Nếp nhà

Tôi có 2 con trai (một đẻ ở Việt Nam, một đẻ ở Đức). Các cháu lớn lên và học hành ở Đức, nói tiếng Đức, tiếng Anh nhiều hơn nói tiếng Việt. Nhưng nếu ai đã từng tiếp xúc với các cháu - các cô bác từ trong nước sang hay bạn bè của bố mẹ đến nhà chơi - đều rất thiện cảm, hài lòng, chưa nói đến những lời khen về thái độ giao tiếp lễ phép, lịch sự, về câu từ chỉn chu của các con tôi .

gia-dinh-ly2-1638527991.jpg
 

Nghe tiếng chuông, tôi ra mở cửa.

Thằng em bé bé bé nhất nhà huơ huơ bàn tay nhỏ xíu:

- Ha lô!

- Ha lô cái thằng cha mày!

Con dâu đến gần thằng cháu:

- Con phải nói: cháu chào bà ạ.

- Chao ba - giọng thằng đẻ ở nước ngoài nói tiếng Việt lơ lớ.

- Cháu chào bà ạ - mẹ nó nhắc lại.

- Chau chao baa.

- Ạ nữa mà - con dâu nhắc tiếp.

- Ạ - thằng bé cúi người nói nốt.

- Lần sau con phải nhớ nói như thế chứ không phải là ha lô nhé.

- Ja.

Thằng cháu trả lời vâng bằng tiếng Đức rồi chạy ton ton vào phòng.

Khi anh em chúng tôi còn nhỏ, mẹ tôi dạy các con rất nghiêm túc. Không bắt phải khoanh tay cúi đầu khi gặp người lớn, nhưng mẹ dạy phải nói năng lễ phép, có đầu có cuối, không được nói trống không, xách mé. Anh em cũng phải xưng hô với nhau cho tình cảm, không được mày - tao. Mẹ dạy cẩn thận lắm.

Ví dụ :

Nếu được hỏi : Cháu ăn cơm chưa?

gia-dinh-ly-1638528070.jpg
 

 

Thì phải nói:  Cháu ăn rồi ạ.

Chứ không được nói : Ăn rồi.

Nếu nói về bố/ mẹ  thì: Mẹ ơi, bố con có ở nhà không?

Không được nói: Mẹ ơi, bố có ở nhà không ?

Anh em chúng tôi đã quen thành nếp như thế.

Khi có con, tôi cũng đã dạy các con như mẹ tôi đã dạy bốn anh em tôi.

Nhớ lúc  xưa có thằng cháu làm ở quán. Một lần nó hỏi:

- Đường ở đâu nhỉ?

Thấy vậy tôi nói:

- Cháu hỏi ai thế? Ở đây có cô lớn tuổi nhất và mấy anh nữa. Cháu phải hỏi: cô ơi đường ở đâu hay anh ơi hoặc chí ít thì mèo ơi, chuột ơi đường ở đâu chứ. Cháu ăn nói trống không như vậy làm người nghe sẽ nghĩ cháu là con nhà không được dạy dỗ.

Thằng cháu trả lời vô tư:

- Ở nhà cháu toàn nói như thế mà chẳng có ai bảo sao nên cháu không biết thế là không được.

Tôi mới nói :

- Tại mẹ cháu không cho là quan trọng, không dạy cháu nên cháu không biết và hậu quả là nếu tiếp xúc với người khác, cháu sẽ bị ác cảm là con người không được dạy bảo. Khi nào em Quân ra quán, cháu thử để ý em nói chuyện, rồi xem có khác với cháu không.

Thằng cháu vẫn làm ở quán đến khi về trường đại học. Sau này mỗi lần trở về thăm gia đình tôi, cậu chàng nói năng lễ phép có chủ ngữ, vị ngữ đàng hoàng.

Tôi có 2 con trai (một đẻ ở Việt Nam, một đẻ ở Đức). Các cháu lớn lên và học hành ở Đức, nói tiếng Đức, tiếng Anh nhiều hơn nói tiếng Việt. Nhưng nếu ai đã từng tiếp xúc với các cháu - các cô bác từ trong nước sang hay bạn bè của bố mẹ đến nhà chơi - đều rất thiện cảm, hài lòng, chưa nói đến những lời khen về thái độ giao tiếp lễ phép, lịch sự, về câu từ chỉn chu của các con tôi (khi nói chuyện với người Việt, các cháu đều dùng tiếng Việt, kể cả  có bác nào hỏi bằng tiếng Đức thì các cháu cũng trả lời bằng tiếng Việt).

Tôi rất vui và hãnh diện về điều đó.

gia-dinh-ly-1638527991.jpg
 

 

Đào Như Lý

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nep-nha-a8605.html