Kiên Giang: Thích ứng an toàn để phát triển kinh tế

Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid -19 gây ra trong thời gian qua nhưng tình hình kinh tế của tỉnh vẫn ổn định và có mức tăng trưởng dương 0,58%, là một trong 6 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương.

1-kien-giang-thich-ung-an-toan-1638835056.jpg

Ngân hàng giải ngân vốn vay giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

 

 Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng cả năm chỉ tăng khoảng dưới 3%; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định và đạt mức tăng trưởng tốt đủ sức đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất và tiêu dùng; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh.

Trong 06 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 3,27%, quý III tăng trưởng -6,58%; 9 tháng tăng trưởng -0,15%; dự báo quý IV đạt mức tăng 2,24%. Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt gần 63.154 tỷ đồng, đạt 86,40% kế hoạch năm, tăng 0,58% so với năm trước…

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tổng giá trị tăng thêm (VA) ước đạt 25.986,46 tỷ đồng, đạt 110,47% kế hoạch năm, tăng 0,93% so với năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,38 điểm phần trăm, trong đó giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 14.736,60 tỷ đồng; ngành thủy sản ước đạt 11.044,05 tỷ đồng, tăng 2,50%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, tổng giá trị tăng thêm ước tính 14.106,08 tỷ đồng, đạt 94,51% kế hoạch, tăng 2,25%, trong đó lĩnh vực công nghiệp ước đạt 8.610,32 tỷ đồng, tăng 2,30%, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,31 điểm phần trăm; xây dựng ước đạt 5.495,75 tỷ đồng, đạt 104,58% kế hoạch, tăng 2,17% và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,19 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp và ngành xây dựng có sự tăng trưởng nhẹ, ước tính cả năm đạt mức tăng 2,17% và đóng góp cho tăng trưởng chung 0,19 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tổng giá trị tăng thêm ước tính đạt trên 19.737 tỷ đồng, đạt 62,17% kế hoạch, tăng 0,14%, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,04 điểm phần trăm.

Trong khó khăn chung của kinh tế, ước thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 10.105 tỷ đồng, đạt 87,41% dự toán HĐND tỉnh giao. Ước tính chi ngân sách đạt 13.968,53 tỷ đồng, bằng 90,34% dự toán năm, giảm 14,78% so với năm trước, trong đó chi thường xuyên 9.025,10 tỷ đồng, đạt 92,52% dự toán, tăng 0,15%; chi đầu tư phát triển 2.979,13 tỷ đồng, đạt 57,30% dự toán, bằng 70,57% năm trước.

Cơ cấu kinh tế (cơ cấu GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 41,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,50%; khu vực dịch vụ chiếm 32,33%.

Hoạt động huy động vốn và tín dụng ước đạt 116.250 tỷ đồng, tăng 10,60% so đầu năm, trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 58.740 tỷ đồng, chiếm 50,53% tổng nguồn vốn hoạt động, đạt 103,23% kế hoạch, tăng 6,58% so cùng kỳ.

Vốn tín dụng doanh số cho vay cả năm ước đạt 139.600 tỷ đồng, trong đó, hơn 82% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh, ước đến 31/12/2021, dư nợ cho vay đạt 96.630 tỷ đồng, đạt 101,13% kế hoạch, tăng 9,85% so cùng kỳ. Nợ xấu nội bảng chiếm 1,24% tổng dư nợ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 2,74%, trong đó khu vực thành thị tăng 4,11%, khu vực nông thôn tăng 1,96%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 09 nhóm có mức giá tăng cao. Chỉ số giá vàng 11 tháng tăng 6,34%, chỉ số giá đô la Mỹ giá đô la Mỹ giảm 1,26%.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.261,33 tỷ đồng, đạt 80,29% kế hoạch năm. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ước tính trên 4.321 tỷ đồng, bằng 92,66% kế hoạch năm và chiếm 11,92% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngân sách do Trung ương quản lý trên 771 tỷ đồng, bằng 12,86% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 2,13% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngoài ngân sách (doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư) trên 30.671 tỷ đồng, bằng 90,21% kế hoạch năm.

Tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt gần 20.077 tỷ đồng, tăng 2,11% so với năm trước, trong đó, công trình nhà ở đạt 11.153,06 tỷ đồng, tăng 6,17%; công trình nhà không để ở đạt 4.772,35 tỷ đồng, tăng 8,09%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 2.572,67 tỷ đồng và hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 1.578,88 tỷ đồng.

Xuất khẩu ước đạt 731 triệu USD, đạt 97,47% kế hoạch năm, tăng 7,17%. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là ba nhóm hàng: hàng thủy hải sản chiếm tỷ trọng 34,41% tổng giá trị xuất khẩu chung; hàng nông sản (chủ yếu là gạo) chiếm 33,26%; nguyên liệu giày da chiếm 15,98%, các nhóm hàng khác còn lại chỉ chiếm 16,35%. Nhập khẩu ước trị giá hàng hóa nhập khẩu 125 triệu USD, vượt 25% kế hoạch.

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 3.126,58 ngàn lượt khách, đạt 44,67% kế hoạch năm, trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.472,10 ngàn lượt khách, đạt 43,30% kế hoạch.

2-kien-giang-thich-ung-an-toan-1638835056.jpg

Tỉnh cần có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Thích ứng an toàn để phát triển kinh tế - xã hội

Kiên Giang là một trong số các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội của tỉnh, làm cho kinh tế của tỉnh năm 2021 chỉ tăng 0,58% so với năm trước. Để kinh tế nhanh chóng hồi phục và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh kiến nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 một cách chủ động và hiệu quả nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, đồng thời thực hiện tốt kế hoạch thích ứng an toàn để phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới mà Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra.

Đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các gói hỗ trợ theo các nghị quyết của Chính phủ đối với doanh nghiệp và có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Đẩy mạnh lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và liên kết vùng; có biện pháp kích cầu du lịch nội địa phù hợp để thu hút mạnh mẽ khách nội địa, lấy khách nội địa là trong tâm để có sản phẩm du lịch phù hợp.

Cùng với đó chỉ đạo sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, hướng trọng tâm vào giá trị để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nuôi biển và chăn nuôi theo mô hình trang trại.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, quan tâm đến công tác đào tạo lao động có tay nghề làm việc trong các doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động.

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-thich-ung-an-toan-de-phat-trien-kinh-te-a8676.html