Câu nói gở

Đoàn hát dọn đồ lên Đình, ngang bên sông là khu chợ Phú Hòa ì xèo quán xá, nói bên sông chứ ngay cổng Đình đã có cây cầu xi măng bắt qua bến chợ rồi. Đêm đầu bà con vô coi chật cả Đình ai cũng khen đoàn hát hay, đào kép đồng đều, hề Hiếu Nghĩa giễu có duyên.

258572112-2941009166161705-6477180137119512383-n-1637828567.jpg

Mùa nước năm 1983, các gánh hát vất vả để tìm một bến hát vì ở đâu nước cũng ngập lênh đênh. Đoàn Hoa Anh Đào của Bầu Chí Tâm từ Chắc cà đao dọn về Đình Phú Hòa (Thoại Sơn) ghe hát vừa quẹo vô vàm Phú Hòa, phía bên mặt là một cái Trại hòm bề thế một anh hậu đài tên Tài giỡn lãng nhách:

- Ê... ông chủ để cái hòm đó cho tui, đừng bán cho ai nhe...

Đoàn hát dọn đồ lên Đình, ngang bên sông là khu chợ Phú Hòa ì xèo quán xá, nói bên sông chứ ngay cổng Đình đã có cây cầu xi măng bắt qua bến chợ rồi. Đêm đầu bà con vô coi chật cả Đình ai cũng khen đoàn hát hay, đào kép đồng đều, hề Hiếu Nghĩa giễu có duyên. Sáng hôm sau thì cúp điện (Lúc đó lịch cúp điện ở Thoại Sơn nguyên ngày thứ ba) mới lãnh lương nên buổi sáng cả đoàn qua chợ Phú hòa cà phê ăn sáng và mua thức ăn... phe hậu đài thì sáng đã gom tiền nhậu sớm trong buổi nhậu có:

- Sáu quẹo, Đức cống, Dũng quắn, Tài hậu đài... Nhậu mới một chai 3 xị thì con Liên con gái anh sáu Quẹo qua kêu:

- Chú Tâm kêu ba và mấy chú khiêng máy đèn ra cho thợ người ta sửa kìa...

Cả đám gởi mâm nhậu lại quán, rồi è ạch xuống ghe khiêng cái máy đèn lên để bên hông hai cái Miễu nhỏ trước cổng Đình. Hai sợi dây điện từ táp lô trong đình kéo ra chờ khi máy đèn nổ máy sẽ câu vô táp lô... vốn tánh rắn mắt nên Tài hậu đài cầm hai sợi dây điện quẹt quẹt... bỗng nhiên điện nhà nước bất ngờ có trở lại nên hai sợi dây nổ cái chát. Hoảng hồn Tài buông dây điện ra rớt trúng ngay ngực và bị điện giật nằm một đống... Anh Tư Điệp người coi kỷ thuật điện trong đoàn lắp bắp:

- Tui nhớ gỡ dây điện ra đồng hồ rồi mà...

Dù sơ cứu, cấp cứu đủ cách nhưng Tài không sống được, công an cũng qua lấy lời khai nhưng thấy là một tai nạn rủi ro (điện cúp nguyên ngày tự nhiên có lại) nên không truy cứu. Nhà thằng Tài thì tuốt ở Tân Phước Tiền Giang...

Trách ông nhà đèn?

Trách anh thợ điện?

Trách ông Bầu gánh hát?

Hay trách câu nói chơi phạm vào điều kiêng kỵ?.

Kế bên Đình là hội Chữ thập đỏ của xã nên để xác anh hậu đài xấu số bên đó. Lúc đó đoàn mới nhớ lại câu nói chơi vô duyên lúc ghe hát của đoàn chạy ngang qua cái trại hòm. Vậy mà không hiểu Sao ông chủ trại hòm biết tin ổng lại đoàn nói:

- Mấy chú lại trại hòm của tôi lấy cái hòm về cho nó tui không lấy tiền đâu...

Lúc đó ai cũng xầm xì bàn tán về câu nói gở của Tài hậu đài... Tối đêm đó trong đoàn không lãnh lương, tiền lương tặng hết cho mẹ của thằng Tài (lúc theo đoàn có hai mẹ con, người mẹ lo phục trang cho đoàn) tổng cộng cũng chưa tới hai ngàn đồng trong khi tiền thuê xe chủ xe đòi tới ba ngàn. Sau khi bàn bạc cùng người mẹ, ban quản trị đoàn và chính quyền địa phương đồng ý đem chôn ở phía sau Đình, nơi đó cũng là khu nghĩa trang chung của những người nghèo. Cái khó là nước lũ đang ngập làm Sao chôn? Cuối cùng thì cả đoàn cùng dân địa phương moi được một lỗ huyệt lúc đưa cái hòm xuống phải dùng tre xốc chéo rồi đắp đất lên cả ngày trời vất vả mới xong. Đêm đó, sau khi vãn hát không khí trong đoàn vẫn còn buồn hiu về cái chết oan của thằng Tài, bỗng nửa đêm, bà ngoại của cô đào trẻ Ngọc Loan Anh tự nhiên phùng mang trợn mắt, mái tóc xỏa dài ra thấy mà ớn, hai tay đấm vào ngực đôm đốp:

- Tao chết oan mà Sao tui bây không đưa tao về quê. Chôn ở đây nước ngập lạnh quá sao tao chịu nổi? Tụi bây ra mà coi bây giờ tao dọt lên trời rồi kìa.

Ai nấy hoảng hồn đỡ Bà ngoại lên thì bà đã xỉu giữa sân Đình. Khi tỉnh lại bà ngơ ngác nói bà không biết gì. Bán tính bán nghi, sáng hôm sau trời vừa ửng mọi người ra sau Đình thì thấy cái hòm của thằng Tài đã bị nước đẩy dựng đứng lên trời. Sau đó lực lượng xã đội, chữ thập đỏ, hậu đài của đoàn hát phải bỏ ra cả ngày công, mua thêm mấy chục cây tràm để đè nó xuống. Tối đêm đó trời đổ mưa dầm, điện nhà nước lại cúp, mà cúp trong lúc tang gia bối rối như vầy nên anh em nghệ sỹ giăng mùng im re không ai dám nói câu nào. Thời đó dân hút thuốc mua cái bật lửa bằng nhôm xài dầu lửa tim bằng bông gòn, là đồ Quốc doanh nên xài vài bữa là quăng mua cái khác (đâu có thứ nào tốt hơn) ai liệng tui lượm để dành, tháo cái ruột ra chỉ lấy hai cái nắp nhôm, lấy đinh đụt một lỗ nhỏ ngay chính giữa xỏ một cọng dây chì phía trên làm cái móc, đầu dưới treo một khúc chỉ buộc con tán nhỏ tòn ten như cái quả lắc đồng hồ, làm rồi để đó mà chưa có dịp xài. Thấy bầu không khí trong đoàn âm u quá tui âm thầm lấy "vũ khí" ra đảo một vòng trong Đình, gặp cái mùng nào có vợ chồng tui cũng móc cho một hoặc hai cái chuông... để tạo "bằng chứng ngoại phạm" cái mùng tôi cũng treo một cái. Chừng 10 giờ tối mấy cái mùng trong Đình kêu leng keng đều trời, nghe vậy chứ có ai dám bước ra xem cái keng keng là cái gì? Bà vợ càng sợ càng ôm chặt lấy ông chồng thế là cái mùng tiếp tục kêu leng keng... mẹ tụi nhỏ cũng sợ nên ôm chặt lấy Bầu tui vậy là cái mùng tui lại cũng kêu leng keng... tới sáng khi cuốn mùng thấy mùng nào cũng có chuông anh Hai chí lầm bầm:

- Thằng Tài nó chớ ai vô đây, thằng này mới chết có mấy bữa mà linh thiệt, tối qua nó về phá không chừa một ai.

Mà công nhận thằng Tài nó linh thiệt khi mẹ sắp nhỏ rù rì nói với tôi:

- Chút ông mua món gì cúng thằng Tài, nhớ mua rượu vái nó đừng phá phách vì mình có con nít đó...

Bây giờ thị trấn Phú Hòa đã chuẩn bị lên Đô thị loại IV nên quá nhiều thay đổi. Khu nghĩa trang sau Đình bây giờ là Ngôi trường cấp 3 mang tên của cụ Nguyễn Khuyến, một Tam nguyên Yên Đổ lẫy lừng là một Danh nhân đất Việt. Chợt nhớ không biết hồn phách của anh hậu đài xấu số đã về đâu nhỉ? và không biết có mấy người trong gánh hát Hoa Anh Đào có ai còn nhớ câu chuyện ngày xưa. /.

 

Theo Chuyện quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-noi-go-a8390.html