Đã đến lúc tự thấy quỹ thời gian còn lại của tôi còn rất ngắn. May mắn được sống đến ngày nay để nhìn Tổ quốc thống nhất, có độc lập, tự do, mọi người có cơm no, áo ấm, có chế độ xã hội tốt đẹp. Bản thân có hạnh phúc gia đình… Chỉ cần những thứ đó cuộc đời có gì hơn. Cũng chỉ cần những thứ đó (nếu âm dương cho phép). Đủ cho tôi báo cáo với các đồng đội đã bên tôi ngã xuống ở các chiến địa trong sự nghiệp chống Mỹ.
Vậy nên tôi mong các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đừng cho tôi kể công, đòi hỏi hoặc công thần với nhân dân. Bài hát (Vì nhân dân quên mình) đã thấm vào máu thịt tôi và có thể nhiều cựu chiến binh nữa. Thông cảm giúp tôi được tự do viết thật cuộc sống của mình (viết về người khác sợ không thật) trong quá khứ chống Mỹ xâm lược.
Tuổi trẻ học các anh hùng liệt sĩ, học các vị lãnh tụ là phải và tôi cũng nghĩ: để có lòng yêu nước đầy đủ, tuổi trẻ còn phải học cả những người lính bình thường vì không phải ai cũng liệt sĩ, không phải ai cũng làm lãnh tụ được. Có nhiều người lính bình thường nhưng chân chính. Suốt đời gắn bó tình yêu với tổ quốc, với nhân dân. Dù sao người viết cũng phải cẩn trọng bởi từng là người lính của Bác Hồ, phải viết thật dù trình độ có hạn.
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, có nhiều đơn vị bộ đội (Nam tiến) qua quê tôi. Thấy họ có cuộc sống mạnh mẽ, tổ chức kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau. Được nhân dân quê tôi nhìn thấy nên vô cùng yêu quý. Lúc đó tôi mới 14 - 15 tuổi, đang học phổ thông cũng đã muốn gia nhập vào cuộc sống của họ. Có đơn vị dừng chân trong làng, trong xã. Thấy họ tập hát, tập múa, tập thể dục, tập chạy, tập bắn, tập hành quân, vượt sông, bơi lội... Tôi cùng một số bạn làm quen rồi tập theo.
Đến gần tuổi 18, tôi được khám tuyển nghĩa vụ. Chưa đủ chiều cao, trọng lượng tôi đã cố thêm cho đủ và thật mừng tôi trúng loại sức khỏe A3.
Cùng thời gian này giặc Mỹ đã tiến hành xâm lược leo thang ra cả nước. Chúng giết hại nhiều người dân vô tội. Cả Tổ quốc sục sôi căm thù.
Tôi nóng lòng chờ đợi được gọi lên đường. Thấy các bạn đã được nhập ngũ, tôi băn khoăn dò hỏi mới biết lý do: nhà tôi chỉ có tôi là con trai, bố chết sớm và chưa đủ tuổi lại đang học phổ thông. Theo chính sách tôi chưa được điều động. Tôi phải tự làm đơn xung phong. Nhưng đến lá đơn thứ ba, tôi chích máu ở ngón tay ký vào, được mẹ đồng ý tôi mới được nhập ngũ. Vào đội ngũ tôi phải tập luyện nhiều hơn. Bước đầu thật gian khổ, vì đã thay đổi môi trường sống. Phải quyết tâm vượt khó, người ta làm được thì mình cũng làm được.
Rồi tôi cùng đồng đội bổ sung ngay vào chiến trường Quảng Trị ác liệt. Chiến đấu liên tục ngày đêm, lên khỏi mặt đất phải lắng nghe viên đạn từ đồn bốt quân thù bay trong không gian đến mình như thế nào mà tránh. Cố giành sự sống và tìm cách tiêu diệt kẻ bắn mình. Chết sống diễn ra trong giây lát. Nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng để lại trong chúng tôi (những người còn sống) những phút giây bồi hồi, đau thương; mà tự hứa với các anh, hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh này. Rồi tôi cũng bị thương nhiều lần, nhưng tôi không nản chí không muốn rời đội ngủ. Mỗi lần vết thương tạm ổn, tôi lại tìm cách trở về với anh em để công tác chiến đấu. Có hai lần tôi khai tụt cấp bậc (quân hàm) từ Hạ sĩ xuống binh nhất. Lúc ấy Hạ sĩ 8 đồng, binh nhất 6 đồng (ngân hàng còn sử dụng tiền xu) nhưng tôi không ham . Chỉ sợ được phân công trách nhiệm mà trình độ chỉ huy tự thấy thấp kém so với đồng đội bên mình. Trình độ chỉ huy thấp kém dễ làm ảnh hưởng đến tính mạng chiến sĩ, dù tôi đã là Đảng viên.
Ngày nay tôi thấy như vậy đã đủ tư duy văn hóa từ chức của mình. Cũng bởi những ngày đó quân số luôn biến động hàng ngày. Số còn lại chỉ tập trung tư tưởng đánh địch là cao nhất. Việc tôi khai tụt quân hàm, mỗi lần từ viện về không ai lưu tâm nên việc (thoái thác) cũng được trôi qua.
Đến lần bị thương thứ 7 (20/07/1972) tại thành cổ Quảng Trị là nặng nhất. Tôi rất buồn, phải rời đơn vị chiến đấu, phải chịu đựng đau đớn về thể xác do vết thương phức tạp, mổ xẻ nhiều lần. Nhưng tôi vẫn tích cực rèn luyện, tin cậy vào đội ngũ quân y, an tâm điều trị cho vết thương chóng lành. Tôi vẫn hát với văn công mỗi lần họ đến động viên thương, bệnh binh đang điều trị. Nghĩa là lòng tôi xốn xang, không muốn rời đội ngũ.
Khi các vết thương tạm ổn, tôi được giám định y khoa. Tôi cố giấu bớt các vết thương như: sức ép hoặc phần mềm… mong sao cho ít tỷ lệ thương tật để trở về đơn vị, nhưng hội đồng y khoa đã xếp tôi có tỉ lệ mất sức 81%, cuộc sống phải có người phục vụ. Tôi buồn mà nghĩ đến anh em đang chiến đấu ở chiến trường. Họ đang phải chịu đựng gian khổ ác liệt, hi sinh. Cơ sở ấy tôi từng kề vai sát cánh lâu dài, xây dựng nên đại đội được nhà nước tuyên dương tập thể anh hùng các lực lượng vũ trang ngày mùng 01/10/1971 đó là C10D15 của chúng tôi. Nhớ từng cán bộ chiến sĩ, nhớ từng đồng đội đã hy sinh như: anh Minh, anh Tùng, anh Hiệu… Có liệt sĩ trước lúc tắt thở còn hô (Hồ Chủ tịch muôn năm!). Nhớ từng cán bộ trung đoàn đủ các bộ phận chính trị, quân sự, hậu cần. Mỗi lần đến kiểm tra đơn vị để chuẩn bị xuất kích hay sau những trận đánh có thắng lợi, có tổn thất, lần nào các anh cũng có trách nhiệm thân ái, chân tình gặp riêng tôi nhắc nhở, động viên (…Cố gắng lên Ngọc ơi! Đơn vị đã được tuyên dương nhưng cá nhân đơn vị chưa có. Phần hậu phương đã kiểm tra kỹ rồi chỉ cần Ngọc lập công…) những lần như vậy tôi chỉ cảm ơn, e dè vì thấy mình chưa xứng đáng, nhưng cũng âm thầm làm theo.
Nay mình mang thương tật quá nặng, tôi bi quan đến tột cùng. Tuổi trẻ đang vươn lên bỗng tụt xuống. Hình ảnh Fa - Ven trong “Thép Đã Tôi thế đấy" của văn học Nga đã hiện lên trong trí nhớ. Fa - Ven từng lên đạn khẩu súng Bờ - Rao - ning dí vào trán chỉ cần nháy cò, mẹ anh có thể rơi nước . Tôi cũng đã có hành động tương tự. Nhưng đã kịp nghĩ về mẹ, về quá khứ của mình thấy không có gì tồi tệ và Fa – Ven đã tự hạ nòng súng xuống.
Vậy là tôi quyết tâm nằm lì ở đoàn an dưỡng 253 quân khu 3 khá lâu. Chờ đợi may chi có đơn vị nào về nhận. Không được chiến đấu thì phục vụ ở tuyến sau chờ mãi phải đến 5 năm sau (1977). Bỗng một hôm có một cán bộ, Anh tên là Vị của ngành bảo vệ nội bộ tỉnh Nghệ Tĩnh. Đến đoàn gặp tôi nói:
- Tôi đã xem xong hồ sơ của anh và đã được cán bộ Đoàn nhất trí. Thay mặt cơ quan muốn anh về làm việc cho Đảng (nghe nói làm việc cho Đảng tôi vui lắm). Tôi đã nhất trí gật đầu dù chưa rõ là việc gì. Vậy là anh đã giúp tôi giải quyết mọi quyền lợi, giấy tờ thanh toán ở Đoàn An Dưỡng để tôi trở về với quê hương…
(Còn tiếp)…
Theo Trái tim người lính
Đặng Sỹ Ngọc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-muon-roi-doi-ngu-a8758.html