giam và khu cổng trại chính. Họ xả súng bắn không tiếc đạn vào bất cứ thứ gì có vẻ khả nghi trên đường tiến quân.

“Chú ý! Chú chú ý! Chúng tôi là người Mỹ! Chúng tôi đến đây để cứu thoát các anh ra khỏi chỗ này!... Chúng tôi sẽ vào các phòng giam sau vài phút nữa...”

Giọng Dick Meadows vẫn vang vọng khắp khu trại giam, lẫn trong tiếng súng nổ và tiếng cánh quạt trực thăng phành phạch. Nhưng tuyệt nhiên không có sự hồi âm lại của phía các tù binh. Các phòng giam vẫn hoàn toàn im lặng một cách đáng ngờ!

Dick Meadows xem đồng hồ: cuộc tập kích đã diễn ra được gần 3 phút. Vào giờ này, theo kế hoạch lẽ ra toán quân của Simons đã phải có mặt để làm nhiệm vụ. Nhưng không hiểu họ biến đi đâu cả?

Bỗng xuất hiện một quầng sáng chói mắt, kèm theo một tiếng nổ lớn. Dick Meadows thấy bờ tường rào phía Nam đã bị bục một mảng lớn. Trong khói bụi khét lẹt, một toán biệt kích Mỹ hùng hổ nhảy vào. Nhưng đó lại là toán quân của Trung tá Elliot Sydnor...

Thì ra chiếc trực thăng mang nguỵ danh Quả táo số Một chở toán quân của Simons gồm 22 người, đã đổ bộ nhầm xuống một địa điểm cách mục tiêu khoảng 400 mét về phía Nam. Nơi này, theo các chuyên gia DIA đã đánh dấu trong bản đồ bay là “Trường trung học”. (Thực ra, nơi đây nguyên là Trường Đảng của tỉnh Sơn Tây, sau ngày tỉnh Hà Tây được thành lập, trường được cải tạo thành nơi an dưỡng cho cán bộ).

Trước khi cuộc tập kích xảy ra, Simons đã nhắc nhở các Phi công rất kỹ: Từ trên cao nhìn xuống nó rất giống mục tiêu, nên phải hết sức cẩn thận. Nhưng chính viên Phi công kỳ cựu Britton chở toán của Simons lại bị mắc lừa! Simons đã nhận ra điều này sau khi chiếc trực đã thả toán đổ bộ xuống bên ngoài bức tường rào và bay lên cao. Ông ta ngạc nhiên vì chờ mãi mà không nghe tiếng Dick Meadows phát thanh kêu gọi tù binh nằm xuống tránh đạn, cũng không nghe tiếng súng nổ phía trong. Để chắc chắn, Simons lệnh cho toán lính phá vỡ bức tường rào và xông vào... Tại đây, trước khi rút ra ngoài, lính biệt kích Mỹ đã xả súng bắn chết 5 cán bộ an dưỡng khi họ đang ngủ... Và chỉ trong vài phút, bọn họ đã đốt phá cơ sở này, tạo nên những đám cháy lớn!

Khi chiếc trực thăng Quả táo số Một quay lại đón toán của Simons đến đúng vị trí của mục tiêu, thì cuộc tập kích đã diễn ra được 8 phút. Simons lập tức liên lạc bằng bộ đàm với Dick Meadows và Elliot Sydnor, lệnh cho các toán trở lại Phương án Một. (Trước đó, vì phát hiện ra Simons đổ bộ sai vị trí, Elliot Sydnor đã quyết định cho toán quân của mình chia làm đôi để thế chỗ và thông báo qua bộ đàm xin thực hiện Phương án Hai).

Theo đúng kế hoạch, sau khi thiết lập xong Sở chỉ huy nhẹ, Simons vội cho một tốp lính đi phá sập cầu Sông Tích bằng thuốc nổ. Trong khi đó, toán lính của Sydnor cũng đã phá sụp trạm biến thế cùng các cột điện gần đó, cắt hết điện lưới cung cấp cho trại tù binh và các khu vực xung quanh. Và mặc dù không có trong dự định trước, nhưng tốp lính này đã dùng chất nổ phá tan luôn cả trạm bơm nước của thủy lợi gần đó.

Chưa hết! Trên đường tiến quân, lính của toán Simons còn đạp cửa xông vào một trong ba ngôi nhà dân hiếm hoi của cả vùng, bởi nhà này còn thắp điện sáng. Một người mẹ và ba đứa con nhỏ đang ngủ ngon. Bỗng nghe tiếng súng, bốn mẹ con sợ quá vội chui xuống gầm giường. Một lính Mỹ soi đèn pin và phát hiện ra họ. Hắn đã bóp cò súng, bắn trọn một băng tiểu liên vào người phụ nữ và ba đứa trẻ. Bà Nguyễn Thị An (48 tuổi) và cháu gái Lê Thu Hương (12 tuổi) chết ngay tại chỗ. Cháu gái Lê Thu Nga (15 tuổi) và cháu trai Lê Việt Tuấn (9 tuổi) bị thương rất nặng bởi trúng nhiều vết đạn...

Cùng lúc đó, sau khi gọi loa phát thanh, Dick Meadows đã chỉ huy toán lính phá khóa đột nhập vào từng buồng giam. Hầu hết các phòng đều trống không... Nhưng trong một căn buồng nhỏ, toán biệt kích Mỹ đã phát hiện ra 6 người đàn ông đang cởi trần nằm ngủ. Họ chính là những người lính có nhiệm vụ trông coi trại giam sau khi tù binh Mỹ đã chuyển đi nơi khác, và đều thuộc diện quân số thu dung, (những người đang ốm yếu, bệnh tật, an dưỡng từ nhiều nơi được điều về... nghĩa là không phải quân số tham gia công tác, chiến đấu, nên thường không được trang bị vũ khí). Và toán lính của Dick Meadows đã xả súng bắn chết tất cả 6 người đàn ông không hề có vũ trang này!

Thượng sỹ Jemmer là người đầu tiên được lệnh lục soát các phòng giam. Anh ta hết sức kinh ngạc, bởi phòng nào cũng trống không! Tuyệt nhiên không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ có tù binh Mỹ đang ở.

Trung uý Petrie, trưởng toán hành động đứng bên ngoài cảnh giới sốt ruột hỏi vọng vào:

- Có tìm thấy ai không? Có gặp người nào không?

Jemmer đáp gọn lỏn:

- Chẳng thấy mống nào hết!

Petrie không tin, anh ta vội lao vào, trực tiếp cầm đèn pin soi từng phòng một. Nhưng sự thật vẫn là những căn phòng hoàn toàn trống rỗng! Một số phòng các cửa sổ bị mở toang, nền nhà đầy bụi bặm và không khí nồng nặc mùi ẩm mốc. Thật khó mà xác định được chúng đã bị bỏ hoang bao lâu. Có thể đã vài tuần, nhưng cũng có thể chỉ mới vài ngày...

Sau một hồi lục soát và tìm kiếm vô vọng, Đại uý Dick Meadows đành báo cáo qua bộ đàm:

- Trại giam trống rỗng! Không tìm thấy một tù binh Mỹ nào cả!

Không tìm thấy một tù binh nào cả! Không tìm thấy một tù binh nào cả!... Câu nói ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và truyền từ người này tới người khác, sau cùng nó đã đến tai Simons như một cú sét, khiến cho ông ta không khỏi giật mình choáng váng.

- Các anh đã kiểm tra thật kỹ chưa? - Simons không tin, hốt hoảng hỏi lại. Giọng ông ta nghe lạc hẳn đi.

- Thì tôi đang ở trong một phòng giam đây! - Dick Meadows bực mình gào lên trong máy.

Đồng hồ đã chỉ sang phút thứ 18 kể từ khi bắt đầu cuộc tập kích. Simons lệnh cho mấy tên lính đem theo máy ảnh vào các buồng giam để chụp ảnh. Và đích thân ông ta đã vào tận nơi để kiểm tra lần cuối cùng, với một tâm trạng đầy thất vọng và chán chường.

Một bức điện không có trong dự kiến đã được viên sĩ quan truyền tin của Simons gửi cho tướng Manor ở Bộ chỉ huy cuộc hành quân tại Đà Nẵng: Không có một tù binh nào cả. Trước khi Đại tá Simons hạ lệnh cho tất cả toán tập kích rút lui và lên máy bay, mấy tên lính đã lục soát xác mấy người đàn ông bị bắn chết, nhặt theo vài chiếc giày, dép, thắt lưng, quần áo cũ, mũ cối... coi như là “chiến lợi phẩm”.

“LẦU NĂM GÓC” ĐÃ NHẬN ĐƯỢC THÔNG TIN VỤ TẬP KÍCH NHƯ THẾ NÀO?

Vào lúc cuộc tập kích Sơn Tây bắt đầu, nghĩa là lúc 23 giờ 25 phút ngày 20 tháng 11 năm 1970, từ Đà Nẵng, tướng Manor điện về “Lầu Năm Góc” báo tin Chiến dịch Kingpin đã mở màn, thì tại thủ đô Washington của nước Mỹ đang là buổi trưa.

Hầu như tất cả các quan chức chóp bu của Lầu Năm Góc đều có mặt tại trung tâm chỉ huy: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Laird, Cố vấn Kissinger; cùng các Tư lệnh Không quân, Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến, Tham mưu trưởng Lục quân... Bọn họ ăn trưa ngay tại phòng làm việc. Chủ đề các câu chuyện họ nói với nhau đều không ngoài cuộc tập kích Sơn Tây đang diễn ra tại Việt Nam... Thỉnh thoảng lại có người nhìn đồng hồ, thấp thỏm chờ đợi tin tức.

Liên tiếp ba công điện của Tướng Manor từ Việt Nam gửi về báo cáo diễn tiến tốt đẹp của cuộc hành quân, khiến cho không khí trong phòng họp của Trung tâm chỉ huy có vẻ hân hoan và tràn trề hy vọng...

Nhưng sự hy vọng và niềm hân hoan của các tướng lĩnh tại Lầu Năm Góc cũng chỉ tồn tại trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ. Khi công điện thứ 4 của tướng Manor gửi về báo tin: Các toán đột kích Mỹ đang rời khỏi Sơn Tây đã khiến cho bọn họ đứng ngồi không yên.

Chưa đầy 30 phút sau, một công điện cuối cùng đã bay về như dội xuống mỗi “cái đầu nóng” một “gáo nước lạnh” đến tê người: Không giải cứu được một tù binh Phi công nào!

Nguồn tin trên đã khiến cho cả Trung tâm chỉ huy như chết lặng đi. Không một ai muốn tin rằng đó là sự thật và độ chính xác của công điện mà họ vừa nhận được. Nhưng bọn họ cũng không có cách nào kiểm chứng lại, bởi vì từ giờ phút đó các toán biệt kích đặc nhiệm Mỹ đã bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong im lặng, liên lạc vô tuyến bị cắt hoàn toàn...

Cũng lúc đó, tại Bộ chỉ huy cuộc hành quân của tướng Manor ở Đà Nẵng một không khí thất vọng ê chề cũng đang bao trùm lên tất cả.

Lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của viên tướng cáo già này đã nếm mùi thất bại cay đắng đến thế. Ông ta thật sự hốt hoảng và bối rối, không biết phải hành động ra sao kể từ khi nhận được bức điện của Simons: Zero Prisoners (không có một tù binh nào cả!). Bức điện đó đã được thảo xong ở ngay trại giam Sơn Tây trống rỗng.

Lúc đầu, chính Simons cũng lúng túng và phân vân về cách diễn đạt này, vì trong bản mật mã liên lạc của cuộc hành quân không có quy định sử dụng chữ Zero. Quả thật, khi nhận được nó, Tướng Manor đã không hiểu gì cả, và ông ta đã vội cho điện hỏi lại, vì nghĩ rằng có thể sĩ quan truyền tin của Simons đã “quên” hoặc “bỏ sót” một hai con số trước từ Zero.

Simons đã kiên nhẫn cho điện lại lần thứ hai nội dung y như trên, trước khi điểm danh tên lính biệt kích Mỹ cuối cùng bước lên trực thăng...

Chiếc trực thăng cuối cùng của toán đặc nhiệm tập kích Mỹ rời khỏi Sơn Tây lúc 2 giờ 44 phút ngày 21 tháng 11 năm 1970. Nghĩa là cuộc đổ bộ chỉ diễn ra trong 27 phút, đúng theo kế hoạch.

Và 6 phút sau, một ánh chớp loé lên cùng một tiếng nổ lớn phát ra từ trại tù binh cũ. Đó là khối chất nổ C4 cực mạnh, được cài kíp hẹn giờ, đã phá tan chiếc HH-53 mang nguỵ danh Quả táo số Hai trong sân trại giam...

Tại sao tù binh Phi công Mỹ lại được chuyển khỏi trại giam Sơn Tây trước khi vụ tập kích xảy ra?

Đó chính là câu hỏi đã làm điên đầu các quan chức chóp bu của Lầu Năm Góc sau khi cuộc tập kích thất bại, khiến cho Tổng thống Mỹ bị mang tiếng là “tên lừa dối” trước dư luận.

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-that-vu-tap-kich-son-tay-nam-1970-ky-9-dem-son-tay-khong-quen-biet-kich-my-lam-nhung-gi-a8334.html