Gặp bà trong ngôi nhà hai tầng khá kiểu cách nằm ở cuối xóm, nghe kể về những năm tháng khó khăn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt để nuôi dạy con thành người cho thấy nghị lực phi thường của người phụ nữ đơn côi. Bà là điểm tựa để các con vươn tới và trở thành những người có ích cho xã hội. Trong đó con gái cả Vũ Thị Vịnh (sinh năm 1972) làm Phó Hiệu Trưởng Trường mầm non xã Xương Lâm. Thạc sỹ Vũ Quang Phước (sinh năm 1973) - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Sao Vàng anh hùng. Con dâu Hoàng Thị Uyên là giáo viên THCS của xã Tân Hưng. Thạc sỹ Vũ Thị Huê (sinh năm 1979) và Thạc sỹ Vũ Thị Huế (sinh năm 1981) đều là giáo viên giỏi của tỉnh Bắc Ninh. Con gái thứ tư Vũ Thị Hạnh (sinh năm 1977) tốt nghiệp trung cấp làm việc ở Trường mầm non gần nhà. Cháu ngoại Đặng Văn Thành sắp tốt nghiệp Trường sỹ quan của quân đội. Con giá thứ ba Vũ Thị Thúy (sinh năm 1975) tuy không được học hành vì cùng mẹ nuôi anh và các em ăn học, cũng yên vị gia đình và kinh doanh khá thành đạt. Gia đình bà Thung nếu tính cả con rể, dâu thì có 4 thạc sỹ, 3 đại học, 6 đảng viên và 3 thế hệ là bộ đội. Từ một nông dân "chân chỉ hạt bột" bà Phạm Thị Thung đã phấn đấu nuôi dạy con thành đạt, là gương sáng trong làng ngoài xã để mọi người noi theo.
Bà Phạm Thị Thung kể: Vào những năm 1990 thế kỷ trước, gia đình bà nghèo lại đông con. Ông Vũ Nhật Vĩnh (chồng bà) là bệnh binh chống Mỹ, về địa phương từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Sau đó ông bị ốm phải nghỉ việc giữa lúc các con đều sàn sàn "trứng gà, trừng vịt". Gia cảnh khó khăn, ai cũng ái ngại. Bà Thung phải một mình chèo chống vừa để có tiền chữa bệnh cho chồng, vừa nuôi các con ăn học. Thương vợ quá vất vả, ông bắt các con nghỉ học để phụ giúp. Thấy các con đều học hành chăm ngoan, bà không nỡ lòng. Nhiều đêm mấy mẹ con ôm nhau khóc thầm. Bà nảy ra ý định bằng mọi cách cố gắng sớm hôm làm lụng với ruộng đồng để nuôi chồng con và luôn động viên với câu nói:"Việc bố ốm đã có mẹ lo, các con cứ yên tâm mà học". Hiểu về gia cảnh, các con bà cũng tự thân khắc phục. Cô con gái thứ 5, ngoài giờ học tranh thủ đi làm thuê để lấy tiền mua lại sách cũ, mua sắm quần áo và đóng tiền học phí. Cô con gái út thì vỡ rậm ở các đoạn mương gần nhà cấy lúa lấy thóc bán để có tiền học tiếp...
Một mình đảm nhận hơn một mẫu ruộng khoán, bà còn tranh thủ sớm khuya vỡ hoang ùng vũng để trồng rau nuôi lợn và đưa ra chợ bán. Năm 1992, anh Vũ Quang Phước tốt nghiệp cấp III và xung phong nhập ngũ. Hai cô con gái thứ 5 và út lần lượt vào học cấp III. Con gái thứ ba của phải nghỉ học để làm nghề may giúp mẹ. Tháng 5/1995, chồng mất bà thực sự phải chèo chống con thuyền gia đình. Các con gái lần lượt xây dựng gia đình, nhà đã leo lại leo hơn. Đêm đêm bà âm thầm khóc và nhưng vẫn quyết tâm cho con ăn học... Niềm động viên lớn đến với bà là anh Vũ Quang Phước thi đỗ vào Trường sỹ quan đặc công và hai cô con gái luôn chăm học, chăm làm là động lực để bà cố gắng. Thấm thoắt hai con gái đều thi đỗ vào Trường Đại học sư phạm 2 (Hà Nội) là niềm vui, niềm động viên rất lớn đối, nhưng kèm theo là nỗi lo chi phí học đường. Bà bà tần tảo ruộng vườn, cô con gái thứ 3 tập trung cắt may quần áo để có tiền cho con, anh và em ăn học. Năm tháng dần trôi, hai con gái của bà đều là sinh viên giỏi, được cấp học bổng cho đến khi ra trường. Con trai bà cũng học xong về đơn vị công tác. Mọi việc tưởng như đã ổn thì anh Vũ Quang Phước lại được cử đi học tại Học viện cao cấp quân sự ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Hai cô con gái Huê và Huế cũng phấn đấu đủ điều kiện học tiếp chương trình Thạc sỹ.
Đứng trước nguyện vọng của các con, bà Thung đành chấp thuận. Với anh Phước thì việc đi học đã có chế độ đào tạo của quân đội không phải lo. Sau 3 năm học tập, anh Phước tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại Học viện làm giảng viên, nhưng do hoàn cảnh gia đình đã xin về đơn vị gần nhà công tác. Còn hai cô con gái đi học Thạc sỹ thì hoàn toàn phải tự túc. Nhiều người bảo "con gái học xong đại học là đủ rồi, cần gì phải học cao hơn". Bỏ ngoài tai tất cả, bà âm thâm phấn đấu làm tròn nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong bối cảnh nhà nghèo, đất nước còn khó khăn, bà và cô con gái thứ 3 lại chung lưng đấu cật tiếp tục chắt chiu từng đồng tiền, đi vay từng đấu để chu cấp. Cơm nhà nhiều khi độn sắn, độn khoai. Hầu hết người thân của bà đều nghèo, trong khi Chính phủ chưa có dự án cho vay học sinh, sinh viên nên khó khăn trăm bề. Bà đã lo liệu co kéo cho bằng đủ. Lúc các con làm luận văn, bà phải vay lãi 20 triệu đồng cho con chi phí (tương đương với vài mảnh đất đẹp ở mặt đường). Không phụ công mẹ và chị, hai con gái của bà ra trường với tấm bằng loại ưu, thấm đẫm mồ hôi và công sức, được các trường danh tiếng ở Bắc Ninh nhận vào giảng dạy. Công ăn việc làm của các con tạm ổn định, thì đến lượt dựng vợ, gả chồng bà lại đứng ra lo liệu. Người mẹ đơn côi ấy lại vượt qua khó khăn để làm tròn bổn phận của đấng sinh thành.
Giờ đây bà Thung đã có chút an nhàn. Ngày ngày vui cùng con cháu, nhưng bà vẫn chăm chút mảnh vườn nhỏ, chăn nuôi đàn gà để có nguồn thực phẩm sạch sinh hoạt gia đình. Tuy văn hóa không cao, nhưng bà luôn quan tâm, động viên các cháu học hành chăm chỉ, đồng thời góp ý người thân, với láng giềng về sự học của trẻ em. Bà thưởng bảo: "Gian khó nào rồi cũng qua, thành công của ngày hôm nay được chắt chiu từ sự vất vả, cần mẫn của ngày hôm qua. Thiết nghĩ thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện nay, tấm gương "khuyến học-khuyến tài" tại gia như gia đình bà Phạm Thị Thung cần được tỏa sáng và nhân rộng.
Thân Văn Phương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-giang-nguoi-me-cua-4-thac-si-a8637.html