Chiều 30 tết năm 1984 đoàn cải lương của Bầu Phi Phụng về xã Khánh Hiệp, huyện Trần Văn Thời, ngay cái ngã ba sông không có chợ búa gì chỉ có cái trường tiểu học nên đào kép xin ở nhờ hết trong trường. Vừa sáng 30 tết là trời đổ cơn mưa dầm, thế là ai cũng lắc đầu ngao ngán vì lần đầu tiên ăn một cái tết buồn như vậy.
Chiều thì tạnh mưa rồi trong lúc đoàn tính nghỉ hát vì sợ không có khán giả nào ngờ bà con nghe tin có gánh hát về nên kéo đến thật đông. Vậy là ông Bầu xin phép dời cái sân khấu qua bên sân ủy ban xã hát. Tôi bận con nhỏ nên được cho ở lại giữ con chỉ mình mẹ Maika là đào chánh nên không nghỉ được.
Gần tới giờ giao thừa rồi tôi chuẩn bị nhang đèn "cúng ông bà" dẫu sao thì có hơi nhang khói bay lên cũng ấm lòng người xa xứ. Bỗng nghe phía trước có tiếng người cãi nhau, bước ra xem thì thấy hai anh chàng sỉn đang cằn nhằn nhau vì chuyện đón trễ chuyến đò. Một anh thì nằm lăn ra trên đất một anh thì phân bua với tôi:
- Hai anh em tui ở xã Khánh Tân, hôm nay qua bên này thăm bà con và rước ông bà, tui đã nói với ảnh là nhậu phải chừa đường về vậy mà ổng quất tới bến, tôi cõng ổng cả mấy cây số bây giờ mới tới đây. Mà giờ này làm gì còn đò mà ổng cứ cãi tui. Tụi tui tính vô tạm trú ở trường học không ngờ gặp anh ở đây.
Tôi thấy vậy đem ra chiếc chiếu và tấm chăn cho hai anh em đắp.
Tôi nói:
- Tôi cũng ngủ tạm ở trường học nên không giúp gì được nhiều cho hai anh. Ở đây có gió chắc muỗi cũng ít, tôi để ca nước ở đây có khát thì hai anh uống nhe.
Anh chàng còn tỉnh biết tôi ở gánh hát nên anh hỏi thăm đủ thứ, chợt thấy dĩa trái cây tôi chuẩn bị cúng giao thừa anh chợt hỏi:
- Xin hỏi anh có nhậu nhẹt gì được không vậy?
Tôi cười:
- Được chứ anh nhưng không nhiều lắm.
Anh bước vội ra quán cháo vịt mua dĩa gỏi và một chai rượu anh nói:
- Tui tên Phi. Hôm nay mình cùng đón giao thừa với nhau nhe anh.
Thế là ở cái xứ cuối đất cuối trời hai người xa lạ bỗng hóa thâm tình khi biết cùng tuổi nhau. Nhậu hết chai rượu thì cũng gần 3 giờ sáng. Trong buổi nhậu Phi chỉ nói ước gì đoàn hát về xã nhà anh hát tôi và anh sẽ nhậu một trận đã đời. Tôi nhìn người bạn mới không biết anh ta giàu hay nghèo nhưng cái tướng hệch như là một anh Hai lúa cả hai anh em không có ông nào mang đôi dép. Chỉ nghe anh giới thiệu loáng thoáng nhà ở xã Khánh Tân nơi mà cách đây không lâu phe của Mai văn Hạnh vừa đổ bộ là bị tóm hết. Nghe vậy thôi chứ ở cái xứ cùng trời cuối đất này tôi có biết chỗ nào là chỗ nào.
Sáng mùng một, thức giấc thì người bạn mới đã đi tự lúc nào, tôi chỉ nhớ vội tên người bạn và thầm nghĩ biết chừng nào mình sẽ gặp lại nhỉ.
Vậy mà 10 ngày sau tết, đoàn hát dọn bến mới mà ở cái xứ lạ hoắc thì bến nào cũng lạ như nhau, nhưng không ngờ khi ghe cặp bến hát tôi bất ngờ khi thấy cái tên nhà lồng chợ Khánh Tân. Vậy là hỏi thăm nhà người bạn mới thì được biết nhà anh ta cách chợ chừng vài trăm mét và bất ngờ hơn khi tới nơi gặp căn nhà của bạn là một cơ sở may do bà xã anh làm chủ với hơn chục cô học trò. Căn nhà của anh ta bề ngang khoảng chục mét, bề dài như cái nhà kho, bên trong các cô học trò đang chăm chú ngồi may. Phía sau nhà chừng 100 mét là thấy sóng biển chập chùng. Vừa gặp tôi anh ta nhảy dựng lên kêu thật lớn:
- Trời ơi..."Ný", tới lúc nào vậy.
Thế là từ hôm đó tôi được "Ný" dẫn đi khắp đầu thôn cuối xóm, chỗ nào cũng được tiếp đón long trọng như người thân, chỗ nào cũng đãi gà, vịt, tôm cua, hải sản... tôi bất ngờ với sự đón tiếp của bạn mình và tôi cũng kêu bạn bằng "Ný" lúc nào cũng không hay. Và sau đó tôi mới biết không phải cứ bạn mà gọi bằng "Ný".
Ný dẫn tôi qua nhà tía Năm nhờ tía kéo chiếc ghe bằng gỗ dên dên của tôi lên bến nhà tía. Kêu tía lấp dò chiếc ghe của tôi vì sợ chiếc ghe tôi bị vô nước sẽ bị chìm. Tất nhiên là vật tư Ný của tôi mua hết.
Tía Năm coi dáng hệch hạc vậy chứ vui lắm, tía dặn:
- Tối đi ra đường cẩn thận nhe con, chỗ nào cũng có rắn độc.
Ban ngày tía chờ con nước ròng lấy xuồng rủ tôi ra Biển. Hai bên con kênh những con Còng gió giương cao đôi mắt như cây en ten, vừa gặp bóng người là tụi nó nhanh chóng xếp hai cái càng chui xuống hang mất dạng. Các con Còng càng kình thấy nặng nề vậy chứ tụi nó cũng lẹ không kém con còng gió đâu.
Ra tới Biển mênh mông và màu nước biển đen thui không có màu xanh như biển Vũng tàu, kế bên là cái Hòn Đá bạc nhấp nhô sóng nước.
Tía Năm nói:
- Chỗ dạng cây xanh xanh đó mấy năm trước tụi "phản động" bị bắt ngay chỗ đó nhiều lắm.
Tôi nghe tía nói cũng ậm ờ cho qua chuyện, một thằng lang thang như tôi đâu quan tâm chuyện Quốc gia đại sự mần chi nên hỏi lãng :
- Bây giờ mình làm gì tía?
- Dưới chân mình có con sò huyết, con mò đụng con nào trọng trọng lượm lên, con nhỏ đừng lượm vì có thịt thà gì đâu.
Từng con sò cỡ ngón chân cái được lượm lên làm tôi thích lắm, nhưng không chỉ có con sò mà còn đụng những con cua biển mà con cua thì làm sao tôi dám bắt?
Tía Năm cầm con cua biển trên tay giơ lên nói:
- Cua này là cua bạ, thịt thà gì đâu mà ăn, để tía bắt con còng bẻ càng dìa luộc cho con Tý nó ăn (Tý là tên con Maika lúc nó còn nhỏ)
Nước biển vừa lớn thì sò bắt được cũng đầy một khoang xuồng và hơn chục con Cua bằng nắm tay. Hai tía con bơi xuồng vô bãi sình, tía nhanh chưn nhảy xuống móc hang bắt lên hơn chục con còng loại càng kình, bẻ lấy cái càng lớn tía kêu:
- Dám bắt không thử coi ông nhỏ?
Tôi lắc đầu chịu thua...
(Thời đó bãi biển chưa phân lô nuôi sò và bà con muốn bắt sò cứ ra biển)
Khi ghe hát dọn bến, Ný tôi rất buồn trước lúc tôi bước xuống ghe anh cầm tay tôi thật chặt:
- Vợ chồng "Ný" đi mạnh giỏi nhe, bất cứ lúc nào muốn dừng chân cứ ghé đây. Có khó khăn gì cứ ghé mình nhe "Ný".
Tía Năm thì chẳng nói gì cứ bồng con Maika nói:
- Hai cha con bây chừng nào hưởn dìa ghé thăm ông Nội nhe.
Sau đó thì vợ chồng tôi bỏ sang đoàn khác và lưu linh theo một gánh cải lương ở Long xuyên. Rồi sau đó giải nghệ trụ hình ở vùng đất cây lành trái ngọt này.
Nhớ người bạn, nhớ ông già Tía lắm. Nhưng xa xôi cách trở biết bao giờ có dịp gặp lại? Thôi viết vài dòng để nhớ mãi "Ný" của tôi./.
Theo Chuyện làng quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ny-a8445.html