Đưa ra mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng xã hội học tập

Dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996-2021), sáng 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cấp hội khuyến học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đưa ra những mô hình mới, cách làm hay trong xây dựng xã hội học tập với phương thức mở, cá nhân hoá; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho người lớn; phát huy thực chất, hiệu quả hệ thống trung tâm giáo dục cộng đồng…

 
ch-khuyen-hoc-1-1638350178.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam
 

 

Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc tới các thế hệ lãnh đạo, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, những người đã bằng tất cả trách nhiệm với đất nước, dân tộc, mang hết trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Sự đóng góp không mệt mỏi đó đã góp phần quan trọng, không thể thiếu vào sự nghiệp phát triển, đổi mới giáo dục nước nhà, vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Hơn 20 triệu hội viên Hội Khuyến học Việt Nam thực sự gương mẫu đi đầu, phấn đấu xây dựng các mô hình: Công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập hướng tới xã hội học tập.

Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số suy nghĩ với mong muốn Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục có những bước tiến chất lượng hơn, dài hơn, cùng với đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, qua đại dịch COVID-19 càng thấy rõ nếu thiếu tri thức, thiếu hiểu biết việc phòng, chống dịch bệnh hoàn toàn có thể dẫn tới hai thái cực lơ là, mất cảnh giác hoặc quá sợ hãi. Qua đó gián tiếp thấy rõ hơn vai trò của công tác khuyến học, nhất là duy trì học tập của người lớn, học tập trong nhà trường. Cũng trong dịch bệnh, nhiều lãnh đạo, hội viên các cấp hội khuyến học đã trực tiếp tham gia chống dịch, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, động viên con cháu học tập dù không đến trường.

Dịch bệnh COVID-19 cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã gợi mở rất nhiều điều đối với công tác khuyến học, khuyến tài gắn với khả năng thích ứng của mỗi cá nhân trong thời đại mới.

“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ dành cho người trẻ, mà cũng vô cùng quan trọng đối với những người cao tuổi. Thế giới thay đổi, đất nước thay đổi và chúng ta phải chủ động thích nghi, trong cái khó ló cái khôn để hoàn thành, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội Khuyến học phải là đầu mối tập hợp tất cả các loại hình giáo dục kỹ năng sống cho người lớn trong một thế giới đầy biến động. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Điểm lại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3 vừa mới diễn ra (ngày 24/11), Phó Thủ tướng khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam.

Nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Hội Khuyến học Việt Nam, Phó Thủ tướng trao đổi thêm một số ý kiến cụ thể.

Thứ nhất, ranh giới giữa giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường đang ngày càng mờ đi theo hướng công tác xây dựng xã hội học tập ngày càng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, học sinh không thể đến trường, phải học ở nhà, học qua mạng, tự ôn bài. Phụ huynh, những người trong gia đình đã hỗ trợ nhiều hơn cho việc học của con em mình và cùng học tập.

Dù còn những điểm chưa hài lòng nhưng các chỉ số xếp hạng về giáo dục của Việt Nam đều cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Qua nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng khoảng thứ 40 trên thế giới, giáo dục đại học khoảng từ 65 đến 70, giáo dục nghề nghiệp nằm trong nhóm từ 90 đến 100 từ chỗ không được xếp hạng. Chỉ số đổi mới sáng tạo nhiều năm liền đứng thứ dưới 50 (năm 2021 đứng thứ 44). Điều đó cho thấy toàn Đảng, toàn dân và mọi người dân Việt Nam đều chú ý đến sự học của con em mình, qua đó góp phần cải thiện các chỉ số về giáo dục, đào tạo. Hội Khuyến học Việt Nam, các phong trào khuyến học, khuyến tài đã góp phần quan trọng vào thứ hạng của các chỉ số về con người, giáo dục Việt Nam.

“Chúng ta đã đi đúng hướng, đã nỗ lực và cần nắm chặt tay tiếp bước mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh nhiệm kỳ này có tính quyết định đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo mà Đảng đã đề ra.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã có những bước chuẩn bị và bắt đầu đổi mới chương trình giáo dục các cấp; sửa luật, làm mô hình, phổ cập bước đầu tự chủ đại học và giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục; cải cách tiền lương, trong đó đặc biệt quan trọng là đội ngũ viên chức giáo dục… Những nhiệm vụ này sẽ được tập trung cao độ và triển khai trong nhiệm kỳ này.

Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa ra những mô hình mới, cách làm hay về những chủ đề không mới, như trước đây Hội đã kiên trì, mạnh mẽ xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, hướng tới đơn vị học tập, cộng đồng học tập…

Trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, các cấp hội khuyến học có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm duy trì hoạt động của hệ thống giáo dục chính quy, nhất là bậc phổ thông.

Hội Khuyến học cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nền giáo dục mở. Không dừng lại ở việc hình thành kho học liệu mở, tạo điều kiện học tập liên thông, giải quyết các vướng mắc cụ thể trong giáo dục nghề nghiệp, Hội Khuyến học phối hợp với các bộ, ngành mở ra phương thức đào tạo mới theo xu hướng thế giới như cá nhân hoá chương trình học tập, chuyển từ một lớp nhiều trò, một thầy sang một lớp nhiều thầy một trò. Nếu tranh thủ trước một bước xu thế mới của thế giới thì giáo dục Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ đi nhanh hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh giáo dục người lớn, giáo dục nghề nghiệp đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiệm kỳ này Hội Khuyến học cần tập trung, tạo đột phá trong giáo dục kỹ năng sống. Hội Khuyến học phải là đầu mối tập hợp tất cả các loại hình giáo dục kỹ năng sống cho người lớn trong một thế giới đầy biến động.

Hội Khuyến học Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, số lượng hội viên đạt tỉ lệ 25% so với dân số trong cả nước; 80% trường cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp, trường phổ thông 85% có tổ chức khuyến học vào cuối nhiệm kỳ VI. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam để triển khai các phong trào, đề án về xây dựng xã hội học tập.

Các cấp hội khuyến học, nhất là cơ sở, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, có bước phát triển thực chất, hiệu quả trong hoạt động của hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng với hai “chìa khoá”: Ứng dụng khoa học công nghệ triệt để, sự tham gia thực chất của chính quyền cơ sở.

Từ đó, các cấp hội khuyến học góp phần cùng với chính quyền các cấp ngày càng hoàn thiện hơn các tiêu chí xây dựng đơn vị học tập, xã hội học tập, các phong trào thi đua… Một cộng đồng văn hoá trước hết phải là một cộng đồng học tập, gương mẫu trong xây dựng xã hội học tập.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng tin tưởng Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phát triển lớn mạnh, góp phần ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các cấp hội khuyến học thực hiện tốt việc khuyến khích, hỗ trợ, tư vấn cho Đảng, chính quyền các cấp để sự nghiệp giáo dục, phát triển con người Việt Nam thành công.

Nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học đã lớn mạnh cả về chất và về lượng. Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn bản, tổ dân phố.

Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "học không bao giờ cùng" như một triết lý của sự học hành.

Đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội khuyến học Việt Nam trong 25 năm qua là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời, vì mục tiêu xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận nền kinh tế tri thức. Hội hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài để tạo điều kiện cho mọi người có năng lực làm chủ tri thức, coi sự giàu có tri thức là yếu tố quyết định để con người phát triển bền vững, tạo nên sự giàu có về thu nhập và phát triển đời sống văn hóa phong phú của chính mình.

Từ định hướng đó, Hội đã không ngừng đổi mới, huy động mọi nguồn lực, phát triển Quỹ Khuyến học, tiến hành trao hàng triệu suất học bổng cho cả trẻ em và người lớn, cả thầy cô giáo và học sinh, giúp học sinh nghèo vươn lên học giỏi. Mối quan hệ phối hợp của Hội với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ngày càng được tăng cường.

Hội Khuyến học Việt Nam tiến hành sự nghiệp khuyến học bằng tinh thần tự nguyện, phấn đấu không mệt mỏi, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong phạm vi cả nước.

Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI đã bầu ra 94 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp tục làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đình Nam

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dua-ra-mo-hinh-moi-cach-lam-hay-trong-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-a8542.html