Những bí mật trước giờ G: Thẩm vấn bằng "máy đo sự thật" (kỳ 2)

Đơn độc bước vào phòng thẩm vấn của CIA, Thảo thấy một chiếc máy hình chữ nhật màu đen nhánh, to bằng cái ti vi 24 inches ngày nay, đặt sẵn giữa phòng.

tam-thao-1638929995.jpg
Nữ tình báo Tám Thảo.  Năm 2018, bà được nhà nước phong tặng Danh hiệu AHLLVTND ở tuổi 88.

 

Đây là căn phòng bít bùng với hệ thống đèn néon dường như chiếu sáng suốt ngày, soi rõ những chùm dây điện chằng chịt túa ra từ ruột "chiếc máy bí ẩn". Trước máy đặt chiếc ghế vừa đủ một người ngồi, bên dưới trải tấm thảm màu đỏ. Thảo bị buộc phải duỗi thẳng hai chân lên thảm ấy, ngồi vào ghế và để hai tay lên thành ghế, mắt nhìn thẳng tới trước, không động đậy. Cô cũng được nhắc đi nhắc lại rằng không được liếc nhìn qua hai bên. Song, với kinh nghiệm của một cán bộ tình báo lâu năm, Thảo vẫn liếc rất nhanh tờ giấy để gần mình và biết trong đó ghi sẵn một loạt câu hỏi.

Một nhân viên CIA đến gần Thảo nói bằng tiếng Anh, rằng cô hãy đưa cánh tay phải cho hắn ta. Khi Thảo đưa tay ra, hắn ta rút từ chiếc máy bí ẩn một vật hình tròn nhỏ như miệng ly uống nước, từa tựa như đồng hồ đo huyết áp, với những sợi dây điện đủ màu. Tiếp đó từ từ từng chút một, hắn gắn lần lượt gắn 5 cái chụp bằng nhựa đỏ vào 5 đầu ngón tay của Thảo. Trước khi găm điện để máy hoạt động, nhân viên thẩm vấn CIA đến bên Thảo nói từng tiếng một, đại ý để Thảo biết rằng, cô đang ngồi trước chiếc máy tối tân của ngành tình báo Mỹ, là "máy đo sự thật". Trong lúc nói, nhân viên này cố ý gằn giọng, dọa trước: "Cô phải nói đúng sự thật. Vì cô đang ngồi trước "máy đo sự thật". Hãy nhớ là phải trả lời từng câu một bằng tiếng Việt và câu trả lời chỉ ngắn gọn hai tiếng: "có" hoặc "không", chứ không được dài dòng".

Tuy bị đe dọa như vậy, song mấy phút đầu của cuộc thẩm vấn, bằng bản lĩnh vốn có, Thảo đã bình tĩnh kéo dài thời gian để nghĩ ra cách đối phó với CIA sao cho không lộ tông tích của mình và của cụm tình báo H63. Thảo làm như không nghe rõ lời dặn trên, nên cứ trả lời bằng tiếng Anh và thêm vào đó một loạt giải thích khác nữa. Nóng ruột, tên nhân viên hỏi cung người Mỹ bực tức cắt ngang, gằn giọng: "Tôi đã nói với cô rồi. Bây giờ tôi buộc lòng phải nhắc một lần nữa. Rằng từ đây trở đi cô chỉ trả lời bằng tiếng Việt và câu dài nhất của cô không được quá ba chữ".

Câu hỏi thứ nhất:

- Cô là người Nam hay người Bắc? - Đáp: Bắc.

- Lâu nay cô có về thăm quê không? - Không.

- Cô có sợ Việt Cộng không? - Có.

- Cô có mấy anh chị em? - Ba chị em.

- Anh của cô hiện có làm gì ngoài Bắc? - Không.

- Cô có người em trai đi học ngoài Bắc phải không? - Không...

Nghỉ một lát, nhân viên CIA bảo Thảo đưa tay trái ra. Và nhân viên hỏi cung của Mỹ lại chụp lên 5 đầu ngón tay (bên cánh tay trái) 5 cái mũ bằng nhựa màu đỏ, găm điện và cho máy khởi động lại. Song khác với lần trước một chút, lần này CIA Mỹ đảo lộn các câu hỏi không theo thứ tự cũ, để vặn vẹo, hỏi tới hỏi lui mấy chục lần những câu trên. Thảo biết mục đích của CIA là nhằm làm cho người bị hỏi cung phải chịu áp lực tâm lý, hoặc nói ra sự thật, hoặc nói lung tung, câu đầu mâu thuẫn với câu sau. Song, Thảo vẫn đáp rành rọt từng câu hỏi một. Kết quả, lần trả lời thẩm vấn bằng “cánh tay trái”, với lần thẩm vấn bằng "cánh tay mặt" đều khớp với nhau và CIA không moi được điều gì mới hơn.

Cứ thế cuộc thẩm vấn bằng "máy đo sự thật" kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ và dừng lại khi hai nhân viên hỏi cung của CIA mồ hôi toát ra, thấm rõ trên áo. Thảo hỏi ngược lại đại ý người Mỹ các ông muốn tra vấn thêm gì nữa không? Im lặng không trả lời, hai nhân viên CIA mời Thảo đứng lên bước ra phòng khách của biệt thự. Ở đó, viên thiếu tá Mỹ cố vấn tình báo của Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã ngồi chờ sẵn. Anh ta mời Yến Thảo lên chiếc xe riêng của mình đậu ngoài sân để tự lái đưa Thảo về nhà của cô gần dinh Độc Lập.

Vượt qua một cuộc đấu trí quyết liệt nhiều giờ với CIA lẽ ra Thảo phải vui mừng, nhưng ngược lại cô đã khóc nức nở trước mặt viên thiếu tá tình báo Mỹ ở văn phòng Bộ tư lệnh Hải quân vào ngày hôm sau. Thấy những giọt nước mắt đàn bà rơi xuống, trái tim của viên thiếu tá dường như mềm đi, anh ta bước về phía Thảo an ủi và giải thích ra sao về "sự việc đáng tiếc" ở ngôi biệt thự chiều ấy.

Trước khi ghi lại lời giải thích trên, cũng cần nói thêm, nữ cán bộ tình báo Yến Thảo thoát khỏi cuộc thẩm vấn bằng "máy đo sự thật" của Mỹ trước hết là nhờ vào những tin tức kịp thời do Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) cung cấp. Sự việc thế này: cách đó vài tháng, theo yêu cầu của chỉ huy trưởng cụm tình báo H63 là Tư Cang, Hai Trung đã đến khách sạn Continental bên Nhà hát lớn Sài Gòn để dự bữa tiệc "mừng sinh nhật". Ở đó Hai Trung đã đem đến một "món quà" đặc biệt, gồm những tin tức mới nhất thu thập từ các nhân viên tình báo CIA mà ông đã tiếp cận. Điều lưu ý nhất trong các tin tức do Hai Trung báo cáo với Tư Cang là: CIA Mỹ vừa đưa qua Sài Gòn một loại máy, gọi là máy "khai thác sự thật". Máy này, theo thông tin kỹ thuật kèm theo, sẽ đo được mức độ nói thật hay nói dối của người bị tra hỏi.

Thật như thế không? Máy ấy hình dạng thế nào? Đã ứng dụng thử chưa? Các câu hỏi trên do Tư Cang nêu ra và vài ngày sau Hai Trung đáp ứng bằng cách chuyển đến những câu trả lời rõ ràng. Không chậm trễ, Tư Cang vừa viết một báo cáo kỹ thuật gửi B2, vừa liên lạc với cán bộ tình báo trong cụm H63 để thông báo trước cho tất cả được biết về máy đo sự thật mà mai đây họ có thể phải đối mặt với nội dung tóm tắt sau: "Đừng sợ gì cả. Không một loại máy móc nào, dù tối tân đến đâu, lại biết thấu tim đen rằng một con người đang nói thật hay nói dối. Chẳng qua là một trò hù dọa, dùng máy để đo thần kinh tim của người mà chúng đang điều tra... Để chứng minh, tôi kể lại câu chuyện mới nhất làm bằng chứng, gần đây quận trưởng Trảng Bàng bị gọi điện về Sài Gòn để cho cái "máy đo sự thật" làm việc. Trước các quan chức Mỹ và cấp trên, viên quận trưởng này lúng túng tái mặt, mất tinh thần, run quá nên cái máy cứ cho là nói dối mặc dù quận trưởng này không có liên hệ gì với cách mạng và nhất là chống Cộng rất quyết liệt".

Một sự thật khác không cần đến máy đo vẫn thấy rõ, do Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA là W.Colby nói ra, là đã có tình báo Cộng sản len lỏi vào các cơ quan cao cấp ở Sài Gòn, nếu không thì tại sao những chi tiết lợi hại, cũng như những tài liệu bảo mật liên quan đến an ninh của các căn cứ như Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Biệt khu thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, và nhất là Tòa đại sứ Mỹ và dinh Độc Lập đều bị tiết lộ? Ngoài những thu thập thông tin từ Thảo, đã có những tài liệu quan trọng nào từ nguồn Hai Trung cũng như từ các cán bộ H63 đưa về phòng tình báo B2 trong thời điểm CIA đặt câu hỏi trên?

(Còn tiếp)

Theo Trái tim người lính

Giao Hương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-bi-mat-truoc-gio-g-tham-van-bang-may-do-su-that-a8713.html