Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, bố tôi bệnh tật quanh năm, nhà 6 miệng ăn mà chỉ mẹ tôi đi làm, 4 anh em nhà tôi đang tuổi ăn tuổi học, tôi thường được giao cho trọng trách là ở nhà trông em và nấu cơm, nhà có cái nồi đồng chỉ nấu đủ 3 ống gạo, cái hộp sữa mà người ta dùng hết mẹ tôi xin về cái võ để đong gạo mỗi khi nấu cơm, có phải vì cái nồi chỉ nấu được 3 ống gạo hay sao mà người ta còn gọi cái nồi đồng đó là nồi ba.
Khi đó còn trẻ người non dạ, tôi nghĩ sao mẹ tôi không mua cái nồi to to để thổi cơm, mà thổi cơm vào cái nồi ba làm gì để mỗi người được hai lưng bát thì đả hết cơm, mặc dù bụng vẩn còn đói meo. Thế là một hôm khi thổi cơm, tôi âm thầm thêm nữa bò gạo vào nồi, khi cơm chưa sôi thì không sao, nhưng đến lúc cơm sôi gạo nở ra, không tài nào mà đậy được vung, hoảng quá tôi liền lấy hai hòn gạch vồ đè lên trên vung, kết quả là lúc dọn cơm ra ,cơm sống nhăn sống cãy, mẹ tôi lấy cái roi dắt ở bờ phên ra , mà anh em chúng tôi gọi là roi mót, roi đó mà quất vào mông thì đau lắm, mẹ tôi hỏi: lý do gì lại thêm gạo?tôi ngây ngô cố cãi :cơm sống là do nồi, chứ con thề là không làm gì cả, tôi nào biết cái nồi chỉ thổi được ba ống gạo, thêm tý gạo nào là sẽ không đậy được vung, đằng này tôi thêm nữa ống, trách gì cơm chả sống, khi ấy tôi mới chịu thú nhận việc làm của mình, mẹ tôi nghẹn ngào nói với mấy anh em tôi trong nước mắt, không phải mẹ muốn chúng tôi ăn đói, nhưng vì nhà mình nghèo phải ăn đong như vậy, không thì giáp hạt lấy gì mà ăn không biết vay ai, mẹ không muốn các con chết đói. Thế mà năm nào nhà tôi vẫn thiếu ăn mấy tháng giáp hạt, có hôm mẹ tôi đi mót sắn tận trên Sen trên Sẻ, mãi tận huyện Tân kỳ, mấy anh em chúng tôi đợi mẹ về, thằng út em tôi lã đi trên vai anh tôi vì khát sữa, tôi thì lẽo đẽo chạy sau ra tận đầu làng ngóng mẹ. Trời về chiều mẹ đâu chả thấy , đúng lúc đó nhà ai nấu khoai cháy nồi, mùi khoai cháy bốc lên ngào ngạt, thằng em tôi như tĩnh hẳn trên vai anh tôi, nó chợt khóc lên đòi khoai ,anh trai tôi hoảng quá vừa khóc vừa ru theo điệp khúc mới sáng tác ra , ta hết khoai em thèm ,ta hết khoai em thèm, còn tôi thì nước miếng ứa ra ,bụng đói cồn cào, tôi thầm ước lúc đó có củ khoai nóng hổi cho em tôi, anh trai tôi bóc cho em ăn, còn tôi được ăn cái vỏ thôi cũng được, lâu lâu anh trai tôi lại reo lên mẹ về, mẹ về. Thằng em tôi tưởng thật, nó nín không khóc nữa, nhưng chỉ được một lúc không thấy mẹ nó lại nấc lên từng hồi, chắc vì đói quá nên nó lã đi trên vai anh tôi, lúc này trời đã nhá nhem tối, rồi cuối cùng mẹ tôi cũng về, từ xa tôi thấy mẹ tôi vừa đi vừa chạy, quần ống thấp ống cao, trên vai là cái đòn gánh, gánh hai đầu sự sống của cả gia đình chúng tôi qua những tháng ngày giáp hạt. Bọn tôi chạy ùa lên, vừa đến nơi mẹ thả gánh xuống, đón em từ tay anh tôi.Một tay mẹ quyệt mồ hôi nhễ nhại trên trán, rồi vén áo cho em bú, em vừa bú vừa nấc lên từng chập, nhưng ánh mắt em tôi sáng lên vui lắm. Còn tôi và anh tôi mỗi người một khúc sắn luộc mà mẹ gói tận trên Tân kỳ cho anh em chúng tôi. Ôi những khúc sắn luộc, đi cùng tuổi thơ chúng tôi sao mà quí giá.Nó nuôi sống chúng tôi những năm đói kém, qua đôi chân trần và những giọt mồ hôi khốn khổ của mẹ.
Giờ đây kinh tế chưa phải là giàu, nhưng anh em chúng tôi cũng không còn nghèo khổ như xưa nữa. Ai cũng muốn mẹ ở với mình, nhưng mẹ đã đi xa, anh trai và em tôi định cư ở thành phố. Mỗi lần về giỗ mẹ chị em chúng tôi lại quây quần, dâng hương trước bàn thờ và di ảnh của mẹ, chiếc đòn gánh và những giọt mồ hôi của mẹ, của những củ sắn như hiện về. Lòng nghẹn ngào hai tiếng mẹ ơi !
Nghệ An 29/11/2021
Theo Chuyện quê
Phan Quang Phùng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cu-san-cua-me-a8509.html