... Nhà anh Thịnh có 5 anh em, 2 trai, 3 gái. Ở cái làng này, gia đình anh Thịnh có đất đai rộng nhất nhì làng do thừa hưởng của cha ông để lại. Trước đây, khi anh em trong gia đình trưởng thành, bố mẹ anh Thịnh đã đứng ra phân chia đất cho các con. Anh Thịnh là con trưởng được 300 m2 đất; người em út được 250 m2 đất; 3 người con gái chung một mảnh 150 m2 đất. Còn bố mẹ anh Thịnh vẫn ở riêng trong ngôi nhà cũ trên nền đất 300 m2. Việc phân chia như vậy là khá công bằng, không ai có ý kiến gì.
Theo sự phân chia của bố mẹ, anh Thịnh dồn tiền xây dựng 2 căn nhà lớn trên đất bố mẹ chia, phần còn lại thì xây một dãy nhà trọ cho thuê. Những người con gái cũng xây dựng một dãy nhà cấp 4 để cho thuê phòng.
Những năm gần đây, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, làng của gia đình anh Thịnh đã thành một xóm thuộc quận; đất đai tăng chóng mặt.
Cũng thời điểm này, bỗng nhiên vợ chồng người em út lại tỏ ra quan tâm đặc biệt tới bố, mẹ; thường xuyên mua thuốc bố, đồ ăn ngon, quần áo đẹp cho bố, mẹ... Anh Thịnh thì cũng quan tâm, nhưng tính tình cục mịch nên cũng không vừa lòng bố.
Mẹ anh Thịnh mất được một vài năm thì bỗng nhiên, anh Thịnh nhận được giấy mời của Tòa án tham dự phiên tòa xét xử về đất đai. Người khởi kiện là bố anh Thịnh nhưng được ủy quyền cho cậu em út. Thì ra, mặc dù bố mẹ anh Thịnh đã phân chia, nhưng chỉ là phân chia bằng giấy tờ viết tay, không có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý. Khi mẹ anh Thịnh còn sống, cậu út đã khéo léo nịnh nọt để ông bà di chúc phần đất mà ông bà đang ở và phần đất cậu út đang ở cho cậu ta. Nay ra Tòa, thay mặt cha đòi phân chia phần đất đã giao cho anh Thịnh và 3 người con gái.
Tòa án chỉ biết tuân theo pháp luật, về lý, bố anh Thịnh có quyền đối với một nửa di sản còn lại và còn được hưởng thừa kế phần đất của vợ nữa. Theo tính toán của Tòa, anh Thịnh chỉ còn được chia có 20 m2. Vì anh Thịnh đã xây dựng nhà trên 300 m2 nên muốn ở phải trả tiền đất cho cậu út 280 m2. Ba người con gái cũng chung số phận như vậy...!
Anh Thịnh và 3 người con gái không chịu và cũng không có tiền để trả cho cậu út. Cậu út liền gọi "xã hội đen" về gây sức ép và làm đơn yêu cầu chính quyền thi hành án. Không khí gia đình căng như sợi dây đàn. Anh chị em mắng chửi, dọa chém giết lẫn nhau. Chính quyền thì cũng không thể mạnh tay vì cũng không thể đuổi gia đình anh Thịnh đi được...
Thiết nghĩ, có thể anh Thịnh và các người con còn lại chưa đủ quan tâm, hiếu thảo với cha mẹ; nhưng là bậc làm cha làm mẹ, cũng không nên đối xử một cách thiếu công bằng đến như thế. Anh Thịnh dù sao cũng là con trưởng, theo truyền thống có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Nhà có tới một ngàn mét vuông đất mà anh Thịnh chỉ được chia có 20 m2 thì làm sao không đẩy anh đến sự uất hận, căm giận cả cha đẻ và ruột thịt của mình. Làm cha, mẹ như vậy là không công bằng, đẩy các con vào sự thù hận, "nồi da nấu thịt".
Theo Chuyện Làng Quê
Trần Minh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ong-lam-cha-vay-a-a8453.html