Vụ báo động Covid giả

Xuyến đang lên lớp on-lai thì điện thoại “tít”, chắc có tin nhắn đứa bạn nào ngứa mồm vì hai tháng không được tán gẫu ở quán “bốc mả” nên lại trêu đùa thôi. Cô tắt tiếng rồi vứt cái điện thoại ra xa để tránh những tiếng “tít tít” phiền nhiễu, lấy quyển sách dày che màn hình, rồi vẫn lên lớp đến hết giờ.

tin-don-tin-gia-1637915571.jpg
Ảnh minh họa do tác giả chọn lọc

 

“Ao” khỏi phòng học on-lai rồi, Xuyến mới thư thả vừa ăn đĩa xôi ban nãy chồng tiếp tế muộn, khi lớp học đã bắt đầu rồi. Với tay lấy cái điện thoại bị quyển sách đè lên để che màn hình, cô hoảng hồn vì màn hình đỏ rực do một loạt cuộc gọi và tin nhắn nhỡ cả ở điện thoại, Da-lô và Me-sin-dơ.

Run run mở cái tin nhắn đầu tiên, Xuyến đánh rơi luôn miếng xôi gần tới miệng khi đọc tin nhắn khủng khiếp của đứa em:

- “Hu hu hu… Chị ơi, mẹ mình bị f0 rồi!”.

Ríu cả tay nên mãi Xuyến mới bấm gọi được số điện thoại của mẹ, tiếng “tít tít” báo bận mãi không thôi. Mấy phút sau cô cố gọi lại thì lại là tiếng “u u u…” do đầu kia mẹ đã tắt máy.

Gọi cho con em cũng không được, Xuyến trở lại xem các tin nhắn khác. Trời ạ, loạn cào cào, không biết đâu là sự thật nữa, người thì hỏi, người thì báo tin, khốn nỗi tin báo chằng chéo không biết đâu là sự thật nữa. Người thì bảo “bà Sân bị f1 rồi em à?”, “bà ngoại bị f0 hả em?”, người khác thì bảo “toàn tin bịa đặt đấy chị ạ, ấy là một đứa f2 đến sửa điện thoại ở quán điện thoại trước nhà bà ngoại”, người khác lại báo “nhà bà Sân bị y tế phường chăng dây rồi”,…

Cuối cùng sau một hồi lâu thì đứa em gái cũng gọi điện đến cười lớ phớ, báo:

- Không phải mẹ bị f0, f1 gì ráo chị ạ.

- Hú hồn, chuyện thế nào?

- Chả là bà Mai có đứa con làm ở xí nghiệp may gần nhà mẹ, nó tiếp xúc với một người f2. Người f2 này lại đã từng đến sửa điện thoại ở quán mẹ cho thuê làm tiệm sửa điện thoại trước nhà, rồi ngồi uống cafe gần đó. Mẹ con họ gọi điện cho nhau, người khác nghe lỏm được, thế là muỗi thành một đàn voi 1000 con. 

- Thế nào lại ra là bà ngoại?

- Thông tin chằng chéo một hồi, tam sao thất bản. Đến nãy em gọi được cho mẹ rồi, phải nhờ đứa em bên chồng liều mình đến nhà mẹ để hỏi trực tiếp mới biết. Khi ấy, mẹ mới chịu mở điện thoại trở lại để liên lạc. Hí hí…

- Trời ạ.

Chuyện như vậy, thế mà mãi hai ngày sau vẫn còn người gọi điện, nhắn tin đến hỏi, dù Xuyến đã viết sờ-tây-tớt đính chính rõ ràng thông tin rồi. Có người vẫn khẳng định như đinh đóng cột là vừa xem danh sách bệnh nhân ở y tế phường. Cũng vì bà Sân ghét nhiều người đến gần nhà ngó nghiêng, rồi đồn thổi, đi chợ người ta cũng né không bán hàng, nên bà khoá trái cửa, luồn lối sau để đến nhà người em gái “cư trú nạn nhân đồn thổi”.

Khổ thân cậu thợ sửa điện thoại, cứ ngồi ngáp vặt, vì không ai dám đến sửa điện thoại ở quán của cậu nữa. Đến cô lao công cũng chừa đoạn đường ấy ra không quét.

Trước khi vào “phòng học Dum”, đã một tuần từ hôm ấy, Xuyến vẫn nhận được tin nhắn hỏi “Bà ngoại phải cấp cứu ở bệnh viện dã chiến số 2 hả cháu? Can đảm, nghị lực lên nhé!”.

Ôi thông tin đồn thổi cúm Tàu (Covid-19) thời 4.0!

Theo Chuyện làng quê

Trương Thành Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vu-bao-dong-covid-gia-a8423.html