Sông Hồng và những câu chuyện thú vị về cuộc sống của những người dân Hà Nội lưu vực sông Hồng và dân cư sống ven con sông này sẽ luôn là những điều bí ẩn mà tôi và nhiều người nặng lòng với Hà Nội thích tìm hiểu và khám phá. Một trong những cái thú của người dân ven sông Hồng là thú tắm sông. Cái thú tắm sông này đã lan đến cả cư dân Hà Nội hay cả dân ngụ cư sống trong thành phố, đặc biệt là những người đàn ông yêu sông nước.
“A Đam Sông Hồng “ là cách tôi trìu mến gọi những người đàn ông yêu thích tắm sông và mê đắm sông nước và mê say thứ phù sa mát lịm của sông Hồng. Họ yêu thiên nhiên và luôn muốn được thoải mái trần trụi giao hoà cùng thiên nhiên, để được thả sức vẫy vùng và thoả mãn khao khát tự do cùng bản ngã. Bởi vậy “A Đam và cát mặn” cũng là cái tứ cho một bài thơ về chủ đề sông Hồng của tôi. Bởi các A Đam thích được khoả trần trên cát trước khi xuống nước. Cát mặn là tất nhiên. Cát còn mặn bởi cả máu, mồ hôi và nước mắt bao đời của con người.
Hình ảnh cát và phù sa sẽ đẹp hơn và ám ảnh hơn khi có thêm các A Đam ở đó. Cát và phù sa nâu non của sông Hồng không chỉ mặn mà còn rất mát, rất êm, rất mịn màng và óng ả nữa. Vẻ đẹp ấy lung linh hơn dưới con mắt các thi sỹ khi liên tưởng đến sức sống giữa vũ trụ bao la và sự phồn sinh nơi một vùng châu thổ của muôn loài và con người. Tất nhiên sự liên tưởng ấy sẽ không thể thiếu hình ảnh các thôn nữ mặn mà với làn da nâu non và nụ cười lúng liếng dưới cái nắng nhiệt đới của miền châu thổ sông Hồng.
Tôi có một tình yêu với sông Hồng qua trang viết của các nhà thơ, nhà văn. Từ hình ảnh sông Hồng trong thơ Lưu Quang Vũ, Trương Nam Hương đến nỗi nhớ da diết trong tản của Lê Minh và bây giờ là "A Đam sông Hồng" của chị Phạm Phương Thảo Chẳng thể lí giải nhưng yêu thì không cần lí do phải không ạ? |
Các nàng có tắm sông thì cũng luôn phải che che giấu giấu dưới bóng tối hay những lớp áo quần nên khó mà thành những E Va tự tin như các A Đam sông Hồng. Có thể bạn sẽ cười mà bảo rằng: “ Ôi giời, các nhà thơ chỉ hay vẽ chuyện, cát mặn và phù sa thì dòng sông nào mà chẳng có...”. Đúng là cát và phù sa thì ở đâu cũng có, nhưng cát mặn ở ngay dòng sông mang cái tên đặc trưng là sông Cái và nơi ấy có một cây cầu sắt mang tên Long Biên cổ xưa, được vắt ngang bờ bãi và dòng chảy đỏ ngầu này thì chỉ có duy nhất một. Điều rất khác là, các A Đam sông Hồng đang sống ở giữa phố phường Thủ Đô, họ tụ nhau kéo về nơi Bãi Giữa này để tắm truồng trên sông thì vẫn là một điều đặc biệt. Rất riêng!
Họ là ai? Họ không phải là những đứa trẻ nhỏ cởi truồng tắm sông, mà là những người đàn ông đã trưởng thành và cũng không còn trẻ, họ thường từ độ tuổi trung niên trở lên, nhưng không quá già. Họ yêu sông Hồng và có người gắn bó với dòng sông ấy từ nhỏ. Họ đã tụ tập nhiều năm nay ở đó, thành lập nên Hội “Những người yêu sông Hồng”, đã tìm về nơi Bãi Giữa sông Hồng để vùng vẫy và sung sướng khi được thả mình trước thiên nhiên cùng cây lá hoa cỏ trong sự tự do gần như tuyệt đối.
Các “ A Đam sông Hồng” của Hà Nội, họ thường tụ nhau về nơi Bãi Giữa sông Hồng để tắm sông, để hò hét, trèo cây hay thậm chí chỉ để tự do mơ màng hay trầm tư suy ngẫm một mình trước thiên nhiên bờ bãi cùng nắng, gió, cát bụi và phù sa. Những người đàn ông này thường là vui vẻ, đang sống ở nội thành, có thể là một bác xe ôm, hay anh xích lô phố cổ, một cán bộ hưu trí thích sông nước, cũng có thể là một trí thức, doanh nhân nào đó đang bề bộn công việc ở văn phòng nên muốn tìm về bãi sông này để xả tres, một chàng văn nghệ sỹ có chút tiếng tăm hay một bậc trí giả nào đó, thậm chí là những giai phố cổ trông khá lạnh lùng và có đôi chút máu tay chơi với lủng lẳng xích vàng đeo trên cổ. Họ giống nhau ở chỗ luôn háo hức khi được ra sông giống như trẻ nhỏ, họ có khát vọng được trở lại thời trẻ con như ngày xưa khi họ từng được tắm truồng cùng chúng bạn và chơi những trò nghịch ngợm của trẻ con trước dòng sông tuổi thơ của mình. Bởi với mọi người, hầu hết trong mỗi chúng ta, ai cũng mang trong tâm hồn mình một miền quê và dòng sông với hương phù sa nồng nã và miền quê ấy sẽ còn sống mãi trong ký ức tuổi thơ của họ.
Tôi thích hình ảnh những người đàn ông mình trần hiên ngang, trông rất chi là manly khi họ đứng trước dòng sông với đôi bờ vai rắn rỏi và vòm ngực căng phồng như hai lá buồm hứng gió. Các chàng đứng đó, “hai dải phù sa nâu đổ bóng xuống lưng trần ...”. (Tôi từng viết về họ như vậy trong những câu thơ tự do mang chút niềm ngưỡng mộ và trìu mến của đàn bà).
Họ trở nên gần gũi và hoà nhập cùng dòng chảy sông nước và miền đất đai châu thổ nhiều phù sa hơn bao giờ hết. Mùa nước lũ tràn về, những người đàn ông này tỏ ra bình tĩnh trước cơn lũ đang cuồn cuộn và sự giận dữ điên cuồng của dòng sông. Khi ấy dòng nước lũ đục ngầu đang dâng lên, làm tràn đầy cả tâm hồn và thân xác họ. Trên đầu là mưa bay và bầu trời bao la ướt đẫm, dưới chân là cát mặn và tầng tầng phù sa sông Hồng. Tôi hay liên tưởng đến vẻ đẹp của những người hùng trong phim ảnh La Mã xưa và những câu chuyện truyền thuyết. Chợt nghĩ, hình ảnh này thật thơ mộng và không kém phần tráng lệ khi ta nghĩ tới hào khí Thăng Long xưa hay thậm chí như vẻ đẹp của các chàng trai dũng mãnh như Đam San xưa kia...Tôi đã viết mấy bài thơ về những “A Đam sông Hồng” trong cảm xúc dạt dào ấy.
Nắng, gió, cát, bùn và phù sa...và sự tự do trở nên thi vị hơn. Thứ “ đặc sản”này chỉ các A Đam sông Hồng thực thụ mới cảm nhận đầy đủ nhất và họ thưởng thức nó trong niềm hân hoan riêng có của mình. Tôi cũng may mắn quen biết vài người bạn trong số đó, họ luôn yêu dòng sông này và luôn nói rất nhớ sông Hồng mỗi khi đi xa vì họ “nghiện “ thứ phù sa nâu mát lạnh ở đó. Có lẽ khi được về bên dòng sông Hồng mang tên con sông Cái này, chính ở nơi này, họ được trở về với mẹ thiên nhiên trong sự gần gũi và thân thương nhất. Đó là sự yêu thương vô tư mà cũng trần trụi nhất! Trong đời sống này khi mà mọi thứ bất an, luôn bị đe dọa như thế này, có những khi con người ta chỉ cần và có mong ước đơn giản là được trở thành các A Đam sông Hồng như thế. Khi người ta không có gì phải giấu giếm và che đậy, cũng chẳng có gì phải giả tạo và lên gân che giấu, sự thật là họ đang rất hạnh phúc khi có được những giây phút tự do gần như tuyệt đối. Không nên ngăn cản niềm sung sướng của họ. Tôi nghĩ thế, bởi tự do chính là một lẽ sống, là mục tiêu cao cả của loài người.
Hà Nội ngày nay không chỉ có duy nhất một bãi tắm tiên ở nơi Bãi Giữa sông Hồng. Bây giờ các A Đam sông Hồng còn kéo nhau lên tận nơi bờ bãi vùng xa Phú Thượng, quận Tây Hồ nữa. Nơi này gần kề với khu vực Bến Bạc, có phong cảnh sông nước hữu tình và vườn rau non xanh mướt và những rặng táo mới trồng khá đẹp mắt và tươi tốt. Điểm tắm sông này có biển cấm tắm, nhưng các A Đam vẫn lặng lẽ tụ nhau ở đó để thoả mãn khát khao với dòng nước đỏ nặng phù sa của sông Hồng. Nơi này còn thuận tiện cho việc ăn uống, chụp ảnh khi gặp gỡ bạn bè vì không gian khá rộng rãi và thảm cỏ xanh bắt mắt. Có một bãi soi lau sậy nở hoa trắng xoá ở ven sông luôn gợi nhớ ký ức tuổi thơ xa vắng và ngọt ngào.
Các “A Đam sông Hồng “ yêu và đắm mê dòng nước mát lạnh này với thứ hương thơm nồng và vị ngai ngái của phù sa nâu non như một thứ bùa gây nghiện. Họ - những A Đam sông Hồng chủ yếu coi trọng việc tắm sông và được thư giãn hơn là việc đến đó để ăn uống. Nơi này, có thể vì lý do ấy mà nhà hàng ẩm thực ở 144 An Dương Vương, Hà Nội là một địa chỉ rộng rãi, khá bắt mắt nằm liền kề ở đó nhưng vì xa, nên vẫn cứ là vắng vẻ.
Câu chuyện tắm sông của những người đàn ông ở Bãi Giữa Sông Hồng và bãi tắm sông nơi vùng quê Phú Thượng Hà Nội vẫn luôn là những bí ẩn. Nơi ấy, với dòng chảy lúc lững lờ, khi cuộn xiết của sông Hồng, sông miệt mài bồi đắp phù sa cho cả lưu vực châu thổ, đã làm nên những bờ bãi tốt tươi. Bãi sông trù phú và những người đàn ông tắm sông mà tôi trìu mến gọi họ là các “A Đam Sông Hồng” đã làm nên nét chấm phá khác lạ cho dòng sông này. Bên cạnh những cây cầu mới có, được vắt qua sông Hồng trông ngày càng hiện đại, lớn hơn và đẹp hơn thì con người cũng đã khác xưa. Dù Hà Nội có thêm bao nhiêu cây cầu mới thì cây cầu Long Biên cũ kỹ và cổ xưa cùng với nơi Bãi Giữa sông Hồng vẫn là địa chỉ đẹp mãi trong ký ức của những người yêu Hà Nội.
Tôi yêu dòng chảy của những con sông, đặc biệt yêu thứ cát mặn và phù sa nâu non của sông Hồng và vẫn muốn lưu giữ mãi hình ảnh các A Đam sông Hồng như một vẻ đẹp riêng có của Hà Nội. Có thể tôi thuộc tuýp người lãng mạn chăng ? Nhưng thử hỏi bạn rằng tại sao bạn không tìm cho mình vài điều thú vị mang tính “phát hiện “ trong những vẻ đẹp bình dị và điều mới lạ đang ở kề cạnh chúng ta ? Có ít người quan tâm đến hoặc họ nhìn nhận điều đó như một sự khác thường. Nếu bạn coi đó là một sự điên rồ thì cũng chẳng sao cả. Tôi thì nghĩ, trong cuộc sống khá bức bối này, thật cần biết bao những con người yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên sông nước và yêu vùng đất châu thổ đầy phù sa. Khát vọng tự do của con người là điều đáng được mọi người tôn trọng. Họ thực sự là những người rất yêu Hà Nội, yêu sông Hồng và khao khát tự do. Bởi tôi nghĩ, những cư dân Hà Nội, họ không chỉ mang cốt cách thanh lịch, có chút kiêu bạc của người Tràng An mà họ còn muốn được lưu dấu hình ảnh gần gũi rất đời thường của những người đàn ông. Họ sống nơi phố phường thủ đô, luôn yêu thương, gắn bó với dòng sông, yêu thiên nhiên và luôn khát vọng tự do. Những người đàn ông không còn trẻ nhưng không chịu già nua hơn! Họ luôn thể hiện lòng đam mê một dòng chảy trong tâm hồn, mong được tự do trước mênh mang châu thổ phù sa và dòng sông Mẹ của lịch sử vẫn luôn cuộn đỏ phù sa và dâng đầy trầm tích!
PTPT- Rút trong tập ký “ Lặng nghe hoa nở”- NXBVH 2018 - Chùm TVH về sông Hồng của tôi gồm 7 bài - Tranh tôi tự vẽ: Châu thổ sông Hồng
Phạm Thị Phương Thảo
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/a-dam-song-hong-a8441.html