Những nẻo đường mang cõng

Các anh chị là thanh niên xung phong thời chống Mỹ đã ở tuổi sáu mươi trở lên. Bây giờ họ không thể nhớ được bao nhiêu dặm đường, bao nhiêu địa danh, bao nhiêu chuyến hàng nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, bao nhiêu đèo cao, vực sâu, thác ghềnh, bao nhiêu lần bị địch phục kích và thậm chí là bao nhiêu đồng đội đã hy sinh kề cận mà trên lưng còn đè sấp gùi hàng nặng trĩu.

tnxp-1638456172.jpg

Thanh niên Thủ đô hăng hái hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng” (Ảnh Internet)

 

Bởi, mấy chục năm sau ngày hoà bình họ phải vật lộn với miếng cơm manh áo, vất vả nuôi dạy con cái nên quá khứ chỉ có thể còn lại là những mảnh kỷ niệm chắp vá trong vô vàn ký ức rối rắm gian truân, đói khổ và chết chóc.

Gặp chị Xuân, chị Vân nguyên là cán bộ trung đội trưởng thanh niên xung phong Đoàn Hà Nam thuộc Tổng đội Nguyễn Văn Bé, tôi tha thiết đề nghị hai chị cố nhớ lại một vài sự kiện sâu sắc nhất của thời son trẻ xa xôi ấy. Chị Vân cười trả lời:

- Lâu quá rồi mà anh.

Chị Xuân còn chua chát hơn:

- Thôi, kể lại thêm tủi thân. Tụi này có làm được chi mấy mà kể.

Giận mà nói vậy chứ hai chị nhìn tôi rồi nhìn lên phía núi xa xăm, cùng hồi tưởng về một chuyến gùi hàng dài ngày, đầy gian khổ và đau thương.

Vào đầu tháng 9 năm 1969, sau những ngày để tang Bác Hồ, Tổng đội rút 3 đoàn Hà Nam, Hà Trung, Hà Bắc (biệt danh của các đại đội), thành lập một đoàn gồm 12 người do chị Vân phụ trách, xuất phát từ Ngọc Tú, Kỳ Ngọc, Bắc Tam Kỳ lên đường đi K20.  Nhiệm vụ lần này là vận chuyển thuốc tây và quân trang về nhập kho của tỉnh. Các chị phải vượt qua các địa danh Phước Tiên, Phước Lộc, Phước An, Phương Đông, Dương Yên, Thị trấn Trà My, sông Trường, Nước Oa, sông Tranh, Xã Íp, Phước Kim, Phước Thành, dốc Gió, nước Chè, Đak Ring, Aró rồi băng qua biên giới Lào. Nếu trời nắng ráo các chị phải đi trên 10 ngày đường, gặp mưa lũ có khi trên 20 ngày mới đến nơi.

Đến được K20, các chị nhận hàng quay về. Tất cả đều là nữ, nhưng mỗi chị đều đóng hàng nặng trên 60Kg. Hàng nặng các chị đi chậm như rạm bò, cứ một ngày đi không thì với gùi hàng trên vai trở lại mất hai ngày. Vượt qua không biết bao nhiêu dốc cao, vực thẳm, cuối cùng gần một tháng rưỡi họ cũng về được Nước Oa-Trà My, nhập hàng vào kho an toàn.

Ông Sáu Do thấy chị em đi đường dài ngày quá vất vả, đêm ấy ông cho mổ thịt một con heo độ ba nắm (khoảng vài chục cân hơi) chiêu đãi Đoàn.

Từ đây trở về Ngọc Tú chỉ còn hơn một ngày đường, nhưng trời lại đổ mưa tầm tả các chị phải tranh thủ vượt sông Trường, sông Phương Đông, sông Tiên để về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Đi ở núi cao rất gian khổ, nhưng về đồng bằng thì địch giăng phục khắp nơi không cẩn thận sẽ mất mạng như chơi. Đoạn đường Ngã Ba Dương Yên, Cống Vôi-Phước Tiên...địch từ các đồn Phước Lâm, Thị trấn Tiên Phước thường mò ra phục kích. Đến những đoạn đường này thường phải tự phân công một tổ đi trước bám đường mới dám vượt qua. Nhất là những lúc gùi hàng nặng trịch, thở ù hai lỗ tai, địch kề súng vào lưng cũng khó mà hay biết.

Vượt qua sông Phương Đông, không xuống đèo Bà Hương qua Phước Hiệp đến An Lâu, Kỳ Sơn xuống Kỳ Quế về Ngọc Tú... vì địch đóng đồn Gò Gai hay ra hành lang của ta phục kích, các chị xuôi theo con sông này, băng qua Phước An, Phước Lộc vượt đường 115 chỗ Cống Vôi, quanh xuống Ngọc Tú. Đi đường này cũng nguy hiểm nhưng gần và dễ lọt hơn. Trên đường các chị gặp anh Duyệt, chị Hiệp - Thủ trưởng đơn vị. Họ mừng vui khôn xiết và cùng nhau bám đường về Ngọc Tú.

Đến thôn 5 Phước Lộc đã sắp tối, nước sông Tiên dâng cao, chảy xiết nhưng trời ngớt mưa. Vượt sông lúc này nguy hiểm, vả lại đã nhiều lần chị em thanh niên xung phong chết vì nước lũ nên anh Việt bảo mọi người vào nhà ông Mai xin tá túc qua đêm. Tối hôm ấy anh Duyệt, chị Hiệp còn dành được 6 lon gạo trút hết nấu cho lính ăn. Nói là nhà, nhưng thực ra ông Mai chỉ ở trong một túp lều, nhà đã bị cháy trụi năm ba lần rồi. Ở đây được cái là an toàn hơn. Ông Mai dựa vào bờ đất cao sau nhà đào một cái hầm tránh bom, tránh pháo khá kiên cố. Nửa đêm địch dội pháo bất ngờ, có chỗ mà trú ẩn.

Khoảng bốn giờ sáng Xuân và chị Tâm (vợ anh Láng, người cùng đợn vị) dậy nấu cơm. Nấu cơm xong, vắt mỗi người một gói nhỏ để ngày mai ăn đường. Mọi việc làm xong, trời hừng sáng, Xuân nói với chị Tâm đánh thức mọi người dậy ăn sáng, lên đường sớm, đề phòng tàu rà phát hiện lúc vượt sông.

Xuân vừa dứt tiếng thì lựu đạn nổ cấp tập, tiểu liên quét xối xả vào miệng hầm, vào nhà, vào giàn bí - nơi các anh chị treo võng nằm chưa kịp choàng dậy.

Chị Tâm chết ngay chỗ bếp, Xuân vọt chạy nhưng hai chân tê dại, máu ra đầm đìa. Chị Vân kịp lăn xuống đất tạt về phía sau nhà, nhưng sao cứ bị lệt một bên vai, không chạy được. Chị sờ vào vai thấy máu chảy mới biết mình bị thương. Xuân, Vân cố sức bươn ra phía bờ sông Tiên cùng với nhiều người dân trụ bám liều mạng nhào qua bên kia bờ.

       Sau một ngày, Xuân tỉnh dậy thấy mình đã ở trạm phẫu dã ngoại của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đóng dưới chân núi Chúa, Ngọc Tú. Xuân hỏi Vân:

- Tại sao mình lại ở đây, anh Duyệt, chị Hiệp và tất cả anh chị em đâu rồi?

Vân nói trong nước mắt:

- Xuân bị thương máu ra nhiều quá, khi qua sông tưởng bị nước cuốn nhưng du kích Phước Lộc nhảy ra kéo vào bờ. Qua được sông Xuân ngất xỉu dân Phước Lộc khiêng chạy xuống đây. Mình cũng bị thương, ráng cùng đi với họ. Tất cả đều chết hết rồi, chỉ còn lại tôi, chị Hiệp và Xuân thôi. Hàng đến nơi mà người không về được. Tức quá! Đi hơn một tháng trời không việc gì, sắp về tới đơn vị lại hy sinh hết, thật oan uổng. Nghe cán bộ địa phương báo rằng: Vài ngày trước có một tên trong hàng ngũ ta, hắn hoạt động ở vùng này bỏ chạy chiêu hồi. Hắn biết hết mọi ngóc ngách trực tiếp dẫn bọn nguỵ từ Tiên Phước luồn sâu vào vùng giải phóng. Ta đi ngang đường, không nắm được tình hình nên mới thiệt hại quá lớn như vậy.

Chi Vân tiếp tục:

- Hơn một tháng sau, vừa lành vết thương vội vàng trở về đơn vị nghỉ mấy ngày, mình chưa kịp về Phước Cẩm thăm quê, nhớ mẹ phát khóc mà lại phải lên đường tiếp tục gùi cõng. Xuân có kỷ niệm gì sâu sắc, kể thêm cho anh ấy ghi.

Xuân sực nhớ! À có chuyện này, nếu ghi được thì ghi, tuỳ anh:

- Vào tháng mấy năm 1972 không còn nhớ rõ, C1 (Đại đội 1) thuộc Đoàn Hà Nam đang đóng quân ở An Tráng, được lệnh ngược lên Trường Sơn vận chuyển vũ khí xuống đồng bằng phục vụ chiến dịch. Sau này mới biết là để chuẩn bị cho trận đánh quận lỵ Quế Sơn. Tất cả chúng tôi lập tức từ An Tráng, Phước Hà băng qua dốc Lung lên Phước Lãnh rồi đi tiếp hơn ngày đường nữa mới tới Tổng kho Làng Hồi nhận 60 quả đạn DKB cõng về Bình Phú, Thăng Bình giao cho bộ đội pháo binh của Sư đoàn II hay một đơn vị nào đó, tôi không còn nhớ chính xác nữa. Phục vụ chiến dịch thì đơn vị đã từng, nhưng cõng đạn DKB thì thật là ghê gớm đối với sức nữ. Tôi nhớ không nhầm, một bộ cả đầu đạn và ống liều để đẩy quả đạn đi nặng 70 Kg.

Lúc ấy chúng tôi đều ở tuổi trên dưới hai mươi, nhưng tất đã dày dạng với việc mang vác nặng nề, ráng sức đèo mỗi người một bộ như vậy. Trong đoàn có người yếu không cõng nổi cả bộ, anh Tính người Vĩnh Bình, Kỳ Anh kham luôn hai ống liều nặng đến 90 Kg. Tính là kiện tướng gùi cõng của Đoàn Nam Hà trong suốt mấy năm liền. Tội nghiệp sau ngày hoà bình mấy năm, Tính bị giãn cột sống nằm liệt và chết lặng lẽ ở tuổi ba lăm.

Chúng tôi ì ạch mang vác về trở lại đường cũ. Đi đường núi, lên dốc mệt đứt hơi nhưng còn đỡ hơn lúc xuống dốc. Xuống dốc, cõng thứ này nguy hiểm lắm, rủi trượt chân quả đạn nặng đè trên người gãy xương, bể đầu. Bây giờ nhớ lại mà rùng mình. Về tới Phước Hà chúng tôi còn tiếp tục đuqa vũ khí đến đập An Lý, Bình Phú- nơi bộ đội chọn làm trận địa pháo. Từ đây ra An Lý phải đi ban đêm. Vì ban ngày, tàu rà phát hiện thì mất cả đạn lẫn người. Suốt một đêm mò mẫm mới tập kết được vũ khí đúng vị trí yêu cầu. Đạn đến nơi, giấu hết dưới lòng nước đập An Lý, tất cả đều thở phào nhẹ nhỏm. .

Về An Tráng, nghỉ chân được hai ngày, anh Thanh Ngọc, Đại đội trưởng bất ngờ thông báo:

- Chúng ta phải ra đập An Lý vận chuyển đạn DKB trở lại Phước Hà, chuẩn bị cho chiến dịch khác.

Nhận mệnh lệnh, tất cả chúng tôi giật nảy người phản đối:

- Không thể cõng được nữa. Ai sai thì chịu lấy. Cấp trên điều đơn vị khác ra mà chuyển về... Anh biết rồi, lúc ấy miệng chị em chúng tôi cũng có gang có thép chứ chơi đâu.

Thanh Ngọc nói như hét:

Ai sai cấp trên sẽ kiểm điểm, cách chức sau. Bây giờ thì “quân lệnh như sơn”. Đồng chí nào chống lệnh sẽ bị khai trừ Đảng ngay tại chỗ. Tất cả phải thông tư tưởng để kịp thời phục vụ chiến trường.

Một tuần lễ sau, 60 quả đạn do chúng tôi vận chuyển được bộ đội pháo binh dội chính xác xuống đầu quân thù, góp phần giải phóng và làm chủ Quận lỵ Tiên Phước hơn một tháng.

       Xuân đang sôi nổi về những tháng năm gian khổ mà hào hùng của thời son trẻ, bỗng dưng mắt chị rưng rưng rồi nói một lều như có người âm nhập:

- Thôi kể làm sao cho hết chuyện, anh chỉ biết rằng máu, mồ hôi, tuổi thanh xuân của biết bao Thanh niên xung phong đã đổ và mãi mãi gửi lại khắp các nẻo đường kháng chiến Quảng Nam. Những sự tích bi hùng của đồng đội chúng tôi trong những năm kháng chiến chống Mỹ là vô kể. Những sự tích ấy đã diễn ra khắp rừng sâu núi thẳm, khắp các đầu mối hành lang ác liệt, thậm chí còn ở tận vùng sâu Bình Dương, Kỳ Anh, Kỳ Phú...Sau chiến tranh, nhiều người trong chúng tôi không thể sinh con phải sống một mình trong tuổi già với những di chứng của một thời gùi cõng quá sức. Vả lại, thời thanh xuân chúng tôi phải thất học, chỉ biết mang vác nặng nề. Vì vậy, đến thời bình hiếm người có đủ trình độ để tiếp tục đảm đương công việc mới. Hầu hết chị em phải về hưu non với đồng lương ít ỏi, khuất lấp bởi áo cơm. Tuy nhiên, mỗi lần nhìn về phía núi xa xăm kia, nơi ấy biết bao đồng đội đã nằm lại vì đạn bom, vì đói, vì đau, vì nước cuốn, vì trượt chân rơi xuống hố sâu, tôi lại giật mình nhẩm hai câu thơ của ông Hồ Thấu, người cách mạng tiền bối đã chết từ rất lâu tại Tam Thăng quê tôi:

“Chiến trường ai khóc chia phôi

Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua”.

Và, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn các đồng chí đã vĩnh viễn ngã xuống trên khắp các nẻo đường mang cõng năm xưa...

Theo Chuyện Làng Quê

Bút ký của Phạm Thông

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-neo-duong-mang-cong-a8582.html