Mẹ của con đâu rồi, tìm đâu mẹ của con

Tôi không có mẹ, tôi chưa hề được gọi mẹ một lần từ khi lọt lòng cho đến bây giờ. Tôi lớn lên với bố trong căn chòi này.

123-1637728436.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Bố tôi là một người đi tha phương cầu thực từ khi còn nhỏ, bố tôi cũng không  nhớ được quê quán họ hàng ở nơi đâu. Bố tôi không có nhà cửa, không có anh em họ hàng ở đây, nơi mà bố nhặt được tôi đem về nuôi. Bố sống bằng nghề làm thuê đủ mọi công việc, ai thuê việc nặng nhẹ bố đều nhận làm hết, được người ta trả công bằng bơ gạo, rổ khoai, cân sắn hay rau cỏ và cả đôi ba hào tiền nữa. Bố tôi sống ở một cái quán ven đường đi, sau đó bố tôi được Hợp tác xã cho làm bảo vệ trông coi đầm cá.

Từ đấy bố tôi trở thành xã viên HTX và được trả công điểm đủ rau cháo qua ngày. Căn chòi trông cá được HTX dựng cho bố tôi ngay đầu đầm, cạnh con đường đất đi xuống khu bãi Quạ.

Vào tháng 6 năm đầu tiên bố là xã viên HTX cũng là năm mà tôi ra đời ở cái ruộng cày ...

      Mới sáng tinh mơ mà trời đã nóng nực báo hiệu một ngày hè đổ lửa. Bố tôi dậy sớm để đi trông đầm cá, khi đi qua bãi ruộng thấy có tiếng trẻ con khóc ri rỉ..., Bố giật mình sợ hãi nghĩ là ma, nhưng vốn là người can đảm ông tiến đến chỗ có tiếng trẻ khóc. Trước mắt ông một đứa trẻ đang cựa quậy trong mớ giẻ, Bố mang về căn chòi. Cũng từ đó trong căn chòi trông cá có thêm tôi, Bố vẫn hy vọng một ngày nào đó có người sẽ đến nhận tôi về...

     Tôi lớn lên nhờ những bát nước cơm, những con cua, con ốc mà bố kiếm được hàng ngày. Khi tôi còn nhỏ, bố để tôi trong căn chòi, cho đến khi tôi biết bò thì bố địu tôi trên lưng, trước ngực, theo bố đi thăm đầm cá. ...

     Năm tháng trôi nhanh, tôi biết đi, biết chạy, theo bố đi quanh đầm, khi tôi mỏi chân thì bố cõng tôi. Tôi được bố cho một cái áo dài, mặc không cần quần mà áo vẫn còn dài quét đất. Cuộc sống cứ dần vậy, tôi đã được 6 tuổi, Bố mới đặt tên cho tôi là Nguyễn văn Nhặt để tôi chuẩn bị đi học.

    Thế rồi công việc đi học của tôi không thực hiện được vì căn bệnh hen của bố tôi càng ngày càng trầm trọng. Năm tôi lên 8 tuổi có người trong làng ra nói với bố tôi cho tôi vào chăn trâu cho nhà người ta. Tôi nghe lời bố theo người chủ vào chăn trâu cho nhà họ, nhưng được mấy hôm, tôi thương bố, nhớ bố... Rồi một hôm khuya khoắt, tôi trốn nhà chủ về với bố, tôi cũng cởi trả cho nhà chủ bộ quần áo nâu cộc mà nhà chủ đã may cho. Mò mẫm về đến căn chòi, bố vẫn chưa ngủ, bố tôi ốm ... thấy bố đang rên ...Tôi thương bố quá ôm lấy bố, cứ thế hai bố con khóc. Bệnh của bố tôi càng ngày càng nặng mà ko có thuốc thang, Bố gầy sọm hẳn đi.

       Tôi lớn lên trong cái nắng chiều gay gắt của miền trung du, tôi cũng lớn lên với bản năng sinh tồn như một loài động vật,  bằng nắm gạo, bắp ngô, củ khoai của dân làng thương cho bố con tôi. Hàng ngày tôi đi mò cua bắt ốc khắp cánh đồng để ăn, còn thừa thì bán cho người đi qua đường. Chiều tôi lên bãi Quạ chơi với mấy anh chị chăn trâu cũng thấy vui, có hôm chiếc quần đùi chưa khô tôi cũng mặc để lên chơi với các anh các chị ... vui lắm. Khi chiều tàn các anh chị dồn trâu về làng còn lại mình tôi trên bãi tha ma, tôi đã khóc và tự hỏi: Tại sao tôi không có mẹ? mẹ tôi giờ ở đâu? Sao mẹ lại đẻ tôi ở cái ruộng cày !!!?... Tôi chạy về đến lều thì trời đã tối hẳn. Từ trong lều bố nói vọng ra:

   - Có khoai luộc và mấy con cua nướng con ăn đi mà đi ngủ ...

Thế rồi tôi có em,  một cuộc sống đói nghèo vui sướng lẫn lộn...

      Một chiều mùa đông sâm sẩm tối, mưa phùn giăng giăng bay, gió mùa đông bắc thổi lạnh thấu xương, sương mù che kín cả khoảng trời ...

    Một người đàn bà mặc chiếc áo tơi lá, đội chiếc nón mê bước vào lều, bà bế theo một em bé trai. Bà ấy nói với bố:

   - Bác ơi! bác thương mẹ con em, làm ơn bác cho em gửi cháu nó ở lại đây một thời gian, khi nào em có điều kiện em đến cảm ơn bác và đón cháu về ... Em xin đội ơn bác...

    Bố tôi không nói gì chỉ gật đầu. Người đàn bà đó đưa cho bố tôi mấy bộ quần áo cũ của em bé và mấy bơ gạo ...

Rồi bà ấy chạy vụt đi như có ai đuổi trong cái buổi chiều đông lạnh giá ấy. Em bé khóc thét lên đòi theo mẹ, bố và tôi giỗ em mãi em mới ngủ , đêm đó em cứ thức là khóc ngằn ngặt tìm mẹ. Hôm sau bố đặt tên cho em. Bố nói:

  - Anh tên là Nhặt thì tên em con là Rơi. Nguyễn văn Rơi con ạ!

Tôi sung sướng có em. Nhà tôi bây giờ đã có ba người.

  Cuộc sống nghèo khó cũng dần trôi, hàng ngày tôi cõng em Rơi theo bố đi trông đầm, cũng có hôm ra bãi Quạ chơi cùng các anh các chị trong làng chăn trâu. Em Rơi giờ ngoan lắm! Những hôm đầu, Rơi cứ khóc đòi mẹ, bố dỗ mãi Rơi mới im và ngủ. Có hôm em khóc, bố dỗ Rơi rồi bố cũng khóc theo, tôi cũng khóc mà không gọi được mẹ như em Rơi. Những lúc tôi khóc tôi tự hỏi, Không biết mẹ tôi giờ ở đâu? mẹ còn sống không? Mặc cho nước mắt chảy giàn giụa.

   Có một hôm tôi cõng Rơi đi bắt cua ở đầm, tôi nhìn thấy một tổ cá rồng rồng đông con lắm mà chỉ thấy một con cá mẹ. Tôi thầm nghĩ, tại sao một con cá mẹ nuôi được cả trăm con cá con, thế mà mỗi mình tôi mẹ tôi lại không nuôi được tôi?. Nghĩ đến đàn cá, nghĩ đến mẹ tôi bật khóc nức nở làm em Rơi cũng khóc theo.  Bố ở đằng xa chạy lại hỏi:

 -  Việc gì mà hai anh em Nhặt Rơi khóc thế

Tôi nói:

  - Em Rơi nhớ mẹ em khóc, con không dỗ được em!

 Bố bế Rơi về lều, bố vừa dỗ Rơi bố cũng khóc, bố thương em Rơi nhiều.     

     Mùa đông năm ấy rét quá, bệnh hen của bố ngày càng nặng, mà ba bố con chỉ có một tấm mền chăn cũ kĩ rách nát, mấy hôm nay bố tôi ho nhiều nằm bẹp trong căn lều không đi trông đầm được.

   Trong cơn ho chiều ấy bố nói không thành lời được nữa, bố dặn tôi:

  - Bố biết bệnh tình của bố không sống được để nuôi hai con, Bố thương hai con còn quá nhỏ mà sắp phải mồ côi cha mẹ ...

   Tôi ôm lấy bố cứ khóc, mà không biết làm thế nào cho bố khỏi bệnh. Bố nói:

 - Con lớn hơn là anh...con phải thương yêu em Rơi, trông em cẩn thận kẻo em ngã xuống đầm. Nếu có ai đến đón em, thì con cứ cho em Rơi đi với người ta Nhặt nhé! ... và cả con... nếu ai đón con đi, con cũng cứ đi... Bố chết nằm lại một mình cũng được...Bố cố sức dặn tôi xong, ho một cơn ... rồi tắt thở.

   Tôi và  em Rơi khóc gọi bố...

    Sáng hôm sau, dân làng mai táng cho bố tôi ở bãi Quạ...

    Trong căn lều xiêu vẹo tàn tạ,  giờ đây không còn bố lại càng thêm trống trải lạnh lẽo. Chiếc chăn ba bố con tôi đắp chung giờ thấy nó lạnh hơn mọi ngày, em Rơi cứ run lên có lẽ do thiếu hơi ấm của bố.

    Tôi và em Rơi lớn lên là do những người đi chợ qua cho đồng quà, tấm bánh, củ khoai, củ sắn, bơ gạo, bắp ngô. Tôi cõng em Rơi đi bắt ốc mò cua hàng ngày về để ăn và bán lấy tiền đong gạo.

     Có một lần tôi cõng em Rơi đi mò ốc ở đồng Nương. Đặt Rơi ở bãi cỏ, tôi dặn em cứ ngồi đây nhé, anh bắt mấy con cua ở bờ này, nói xong tôi lội xuống ruộng, bắt được một lúc tôi ngoảnh lại không thấy em Rơi đâu, tôi hốt hoảng chạy lại, thì thấy em Rơi đã ngã xuống ruộng, mặt mũi chân tay bê bết bùn, bế em lên tôi không còn hồn vía nào nữa, bế Rơi xuống mương rửa cho em, cả hai anh em khóc gọi bố.

    Tôi cõng Rơi về đến lều thì trời cũng xẩm tối, đặt Rơi vào góc lều mắt em cứ nhắm nghiền, lấy chăn đắp cho Rơi xong tôi đi nấu cháo. Hai anh em ăn nhưng Rơi ăn ít hẳn so với mọi ngày. Nửa đêm em lên cơn sốt, ho thở khò khè ... mê sảng gọi: mẹ ơi, mẹ ơi ... tôi thương em quá ôm chặt lấy em, tủi thân quá không khóc mà nước mắt cứ chảy. Tôi lấy mảnh giẻ thấm nước đắp lên trán cho em Rơi rồi em ngủ thiếp đi, gần sáng em thức đòi ăn cơm, nhưng giờ thì đào đâu ra cơm, còn nửa bơ gạo tôi đã nấu cháo khi tối, chỉ còn bát cháo hoa nguội ngắt. Tôi nói:

  - Em ăn cháo sẽ nhanh khỏi sốt Rơi ạ, em ăn đi rồi anh nướng thêm khoai cho em. 

Rơi khóc gọi bố, gọi mẹ ... rồi em Rơi cũng ăn ít cháo. Chui ra khỏi lều tôi vơ được ít gốc rạ nướng khoai cho Rơi.  Nhưng em Rơi không ăn khoai nướng mà đòi ăn cơm.

 Tôi dỗ em:

  - Sáng mai anh Nhặt vào làng sớm đổi gạo về nấu cơm cho em ăn ... thôi em ngủ đi , em Rơi ngoan của anh ... !. Rơi khóc một lúc thì Rơi ngủ.

    - Tôi thao thức không sao ngủ được, thương em, thương bố quá,  giá mà bố còn sống đến bây giờ thì... Nước mắt tôi trào ra ướt cả manh chiếu rách mà ko dám khóc thành tiếng ... sợ em Rơi tỉnh giấc, mà em Rơi hễ cứ thấy tôi khóc là em khóc theo.

     Trăng cuối tháng vàng vọt chiếu qua những mảng thủng của căn lều, tôi nhìn thấy những vì sao vụt sáng rồi tắt. Trên trời hàng triệu vì sao, chắc giống như con người, mỗi ông sao ứng với một người, ngôi sao loé sáng vụt tắt chắc đó là một người đã chết... tôi nghĩ vẩn vơ ko sao ngủ đc nữa ... thương bố quá, nhớ Bố, thương em Rơi quá ... Tôi chưa được một lần gọi mẹ, tôi oán trách ai đã sinh ra tôi trên cái luống cày, để cuộc đời tôi cay đắng cơ cực thế này. Quả thật tôi chưa được gọi mẹ lấy một lần. Nhưng tôi lại có em, đứa em cùng chung một mái lều mà bố ra đi để lại. Quãng đời anh em tôi rồi trôi về đâu và khi nào thì vụt tắt như những vì sao kia.  Tôi mong sao cho trời mau sáng để vào làng đổi gạo nấu cơm cho em Rơi ăn.

   Tinh mơ tôi chạy ra bờ vực lấy giỏ cua, vào lều mặc áo để vào làng, nhưng cái áo tối qua giặt vẫn chưa khô ...tôi đành cởi trần xách giỏ chạy thật nhanh về phía làng. Mọi ngày tôi vẫn đổi cua ốc cho bà Nguyệt,  nhưng đến nhà bà Nguyệt thì cổng vẫn đóng . Bỗng có tiếng gọi sau lưng làm tôi giật mình

  - Nhặt đi đâu mà sớm thế

Quay lại tôi nhận ra bà Nhài. Tôi nói, dạ cháu đi đổi gạo ạ!

  - Lại đây bà xem nào !

Bà cầm giỏ cua dắt tôi vào trong nhà, cả nhà đang ăn cơm, bà bảo tôi ngồi ăn nhưng tôi không  ăn, tôi nói:

 - Em Rơi nhà cháu ốm cháu phải về nấu cơm cho em cháu ăn.

Bà đong gạo cho tôi và xới cho một bát cơm độn khoai to lắm. Tôi không cầm được nước mắt cảm ơn ông bà và các cô các chú chạy một mạch về lều.

  Em Rơi cũng thức đang khóc gọi tôi, thấy tôi về em thôi khóc mếu máo nói:

  - Anh Nhặt đừng đi đâu nhé em sợ ma lắm!

   Em Rơi đã khỏi sốt, tôi lấy cơm cho em ăn. Bát cơm đầy mà có lẽ từ ngày bố mất anh em tôi chưa nhìn thấy và chưa được ăn no bao giờ.  Nhìn em ăn ngon lành mà tôi tủi thân nước mắt lại trào ra. Tôi thương bố quá ... sao bố ra đi để lại hai anh em con thế này ... sao bố không mang hai anh em con đi theo hả bố ơi!?

  Tôi vùng chạy ra khỏi lều để giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn và nỗi nhớ thương bố không để em Rơi biết, sợ em sẽ khóc theo. Biết bao nhiêu lần tôi ôm em vào lòng khóc thương cho số phận côi cút của mình.

   Trên trời đàn cò trắng đang chao mình xuống đầm cá kiếm ăn, đi đầu là cò bố rồi đến mấy cò con, cò mẹ đi sau cùng. Có những lúc đàn cò con tranh nhau ăn, mổ nhau chí choé thì ngay lập tức cò bố và cò mẹ đến phân giải, không cho đánh nhau tranh nhau ăn ...!

   Em Rơi ăn xong tôi dắt em ra bờ đầm rửa mặt cho em. Hôm nay tôi không đi bắt cua nữa, gạo còn đủ ăn hai ngày. Chiều tôi dắt em lên bãi Quạ thăm bố.

   Cuộc sống của anh em tôi cứ thế dần trôi. Em Rơi cũng mau lớn khoẻ mạnh. Chỉ có điều căn lều mà bố để lại đã dột nát mà không  biết làm thế nào. Nắng thì anh em tôi chịu được còn mưa thì dột ướt hết, những lúc như thế hai anh em tôi chui hết chỗ nọ đến  góc kia mà vẫn ướt. Đã có lần tôi phải lấy chiếc chăn rách của bố để lại, đắp lên mái lều cho khỏi mưa nắng vì mùa nóng anh em tôi không cần đến chăn, mùa đông ít mưa, nắng nhẹ không  sao tôi lại mang chăn vào. Tưởng như cuộc sống đói nghèo nhưng êm xuôi.

   Nhưng ...  Rồi một chiều mùa hè khi mặt trời đã xuống thấp, những đàn chim dáo dác bay về tổ, các anh các chị đi trâu ngoài bãi Quạ cũng đang lũ lượt dắt trâu về. Một người phụ nữ mặt bịt kín khăn chỉ hở hai con mắt đến trước lều nhìn trước ngó sau,  rồi bước vào lều cởi khăn bịt mặt ra, tôi nhận ra chính là cô đã mang em Rơi cho bố tôi nuôi.

     Cô nói với tôi cô có biết bố tôi mất, nhưng do hoàn cảnh cô không thể đón em về lúc đó được, hôm nay cô đến để cô xin mang em về nhà.

    Tôi nhìn cô, cô nhìn tôi cả hai cô cháu không ai nói gì thêm cứ thế khóc, tôi định không cho em đi.  

   Tôi nói:

  -  Cô ơi ! Cô bắt em Rơi của cháu đi còn mình cháu ư? Không có em Rơi cháu sống với ai?

   Nhưng nghĩ đến lời bố tôi dặn lúc sắp mất, Tôi gặt đầu đồng ý.

    Em Rơi thấy tôi khóc cứ bám chặt sau lưng tôi, nhìn người phụ nữ lạ lẫm khóc,

    Mẹ Rơi ôm chầm lấy Rơi, em sợ quá kêu lên:

 - Anh Nhặt ơi cứu Rơi với. Anh Nhặt ơi cứu em với.

  Tôi bảo Rơi:

-  Mẹ của em đấy, em về với mẹ đi!  Mẹ sẽ mua quần áo đẹp cho em, mẹ cho em ăn no, cho em được ngủ ấm.

    Nhưng Rơi vẫn cứ khóc! Hình như không cầm được lòng mình, mẹ Rơi bế thốc Rơi ra khỏi lều cứ thế chạy về phía mặt trời đang lặn. Tôi vẫn còn nghe tiếng Rơi gào lên nhỏ dần...

 - Ới anh Nhặt ơi, anh cứu em với, em không đi đâu em ở với anh kia...

Ới anh Nhặt ơi..cứu em...với ... ới...

......

 Còn lại mình tôi trong chiếc chòi hoang vắng, tôi không sao ngủ được, nhớ bố, thương em, nước mắt tôi đã cạn, tôi nhìn trân trân lên sàn chòi, một mảng tối đè nặng lên tâm hồn...

Tôi vơ vội bộ quần áo chưa khô và chiếc chăn bố để lại vụt chạy ra ngoài lều đến bãi Quạ ngồi bên mộ bố, tôi đã khóc gọi bố trong đêm tĩnh lặng.

 - Bố ơi sao đời con lại khổ cùng cực đến như thế này, Chiều nay mẹ em Rơi đón em đi rồi... Con cũng đi tìm mẹ con bố nhé, bố có biết mẹ con ở đâu không bố ơi!... Bố nằm đây, mai con lại về với bố... Bố ơi...

   Nói với bố được mấy câu tôi lạy bố ra đi. Trong đêm đen khuya vắng tôi đi về hướng ban chiều mẹ Rơi đưa em đi.

  Vừa đi tôi vừa gọi Rơi ơi, Rơi ơi, giờ em ở đâu? anh đi  tìm  em đây này, em có thương anh không Rơi ơi ... Mẹ ơi mẹ ở đâu?  có nghe con gọi không? ... Sao mẹ không về đón con....?  Tiếng gọi lan đi rất xa trong màn đêm.  Nhưng chỉ có tiếng vọng đáp lại và tiếng ếch nhái côn trùng. Tiếng mấy con cú đi ăn đêm kêu đến ghê rợn.

  Trời bỗng nổi cơn giông, đổ mưa tầm tã sấm chớp lè xanh lét, tôi cứ theo ánh chớp mà đi. Chiếc chăn trên vai đã ướt sũng nước mưa lạnh thấm khiến tôi rét run lên cầm cập, vừa chạy tôi vừa nhìn lại bãi Quạ nơi bố đang nằm. Nước mắt pha lẫn nước mưa mặn chát cả bờ môi ...!

  Tôi đến bến đò và ngủ lại trong một hốc cây....

   Mặt trời đã lên hơn một con sào , tôi ló đầu ra khỏi hốc cây mang chiếc chăn của bố để lại cho mang ra vạt cỏ gần đó phơi cho khô , tôi lững thững đi xuống mé bờ sông để rửa mặt . Thấy dân làng đang rửa lá dong và đãi gạo rất đông trên bến Tôi chợt nhận ra là tết sắp đến rồi. Tết là những ngày có đầy đủ thức ăn ngon mà tôi chưa một lần trong đời được biết.  Bụng đói cồn cào mắt tôi hoa lên , cái lạnh đêm qua đã làm tôi kiệt sức. Tôi nằm trên bãi cỏ sưởi nắng để mặc cho số phận và cơn buồn lần thấm... Tôi phải chờ cho cái chăn của bố khô rồi mới đi tiếp được....

  Thời gian đã xa rồi tôi không tìm được em Rơi, cũng không có tin tức gì về mẹ. Tôi chỉ còn bố nằm ngoài bãi Quạ. Đã chục năm trôi qua , tôi chưa có điều kiện trở lại nơi  bố tôi, em Rơi và tôi đã sống.

     Có ông bà, các bác, các cô, các chú, các anh chị nào biết được được thông tin gì về người mẹ  của tôi ở đâu không ? Người mẹ đã để lại tôi trên luống cày vào mùa tháng 6 năm đó giờ ở đâu không? Có ai biết không để cho tôi được gọi mẹ lấy một lần trong đời...

  - Mẹ ơi!

Theo Chuyện Làng Quê

Bùi Đình Khoa

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/me-cua-con-dau-roi-tim-dau-me-cua-con-a8360.html