Người con thứ nhất:
Là anh BĐQ tiểu đoàn 32 có tên là Ba Huy, là một tay ngang tàng bụi bặm, râu ria xồm xoàm. Đơn vị anh đóng quân tại cầu bắc Bình Minh không hiểu sao anh nhận mẹ tôi làm mẹ nuôi và anh sợ bà như sợ cọp. Mỗi lần gặp mẹ nạt là anh im re lấm lét chỉ biết cười, còn mấy anh chàng thanh niên trong xóm gặp anh họ hay ngó nơi khác...
Anh Ba Huy sau đó bị thương ở chân trở thành TPB và về quê vợ ở Bắc Mỹ Thuận, nghe vợ chồng anh có hàng cơm nên kinh tế cũng khá, cứ vài tháng anh chống cây tó đến thăm mẹ và ở lại chơi vài ngày. Anh cho biết tôi anh là người Bắc di cư năm 54, anh không còn cha mẹ nên anh nhận mẹ tôi làm mẹ, anh tuổi Mùi (1943) bằng tuổi với người anh thứ Ba của tôi nên anh kêu tôi gọi anh là Ba Huy chứ anh thứ mấy tôi cũng không dám hỏi. Mỗi lần nói chuyện với anh tôi không hiểu lắm bởi vì anh nói giọng Bắc rất khó nghe. Anh Tư nói:
- Thằng Huy này nó cũng có tiếng quậy phá trong đơn vị của nó, tụi lính nghe tên nó ai cũng ngán vì nó là dân liều mạng, không biết sau mà nó sợ bà già mình dử vậy.
Anh hai, anh Ba gặp anh Huy vẫn vui vẻ mừng rỡ như anh em ruột thịt và lần nào gặp cũng kéo nhau đi cà phê có khi nhậu cả buổi đến khi bị mẹ la mấy anh mới chịu dẹp mâm nhậu. Mỗi lần anh Ba Huy ghé nhà anh hay dẫn tôi đi chơi và hay mua đủ thứ bánh cho tôi ăn, không ăn anh ép cho ăn, anh nói:
- Chú mày ăn nhiều cho mau lớn nhe út. Khi nào cưới vợ nhớ mời anh Ba nghen.
Vậy đó mà sau khi mẹ chết đến nay chưa một lần biết tin anh. Nhà anh chỉ nghe nói ở phà Mỹ Thuận nhưng biết anh ở bên nào? Có lần về quê cũ gặp thằng Mừng nói:
- Mấy năm trước Anh Huy Bắc kỳ có xuống đây, sau khi biết bà già mày chết, căn nhà đã bán cho người khác còn mày bỏ xứ đi ảnh có vẻ buồn lắm.
Thế là từ đó biệt tin anh.
Người con thứ hai:
Sau 30/4/75, trong lúc các ông anh của tôi đi học tập cải tạo thì một hôm bộ đội đến đóng quân ở xóm tôi nhiều lắm, nhà nào cũng được gởi quân. Toàn là những anh lính trẻ từ miền Bắc vào, nhà tôi có năm anh Bộ đội ở nhờ, lúc đầu thì mẹ tôi cũng không hài lòng vì tự nhiên trong nhà chứa năm anh Bộ đội lạ hoắc đầy đủ súng ống. Nhưng không thích thì cũng phải làm thinh vì lúc đó ai mà không sợ chánh quyền Cách mạng.
Các anh vừa dọn đến thì nhà cửa từ trước đến sau được quét dọn sạch sẽ, các lu nước, hồ nước được xách đầy nước, các anh tự nấu nướng, làm đến đâu thì dẹp gọn gàng đến đó nên mẹ tôi từ từ thấy thích các anh. Mấy anh chàng Bộ đội cứ một mực lễ phép với mẹ tôi, các anh chỉ ăn rồi lo lau chùi súng ống hình như chuẩn bị cho cuộc chiến nào đó. Sau này mới biết các anh chuẩn bị lên chiến trường Tây nam đánh giặc Pon pot. Trong các anh bộ đội mẹ tôi thương nhất là anh Hà Huy Trang, anh cũng chỉ hơn tôi vài tuổi và cũng mới nghỉ học đi lính, anh nói năng nhỏ nhẹ lễ phép với mẹ tôi nên bà thương. Mẹ nói với anh:
- Con cứ xem đây là nhà của con vậy, có đi đâu thì đi, khi nào nghỉ đi lính rồi về đây ở mẹ sẽ cưới vợ cho con.
Anh Trang nghe mẹ nói vậy anh đỏ bừng mặt vì mắc cỡ, còn tôi nghe mẹ nói vậy cũng muốn "cà nanh" với anh và hẹn khi nào anh về hai anh em mình sẽ cưới vợ một lượt. Thế là hai anh em ngoéo tay cùng hẹn ngày cưới vợ chung. Vài hôm sau, đơn vị anh có lệnh hành quân, trước khi đi anh nắm chặt tay tôi và cũng ôm mẹ thật chặt. Anh hứa sẽ sớm về thăm mẹ và cẩn thận ghi cái bảng số nhà của tôi "106, tổ 6, khóm 3 Thị trấn Cái Vồn" vào cuốn sổ tay rồi bỏ vào chiếc ba lô. Anh đi rồi tôi thấy mẹ tôi có vẻ buồn lắm. Một năm sau thì mẹ tôi mất. Một đôi lần nhà tôi nhận được thư anh hỏi thăm sức khỏe của mẹ và thăm hỏi chuyện học hành của tôi. Mãi đến đầu năm 1979 tôi nhận được thư của người bạn anh Trang gởi về. Anh viết chỉ mấy dòng:
- Thưa mẹ Hà huy Trang đã hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Nó luôn nhắc về mẹ, nó ước ao được xuất ngũ sẽ về cho mẹ cưới vợ cho nó.
Tôi chợt cay xè đôi mắt, vậy là ở nơi nào đó anh Trang sẽ được mẹ tôi chờ đón anh. Anh và tôi hai người con chưa đứa nào được mẹ cưới vợ như lời hứa của mẹ. Cũng may thư báo tử của anh cũng kịp gởi về nhà cho biết tin trước khi căn nhà được bán đi. Hơn 40 năm rồi thời gian trôi đi nhanh quá. Ước gì.../
Theo Chuyện Làng quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/con-nuoi-cua-me-a8730.html