Kỳ 35.
Vài ngày sau khi thiết triều, một sáng Lê Hoàn đang ngồi trong tư dinh ở kinh đô Hoa Lư thì có gia nhân vào báo:
- Bẩm thập đạo tướng quân, có thám mã từ Ái Châu về muốn gặp.
- Cho vào.
- Dạ.
Thám mã vào chắp tay chào và nói:
- Bẩm Thập đạo tướng quân, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã đem quân bản bộ vào Ái Châu phản loạn, đang tiến quân tiến đánh Hoa Lư.
Lại một thám mã khác vào báo:
- Bẩm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền đã phản loạn, đã đem 100 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh đang tiến vào cửa Thần Phù, phối hợp với bộ binh của Nguyễn Bặc và Phạm Hạp tiến đánh Hoa Lư.
Lê Hoàn nói với gia nhân:
- Đi mời thái hậu và Hoàng thượng lên điện Bách Bảo có việc khẩn quốc gia.
- Dạ
Lại bảo một tùy tướng khác:
- Đi mời các tướng Phạm Bạch Hổ, Phạm Cự Lượng đến điện Bách Bảo họp gấp.
- Dạ.
Trong Điện Bách bảo cực kỳ sang trọng, mái lợp ngói màu vàng, chân cột sơn màu bạc, bàn ghế gỗ gụ, sến khảm ngọc trai lung linh. Ngồi trên ghế chủ có hoàng đế Vệ Vương Đinh Toàn, bên cạnh là thái hậu Dương Vân Nga. Ngồi ở bàn và hai dãy ghế kê dọc ở dưới thấp hơn là Phạm Bạch Hổ, Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng, Trịnh Tú và nhiều tướng lĩnh khác. Lê Hoàn nói:
- Bẩm thái hậu và Hoàng thượng, thám mã từ Ái Châu về báo, sau cuộc thiết triều, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đại tướng Phạm Hạp và Ngoại Giáp Đinh Điền đã đem quân vào Ái Châu làm phản, hiện đang chia hai đạo thủy bộ tiến quân tiến đánh Hoa Lư. Tình hình rất khẩn cấp. Xin thái hậu và Hoàng thượng cho ý chỉ.
Thái hậu nói:
- Bọn họ là khai quốc công thần, là trụ cột của triều đình mà làm phản thì thật đáng trách. Nay vua còn nhỏ, Thập đạo tướng quân là Phó vương Nhiếp chính, đã từng xông pha trận mạc, phải dùng sức mạnh và mưu kế trừ bỏ chúng đi để trừ hậu họa cho Đại Cồ Việt, cho triều đình.
Lê Hoàn đáp:
- Thần là Phó vương Nhiếp chính được hoàng thái hậu giao cho trọng trách, thần sẽ cố hết sức để trừ hậu họa nhanh chóng, không để nước nhà lại lâm vào cuộc nội chiến như loạn 12 sứ quân. Trước hết nhờ cậy lão thần Phạm Phòng Át.
- Có lão thần.
- Lão thần cùng phò mã đô úy Trần Thăng ở lại phòng thủ Hoa Lư, bảo vệ Hoàng thượng và thái hậu.
- Lão thần tuân lệnh Thập đạo tướng quân.
Trần Thăng nói:
- Mạt tướng tuân lệnh.
- Đại tướng Phạm Cự Lượng và Trịnh Tú.
- Có mạt tướng
- Đạo thủy binh của Đinh Điền khoảng 2 vạn quân từ Ái Châu sẽ đi vào một cửa biển duy nhất là Đại An để vào Hoa Lư. Muốn vào Hoa Lư, đạo thủy quân này phải đi vào sông Đáy và sông Chanh, đi vào sông Hoàng Long và cuối cùng là sông Sào Khê chảy qua Hoa Lư. Hai tướng nhận lệnh.
- Dạ.
- Hai tướng đem thủy binh và bộ binh mai phục, chờ cho thuỷ quân Đinh Điền tiến vào sông Đáy thì dùng thủy quân ta bịt cửa biển Đại An. Còn ở bên trên sông Đáy khoảng 2 dặm chuẩn bị bè nứa gỗ rơm rạ dầu chất cháy, chờ thủy quân địch lọt vào trận địa thì phóng hỏa kết hợp phục binh hai bờ sông tấn công thì thủy binh Đinh Điền sẽ bị tiêu diệt.
- Chúng mạt tướng tuân lệnh.
- Nhớ khi phóng hỏa phải xem chiều gió, mùa nay hay có gió đông Bắc, rất thuận lợi.
- Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh, cáo từ hoàng thái hậu, Hoàng thượng, Thập đạo tướng quân, mạt tướng ra điểm binh thuyền và xuất phát.
- Chúc hai đại tướng quân thắng lợi.
- Đa tạ Thập đạo tướng quân.
Lê Hoàn nói tiếp:
- Bẩm thái hậu và Hoàng thượng, còn đạo bộ binh của Nguyễn Bặc và Phạm Hạp từ Ái Châu tiến theo đường thiên lý ra Hoa Lư thần sẽ chặn đánh và sẽ đem khúc ca khải hoàn về dâng thái hậu và Hoàng thượng.
Thái hậu nói:
- Ta và Hoàng thượng chờ tin báo tiệp của Thập Đạo tướng quân.
- Đa tạ thái hậu và Hoàng thượng, thần cáo biệt để xuất quân.
Ngay ngày hôm đó, Phạm Cự Lượng và Trịnh Tú dẫn 2 vạn thủy binh và bộ binh rời kinh đô Hoa Lư từ sông Sào Khê ra sông Hoàng Long, đi vào sông Chanh và tiến vào sông Đáy. Phạm Cự Lượng cho thả khoảng 100 bè chứa đầy chất cháy ngang đoạn sông Đáy rẽ vào sông Chanh, chờ cho chiến thuyền Đinh Điền vào sông Đáy thì lại dùng bè chứa chất cháy bịt cửa sông Đáy ra biển, tức là cửa Đại An. Khi binh thuyền Đinh Điền đến đoạn sông Đáy gần cửa sông Chanh thì bỗng nhiên gió mùa đông Bắc thổi rất mạnh. Phạm Cự Lượng ra lệnh phóng hỏa. Binh thuyền Đinh Điền gặp gió và lửa thiêu đốt. Trong khi đó, trên hai bờ và ven sông, tiếng chiêng trống tù và của quân Hoa Lư vang động. Dòng sông Đáy biến thành bão lửa. Các chiến thuyền quân Đinh Điền biến thành than, binh sĩ biến thành những bó đuốc kêu khóc chìm xuống sông, kẻ sống sót bơi vào bờ thì bị bộ binh Hoa Lư bắt hoặc bị bắn chết. Xác chiến thuyền, xác quân sĩ lấp kín dòng sông, máu lửa làm dòng sông Đáy đỏ lừ sôi lên sùng sục. Đinh Điền đang tuyệt vọng thì bị một mũi tên phóng vào mặt, kêu lên ba tiếng và ngã xuống sông chìm nghĩm. Số binh thuyền còn lại chạy ra cửa Đại An thì lại bị những bè lửa từ cửa biển chặn lối thoát. Thành ra toàn bộ binh thuyền và hai vạn quân của Đinh Điền bị tiêu diệt, không thoát một chiếc thuyền nào.
Lại nói đạo bộ binh của Nguyễn Bặc và Phạm Hạp từ Ái Châu tiến ra, đến bãi rộng khu đất đồi Đồng Giao-Tam Điệp, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã trông thấy Lê Hoàn cùng các tướng đứng dưới cờ, phía sau là quân Hoa Lư, vũ khí tua tủa, cờ bay phấp phới. Nguyễn Bặc cho dàn trận đối mặt với quân Hoa Lư và Lê Hoàn. Lê Hoàn nói:
- Hai ngươi là khai quốc công thần, là đại thần của triều đình sao lại làm phản, từ bỏ nghĩa vụ cùng ta tôn thờ ấu chúa. Triều đình có ngược đãi hai ngươi đâu đến mức làm phản gây ra cảnh chết chóc nồi da nấu thịt.
Nguyễn Bặc mắng Lê Hoàn:
- Nay vua còn nhỏ, người là nhiếp chính để giúp vua là được, sao còn xưng là phó vương, có ý phản nghịch giành ngai vàng của nhà Đinh trong nay mai. Ta là bạn hữu từ nhỏ của Đinh Tiên Hoàng, thề sẽ bảo vệ ngai vàng cho nhà Đinh sao gọi là phản nghịch.
Lê Hoàn cười đáp:
- Thái hậu gọi ta là phó vương chứ đâu phải ta tự xưng. Hai ngươi chống lại thánh chỉ không phản nghịch là gì? Hai ngươi chỉ nhìn thấy triều đình mà không nhìn thấy đất nước, chỉ nhìn thấy quyền lợi một tập đoàn mà quên không nhìn hàng triệu sinh linh bách tính. Thử hỏi giang sơn mất thì còn triều đình nhà Đinh không? Ngươi không thấy quân Chiêm Thành đã tấn công nhưng đã bị trời trừng phạt, 3 vạn quân và 300 chiến thuyền của Bê Mỹ Thuế bị chìm ở Thần Phù không? Ngươi có biết quân Tống đang tập trung ở biên giới chuẩn bị tiến vào Đại Cồ Việt không? Tầm mắt hai ngươi nhìn không quá mũi, uổng công Đinh Tiên Hoàng phong hai ngươi là Định Quốc Công và đại tướng.
Nguyễn Bặc đuối lý, quát lên:
- Ai ra bắt kẻ tiếm quyền cho ta?
- Có ta.
Nhìn ra thì đó là Phạm Hạp cưỡi ngựa đen múa đại đao xông ra. Bên quân Hoa Lư, Đại tướng Đinh Đức Đạt múa đại đao xông ra cản lại, hai đại đao chạm nhau tóe lửa. Hai bên đánh nhau 50 hiệp mà không phân thắng bại. Thốt nhiên, bốn phía của thung lũng Đồng Giao, chiêng trông nổi lên xen với tiếng reo hò rung trời chuyển đất, 2 vạn quân Hoa Lư được dấu kín trong các rừng cây xông ra bao vây quân Nguyễn Bặc vào giữa. Lê Hoàn trỏ gươm cho toàn quân xông lên chém giết. Nguyễn Bặc quân ít, không thiện chiến, lại bị vây bọc bốn phía. Hỗn chiến một canh giờ sau, 1 vạn quân của Nguyễn Bặc bị tiêu diệt hết. Thây đổ ngổn ngang, máu tràn đỏ ngầu thung lũng Đồng Giao-Tam Điệp. Nguyễn Bặc bị thương và bị bắt, còn Phạm Hạp mở đường máu thoát thân chạy về hướng Bắc, Lê Hoàn cho thám mã chạy ngựa báo cho các thủ lĩnh quân sự địa phương Vũ Ninh đón bắt Phạm Hạp. Phạm Hạp chạy đến Bắc Giang thì bị quân của các hào trưởng địa phương bắt được, đóng cũi đem về Hoa Lư. Lê Hoàn chiến thắng kéo quân về Hoa Lư. Thám mã báo:
- Dạ, bẩm Thập đạo tướng quân, đạo thủy binh của Đinh Điền đã bị tướng Phạm Cự Lượng và Trịnh Tú dùng hỏa công tiêu diệt. Đinh Điền tử trận.
Thám mã lại báo:
- Bẩm Thập đạo tướng quân, đã bắt được Phạm Hạp giải về kinh sư.
Lê Hoàn ra lệnh:
- Đem Nguyễn Bặc và Phạm Hạp ra Lương Hương chém chết.
- Dạ, tuân lệnh Thập đạo tướng quân.
Đó là năm 979, khi đó Nguyễn Bặc mới 56 tuổi.
(Còn nữa)
CVL.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-35-a8487.html