Có ai đó chép miệng như vậy. Phải chăng là từ ngày xửa ngày xưa, có một bà bán lươn nào đó mắc tội lừa gạt dân mua bán? Đến khi người ta phát hiện ra chuyện này (có thể là đã quỵt tiền, bán ấm ớ...) thì bà ta đã nhanh chân biến mất tăm mất dạng. Tìm đâu ra một “mụ” buôn bán rong trong cái chợ đông đúc, nhốn nháo này? Thôi đành chấp nhận sự rủi ro kia bằng một cái chép miệng thở dài: “Rõ cái số mình đen. Hôm nay ra ngõ gặp gái nên bị mắc lừa...”.
Vấn đề là, tại sao “con mẹ hàng lươn” kia lại bị “lôi cổ” vào câu thành ngữ để đời chứ không phải là một người hành nghề buôn bán thông dụng khác? Hay đây chỉ là một sự thuận miệng, thuận tai? (Thành ngữ tục ngữ nói chung thiếu gì những trường hợp các từ ngữ xuất hiện trong tổ hợp chỉ vì đảm bảo cho có sự hiệp vần, hài âm, hài thanh thích hợp).
Có thể là các bà bán tôm bán ốc, bán cua bán cá (nhất là bán cá thả, thường rất hay biến báo, xập xí xập ngầu trong chuyện đo đếm). Ngay cả mấy bà buôn thúng bán mẹt ngoài chợ (hàng xay hàng xáo, rau dưa tương cà...) cũng chẳng kém cạnh gì trong chuyện nói thách, đong điêu, giả liều, cãi bửa... Ấy vậy mà chẳng hiểu mô tê tại sao bà bán lươn tội nghiệp kia lại mang lấy cái tiếng để đời là một người không trung thực.
Có gốc rễ từ nguyên ở đây đấy. Số là, con lươn là một loài “cá nước ngọt, thân tròn và dài như rắn, mắt nhỏ, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn” (Từ điển tiếng Việt, Trumg tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Chúng thường nằm trong một cái hang tự tạo để trú ẩn. Dân bắt lươn chạch gọi đó là cái hút (như ta hay nói hút bom, hút nước, hút đèo (trong đèo heo hút gió)). Cái hút của lươn không to, dạng một lỗ sâu vào trong, lại nằm trong lớp bùn nhão. Vì vậy, nếu ai mới bắt lươn chưa có kinh nghiệm vội vã lội lung tung mà không quan sát, rất dễ làm nước ao hay nước ruộng kia vẩn đục.
Nước đục lập tức xóa đi dấu vết của cái hút, vốn là vị trí con lươn nằm trú ẩn. Bị mất phương hướng định vị mục tiêu, dân bắt lươn đành chịu bó tay để tụi lươn “lẩn nhanh như chạch” kia dễ bề trốn thoát. Chấm hết! Thôi đành phải lên bờ chờ nước trong tìm cơ hội khác. “Mất hút” là cái gốc của vấn đề. Còn “con mẹ hàng” chỉ là câu nói kèm theo lối khẩu ngữ cho thuận miệng và cũng có đôi chút bông phèng ở đây thôi. Nếu nói “mất hút lươn” cũng được, nhưng có vẻ câu thành ngữ chưa đủ độ dài thích hợp và không gây ấn tượng lắm. Bà bán lươn kia quả là hơi bị oan thật!
Đấy là chuyện ngôn từ. Còn trong đời thực, có không ít trường hợp ta dùng đến thành ngữ mất hút con mẹ hàng lươn này để hàm chỉ một hành vi lừa đảo, hay cố ý trốn chạy, hay vô tình để đối tượng biến mất. Trong thương trường thì chuyện này xảy ra như cơm bữa, bởi đấy chính là mảnh đất của nhiều kẻ cố lừa phỉnh người khác vào bẫy kiếm lời. Một nhân viên tiếp thị hết lời quảng cáo cho nước gội đầu hảo hạng, “gội vào tóc mượt như nhung, dùng rồi dùng mãi”.
Nhưng khách mua rồi, dùng mới biết đó là sản phẩm của đồ nói xạo. Khốn nỗi, cô ta là dân bán rong. Lấy tiền xong là cô ta chuồn. Ai mà ra ngoài phố đông nghịt kia để tìm được tông tích của cô bây giờ. Thật đáy bể mò kim. Đúng là mất hút con mẹ hàng lươn rồi. Rồi ai đó, hay tập thể nào đó còn đau hơn khi bị lừa, đến nỗi đổ bể cả một dự án, một hợp đồng buôn bán đáng giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Nhưng kẻ qua mặt họ đã mất mặt nơi nảo nơi nao rồi. Một mớ lươn của bà bán dạo kia chẳng là cái đinh gì so với cả “núi” tiền vừa bị mất trên tay vì nhẹ dạ cả tin.
Con lươn mất “hút” khó tìm
Kẻ lừa mất hút niềm tin chẳng còn.
Phạm Văn Tình
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/oan-cho-ba-ban-luon-a8484.html