Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuyly-thuong-kiet-1-1639012837.jpg
Tranh minh họa: Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 4.

Tướng giữ thành là Tô Giám, một tướng gan dạ, rất trung thành với nhà Tống, cậy có lương thực và vũ khí nhiều, kiên quyết cố thủ để chờ quân cứu viện từ các nơi chi viện. Tô Giám phân chia của cải cho 1 vạn lính và 5 vạn dân binh để cổ vũ tinh thần binh sĩ. Tô Giám nói:

-Khí giới đủ, lương thực không thiếu. Giặc đã đến dưới thành, cố thủ chờ viện binh ắt ta sẽ thắng. Nghe ta thì được hậu thưởng, nếu không nghe bỏ chạy ta sẽ chém.

Lý Thường Kiệt ra lệnh cho quân Đại Việt kỷ luật nghiêm minh, không được giết chóc dân quanh vùng, mặt khác ban bố “Phạt Tống Lộ Bố Văn” trong đó nói rõ nhà Tống áp bức bóc lột bách tính người Hoa thống khổ, nay còn tích tụ lương thực trong khi dân đói khát để gây chiến tranh với Đại Việt, bắt con em dân đi chết chóc vì chiến tranh phi nghĩa. Nay quân Việt tiến vào đất Trung Hoa là để buộc nhà Tống từ bỏ những tham vọng điên cuồng, sau đó quân Việt sẽ rút về. “Phạt Tống Lộ Bố Văn” đã có tác dụng làm cho bách tính người Hoa có cảm tình với quân Đại Việt ở những nơi mà quân Việt hành quân hay tác chiến.

Quân lính trong thành Ung Châu và bách tính vùng Quảng Nam Tây Đạo truyền tay nhau đọc “Phạt Tống Lộ Bố Văn”. Một cụ gìa không biết chữ bảo một Nho sinh:

-Chủ Soái Đại Việt viết gì trong đó, đọc ta nghe thử.

-Dạ,  “Phạt Tống Lộ Bố Văn” viết thế này ạ: “ Kính gửi bách tính Quảng Nam Tây Đạo, nay vua Tống là thiên tử nắm quyền, phải lo cho dân no ấm, yên bình. Nay lại làm trái đạo trời, ra sức sưu cao thuế nặng, bóc lột bách tính để sống xa hoa, lãng phí, mặc cho bách tính đói rét lầm than. Nay lại nghe lời Vương An Thạch, tích lũy lương thực, vũ khí, tập trung quân đội, chuẩn bị gây chiến tranh với Đại Việt khiến bách tính Trung Hoa càng thêm đói khổ, con cháu đi chiến trận bỏ xác không về. Nổi khổ càng thêm chồng chất do mất chồng, mất con. Bản Thái úy kéo quân sang đây là vì đại nghĩa, thay mặt bách tính trừng phạt tội ác của nhà Tống, của Vương An Thạch, phá tan căn cứ Ung Châu là nơi nhà Tống chuẩn bị gây ra tội ác cho hai dân tộc Việt-Hoa. Nay bách tính yên lòng và ủng hộ cho cuộc tiến công chính nghĩa này của bản Thái úy”.

Ông già gật gù:

-Viết hay lắm, nói đúng lắm. Gây chiến tranh xâm lược là một tội ác, một mầm họa cho bách tính, cần phải diệt trừ mầm họa đó đi.

Nhà Nho trẻ tuổi nói:

-Có lẽ vì thế nên Quân Đại Việt đi đến đâu, bách tính Quảng Nam Tây Đạo đều đứng chật đường để úy lạo.

Cụ già gật gù:

-Bách tính ít học nhưng lại là người hiểu đạo trời thấu đáo.

-Dạ.

Ngày mùa đông, không gian chìm trong giá lạnh, bầu trời u ám, mây đen cuồn cuộn lưng trời. Nhưng thành Ung Châu nóng lên hừng hực bởi ngọn lửa chiến trận. 10 vạn quân Đại Việt bao vây Ung Châu, lính đông đặc hết lớp trong đến lớp ngoài. Cờ vàng có chữ “Đại Việt” bay rợp trời, giáo gươm tua tủa. Tiếng trống, tiếng thanh la vang rền trời đất. Quân Việt đang dùng thang mây có mấu sắt ném lên mặt thành cho thang bám rồi nắm dây thang bám vào tường thành mà trèo lên. Hàng nghìn quân Việt tay nắm hai dây, chân dẫm vào bậc thang treo lủng lẳng ở tường thành. Trên cao, quân Tống bắn tên như mưa xuống, sau những trận mưa tên là những xô dầu đốt cháy đỏ rực bốc lửa dội xuống đầu quân Việt. Thang mây cháy, hàng nghìn lính Việt bị bỏng cháy như những bó đuốc và rơi xuống chất chồng quanh chân thành không biết bao nhiêu mà kể. Dùng thang mây, quân Việt leo lên mặt thành thất bại và tổn thất quá nhiều binh lực.

Trong Tổng hành dinh, một hôm Lý Thường Kiệt nói với Tông Đản:

-Hôm nay tướng quân cho dùng máy bắn đá bắn dữ dội vào thành, đồng thời bắn tên có chất cháy đốt thành. Trong thành sẽ dùng nước cứu hỏa và sẽ thiếu nước. Thiếu nước còn khủng khiếp hơn cả thiếu lương thực.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Rồi các trận mưa đá dữ dội của quân Việt nã vào thành. Đá làm chết người, đá làm sụp đổ các công trình thành Ung Châu và bị đá vùi lấp. Cùng lúc đó những mũi tên có lửa bắn như bão táp vào thành. Nhà cửa, dinh thự, doanh trại trong thành bốc cháy. Trong thành không còn nước để chữa cháy. Lửa lan tràn khắp nơi. Quân Tống chết vô kể, xác chất đống trong thành. Hôm sau nữa, Lý Thường Kiệt nói với Tông Đản:

-Hôm nay cho lính đào chiến hào xuyên qua tường thành dưới lòng đất để đột kích vào thành.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Suốt 10 ngày quân Việt đào hào ngầm dưới móng ba tường thành và tiến vào đông như kiến cỏ. Tô Giám ra lệnh:

-Lấy gỗ và chất cháy đốt miệng hầm hun khói quân Việt sẽ chết.

-Dạ.

Quân Việt đang chui theo đường hầm để vào thành nhưng chưa đến nơi. Thốt nhiên khói lửa trùm kín các miệng hào phía trong thành. Sức nóng và đặc biệt là khói làm lính Việt chết tắc nghẽn trong các con hào.

Quân Việt không lấy được thành sau 30 ngày công phá nhưng thành Ung Châu cũng vô cùng nguy khốn, dân binh và quân sĩ chết quá nửa. Máy bắn đá và tên có chất cháy vẫn liên tục nã vào, và nạn thiếu nước uống, thiếu nước cứu hỏa đã làm Ung Châu kiệt sức. Tô Giám gọi tùy tướng Lưu Văn và bảo:

-Tướng quân cầm thư này vượt qua vòng vây theo đường sông Ung Giang đến Quế Lâm đưa cho tướng Trương Thủ Tiết đem quân cứu Ung Châu. Nói rằng nếu không có quân cứu viện, chỉ 5 hôm nữa Ung Châu sẽ thất thủ.

-Dạ.

 Lưu Văn đêm đó lặn qua sông Ung Giang thoát ra ngoài đến Quế Lâm đưa thư bọc sáp cho Trương Thủ Tiết xin cứu viện. Trương Thủ Tiết đọc thư rồi nói:

-Ta sẽ cứu Ung Châu.

-Đa tạ tướng quân.

Trương Thủ Tiết và các tùy tướng đem theo 2 vạn quân từ Quế Châu vòng theo đường Tân Châu, qua Côn Lôn tiến về Ung Châu.

Lý Thường Kiệt đang suy tính trận đánh thành tiếp theo thì thám mã từ hướng Bắc về báo:

-Dạ bẩm Phụ quốc Thái úy, Trương Thủ Tiết đem 2 vạn quân từ Quế Lâm về cứu Ung Châu.

-Chúng đi theo đường nào về Ung Châu?

-Dạ chúng đi từ Quế Lâm qua Tân Châu để đến Ung Châu.

-Cho gọi Thân Cảnh Phúc và Vi Thủ An đến hành dinh.

-Dạ.

Thân Cảnh Phúc và Vi Thủ An đến:

-Dạ bẩm Phụ quốc thái úy.

Lý Thường Kiệt nói:

-Phò mã và tướng quân đem 2 vạn quân đến mai phục ở Côn Lôn tiêu diệt 2 vạn quân của Trương Thủ Tiết đang từ Quế Lâm về cứu Ung Châu.

Thân Cảnh Phúc hỏi:

-Vì sao lại mai phục ở Côn Lôn ạ? Nhỡ chúng đi đường khác thì sao ạ?

-Từ Quế Châu mà đi theo đường Tân Châu thì chỉ có một con đường là đi qua Côn Lôn. Đây là nơi cực kỳ hiểm trở. Phò mã phải dùng phục binh mà đánh. Rõ chưa?

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Thân Cảnh Phúc và Vi Thủ An dẫn 2 vạn quân tiến lên phía Bắc của Ung Châu khoảng 60 dặm thì đến một nơi núi non trùng điệp được gọi là Côn Lôn. Thân Cảnh Phúc và Vi Thủ An quan sát thì quả là nơi địa thế cực kỳ hiểm trở, giống như Qủy Môn Quan của Đại Việt ở Lạng Châu. Một con đường nhỏ đi giữa hai sườn núi, cây cối rậm rạp. Cạnh đường là một dòng suối chảy trong xanh róc rách, giang, tre, nứa bạt ngàn phủ xuống che lấp ánh mặt trời. Thân Cảnh Phúc nói với Vi Thủ An:

-Phụ quốc Thái úy thật là tài tình, chưa đến đây bao giờ sao biết Côn Lôn hiểm địa như thế này?

Vi Thủ An nói:

-Phụ quốc Thái úy đọc nhiều thì biết, thế mới gọi là Phụ quốc Thái úy.

Rồi hai tướng bố trí quân mai phục ở con đường độc nhất vô nhị ấy. Trương Thủ Tiết dẫn quân còn cách Côn Lôn hai dặm thì Đô giám Hồ Nam Trương Biện nói:

-Côn Lôn rất hiểm trở, tướng quân nên đề phòng quân Việt mai phục.

Trương Thủ Tiết cười nói:

-Đô giám quá lo xa, hành quân trên đất của mình mà lo bị mai phục. Yên tâm đi, quân Việt còn mải lo đánh Ung Châu. Phen này ta đến trong Tô Giám đánh ra, ngoài ta đánh vào, Lý Thường Kiệt chắc chôn xác ở đây. Ha!Ha!Ha!...

Liền bỏ qua lời nói của Đô giám Trương Biện, thúc quân vượt qua Côn Lôn. Khi 2 vạn quân Tống đã lọt hết vào đoạn đường tối om thì thốt nhiên bị những trận mưa tên từ hai bên sườn núi bắn xối xả, hàng nghìn quân Tống kêu lên và gục xuống. Tuần kiểm Hữu Dự kêu lên:

-Có mai phục, có mai phục.

Chưa dứt lời, Hữu Dự bị một phát tên trúng giữa mặt gục xuống ngã ngựa. Sau một canh giờ bắn tên, quân  Việt từ hai sườn núi tràn xuống chém giết những tên còn lại. 2 vạn quân Tống bị tiêu diệt. Các tướng Trương Thủ Tiết, Đề cử tả giang ôn Nguyễn Du, Đô giám Hồ Nam Trương Biện, Tuần kiểm các châu Liễu, Tân, Tương Vương Trấn đều bị giết tại trận.

Một buổi sáng mùa đông ở Biện Kinh tuyết rơi trắng xóa như bông đậu trên các mái cung điện mang một màu trắng tang tóc. Vua Tống Thần Tông ở đại điện đang thiết triều bàn về việc đối phó với quân Đại Việt đã vượt biên giới đánh vào đất Tống. Tống Thần Tông nói:

-10 vạn quân Việt do Lý thường Kiệt chỉ huy dám cả gan xâm phạm Đại Tống ta. Trong ái khanh, ai biết Lý Thường Kiệt là người thế nào mà cả gan như vậy?

Đại tư mã Lý Hiển tâu:

-Dạ, muôn tâu hoàng thượng, Lý Thường Kiệt là cháu 5 đời của Tiền Ngô Vương Ngô Quyền. Ông nội là Ngô Xương Xí, cha là Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Tên thật của Lý Thường Kiệt là Ngô Tuấn, sau được vua Lý ban cho quốc tính mới gọi là Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt do tài năng và tuấn tú nên được lấy làm nội quan, đã phục vụ cho ba triều vua nhà Lý. Thời Lý Thái Tông được phong Nội thị sảnh đô tri khi mới 35 tuổi. Dưới triều Lý Thánh Tông giữ chức Đổng hành quân hiệu úy, một chức võ quan cao cấp, thường ở cạnh Lý Thánh Tông, được thăng Kiểm hiệu thái bảo, có tài văn võ trị nước. Năm 1061, Lý Thường Kiệt có công phủ dụ và dẹp loạn người Man ở vùng núi Ái Châu, khi đó Lý Thường Kiệt  mới 43 tuổi. Năm 1069 Lý Thường Kiệt theo Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Tự Lý Thường Kiệt đi tiên phong, bắt được vua Chiêm Thành Là Chế Củ. Chế Củ xin hàng, xin nộp ba châu giáp phía Nam Đại Việt để được tha. Lý Thường Kiệt được ban quốc tính, được phong Phụ quốc Thái phó, được gọi là Thiên nghĩa đệ. Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, đế hiệu là Lý Nhân Tông, Hoàng thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính, phải dựa vào Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt được phong Phụ quốc Thái úy nắm cả quyền hành chính và quân sự. Đó thực là một trụ cột của Đại Việt ngày nay. Bẩm hoàng thượng.

Tống Thần Tông chưa biết quyết thế nào thì có quan nội thị vào báo:

-Bẩm hoàng thượng, có thám mã từ Quảng Nam Tây Đạo về cấp báo.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Thám mã vào quỳ hành lễ và nói:

-Dạ ,bẩm hoàng thượng, Khâm Châu và Liêm Châu, hai căn cứ thủy quân quan trọng chuẩn bị để đánh Đại Việt đã bị Lý Thường Kiệt đánh phá tan hoang, 4 vạn quân chết, các tướng hoặc đã bị bắt hoặc đã tử trận, toàn bộ lương thực vũ khí, thuyền bè đã bị quân Việt lấy đem về nước. Thành Khâm Châu và Liêm Châu đã bị quân Việt san bằng.

Tống Thần Tông kinh ngạc:

-Hả, Trần Vĩnh Thái và Lỗ Khánh Tông phòng thủ và chống cự như thế nào vậy hả?

-Dạ bẩm hoàng thượng, Trần Vĩnh Thái và các tùy tướng bị bắt, Lỗ Khánh Tông cùng các tùy tướng hi sinh ở thành Liêm Châu, 1 vạn quân ta bị bắt làm tù binh.

(Còn nữa)

CVL

                                           

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a8738.html