Xưởng cưa xẻ gỗ mỗi lần giao hàng cho khách hàng mình bao luôn công vận chuyển nên thỉnh thoảng có chuyến đi hoài. Mỗi lần giao hàng xa thì chú Tư mua thêm mồi nhậu và nhân viên áp tải theo ghe như tôi được bao luôn cơm sáng chiều.
Lần đầu gặp chú sau khi thỏa thuận giá chuyên chở xong.
Chú Tư chợt hỏi:
- Thầy muốn "kê" bao nhiêu?
Tôi lắc đầu không hiểu chú nói gì chú cười:
- Thì con gì mà không ăn thầy. Hợp đồng 300 thì mình làm 350 thầy có 50 cà phê.
Tôi cười nói:
- Thôi đi chú, con theo áp tải con có chế độ của con rồi
Chú Tư lầm bầm:
- Tùy thầy thôi..
Vài lần thì quen nhau, giao hàng xong là nhậu một trận ăn mừng. Chú tư giao tay lái cho thằng con trai còn tôi và chú ngồi nhậu trên mui ghe, mỗi lần nhậu giữa trời nước mênh mông sông nước hữu tình thật tình mà nói chẳng có gì sướng hơn.
Mỗi lần ghe ngang Trạm kiểm soát đường sông một cây cờ vẫy vẫy thế là chiếc ghe chú Tư ghé vô trong cái giấy tờ ghe chú để sẵn tờ hai chục, mọi việc suôn sẻ sau một cái vẫy tay im re. Như đoán ra cái thắc mắc của tôi chú Tư cười:
- Ậy, kẻ có cơm người có cháo mà thầy .
Một lần giao hàng ở An Phú vì xuống hàng trễ nên tới Châu Phú thì trời đã tối, mùa nước lũ nên nước chảy mạnh chú Tư hỏi:
- Mình ghé kiếm chỗ ngủ nghe thầy Út. Trời này đi ngược nước ghê quá.
- Ngủ thì ngủ, sáng đi tiếp có sao đâu chú.
Vậy là neo ghe ngoài Sông cái, gió thổi phần phật chú Tư châm vội bình trà, hai chú cháu lấy trà thay rượu tôi hỏi vui:
- Đây lên Châu đốc bằng Châu đốc về đây không chú Tư?
Nghe hỏi vậy chú Tư lẩm nhẩm tính rồi bỗng nhìn tôi cười ha hả...
Đêm đó trời đổ mưa giông, hai cha con chú Tư thay phiên nhau tát nước tôi cũng không ngủ được vì sợ chìm ghe. Chú Tư tỉnh bơ rút neo nổ máy chạy về hướng Châu đốc chú nói:
- Ở chổ trống đậu ghe mưa giông nguy hiểm lắm vì ghe mình chở nặng, thà mình chịu khó dầm mưa qua khỏi chỗ này cho nó an toàn.
Giữa con Sông cái mênh mông chiếc ghe chở nặng nên oằn mình trên làn nước lũ, tôi đảo mắt nhìn tìm coi mấy cái phao để chỗ nào?
Hình như chú Tư biết tôi đang nghĩ gì nên chú bật cười:
- Ủa bộ thầy hỏng biết lội hả.
- Dạ biết chớ chú, nhưng mà thấy sóng ập mạnh cũng hơi ớn.
- Ráng chút nữa tới phà Châu giang ghé kiếm cái gì dằn bụng rồi làm ly cà phê nghen.
Lời mời của chú Tư làm tôi thèm mùi cà phê, mùi thơm của tô cháo lòng...
Khi tới An phú thì từ cái bến sông đến chỗ tập kết vật tư của công trình hơn một cây số, thế là phải thuê xe ba gác è ạch kéo lên kéo xuống vừa xong thì cũng sụp tối, vừa xuống ghe thì chú Tư cười hể hả:
- Tắm cái cho khỏe rồi mình nhậu nhe thầy Út.
Nồi mắm kho thơm lừng với ba rọi và mấy khứa cá ba sa chấm với mớ rau dừa non trong, nhậu với rượu đế giữa trời nước mênh mông thật tình mà nói không có gì đã hơn.
Chợt nhớ hôm qua có mang theo cây guitar cùi bắp, thế là một người hát không hay như tôi được một khán giả hơi lãng tai gật gù khen hay... còn thằng Nam con trai chú Tư nó chẳng hề tham gia mà cũng không biết nó nghĩ gì nữa? Nhìn nó thì nó chỉ cười cười.
Lần chở hàng xuống Rạch sỏi vừa giao hàng xong thấy nước lợ trong veo nên nhảy xuống tắm đại ai dè thay đồ xong là mình mẫy ngứa chịu không nổi luôn. Càng gãi lại càng ngứa và nổi mề đai đầy mình mà mồi thì đã dọn ra.
Chú Tư thấy vậy còn cười chọc quê:
- Không sao đâu... Dị ứng nhẹ thôi mà thầy. Cứ nhậu thoải mái trong uống ngoài thoa chút là nó hết thôi mà.
Tưởng chú chọc quê nên tôi cũng hơi ...quê. Ai dè chú nấu một nồi nước lá hẹ kêu tôi tắm một chút là mấy cái mề đai lặn hết.
Ở trên cái mui ghe chạy đêm cũng có nhiều cái vui, cái đèn pha của chiếc ghe rọi dạt vô bờ hay gặp mấy tên "ị" bậy ở mé sông hoài. Cũng có khi thấy một ý nhạc hay bất chợt hý hoáy ghi thành một bài hát và mỗi lần nhậu chú Tư hay hỏi:
- Hôm nay có "sáng tác" bài nào mới không thầy Út?
- Chi vậy chú?
- Có thì chú ca nghe chơi.
Tôi suýt phì cười vì hôm nay có một người vốn lãng tai như chú Tư mà cũng đề nghị ca nhạc theo yêu cầu.
Tôi nói:
Để tôi tặng cha con chú 4 lớp Cao Phi nhe. Bài này con viết lời tặng cho hai cha con chú nè.
1. Mày cầm cái chai, qua bà hai đong rượu cho tao liền. Đong đầy một chai nói với bả ghi sổ cho tao. Nhưng mà bả nói chỗ đâu nữa mà ghi sổ. Ông thiếu bả hoài mà ông không trả bả không thèm bán đâu.
2. Ý trời đất ơi, mua bán gì cũng phải có gối đầu. Thiếu mười mấy chai thiếu chai nữa có chết gì ai. Hôm nay không trả mai mốt có tiền tao sẽ trả. Nếu tao có tiền tao đâu mua thiếu làm gì cho bả la.
3. Không tiền thì thôi, mua thiếu làm gì thiên hạ họ chê cười. Mỗi lần cầm cái chai đi mua thiếu mắc cỡ lắm tía ơi. Bà hai bả nói tiền trao cháo múc. Quán tao là quán nghèo vốn liếng có chút xíu thiếu hoài là chết tao.
4. Có tiền đi mua, tao đâu cần tới bản mặt của mầy. Không tiền trong tay mua thiếu được mày mới là hay. Bả không chịu bán mày phải năn nỉ cho bả bán. Mấy con mẹ đánh bài hỏng có một cắc có bà nào nghỉ đâu./.
Ca xong nhìn cha con chú Tư cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Sau khi nghỉ làm ở Hòa Bình từ đó không còn gặp chú Tư. Mỗi khi có dịp đi ngang phà An hòa tôi vẫn hay nhìn qua cồn Phó Ba không biết Chú Tư còn sống hay đã mất rồi?
Còn thằng Nam bây giờ nó có nối nghiệp của tía nó không nhỉ?
Ôi thời gian ơi xin dừng lại... dù chỉ một lần.
Theo Chuyện quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tu-ghe-a8482.html