Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 1)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-tuong-dai-ly-thai-to-1638755944.jpg

Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Nguồn: Internet

 

CHƯƠNG I

NHÀ LÝ ĐÁNH GIẶC TỐNG (1075-1077)

I

Kỳ 1.

Vào một buổi sáng mùa xuân năm 1074, kinh đô Biện Kinh của nhà Tống chìm trong bầu không khí mát mẻ, băng tuyết tan theo với mùa đông đã qua, cây cối vươn cao đâm chồi nẩy lộc phô sắc xanh tươi. Khu hoàng thành như chìm trong giấc mơ mờ sương khói. Những cung điện, lâu đài lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bích, màu vàng như lụa. Những đầu đao hình đầu rồng oai nghiêm nhô lên giữa không trung.

Trong cung điện Trường Lạc giữa hoàng thành sang trọng vàng ngọc sáng trưng, bàn ghế sơn son thếp vàng óng ánh, vua Tống Thần Tông đang thiết triều. Vua ngồi trên ngai vàng với hai con rồng vàng uốn lượn bao quanh ghế, tay ngai là hai đầu rồng bằng vàng vươn ra hùng dũng hai bên. Vua nhìn bá quan văn võ ngồi dưới và nói:

-Trẫm từ khi nối nghiệp của 5 bậc cha ông tiền bối, không lúc nào trẫm không suy nghĩ, làm cho đất nước hùng mạnh, làm cho triều đại nhà Tống ta huy hoàng nhất trong lịch sử. Cho nên trẫm đã cho thực hiện biến pháp của Tể tướng Vương An Thạch, đã cải cách về kinh tế, chính trị, quân sự. Đã biến pháp được 5 năm nay nhưng đất nước và triều đại vẫn không thoát khỏi khó khăn. Vì sao vậy, tể tướng Vương An Thạch?

Vương An Thạch đứng dậy tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, biến pháp thực hiện chưa hiệu quả là do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là vấp phải sự chống đối quyết liệt của phe bảo thủ trong triều đình và xã hội, thứ hai là khi thực hiện ở các địa phương đã làm sai đường lối của biến pháp.

Tống Thần Tông hỏi:

-Vậy theo khanh thì bây giờ nên làm thế nào?

-Dạ bẩm hoàng thượng, hiện nay kinh tế khó khăn cộng với việc  thực hiện biến pháp nên mâu thuẫn xã hội gay gắt, bên ngoài nước Lưu, nước Kim liên tục quấy nhiễu đánh phá. Thần cho rằng triều đình ta phải có cái oai để đe nạt bên trong, để áp đảo Lưu, Kim bên ngoài, để đẩy mâu thuẫn trong nước ra thành mâu thuẫn ngoài nước…

-Đó là biện pháp gì?

-Bẩm hoàng thượng, đó là biện pháp gây chiến tranh xâm lược Đại Việt ở phương Nam?

Tống Thần Tông và cả triều đình ngạc nhiên:

-Hả, Thừa tướng nói cái gì? Chiến tranh với Đại Việt? Bài học thất bại thời Tống Thái Tông thừa tướng quên rồi sao?

Vương An Thạch vẫn điềm tĩnh:

-Bẩm hoàng thượng, chiến tranh và chiếm được Đại Việt có mấy cái lợi cho đất nước như sau, thứ nhất, thu hồi lại thuộc địa xưa của Trung Nguyên, các vị nên nhớ rằng An Nam đã bị ta thống trị từ thời Hán, Đông Ngô, Tấn, Tùy, Lương, Đường, mãi khi nhân cơ hội Trung Nguyên ta chia cắt thành cục diện Ngũ Đại Thập Quốc, xứ ấy mới giành được độc lập cho đến ngày nay. Nếu lấy được Đại Việt sẽ mở mang bờ cõi, đưa xứ ấy thành nô lệ cho ta như 1.000 năm trước để bóc lột tài nguyên, vàng bạc châu báu và sức lao động. Cái lợi thứ hai nếu đánh bại Đại Việt thì làm cho Lưu, Kim khiếp sợ, không dám gây hấn phía Bắc nước ta, đất nước sẽ thanh bình. Thứ ba có sức mạnh để ta đàn áp, đè bẹp phái chống đối biến pháp bên trong.

Tống Thần Tông nói:

-Khanh nói chí lý. Có ai biết gì về Đại Việt ngày nay không?

Tô Giám bước ra tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, thần xin bẩm tấu.

-Ái khanh tấu đi.

-Dạ bẩm hoàng thượng, thần nhiều năm làm việc ở Quảng Tây Nam Lộ nên rất biết về Đại Việt, Sau khi nhà Ngô mất thì nhà Đinh thay, sau khi nhà Đinh mất thì nhà Tiền Lê thay. Năm 1009 nhà Tiền Lê mất thì nhà Lý thay. Vua đầu tiên của nhà Lý là Lý Công Uẩn, quê quán Từ Sơn, châu  Vũ Ninh, xuất thân từ võ quan, chức Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy quân cấm vệ của nhà Tiền Lê, cũng là phò mã của nhà Tiền Lê, lấy công chúa Lê Thị Ngân, con gái của Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga. Lý Công Uẩn lên ngôi đế hiệu là Lý Thái Tổ. Khi đó kinh đô còn ở Hoa Lư, quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Hoa Lư được gọi là Trường An như là đất cố đô. Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà. Con là Lý Phật Mã lên ngôi xưng là Lý Thái Tông. Quốc hiệu Đại Cồ Việt cũng đổi thành Đại Việt Năm 1054. Tháng 11 năm 1054, Lý Thái Tông qua đời, thái tử Lý Nhật Tôn lên ngôi xưng là Lý Thánh Tông. Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông băng hà, thọ 49 tuổi, con trai là thái tử Càn Đức lên ngôi, xưng là Lý Nhân Tông, tức là vua đang tại vị, mới có 7 tuổi. Vua nhỏ tuổi nên lúc đầu là Thượng Dương Thái hậu và Thái sư Lý Đạo Thành nhiếp chính, nhưng sau khi Thượng Dương Thái hậu qua đời thì mẹ đẻ là Ỷ Lan Hoàng Thái hậu và Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt nhiếp chính.

Tống Thần Tông nói;

-Khen cho ái khanh nắm chắc tình hình Đại Việt. Vậy khanh có kế gì có thể đánh bại Đại Việt trong cuộc chiến tranh sắp tới không?

Tô Giám tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, muốn tấn công vào Đại Việt là xứ xa xôi thì phải có hậu phương vững chắc ở những vùng giáp biên giới. Các căn cứ như Khâm Châu, Liêm châu, Ung Châu thuộc Quảng Nam Tây Lộ phải xây dựng thành những căn cứ chứa nhiều lương thực, vũ khí, quân trang quân dụng, thuyền bè. Ung Châu là căn cứ của bộ binh, Khâm Châu, Liêm Châu là những căn cứ của thủy binh để cung cấp cho quân đội khi tiến vào Đại Việt thì mới bảo đảm thắng lợi được.

Tống Thần Tông nói:

-Chuẩn tấu. Tô Giám nghe khẩu dụ: Nay cho Tô Giám phụ trách xây dựng Ung Châu thành căn cứ chuẩn bị tấn công Đại Việt. Phong cho Tô Giám làm Tổng trấn Ung Châu, toàn quyền quyết định.

-Dạ, tạ ơn hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Trần Vĩnh Thái nghe khẩu dụ: Cho Trần Vĩnh Thái phụ trách xây dựng Khâm Châu  thành căn cứ thuỷ quân tấn công Đại Việt. Nay phong Trần Vĩnh Thái là Tổng trấn Khâm Châu, toàn quyền hành sự.

Trần Vĩnh Thái quỳ xuống đáp:

-Dạ tạ ơn hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Lỗ Khánh Tông đâu nghe khẩu dụ.

-Dạ bẩm hoàng thượng, có thần.

-Nay cho Lỗ Khánh Tông phụ trách xây dựng Liêm Châu thành cứ thủy quân tấn công Đại Việt. Phong Lỗ Khánh Tông là Tổng trấn Liêm Châu, toàn quyền hành sự.

-Tạ ơn hoàng thượng, thần tuân chỉ.

Bãi triều.

                                                                   *       *

                                                                       *

Bóng đêm bao trùm toàn bộ kinh thành Thăng Long, nghìn vì sao trên không gian lấp lánh xa xăm. Cây lá muôn hình dáng trong đêm không ngủ đung đưa dưới gió ru xào xạc. Những cung điện, đền đài muôn vẻ le lói ánh đèn. Dòng sông Tô Lịch, sông Hồng vẫn tuôn nước về Đông một cách âm thầm lặng lẽ.

Long Phượng thành cũng chìm trong màn nhung của đêm thanh bình yên ả. Chỉ còn cung Thúy Hoa có ánh sáng vàng khè leo lét. Đó là cung của Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Hoàng thái hậu vẫn chưa ngủ dù trống hoàng thành trên lầu Chính Dương của điện Phụng Thiên đã điểm canh hai. Hoàng thái hậu vẫn ngồi uống nước trầm ngâm và hồi tưởng lại những ký ức tám năm qua vèo trôi nhanh như một giấc chiêm bao. Tám năm qua, cuộc đời của bà gắn với bao biến cố của hoàng thành, của triều nhà Lý, của nước Đại Việt.

  Bà nhớ lại mùa xuân năm 1065. Năm đó, trong một ngày xuân, cả mấy làng của quê hương bà ở Siêu Loại, châu Vũ Ninh nhộn nhịp khác thường. Người ta truyền tin nhau vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi, hàng trăm phi tần mà không ai sinh cho hoàng đế một hoàng tử để kế vị ngai vàng. Hôm nay vua về thăm quê hương là Cổ Pháp, Vũ Ninh nhưng sẽ đi qua rất nhiều trang thôn, trong đó có Thổ Lỗi (Siêu Loại) và có thể kén mỹ nữ từ nông thôn về cung. Cả hương, cả xã nhộn nhịp quét dọn nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, may quần áo mới để đón vua. Đặc biệt là các cô thiếu nữ nhà nghèo mấy cũng phải sắm một bộ áo tứ thân lụa mỏng, yếm đào, váy lụa đen, nón quai thao duyên dáng, má phấn môi son diện vào đi đón vua, may ra lọt vào mắt rồng, được đón vào cung làm phi tần thì cả nhà, cả họ, cả hương vinh hạnh, phúc ấm muôn đời.

Cha mẹ của  Ỷ Lan cũng là một nông dân nghèo làm nghề trồng dâu nuôi tằm, thấy bạn bè cùng trang lứa đua nhau sắm sửa, trang điểm, nàng cũng mua sắm cho mình một bộ cánh giản dị nhưng màu sắc đẹp, may vừa với thân hình cân đối duyên dáng, mềm mại, hợp với khuôm mặt bầu bầu nõn nà trắng như trứng gà bóc của nàng. Nàng cũng phấp phỏng đợi chờ hồi hộp một cách vu vơ như là một hư ảo. Thế rồi một buổi sáng, tiếng loa vọng khắp các làng của quê hương vua và các làng lân cận:

-Loa loa loa…đức vua về quê nhà và sắp đi qua Thổ Lỗi, mời bách tính ra đón vua. Loa, loa, loa…

Ỷ Lan trang điểm thật đẹp, mặc bộ váy áo mới và đi ra nơi bãi rộng đón vua. Nhưng nàng đến muộn. Ngoài dân làng già trẻ thì có đến hàng trăm thiếu nữ áo tứ thân, yếm đủ màu sắc như trăm bông hoa xinh đẹp vây bọc và cố tiến lại gần vua, phần thì nhìn vua cho rõ, phần chủ yếu là mong lọt vào mắt rồng của vua. Ỷ Lan biết không thể chen được, nàng leo lên một quả đồi dâu thấp, không xa nơi vua đứng, tựa vào cây dâu mà ngắm vua. Lý Thánh Tông cưỡi ngựa nâu, đầu quấn khăn vàng, mặc áo vàng, đi hài vàng, hai bên võ sĩ mặc quân phục nâu, áo giáp sắt, đầu đội mũ sắt nhọn, mang gươm đi hộ tống. Đi song hành cùng vua là hai quan nội thị. Ỷ Lan trông rõ vua là một người đàn ông oai phong lẫm liệt. Vua Lý Thánh Tông vui vẻ nhìn hàng trăm thiếu nữ xinh đẹp quê nhà đang nở nụ cười với vua. Nhưng những vẻ đẹp đó hòa với nhau không rõ nét, không ai đẹp nổi trội lên được như nhiều bông hoa trong một vườn hoa. Chợt vua ngước mắt nhìn xa trên đồi dâu, vua thấy một thiếu nữ như tiên giáng thế, tuyệt sắc giai nhân, tựa vào gốc cây dâu và đang cười. Vua cho ngựa rẽ đám đông, tiến lại đồi dâu có thiếu nữ đang đứng, xuống ngựa và tiến lại gần. Vua sững sờ như đang gặp nàng tiên. Vua hỏi:

-Ta về quê ai cũng ra đón, sao nàng không ra đón ta lại đứng ở đây?

Ỷ Lan quỳ xuống tâu, giọng hay như tiếng đàn:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, thần thiếp còn phải hái dâu chăn tằm để nuôi cha, mẹ già. Thần thiếp có tội, mong hoàng thượng khai ân.

Vua Lý Thánh Tông thấy nàng xinh đẹp, đoan trang hiền thục, lại hiếu thảo, rất vừa lòng, liền nói:

-Nàng có tội gì đâu, ta muốn đón nàng vào cung làm phi tần, nàng có hạ cố đến chăng?

Ỷ Lan đáp:

-Đa tạ hoàng thượng đã đoái thương, thần thiếp xin vâng lời.

Rồi vua đón nàng vào cung, vì nàng tựa cây dâu nên vua đặt tên nàng là Ỷ Lan. Sau này vua biết thêm, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, quê ở hương Thổ Lỗi, Châu Vũ Ninh. Ỷ Lan sinh  ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), mẹ mất sớm, khi gặp vua là nàng đang ở với mẹ kế. Vào trong cung, nàng được phong Ỷ Lan phu nhân. Năm 1066 Ỷ Lan phu nhân sinh hoàng tử Càn Đức. Ngày hôm sau, hoàng tử Càn Đức được phong Hoàng Thái tử, mẹ là Ỷ Lan phu nhân được phong là Thần phi. Lý Thánh Tông vui mừng cho đại xá thiên hạ. Hai năm sau, năm 1068, Thần phi sinh thêm một Hoàng tử là Minh Nhân Vương (Sùng Hiền Hầu). Lý Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, Phong Thần phi là Nguyên phi, đứng đầu các phi, địa vị chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu.

Ỷ Lan nhớ lại đó là tháng 2 năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, giao cho Ỷ Lan quyền nhiếp chính, bà vốn tôn sùng đạo Phật nên đem nhân nghĩa cai trị thiên hạ. Nô tì là nô lệ, là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, trai lớn không lấy được vợ, gái lớn không lấy được chồng. Bà đã giải phóng cho họ thành người tự do, dựng vợ gả chồng cho họ, cấp đất đai cho họ sinh sống. Lòng dân cảm động tấm lòng nhân nghĩa của Nguyên phi, ơn sâu sắc như mưa tưới khắp thiên hạ dồi dào, bà được khắp thiên hạ ca tụng. Ỷ Lan còn nhớ kỹ Lý Thánh Tông kể lại cho bà rằng nhà vua đi đánh Chiêm Thành không có kết quả, khi về đến Cự Liên, Tiên Lữ, lộ Khoái Châu, nghe dân tình ca tụng Nguyên phi, liền nói: “Nguyên phi là một đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại không được việc gì hay sao”. Vua liền quay lại đánh Chiêm Thành lần nữa. Lần này chiến thắng, bắt được vua chiêm Thành là Chế Củ và 5 vạn người. Vì thế năm 1070, Chế Củ đem ba châu là Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh dâng nộp để chuộc tội. Đất đai Đại Việt được mở rộng xuống phương Nam từ đó. Nhưng rồi một tổn thất to lớn đến với Đại Việt, đến với triều đình. Tháng giêng năm 1072, Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng và băng hà, thọ 50 tuổi, ở ngôi 18 năm. Triều đình đưa thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông. Thượng Dương Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu và được buông rèm nhiếp chính, có Thái sư Lý Đạo Thành phò tá. Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái phi nhưng không được tham dự triều chính. Hoàng thái phi là người nhân nghĩa, nhưng như vậy không có nghĩa là bà không so bì đố kỵ. Một hôm bà đã nói với vua Lý Nhân Tông rằng: “Mẹ gìa khó nhọc mới có ngày nay mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Và Hoàng thái phi khóc. Vua Lý Nhân Tông là người có hiếu, lại thấy mẹ khóc thì vô cùng thương cảm liền nói: “Con là thiên tử đứng đầu thiên hạ mà để cho mẹ già thiệt sao”. Hôm sau nhà vua ra lệnh bắt Thượng Dương Thái hậu và 72 cung nữ giam vào ngục. Sau đó Thượng Dương Thái hậu và 72 cung nữ chết. Phụ chính cho Thượng Dương Thái hậu là Thái sư Lý Đạo Thành bị biếm chức và đưa đi trấn thủ Hoan Châu. Ỷ Lan được tôn là Hoàng thái hậu nhiếp chính, có Thái úy Phụ quốc Lý Thường Kiệt phụ chính, sau đó gọi thêm Lý Đạo Thành về phong Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, cùng Lý Thường Kiệt giúp Hoàng thái hậu điều hành đất nước.

Tám năm, Ỷ Lan vào cung đình với biết bao biến cố của triều đình, của đất nước cũng như của cuộc đời bà. Tất cả như một giấc chiêm bao. Từ một thiếu nữ con nhà nông dân hái dâu nuôi tằm, Ỷ Lan thành Hoàng thái hậu nhiếp chính. Song bà biết rằng tương lai của Đại Việt, của triều Lý còn ở phía trước, có tốt đẹp hay không là do đức  nhân nghĩa và tài năng của bà, của Lý Thường Kiệt, của Lý Đạo Thành và của chính Lý Nhân Tông nữa.

Trống trên lầu Chính Dương đã điểm canh ba. Hoàng thái hậu Ỷ Lan chìm vào trong giấc ngủ. Bà mơ thấy Lý Thánh Tông hiện về hỏi lại bà về kế trị nước. Bà đáp: “Muốn đất nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh. Phải xem quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình lấy đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ phương diện ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”.

Lý Thánh Tông như đang mĩm cười với bà: “Nàng hãy đem những điều ấy dạy bảo cho vua nhỏ của chúng ta đi”.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan thức giấc. Trống trên lầu Chính Dương đã điểm giờ Mão. Bình minh đang báo hiệu một ngày mới ở Thăng Long.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-1-a8655.html