Vĩnh Phúc: Tam Dương hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư

Với lợi thế là địa phương có quỹ đất dồi dào, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) bước đầu hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

vitto-1639026706.jpg
Toàn cảnh Công ty TNHH Vitto (KCN Tam Dương II). Ảnh: Dương Hà

 

Theo quy hoạch, Tam Dương có 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 540 ha. Huyện đã hình thành và triển khai thực hiện đối với 2 cụm công nghiệp (CCN) là Hợp Thịnh  và Hoàng Lâu với tổng diện diện tích gần 100 ha. Đồng thời, có kế hoạch đề nghị bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp Duy Phiên, Hoàng Đan, Hướng Đạo, Kim Long và Vân Hội trong thời gian tới.

Để giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương khác trong và ngoài địa bàn, Tam Dương đã đầu tư hệ thống đường giao thông như: Đường vành đai KCN Tam Dương I, đường vành đai 2, đường vành đai 3, đường nối KCN Tam Dương I và Tam Dương II, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh… Đồng thời, tiếp tục đề xuất để UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai thi công nút giao IC5 cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống địa bàn huyện Tam Dương trong thời gian tới.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, lãnh đạo huyện Tam Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về đất đai, cơ chế, chính sách; quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.

Từng bước thay đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính nhanh gọn, linh hoạt. Với những nỗ lực trên, Tam Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Hiện trên địa bàn huyện có 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của Tam Dương lên hơn 19%/năm.

Đến thời điểm hiện tại, huyện có 2/4 KCN đã bàn giao gần hết mặt bằng cho chủ đầu tư hoặc được huyện, nhà đầu tư tiến hành kiểm đếm đối với diện tích đất phải thu hồi, GPMB. Số diện tích còn lại đang được UBND huyện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, tổ công tác đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thuận việc kiểm kê, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất.

Một số dự án của các nhà đầu tư đã và đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tam Dương, góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tiêu biểu như Công ty TNHH Vitto (KCN Tam Dương II - khu A), chuyên sản xuất các loại gạch ốp lát chất lượng cao. Bình quân mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường gần 15 triệu m2 gạch với doanh thu đạt hơn 1.400 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho 730 lao động với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Để các khu, cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động, góp phần tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, Tam Dương phấn đấu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030. Huyện đã xác định công tác bồi thường, GPMB phải là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để cả hện thống chính trị vào cuộc. Công tác tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm về bồi thường, GPMB và phổ biến chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển công nghiệp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.

Tiến Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-tam-duong-phan-dau-tro-thanh-huyen-cong-nghiep-vao-nam-2030-a8745.html