Vĩnh Phúc: Chiến khu Ngọc Thanh - Cầu nối vùng đồng bằng với ATK Việt Bắc

Sau đây là tham luận " Chiến khu Ngọc Thanh - Cầu nối vùng đồng bằng với ATK Việt Bắc" tại Hội thảo "Di tích chiến khu Ngọc Thanh, bảo tồn và phát huy giá trị" do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức ngày 25/11/2021.

chien-khu-ngoc-thanh-1638836741.JPG
Ảnh tư liệu


 

Chiến khu Ngọc Thanh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Phúc gồm hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên sát nhập. Vĩnh Yên gồm 5 huyện (Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên). Phúc Yên gồm 4 huyện (Kim Anh, Yên Lãng, Đông Anh, Đa Phúc). Vĩnh Phúc thuộc Trung du Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng. Địa hình phía Bắc là vùng rừng, đồi núi; phía Nam là vùng đồng bằng; có nhiều đường giao thông, sông ngòi đầm lạch chia cắt; phía Bắc giáp Thái Nguyên, Tuyên Quang; phía Đông giáp Bắc Ninh, Bắc Giang; phía Nam giáp Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội; phía Tây giáp Phú Thọ. Vĩnh Phúc là cửa ngõ nối liền các tỉnh đồng bằng với An toàn khu Việt Bắc.

Ngọc Thanh nằm ở phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, là một vùng rừng núi thuộc huyện Kim Anh (tỉnh Phúc Yên cũ). Từ Tây Bắc Đa Phúc qua Bắc Kim Anh, Bình Xuyên, Tam Dương tới Tây Bắc huyện Lập Thạch, hình thành một tam giác lệch. Chiều dài từ Đông sang Tây khoảng 48km. Chiều rộng từ đỉnh cao nhất phía Bắc xuống phía Nam 21km. Phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo chạy từ Tây Bắc Đa Phúc lên Đông Bắc Lập Thạch dài 32km, như bức tường thành tự nhiên ngăn Vĩnh Phúc với Tuyên Quang, Thái Nguyên. Trong kháng chiến chống Pháp vùng tam giác này đã trở thành vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Vĩnh Phúc “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thử”. Nơi tập trung cơ quan chỉ đạo kháng chiến, các kho tàng, công xưởng, đồng thời cũng là nơi tập kết, trú quân, huấn luyện, làm công tác chuẩn bị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp ở vùng Trung du và Đồng bằng.

Với đặc điểm địa hình là vùng Trung du, Vĩnh Phúc còn có những dãy đồi núi cao thấp xen lẫn với làng mạc hình thành một dải nằm giữa tỉnh, chạy từ Đông sang Tây dài khoảng 42km, rộng 10km, diện tích khoảng 452km ngăn cách vùng rừng phía Bắc với vùng đồng bằng phía Nam'. Đây là vùng đồi núi trọc, ở giữa có một số đỉnh cao, đỉnh tương đối bằng, phía Nam thấp dần là vùng đất có nhiều đá sỏi. Trên các mỏm đồi cao đều có tầm kiểm soát xa và rộng. Vì vậy trong kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đã chiếm vùng này và thiết thành tuyến phòng ngự vững chắc ngăn cách vùng tự do và địch hậu. Về giao thông có quốc lộ 2 chạy giữa tỉnh từ Phù Lô qua Vĩnh Phúc đi lập ngang Phú Thọ. Quốc lộ 3 từ Hà Nội qua Đa Phúc đi Thái Nguyên. Đường xe lửa chạy dọc từ cầu Đuống đi Việt Trì. Ngoài ra còn có các đường tỉnh lộ chạy cắt như: Đường 12, 129, 23, 40, 35, 131...Các đường quốc lộ và tỉnh lộ tương đối thuận tiện có thể đi lại, vận chuyển dễ dàng. Thị trấn Phù Lỗ, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Yên nằm dọc quốc lộ 2 đều là những vị trí quan trọng để tập trung cơ động...Phía Nam và Tây Nam còn có các sông lớn: sông Hồng, sông Lô, một phần sông Đuống bao bọc. Ngoài ra còn có các sông nhỏ khác như sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ. Các sông có thể lưu thông thuận tiện vào mùa mưa, mùa khô có chỗ vận chuyển khó khăn do có những bãi cạn. Sông Đáy từ Tuyên Quang chảy qua Lập Thạch, Bắc Vĩnh Tường, ra Việt Trì, cắt đôi Tam Dương, Vĩnh Tường với lập Thạch. Do vậy đã tạo thêm cho căn cứ huyện Lập Thạch có thế vững chắc. Sông Cà Lồ, từ Cống Lồ (Yên Lạc) chạy qua Tây Yên Lãng, Nam Kim Anh ra sông Cầu, chia cắt địa hình giữa Nam Bình Xuyên với Tây Yên Lãng; giữa Nam Kim Anh với Tây Đông Anh. Mùa mưa nước chảy xiết khó khăn trong vận động tác chiến. Ngoài ra còn có nhiều đầm lạch nằm ở phía Nam như: Đầm Đồng Mật, đầm Vạc, đầm Kiên Cương, đầm Thọ Đa...mùa nước có thể lưu thông bằng thuyền bè từ xã này sang xã khác ở các huyện (Bình Xuyện, Yên Lạc, Vĩnh Tường). Chạy dọc theo sông Hồng là một con đê lớn dài 63km ôm lấy toàn bộ địa hình phía Nam tỉnh, quân Pháp đã chiếm đóng và lợi dụng để tổ chức thành tuyến chốt giữ. Ven sông Hồng có bãi sậy ở phía Đông Nam huyện Yên Lãng dài 13km, rộng 2km. Bãi sậy có giá trị đặc biệt về địa hình, có thể tạm thời trú quân bảo đảm bí mật và làm căn cứ trong vùng địch hậu.

Do đặc điểm địa hình miền Trung du nên Vĩnh Phúc chia thành 2 vùng khác biệt là vùng đồng bằng và vùng rừng, đồi núi.

Vùng đồng bằng: Làng mạc đông đúc, hình thành từng tuyến, từng khu vực, tập trung nhiều trên dọc sông, dọc đường giao thông và xung quanh các khu đầu mối giao thông. Các làng mạc khá kín đáo thận tiện cho hoạt động du kích chiến chiến tranh.

Vùng rừng đồi núi: Làng mạc thường ở rải rác ven đồi, ven rừng, thường là làng nhỏ, phân tán. Một số làng cũng tập trung ở ven sông Cà Lồ, sông Đáy và một số khu vực tiếp giáp với đồng băng...Làng mạc phân bố rải rác ven rừng thành nhiều chòm, trại nhỏ có vị trí thuận lợi trong tác chiến và là các căn cứ địa kháng chiến kín đáo.

Với đặc điểm địa hình đặc biệt, có thể thấy Chiến khu Ngọc Thanh, Vĩnh Phúc giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến, là cửa ngõ của Trung du Bắc Bộ, là chiếc cầu nối liền Thủ đô Hà Nội với An toàn khu Việt Bắc.

Về kinh tế, Vĩnh Phúc là một tỉnh nông nghiệp, nhân dân Vĩnh Phúc chủ yếu làm nông nghiệp, diện tích nông nghiệp toàn tỉnh 1.792km’ bao gồm ruộng, rừng cây và đồi trọc...Ngoài ra, một số huyện có phát triển thủ công nghiệp như: Ép dầu ở Yên Lạc; làm giấy ở Vĩnh Tường, Lập Thạch; một số lò kéo mật làm đường ở Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương; đúc lưỡi cày ở Cang Chĩnh; nồi đất ở Bình Xuyên, Tam Dương; dệt vải Yên Lạc, Vĩnh Tường và một số nghề phụ như: làm nón, áo tơi, đan lát...rải rác ở một số nơi. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, thuế khóa nặng nề, nguyên liệu thiếu thốn, nên một số nghề kém phát triển. Trong kháng chiến, Vĩnh Phúc bị chia cắt làm 2 vùng: Vùng tạm chiến và vùng tự do. Hầu hết vùng đồng bằng nơi đông người nhiều của, ruộng vườn tốt lại là nơi bị quân Pháp chiếm đóng, làm cho Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Phúc vẫn giữ được đồng ruộng, ra sức sản xuất, bảo vệ sản xuất giành lại khu vực sản xuất lương thực ở vùng địch hậu, đồng thời ra sức vỡ hoang biến đồi núi thành những nương sắn, ngô, khoai và các loại hoa màu khác...đã đảm bảo nguồn lương thực tự cung, tự cấp trong kháng chiến chống Pháp.

Nhân dân Vĩnh Phúc có truyền thống đấu tranh bất khuất chống đế quốc, phong kiến, sớm được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1930, đã có các cơ sở Đảng ở Đông Anh, Vĩnh Tường...Một vài nơi trong tỉnh còn là nơi hoạt động của các đồng chí Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ. Thôn Tráng Việt, xã Hiệp Lực, huyện Yên Lãng là nơi đặt cơ quan in ấn của Trung ương, in Tạp chí Cộng sản. Các thôn như Cổ Loa, Võng La, Hải Bối, Ngọc Giang, Vân Nội, Dục Nội, Vĩnh Thanh... được coi là Đặc khu của Trung ương. Gia đình ông Chụp, ông Đào, ông Toản, ông Hữu thôn Xuân Kỳ (huyện Kim Anh) là cơ sở của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Gia đình cụ đồ Tý, ông Sửu thôn Đình Phú Thượng là cơ sở của đồng chí Lê Liêm, Lê Quang Đạo. Thôn Lâm Hộ, huyện Yên Lãng là nơi liên lạc và hội họp của Đảng bộ Phúc Yên, các đồng chí Lê Liêm, Lê Quang Đạo, Lê Xoay, Đào Duy Kỳ, Vũ Ngọc Linh ... thường lui tới; đồng thời là nơi viết Báo Cứu quốc quân, nơi viết và in Báo Mê Linh của Phúc Yên do đồng chí Lê Liêm gây dựng từ năm 1943.

Vĩnh Phúc được Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lập đoàn, lập các hội ái hữu, tương tế, chống sưu cao thuế nặng, đòi giải quyết công ăn việc làm cho dân nghèo. Nhiều cuộc mít tinh, tuyên truyền treo cờ, giải truyền đơn làm thức tỉnh quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng. Năm 1936-1937, nhiều cuộc vận động lớn hưởng ứng “Phong trào Đông Dương Đại hội” diễn ra sôi nổi. Nhiều nơi nhân dân đã tổ chức lấy chữ ký vào Bản yêu sách đòi tự do, dân chủ, giảm sưu thuế lôi kéo cả lý trưởng, chánh hội, trương phố hưởng ứng (đã có 60 xã đưa yêu sách gửi cho Chính phủ bảo hộ Pháp). Cuộc biểu tình ở Vĩnh Tường gồm các xã: Bích Đại, Đồng Vệ, Vũ Di, Minh Đức, Tân Cương với trên 2 nghìn người tham gia kéo về huyện lỵ gặp Thống sứ Chatelle đi kinh lý đưa yêu sách. Cuộc mít tinh lớn ở chợ thị xã Vĩnh Yên gồm một số lớn quần chúng lao động đưa yêu sách đến Chánh sứ đòi bãi bỏ thuế chợ, thuế môn bài...làm cho tinh thần đấu tranh của nhân dân ngày càng mạnh mẽ.

Tháng 3-1940, Ban Vận động liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên được thành lập ở Ấp Hạ, đồng chí Đào Duy Kỳ được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về trực tiếp phụ trách cùng một số các đồng chí ở Vĩnh Phúc như đồng chí Lê Xoay, Hoàng Xuân Quán, Nguyễn Trung Hòa. Từ đó các đồng chí được phân công đi chắp mối gây dựng lại cơ sở trong tỉnh.

Tháng 6-1940, tỉnh Phúc Yên chuyển về khu E gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Tỉnh Vĩnh Yên về khu Đ gồm các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang. Để lãnh đạo Phong trào cách mạng, tháng 8-1940 Ban Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Yên được thành lập ở Ấp Hạ, gồm đồng chí Lê Xoay phụ trách Bí thư và một số đồng chí khác. Phong trào đấu tranh từ năm 1940-1942 tại Vĩnh Yên được phát triển rộng ở các ấp tập trung nông dân, những nơi có ảnh hưởng của Đảng.

Tháng 7-1941 đến 2-1942, cơ sở Đảng ở Vĩnh Yên lần lượt bị khủng bố. Đầu năm 1942 có 38 đảng viên và quần chúng tích cực bị bắt, nhiều đồng chí bị truy nã phải tạm thời lánh đi nơi khác hoạt động*. Nhưng được sự bảo vệ, giúp đỡ của nhân dân và tinh thần kiên trung của cán bộ đảng viên, nên một số cở sở Đảng được phục hồi sau khủng bố. Ngày 3-11-1942, chi bộ đầu tiên của Phúc Yên được thành lập ở thôn Võng La (Đông Anh), tiếp đó các chi bộ ở Ngọc Giang, Hải Bối cũng được thành lập. Đầu năm 1943, Chi bộ thôn Lâm Hộ (Yên Lạc) được thành lập. Tháng 9 năm 1944, Ban Cán sự tỉnh Vĩnh Yên được thành lập lại, từ đó phong trào cách mạng ở Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển. Tháng 6 1944, nhân dân xã Xuân Kỳ và hào lý xã không chịu bán thầu dầu, tri huyện cho thừa phái và lính về làng bị nhân dân đánh đuổi...Phong trào chống bắt phu ở các xã phát triển, hễ có tin bắt phu là dân làng vác gậy kéo ra đồng tụ họp đợi lính đến bắt phu là thuyết phục, nếu cứ bắt là nhân dân đánh trả (1944). Phong trào chống ách áp bức bốc lột của thực dân Pháp - Phát xít Nhật diễn ra ở Yên Tâm, Kiều Sơn, Nội Đồng, Khả Do, Hương Gia, Hải Bối trong năm 1944 phát triển mạnh tiến tới Tổng khởi nghĩa 1945. Các phong trào đấu tranh chống thuế, phá kho thóc, đòi mua thóc gạo rẻ diễn ra ở nhiều nơi... qua cuộc đấu tranh này đã giải quyết nạn đói cho một phần dân nghèo, uy tín lãnh đạo của Việt Minh được lan tỏa sâu rộng trong nhân dân... Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập Khu giải phóng với 2 căn cứ địa lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, một số vùng phụ cận của Vĩnh Yên thuộc khu giải phóng cùng với một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái.

Để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên đã chọn Ngọc Thanh làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Tháng 5-1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đồng chí Nguyễn Trọng Duệ về Ngọc Thanh xây dựng căn cứ địa, tổ chức phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa với nhiệm vụ: Xây dựng, tổ chức các hội quần chúng cứu quốc ở từng thôn. Tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng về chính sách mặt trận, về âm mưu của địch...nắm chắc quần chúng tốt, phân hóa và cô lập phần tử xấu để giáo dục. Xây dựng lực lượng tự vệ, tuyên truyền các lực lượng ưu tú sẵn sàng vào tổ chức cách mạng. Nghiên cứu các địa điểm cho cơ quan chỉ huy, kho tàng của cách mạng. Có kế hoạch theo dõi bọn chức dịch, chánh tổng, lý trưởng, trương tuần, răn đe, lôi kéo họ về với cách mạng...chú ý phát triển nhân mối sang các vùng xung quanh, xây dựng một dải liên hoàn các tổ chức quần chúng làm vành đai hậu phương rộng rãi. Cuối tháng 5-1945, đồng chí Nguyễn Trọng Duệ vào Ngọc Thanh triển khai nhiệm vụ ở từng thôn xóm. Chi hơn 10 ngày sau các tổ chức cách mạng đã hình thành, các thôn đều có Ban Chấp hành Việt Minh gồm các tổ chức thanh niên, tự vệ, phụ nữ, phụ lão cứu quốc. Trong quá trình hoạt động lựa chọn các hội viên tự vệ trung kiên đi huấn luyện quân sự, sau đó về tổ chức huấn luyện cho đội của mình..Do vậy, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên quyết định dùng lực lượng tự vệ Ngọc Thanh tiêu diệt đồn Bảo An Binh ở Tam Sơn. Kế hoạch chưa thực hiện thì địch hoảng sợ trước khí thế của cách mạng vội rút quân. Hậu phương của ta được mở rộng, mọi liên lạc giữa Ngọc Thanh với Phúc Yên - Vĩnh Yên - Thái Nguyên được thuận lợi. Từ đó các cơ sở Việt Minh ở Ngọc Thanh có thêm điều kiện để hoàn thành tốt những nhiệm vụ cách mạng giao: Tổ chức đưa đón, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ cho cán bộ, du kích qua lại trên đường đèo Nhe, đèo Khế. Cất giấu vũ khí, tài liệu chuyển tiếp của cách mạng. Tổ chức đánh úp các xe ô tô của địch chạy qua đường chiến lược Thanh Lộc - đèo Nhe...

Ngày 19-8-1945, nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Phúc Yên, tự vệ và nhân dân Ngọc Thanh đã vũ trang kéo về thị xã cùng tự vệ và nhân dân Phúc Yên, Kim Anh bao vây Dinh Tuần Phủ, Trại Bảo An Binh; chính quyền tay sai Nhật bị đập tan, chính quyền cách mạng được thành lập.

Ngọc Thanh vốn là nơi có truyền thống cách mạng, là cơ sở mạnh thời tiền khởi nghĩa, có vị trí chiến lược quan trọng là điểm liên lạc thiết yếu trên con đường giao liên kháng chiến Hà Nội - Phúc Yên - Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Cạn. Ngọc Thanh được Trung ương và tỉnh Phúc Yên chọn làm trung tâm của Chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc (An toàn khu Trung ương trong kháng chiến chống Pháp). Tại đây một số cơ quan của Trung ương và địa phương lựa chọn làm nơi đóng quân và hoạt động trong kháng chiến chống Pháp như: Kho bạc Nhà Nước; Trạm Quân y dược; Kho Quân lương; Xưởng Quân giới; Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên; huyện bình Xuyên và Ủy ban các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh (Bình Xuyên), Phúc Thắng, Cao Minh (Kim Anh) cùng nhiều đơn vị bộ đội như: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312; Trung đoàn 2 và Trung đoàn 46; Bộ đội địa phương tỉnh Phúc Yên gồm: Đại đội Hoàng Văn Thụ và Đại đội Trần Quốc Tuấn cùng một số đại đội du kích ở các xã lân cận...Chiến khu Ngọc Thanh còn là hậu phương của Chiến dịch Trần Hưng Đạo (1950-1951) đánh địch vùng Trung du, diệt bốt Thằn Lằn, có hệ thống Boong ke, hầm ngầm kiên cố...

Chiến khu Ngọc Thanh ở vị trí chiến lược hết sức lợi hại, ta dễ hoạt động địch khó tiến công lấn chiếm, nên chiến khu Ngọc Thanh có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Đây không những là vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc mà còn là một trạm trung chuyển, đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc - nơi đặt Trung ương kháng chiến với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng châu thổ. Căn cứ địa Ngọc Thanh là một chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển đều về các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Ngày nay, Ngọc Thanh mang trong mình những giá trị đặc biệt về vai trò của chiến khu, căn cứ địa cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là di sản lịch sử quân sự. Với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc, các lực lượng vũ trang: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, Dân quân du kích... từng tham gia chiến đấu, công tác tại Ngọc Thanh, là di sản ký ức về một chiến khu an toàn đã bao bọc, trở che, nuôi dưỡng họ trong những năm tháng gian khó, hào hùng và thắng lợi. Với những người con của Vĩnh Phúc hôm nay, Ngọc Thanh đã cho họ một niềm tự hào về di sản thiên nhiên đẹp, hùng vĩ là núi rừng Tam Đảo; nơi sơn thủy hữu tình với Khu Du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Đại Lải...; đồng thời cũng đặt ra cho họ những câu hỏi và câu trả lời làm sao có thể kết nối di sản lịch sử quân sự, di sản ký ức về chiến khu cách mạng an toàn, phát triển song hành cùng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Với tác giả của bài viết hiện đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thấy được vai trò của chiến khu, căn cứ địa cách mạng trong dòng chảy lịch sử quân sự Việt Nam, một nhân tố quan trọng, quyết định thành bại của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng và kháng chiến thành công; đồng thời đặt ra những câu hỏi làm thế nào để phát huy giá trị di tích lịch sử quân sự trong giai đoạn hiện nay? Làm thế nào để các chiến khu, căn cứ địa cách mạng được thể hiện sâu sắc, ấn tượng trong trưng bày bảo tàng và sự kết nối giữa trưng bày bảo tàng với các chiến khu, di tích lịch sử quân sự phục vụ quảng đại công chúng.

Trung tá Nguyễn Văn Tập - Trưởng phòng Hướng dẫn nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-chien-khu-ngoc-thanh-cau-noi-vung-dong-bang-voi-atk-viet-bac-a8680.html