Một mình cầm gươm xông pha vào đầm rồng hang hổ đánh chết tên tướng giặc cướp nước xâm lăng, trả thù cho bao nhiêu nghĩa quân nghĩa sỹ, bắt bọn ác nhân trả nợ nước nợ nhà hỏi ai mà không thích. Nhưng xem kỹ rồi mới biết những màn đánh kiếm đu bay, những kỹ xảo dàn dựng công phu đa số là của bộ phận hậu đài, những màn nhào lộn bay qua cổng thành đang cháy cũng của mấy em chuyên đóng vai quân sỹ, mấy anh chàng đóng vai Hiệp sỹ hay hoàng tử yếu xìu... đâu có lao động chân tay làm sao đánh đấm bay lộn gì được. Kể cả thanh gươm bóng lộn hào nhoáng cầm trên tay cũng chỉ là thanh gươm "kiểng" lòe thiên hạ thôi, tới màn đánh thì nhanh tay chụp thanh gươm khác vì sợ bị... trầy (ông kép chánh nào cũng có một thanh kiếm riêng như vậy). Võ cải lương thì những thế đánh gọi chung là "KIẾM TỔ". Đào kép nào cũng phải biết đại loại như: 3 trên, 3 dưới, chém chém, đỡ đỡ đâm... vậy là xong.
Tuy nhiên cũng có những anh kép yêu nghề anh phải tập luyện đánh với cả toán quân, sau cùng mới đánh với tên kép độc. Nhưng anh kép độc trông hị hợm vậy cũng yếu xìu đâu có anh nào chịu tập dợt chi cho mệt. Kép hát có nghề võ thì đâu có nhiều, nhưng giỏi võ để giang hồ nể sợ thì có DTL, HC, MC... Kép độc nổi tiếng trước năm 1975 thì có Nghệ sỹ Nam Hùng đóng vai Tô Điền trong vở Tiếng hạc trong trăng của soạn giả Loan Thảo (nghệ sỹ Thành Được đến ngày nay nhiều người vẫn nhớ anh trong vai tướng cướp Thy Đằng). Bầu gánh thời đó phải rước một tay kiếm sỹ từ Nhật qua dàn dựng và chỉ đạo kiếm thuật cho cả đoàn hát. Thành công của Nam Hùng trong vai Hiệp sỹ Tô Điền đánh kiếm Nhật đến nay chắc ai còn nhớ cũng thất thập cổ lai hy rồi.
Hậu đài giỏi ngày xưa không hiếm, nhưng giỏi như Quý Hậu đài thì Bầu gánh nào cũng ham, vì Quý làm việc rất khoa học bài bản (là anh ruột của tay trống Quý Xù nổi tiếng cả miền Tây và Sài Gòn) trong một kịch bản kiếm hiệp những màn đấu kiếm, đấu võ đều được Quý tập dợt chỉn chu cho từng tuồng từng lớp. Nhưng cũng chỉ là những thế võ cải lương nên trong kịch bản "KHÓI RỪNG QUÊ MẸ" tôi góp ý với Quý:
- Đây là kịch bản đường rừng nên khi đánh nhau không đánh bằng kiếm mà phải đánh bằng Búa, bằng Mã tấu, Bằng rựa (hay rìu), Bằng dây thừng ...
Thế là Quý nhờ tôi đứng ra hướng dẫn võ thuật cho hậu đài, những màn đánh nhau then chốt tôi bỏ cây đàn vô hậu đài hóa trang thành bọn ác đánh với Quý, có lần có màn đánh nhau bằng Búa, thằng Lộc hậu đài nó quýnh quá quên lấy cây búa đạo cụ mà nó lấy lộn cây Búa chẻ củi của chị Hai cơm hội, cũng may là cú đá 180° của tôi trúng cườm tay nó chứ nếu trúng lưỡi búa thì chắc bay luôn cái gót. Ông Bầu sướng quá nên phát bồi dưỡng cho tôi 15 ngàn hàng đêm cũng đủ mua 2 lít rượu. Một lần đang đánh với Quý trong màn chót kịch bản Lửa hồng Đông đô tại cống rọc sen (tôi hát vai Đại tướng Vương Thông) thì sân khấu bị sập, 6 đứa hậu đài, tiền đài phải chen vai nhau chịu đỡ cái sân khấu cho tôi và Quý đánh hết màn, bên trong ông Bầu sốt ruột lấy tay làm loa la lớn:
- Vương Thông ơi sao mày không đầu hàng đi...
Đoàn Hoa anh Đào của Bầu Tâm xưa những màn đánh đấm theo kiểu phim Hồng Kong đều do Ngọc Đức dàn dựng nhưng cũng chủ yếu là hậu đài đánh chứ kép hát cũng đâu có đánh. Nhắc cho các bạn biết một góc nhỏ của mặt trái sân khấu cải lương nơi những gánh hát nhỏ mình đã đi qua, chứ không có ý vạch lưng chỉ thẹo hay bôi bác gì đâu. Dĩ nhiên cũng có những nghệ sỹ hết lòng chăm chút cho vai diễn của mình nhưng không nhiều lắm, vì đa số nghệ sỹ hay lo trau chuốt cho hơi ca của mình, ra đánh đấm vũ đạo rồi tới lúc vô vọng cổ thở hào hển như Trâu sao mà ca cho ngọt?
Có những đoàn rước hẳn võ sư tên tuổi theo chỉ đạo võ thuật cho đoàn (như Đoàn cải lương Minh Cảnh) nhưng cũng chỉ là số lượng ít, vì vậy trên những sân khấu bầu Tèo đa số trong tuồng kiếm Hiệp đào kép vẫn thường đánh nhau bằng thứ... "VÕ CẢI LƯƠNG" . /.
Theo Chuyện quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vo-cai-luong-a8496.html