Những phi công Mỹ tham chiến ở Điện Biên Phủ và bí ẩn "Chiến dịch Kền Kền" (Kỳ 2 và hết): KẾ HOẠCH NÉM BOM NGUYÊN TỬ BẤT THÀNH

Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây chúng tôi có được, thì Tổng thống thứ 34 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Dwight D.Eisenhower, ngay sau khi đánh bại Tổng thống Harry S. Truman để tiếp quản Nhà Trắng (20 tháng 1 năm 1953), đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

chuye1-1638756651.jpg
Máy bay ném bom chiến lược B-29 của Mỹ đã mang theo bom nguyên tử, thả từ độ cao khoảng 9,3km xuống hai thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản, gây nên thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại... (Ảnh TL sưu tầm). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Có lẽ Eisenhower đã rút kinh nghiệm từ sự thất bại của người tiền nhiệm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Tân Tổng thống Mỹ muốn dùng đô-la và Không quân giúp Pháp “lấy lại danh dự” tại chiến trường Đông Dương?

Vừa nhậm chức, Tổng thống Eisenhower đã cho thành lập ngay một Ủy ban đặc biệt về Đông Dương (The Special Committee on Indochina) do Walter B. Smith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, làm Trưởng ban và Nhóm công tác đặc biệt về Đông Dương (The Special Working Group on Indochina) do tướng Grave B. Erskine cầm đầu.

Ngày 30 tháng 7 năm 1953, Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi 400 triệu đô-la để hỗ trợ Pháp theo đuổi chiến tranh ở Đông Dương. Hai tháng sau, ngày 30 tháng 9, Chính phủ Mỹ lại cấp thêm 385 triệu đô-la nữa. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Sau này, người ta đã tính rằng: Hồi đó, Mỹ đã trang trải đến hai phần ba chi phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương với hàng tỷ đô-la tiền của!

chuye2v-1638756759.jpg
Bom hạt nhân, đã khiến cho Mỹ nổi lên như cường quốc mạnh nhất những năm đầu sau Thế chiến thứ 2. Rất may, kế hoạch ném bom hạt nhân xuống Điện Biên Phủ đã bất thành vì nhiều lý do. (Ảnh TL do tác giả sưu tầm).

 

Wikipedia cho biết: Tới năm 1954, 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Hoa Kỳ chi trả. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đô-la và năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô-la nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.

Chưa hết, để động viên Pháp, Eisenhower đã cử Phó Tổng thống Richard Nixon sang Việt Nam. Ngày 4 tháng 11 năm 1953, Nixon tuyên bố tại Hà Nội: “Không thể hạ vũ khí cho đến khi nào đạt được chiến thắng hoàn toàn”. Rồi ông ta đến tận Ghềnh (Ninh Bình) để thăm quân Pháp đang tiến hành cuộc hành quân mang tên Hải Âu tại đây.

Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến sau này tướng Henri Navarre than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ." Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến nhưng mặt khác họ muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương. Cuộc chiến sang năm thứ 9 đã chứng tỏ Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự", nếu không muốn “dâng” Đông Dương cho Mỹ.

Khi tướng Navarre bắt đầu thực hiện cuộc hành quân mang mật danh là “Hải Ly” vào ngày 20 tháng 11 năm 1953, thì lần lượt 16.000 quân Pháp đã được những chiếc máy bay vận tải C-47 do Mỹ viện trợ, đưa đến lòng chảo Điện Biên Phủ, dựng lên một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương thời bấy giờ, với hy vọng sẽ “nghiền nát” quân đội của Việt Minh.

Ngày 20 tháng 2 năm 1954, phía Mỹ đã viện trợ cho Pháp thêm 40 máy bay các loại, từ loại ném bom B-26 đến các loại máy bay vận tải C-47 và C-119... Cũng trong tháng đó, Mỹ còn gửi sang Việt Nam 200 lính kỹ thuật thuộc Đơn vị phục vụ Không quân số 81 để giúp Pháp bảo trì và sửa chữa các máy bay mà Mỹ đã cung cấp cho Pháp.

Trước đó, sau khi Tướng Henri Navarre của Pháp đề nghị giúp đỡ, Hoa Kỳ đã quyết định trợ giúp Pháp 12 máy bay C-119 cùng 37 Phi công, nhưng lại yêu cầu các máy bay mang phù hiệu của Pháp, để tránh sự chỉ trích ở trong nước và dư luận quốc tế.

Giữa tháng 3 năm 1954, khi tình hình chiến sự bi đát, chính phủ Mỹ vội vàng giúp Pháp lập “cầu hàng không” từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Báo U.S News and World Report tường thuật như sau: "Mỗi ngày, gần 100 máy bay vận tải DC-3 đã hạ xuống sân bay trong tầm súng cối của Cộng sản, vận chuyển từ 200 đến 300 tấn hàng tiếp tế. Thêm vào đó là 30 máy bay vận tải cỡ lớn C-119 mỗi sáng thả dù từ 100 đến 150 tấn hàng tiếp tế khác. Tất cả các máy bay của “cầu hàng không” này đều do Mỹ giúp".

Không chỉ giúp máy bay, Mỹ còn cung cấp cả người lái. Các Phi công Mỹ đã âm thầm thực hiện gần 700 phi vụ tại Điện Biên Phủ, trong cuộc chiến được họ mô tả là “một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ 20”. Bởi thế, vai trò của 37 Phi công Hoa Kỳ trong cuộc bao vây 57 ngày ở Điện Biên Phủ năm 1954 từ trước tới nay còn là một bí mật, rất ít người biết tới.

Thậm chí, khi Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ, Đô đốc Arthur W.Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã soạn ra kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Bản kế hoạch tuyệt mật này được gọi là "Chiến dịch Kền Kền" (Operation Vulture). Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfort (mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom) cất cánh từ căn cứ không quân Clark Field ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ, đồng thời dùng 150 máy bay chiến đấu (từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ) để hộ tống các máy bay ném bom nói trên…

Để che giấu bàn tay can thiệp của Mỹ, Radford đề nghị xoá bỏ phù hiệu của không quân Mỹ trên thân máy bay và lập một phi đoàn tình nguyện quốc tế, bằng cách thuê Phi công thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Ngoài loại bom thường (mỗi quả nặng 2 tấn), Radford còn đề nghị sử dụng 3 quả bom nguyên tử chiến thuật (tactical atomic bombs). Theo các chuyên gia của Lầu Năm Góc tính toán thì "Chỉ cần 3 quả bom nguyên tử chiến thuật sử dụng cho đúng, thì cũng đủ nghiền nát lực lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ".

Kế hoạch tuyệt mật trên của Radford đã được Tổng thống Mỹ Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Dulles, Tướng Nathan F.Twining (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ)... tán thành. Rất may, khi đại diện phe “diều hâu” Mỹ hồi ấy là Ngoại trưởng Dulles và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Raford khi đưa “Chiến dịch Kền kền” ra thăm dò tại Quốc hội đã bị phản đối. Hầu hết các nghị sĩ đều lắc đầu, bởi họ sợ phải đưa lục quân vào Việt Nam và rơi vào một cuộc chiến tranh nữa giống như ở bán đảo Triều Tiên vừa đình chiến. Lyndon Johnson, thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh: Thứ vũ khí này sẽ quét sạch quân đội của cả hai phe. Vì không thể tính được bao nhiêu đơn vị lính Pháp có thể sống sót trong một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử. Ngay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Raford cũng không được các Tham mưu trưởng đồng thuận. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ là tướng Matthew Ridgway cũng đã kiên quyết phản đối việc đưa bộ binh vào Đông Dương! Các nghị sĩ đã đặt điều kiện: Quốc hội sẽ không ủng hộ việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam chừng nào Chính phủ không được các đồng minh, đặc biệt là nước Anh, cam kết có hành động chung.

Nhưng ngày đó nước Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ cũng không ủng hộ “Chiến dịch Kền kền”. Họ chỉ mong chiến tranh Đông Dương sớm kết thúc, thông qua đàm phán ở Genéve... Trong khi Mỹ thì muốn có hành động tập thể dựa trên một thỏa thuận chính trị với nước Pháp và nước Anh.

Nếu “Chiến dịch Kền kền” được Mỹ thực hiện, Việt Nam sẽ phải chịu thảm họa hạt nhân như Nhật Bản 9 năm trước đó. Chẳng ai biết được hậu quả khôn lường, khi những quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống, sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân của thứ vũ khí khủng khiếp ấy?

Nỗ lực cuối cùng của Không quân Mỹ trước khi Điện Biên Phủ thất thủ một ngày, là cử 2 tổ lái C-119 bay tầm thấp để thả đồ tiếp tế xuống Hồng Cúm vào sáng ngày 6 tháng 5. Pháo cao xạ Việt Minh đã đón sẵn bằng lưới lửa phòng không dày đặc. Chiếc C-119 do phi công Art Wilson lái chính bị bắn trúng đuôi. Wilson mất kiểm soát nhưng vẫn trốn thoát và hạ cánh được xuống sân bay Cát Bi. Chiếc do McGovern lái chính bị bắn trúng động cơ và đuôi. Cả McGovern và lái phụ đã thiệt mạng vì chính lượng đạn dược mà họ chở trên máy bay...

(HẾT)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-phi-cong-my-tham-chien-o-dien-bien-phu-va-bi-an-chien-dich-ken-ken-ky-2-va-het-ke-hoach-nem-bom-nguyen-tu-bat-thanh-a8656.html