Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 41)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuyvualedaihanh-1638667417.jpg
Tượng thờ phụng vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư (Ninh Bình). Nguồn: Internet.

 

Kỳ 41.

Cùng thời gian đó, 1 vạn quân Đại Cồ Việt do Lã Lang chỉ huy hành quân nhanh chóng về phía Tây của kinh đô Đồng Dương, nơi có lực lượng tượng binh, một trong những binh chủng ghê gớm nhất của quân Chiêm Thành khi xung trận. Còn cách căn cứ nửa dặm, lính của Đại Cồ Việt, một loại lính đặc biệt thiện chiến bò lại gần thành, bắn chết những tên lính gác trên chòi canh, chốt khóa trái các cửa trại bên ngoài để bên trong không ra được. Gần 1.000 võ sĩ bắn những mũi tên có chất cháy vào bên trong. Doanh trại tượng binh của quân Chiêm bốc cháy dữ dội. Tiếng hò thét kinh thiên động địa. Lính Chiêm Thành mở cửa thành cho voi và người xông ra ngoài nhưng không mở được. Lính bên trong hoặc bị chết cháy, hoặc bị voi sổng chuồng bị bỏng điên cuồng dày chết chính chủ nhân của chúng. Tiếng người kêu thảm thiết, tiếng voi gầm the thé rung trời. Trong biển lửa và khói, hai canh giờ sau, căn cứ tượng binh khoảng 1 vạn lính và 1000 con voi bị thiêu chết.

Cùng thời gian đó, Lê Đại Hành cho thuyền áp sát vào bờ biển, 3 vạn tinh binh Đại Cồ Việt đổ bộ lên bờ tiến đánh kinh đô Đồng Dương thuộc đất Quảng Nam. Còn 1 dặm, đã thấy 3 vạn lính Chiêm Thành do vua Bê Mi Thuế cưỡi voi dẫn đầu xông ra tiếp chiến. Quân Đại Cồ Việt và quân Chiêm Thành xông lên chém giết nhau, quân Đại Cồ Việt dàn vòng cung và cuối cùng bao vây quân Chiêm Thành vào giữa mà đánh. Thây chồng ngổn ngang, máu đỏ lừ bờ biển. Lính bảo vệ Bê My Thuế chết hết, voi cũng bị trúng tên vào vòi, vào mắt. Quân Việt dùng câu liêm lôi Bê My Thuế xuống và chém chết tại trận. Tàn quân Chiêm Thành kinh hoàng tháo chạy về kinh đô. Quân Việt áp sát phía sau nên quân Chiêm không đóng được cổng thành. Quân Việt tràn vào chém giết. Thành quách, nhà cửa, lâu đài vàng son phút chốc chìm trong biển lửa. Kinh đô Đồng Dương sụp đổ tan hoang. Nước Chiêm Thành bại trận. Cácđại thần phò tá hoàng tộc, dựng lên vua mới và hộ giá chạy về miền Bình Thuận.

Lê Đại Hành hạ lệnhkhông được giết chóc dân lành và những binh sĩ đã đầu hàng. Vua cho đưa số vàng bạc châu báu trong kho của vua Chiêm lên xe và chở về Đại Cồ Việt. Hàng trăm vũ nữ và nhạc công của Chiêm Thành cũng được vua đưa về Hoa Lư để làm phong phú thêm văn hóa nghệ thuật cung đình và văn hóa Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành cho tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước ChiêmThành để dân được an cư lạc nghiệp, để công đức của triều đình Hoa Lư thấm xuốngtận những làng xã phương Nam xa xôi, cho dân được hưởng phúc lớn của Hoàng Đế Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành cho một viên quan địa phương người Chăm gốc Việt là Lưu Kế Tông đứng đầu chính quyền mới.

III

Sau khi ổn đình tình hình ở Chiêm Thành, Lê Đại Hành kéo quân về Hoa Lư theo đường biển. Trong những năm trị vì tiếp theo Lê Đại Hành đã tự thân chinh đánh dẹp các cuộc phản loạn của các hào trưởng ở các địa phương Đại Cồ Việt. Năm 989, Dương Tiến Lộc làm phản ở Ái Châu, Hoan Châu đã bị Lê Đại Hành đánh dẹp. Năm 996, Lê Đại hành đánh được 4 động Đại, Phát, Đan, Bà ở Ma Hoàng. Tháng 7 năm 996, vua thân chinh đi đánh Phan Quang ở Đỗ Động Giang, bắt bọn phản loạn đem về kinh sư. Năm Kỷ Hợi 999, niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 6, vua đánh dẹp ở Hà Đông, phá được động Nhật Tắc, châu Định Biên, khiến 49 động còn lại phải quy phục triều đình. Năm 1000, niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 7, vua đi dẹp loạn ở Phong Châu, đánh dẹp bọn Trịnh Hàng, Trường Lê, Đan Trường Ôn khiến bọn này chạy vào núi Tản Viên. Năm 1001, niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 8, Lê Đại Hành dẹp loạn ở Cẩm Thủy, Ái Châu. Vua đi thuyền vào Cùng Giang để đuổi giặc, bị giặc mai phục bắn tên. Vệ Vương Đinh Toàn đi cùng vua trúng tên hy sinh tại trận, khi đó Vệ Vương mới 17 tuổi. Vua đau đớn kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh dữ dội khiến giặc phải tan vỡ.

Năm 995, để chọc giận Tống Thái Tông, Lê Đại Hành cho quân đánh vào trấn Như Hồng, thuộc Khâm Châu. Mùa hạ cùng năm đó, Lê Đại Hành dẫn 5000 quân đánh vào Lộc Châu thuộc Ung Châu, Quảng Nam Tây Lộ, giao chiến với quân Tống do Tuần kiểm Dương Văn Kiệt chỉ huy.

Lê Đại Hành còn ra sức phát triển kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp là hai trụ cột của kinh tế nước nhà. Mùa xuân 987, ngày 1 Tết Nguyên Đán vua tự cày ruộngở Núi Đọ, Ái Châu, mở đầu cho lễ tịch điền về sau cho các triều đại để khuyến khích nông nghiẹp phát triển. Vua còn chú ý tôn tạo và mở mang các công  trình thủy lợi là một trong những nhân tố bảo đảm cho nông nghiệp phát triển. Năm 1003, Lê Đại Hành đi Hoan Châu, chỉ huy vét kênh Đa Cái, thông đến Tư Củng Trường, Ái Châu. Vua tổ chứcđào sông nối Hoan Châu với Ái Châu, mở ra đường giao thông thủy nội địa đầu tiên.

Sau chiến tranh 980-981, nhà Tống bị đánh bại nên phải giảng hòa. Vua Tống Thái Tông sau đó phong Lê Đại Hành các chức như Đặc Tiến, Giao Chỉ Quận Vương, Nam Bình Vương Kiêm Thị Trung. Tháng 10-986, Lê Đại Hành trao trả các tướng Tống bị bắt trong chiến tranh 980-981 như Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân cho nhà Tống. Năm 987, sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành sai Đỗ Pháp Thuận giả là người chèo đò ra đón. Hai bên làm thơ cho nhau. Năm 990 nhà Tống sai sứ sang sắc phong, Lê Đại Hành nhận tờ chế nhưng không quỳ lạy, còn nói với sứ giả bảo Tống Thái Tông có chiếu, thư từ thì giao cho quan Đại Cồ Việt ở biên giới và họ chuyển về để khỏi nhọc sứ giả đến Hoa Lư vất vả. Vua Tống nghe theo. Từ đó Đại cồ Việt đỡ được gánh nặng lễ nghi đón tiếp sứ giả.

Năm 982, Lê Đại Hành lập Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh hoàng hậu. Cuộc hôn nhân này hai người sinh được công chúa Lê Thị Ngân, sau công chúa là hoàng hậu của Lý Thái Tổ, thân mẫu của vua Lý Thái Tông sau này. Ngoài ra, Lê Đại Hành còn có các hoàng hậu khác như Phụng Càn Chí Lý hoàng hậu, Thuần Thánh Minh Đạo hoàng hậu, Trinh Quốc hoàng hậu, Phạm hoàng hậu. Ngoài công chúa Lê Thị Ngân, Lê Đại Hành còn có các hoàng tử: Lê Long Thâu, trưởng nam, tức Kinh Thiên Đại Vương (mất năm 1004), Lê Long Tích, tức Đông Thành Vương, Lê Long Việt, tức Nam Phong Vương, được phong hoàng thái tử, Lê Long Đĩnh, tức Khai Minh Đại Vương, Lê Long Đinh, tức Ngự Man Vương, Lê Long Kính, tức Trung Quốc Vương, Lê Long Cân, tứcNgự Bắc Vương, Lê Long Tung, tức Định Phiên Vương, Lê Long Tương, tức phó Vương, Lê Long Mang, tức Nam Quốc Vương, Lê Long Đề, tức Hành Quân Vương và con nuôi Dương Hy Liễn, tức Phù Đài Vương.

Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà ở Trường Xuân Điện, thọ 64 tuổi (941- 1005), ở ngôi 26 năm với ba niên hiệu: Thiên Phúc (980-988), Hưng Thống (989-993) và Ứng Thiên (994-1005). Lê Long Việt lên ngôi, đế hiệu Lê Trung Tông, được 3 ngày, Lê Long Đĩnh sai người giết chết Lê Trung Tông và lên ngôi. Đến năm 1009, Lê Long Đĩnh băng hà, tháng 10 Kỷ Dậu, thọ 24 tuổi, ở ngôi 5 năm. Con trai Lê Long Đĩnh là hoàng tử Sa còn bé. Đại thần là Đào Cam Mộc đưa Điện Tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, người lấy con gái của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga là công chúa Lê Thị Ngân lên ngôi, đế hiệu là Lý Thái Tổ. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Đến năm 1054, Đại Cồ Việt đổi thành Đại Việt. Lịch sử ba triều Ngô- Đinh- Tiền Lê khép lại với công lao to lớn là thống nhất đất nước, đặt nền tảng cho việc xây dựng xã hội phong kiến, nhà nước phong kiến chuyên chế Việt Nam để đến trang sử tiếp theo dưới các vương triều Lý -Trần là thời kỳ phát triển, viết nên những khúc ca khải hoàn tiếp theo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Đại Việt.

Hết tập II

(Đón đọc tiếp Tập III)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-ii-tieu-thuyet-lich-su-ky-41-a8628.html