Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” 1972 và vấn đề tù binh phi công Mỹ tại hội nghị Paris? (Kỳ 1)

Không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm Phi công Mỹ lại làm tù binh ở Hoả Lò. Họ bị bắt bởi đã lái máy bay đi ném bom, bắn phá, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam trong rất nhiều những chiến dịch, các cuộc không kích vào miền Bắc Việt Nam.

dien-bien-phu-tren-khong-1638938774.png
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị Paris 1972. (Ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm).

 

Một trong những chiến dịch điển hình đó là tháng 12 năm 1972, quân đội Mỹ đã huy động một lực lượng không quân mạnh nhất, với những Pháo đài bay B-52 để mở cuộc tập kích chiến lược chưa từng có trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng... Tổng thống Richard Nixon và giới quân sự Mỹ hồi đó đều tin rằng bằng vũ lực, họ sẽ buộc Việt Nam phải đầu hàng, hoặc chấp nhận những điều khoản sửa đổi có lợi cho Mỹ trong bản Hiệp định sẽ ký kết ở Paris.

Nhưng thực tế đã xảy ra một “cuộc quyết đấu” chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới: Sau 12 ngày đêm “bão lửa”, Lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam bằng tinh thần quyết thắng, mưu trí, sáng tạo và thế trận Chiến tranh nhân dân đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược của Mỹ! Thêm hàng trăm tù binh Phi công Mỹ bị bắt, gây áp lực cho Chính phủ Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris.

Chiến thắng oanh liệt nói trên được cả thế giới biết đến như một “Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Theo đó, Mỹ phải cam kết sẽ rút hết quân Mỹ và quân đội đồng minh của họ về nước; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam... Và một trong những điều khoản thi hành Hiệp định Paris là Việt Nam sẽ trao trả toàn bộ số Tù binh Phi công Mỹ cho phía Hoa Kỳ...

“Hoà bình đang có trong tầm tay” hay “hoà bình ở trên đầu ngọn bút”?

Tháng 10 năm 1972, sau gần bốn năm đàm phán với bao phiên tiếp xúc bí mật và công khai, nhưng Hội nghị Paris về lập lại hòa bình cho Việt Nam giữa bốn bên (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa) vẫn bế tắc.

Để nhanh chóng tìm ra “lối thoát” cho hòa đàm, trong một cuộc tiếp xúc bí mật với đoàn Mỹ, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ thay mặt phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã chủ động đưa ra một bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”… Sau gần một tuần thương lượng, ngày 12 tháng 10 năm 1972, phía Mỹ đã chấp thuận những nội dung chính trong bản dự thảo của ta. Họ còn thỏa thuận một thời gian biểu cụ thể cho việc ký kết Hiệp định và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Theo đó, ngày 18 tháng 10: Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên bộ và ngừng rải mìn phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam; ngày 20 tháng 10: Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger sẽ ký tắt Hiệp định tại Hà Nội; ngày 26 tháng 10: Hiệp định sẽ được bốn bên tham chiến ký chính thức tại Paris; ngày 27 tháng 10: Ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hòa bình được lập lại...

Mặc dù sau đó phía Mỹ đã yêu cầu ta cho lùi lại thời gian biểu trên (21 tháng 10: ngừng ném bom và thả mìn; 24 tháng 10: ký tắt; 30 tháng 10: ký chính thức; 31 tháng 10: chấm dứt chiến tranh); nhưng với thiện chí của mình, phía Việt Nam đã chấp thuận. Tuy nhiên, “Bản thỏa thuận ngừng bắn tháng Mười” đó đã không được phía Mỹ tôn trọng và thực hiện. Nhà Trắng đã đơn phương lật lọng những cam kết thỏa thuận của mình. Kissinger một mặt đổ lỗi cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không chịu ký; mặt khác lại lừa bịp nhân dân Mỹ “Hòa bình đang ở trong tầm tay” để họ bỏ phiếu cho Nixon.

Tháng 11 năm 1972, sau khi huỷ bỏ chuyến bay tới Hà Nội, Kissinger vội vàng sang Paris với mục đích gây bế tắc, trì hoãn hội nghị hòa đàm để chờ đợi một âm mưu đen tối. Ông ta đã chơi trò “gắp lửa bỏ tay người”, đòi sửa lại 69 điều trong “Bản thỏa thuận ngừng bắn tháng Mười”. Trong đó, có những đòi hỏi hết sức phi lý: Miền Bắc phải rút quân, miền Nam là một “Quốc gia riêng”. Trước thủ đoạn tráo trở, bội ước của đoàn Mỹ, người phát ngôn của Chính phủ ta đã tố cáo sự cố tình phá hoại hiệp định của phía Mỹ: “Hòa bình đã ở đầu ngọn bút, nhưng Tổng thống Mỹ đã lừa dối nhân dân mình và không chịu ký kết”.

Ngày 24 tháng 11, sau khi đổ tội cho phía Việt Nam là “cản trở cuộc hòa đàm” và “thiếu thiện chí” Henry Kissinger đã công khai hăm dọa: “Nếu các ngài không biết điều, Tổng thống của chúng tôi sẽ ra lệnh ngừng đàm phán để tiếp tục các hành động quân sự và hậu quả sẽ thật khó lường!”

Để vãn hồi hòa bình, phía Việt Nam đã hết sức kiềm chế và nhân nhượng thêm một số điểm, nhưng tham vọng của phía Mỹ không chỉ có vậy.

Ngày 13 tháng 12 năm 1972, các cuộc đàm phán đã hoàn toàn bế tắc. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trở về Hà Nội, còn Henry Kissinger thì bay về Washington. Trước khi rời Paris, tại sân bay Orly, Kissinger còn lớn tiếng vu khống Việt Nam với các nhà báo quốc tế: “Hà Nội đã phá vỡ cuộc hòa đàm”. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc cảnh báo Kissinger: “Các ông cố tình gieo gió thì ắt sẽ phải gặt bão!”

Một ngày sau, Tổng thống Richard Nixon chính thức ra lệnh cho hải quân Mỹ tiếp tục rải thuỷ lôi để phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam; không quân Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc tấn công chiến lược với quy mô chưa từng có bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng... Ông ta hy vọng bằng cách đó sẽ khuất phục Việt Nam phải đầu hàng; hoặc buộc phải chấp thuận sửa đổi những điều khoản trong Hiệp định Paris có lợi nhất cho phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, trước khi Hiệp định này được bốn bên ký kết.

Chiếc máy bay chở Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đáp xuống sân bay Gia Lâm vào buổi chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972. Nghĩa là chỉ vài giờ sau, những loạt bom B-52 “trải thảm” đầu tiên được trút xuống Hà Nội... “Cuộc quyết đấu lịch sử” sắp bắt đầu!

(Còn nữa)
Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-quyet-dau-lich-su-dien-bien-phu-tren-khong-1972-va-van-de-tu-binh-phi-cong-my-tai-hoi-nghi-paris-a8716.html