Ở những vị trí thuận lợi nhưng khá nguy hiểm đó, tướng Nhạ đã thu thập và phúc trình về Hà Nội những tài liệu chiến lược, bao gồm nhiều điều cơ mật mà ngay các bộ trưởng Sài Gòn cũng không được biết tới. Sau này dù ông bị CIA trưng bằng cớ “hoạt động tình báo cho cộng sản” và đày ra Côn Đảo (cùng hai người khác là Huỳnh Văn Trọng và Nguyễn Xuân Hòe), song Thiệu vẫn giữ tình cảm đặc biệt với “ông cố vấn” và cho người bắn tin vào nhà giam (sau Hiệp định Paris 1973) để hỏi “ông cố vấn” là nếu được trả tự do ông sẽ chọn về đâu?
Ông Nhạ trả lời muốn về Paris, Roma, hoặc Lộc Ninh. Và chiều 23.7.1973, ông được đưa lên chuyến máy bay hạ cánh xuống vùng giải phóng Lộc Ninh để trao trả cho chính phủ cách mạng. Nhưng không lâu sau, đầu năm 1974, ông xâm nhập trở lại Củ Chi, nối kết đường dây giao thông với nội thành, ăn ở bí mật tại Sài Gòn để tiếp tục hoạt động tình báo. Một cách nhanh chóng, ông đã bắt liên lạc với nhiều vị có uy tín trong giới trí thức và các viên chức cao cấp, cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo đương thời, để chuẩn bị nhân sự thành lập lực lượng thứ ba theo yêu cầu của trung tâm.
Đến những ngày tàn của chế độ Sài Gòn, Thiệu vẫn rất cảm động khi biết “ông cố vấn” ngày trước của mình đang bí mật quay lại đâu đó giữa đô thành và gửi lời thăm Thiệu lúc tình hình căng thẳng và bất lợi nhất cho Thiệu vào giữa tháng 4.1975. Thông qua các linh mục được Thiệu kính nể, Vũ Ngọc Nhạ đã gửi lời khuyên Thiệu đừng do dự, mà hãy nhanh chóng từ chức tổng thống để bảo toàn tánh mạng. Những chi tiết trên do tướng Nhạ kể lại với chúng tôi trong buổi phỏng vấn tại nhà riêng của ông trên đường Nguyễn Văn Mai, quận 3, TP.HCM vào giữa năm 1996 và một phần nội dung đã đăng trên báo Thanh Niên năm ấy (số ra ngày 14.7) trong mục Tự bạch (lúc ông còn sống). Qua đó ông nói về bí quyết thành công của một điệp viên chiến lược là phải làm sao am hiểu từng con người mình đang chinh phục.
Muốn vậy, không chỉ để tâm đến những chuyện lớn, mà cần nghe ngóng, ghi nhớ cả những câu phát biểu ngoài lề. Ví dụ, có lần ngồi chung xe Jeep với tướng Dương Văn Minh trước năm 1975, phóng qua đường phố Sài Gòn, rồi lòng vòng quanh những ngôi biệt thự trồng đầy hoa vàng ở ngoại ô, ông Minh đã buột miệng nói: “Mỹ bỏ bom miền Bắc khác nào bỏ bom lên đầu anh em của mình, phải không?”. Từ câu nói ấy, Vũ Ngọc Nhạ đánh giá tướng Minh là người có thể “đối thoại được” sau này. Không chỉ vậy, theo tướng Nhạ: “Không nên đặt con người mà mình cần am hiểu để chinh phục nào đó vào một “khung nhất định”. Khi tiếp xúc với những nguyên thủ ở dinh Độc Lập, tôi thấy rằng việc đặt những con người mình cần theo dõi, trong đó có họ, vào các nhận định ban đầu về họ, không thay đổi, thì rất khó. Vì họ chuyển đổi tâm lý, kể cả quan điểm, theo từng hoàn cảnh gặp phải, và theo những biến cố lớn. Nên mình cũng phải nhìn họ theo những chuyển đổi đó để ứng xử hợp lý. Điều này phù hợp với quan điểm biện chứng, vận động của Marxisme. Như trường hợp tôi có thể nêu ra dưới đây mà tôi tin chắc rằng không ít người để ý, là ông Ngô Đình Diệm của năm 1954 khác với ông Diệm năm 1962. Khác chỗ nào?”.
Tướng Vũ Ngọc Nhạ giải thích: “Ông Diệm năm 1954 là người chống cộng triệt để, không cần dông dài các bạn cũng rõ rồi. Với luật 10/59, ông cho lê máy chém khắp miền Nam với hy vọng hão huyền rằng sẽ “làm cỏ” những người Việt theo cộng sản. Nhưng ông đã không đạt được mục đích đó, dầu bấy giờ cách mạng miền Nam đúng là có tạm thời khó khăn, nhưng rồi những năm sau đó vẫn bén rễ xanh cây với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trước thực tế sống động ấy, buộc ông Diệm phải suy ngẫm về ảo vọng “diệt cộng” trước đây của mình. Huống là thêm vào đó, người Mỹ những năm đầu thập niên 1960 càng lộ rõ chân tướng là “ông chủ”, chứ chẳng phải người bạn “đồng minh” của ông Diệm. Họ nhúng tay vào nội bộ, chi phối lộ liễu nhiều hoạt động chính trị ở trung ương và địa phương của Nam Việt Nam, nhất là khi đòi loại bỏ Ngô Đình Nhu ra khỏi dinh Độc Lập.
Trước yêu cầu đó, ông Diệm họp gia đình “tứ long” gồm: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và tôi tức “Hoàng Long” để tìm cách giải quyết. Ông Thục khăng khăng bảo ông Diệm phải giữ tình anh em và không được bỏ ông Nhu. Ông Diệm bảo đảm với Nhu rằng, nếu Nhu rời dinh Độc Lập ông cũng sẽ thôi làm tổng thống nữa. CIA biết được cuộc họp của anh em “gia đình trị” này, với các nội dung như thế đã không mấy vui vẻ, giới quân sự Mỹ thì bực tức ra mặt. Sau đó Mỹ tỏ thái độ bằng cách “chủ trò” trong việc ném bom dinh Độc Lập. Bom bỏ trúng đích, nổ ngay trong phần dinh có phòng riêng của Ngô Đình Nhu. May là sáng hôm đó, Nhu đã rời phòng sớm hơn thường lệ để cùng ông Diệm ra đón ông Thục (có tôi cùng đi), nếu không Nhu đã mất mạng. Còn bà Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, bị vôi gạch do sức ép của quả bom bay ra làm trầy xước mặt mày, sau phải qua Nhật “sửa sắc đẹp”. Sau ngày thoát chết, vợ chồng ông Nhu rất “căm” CIA và các cố vấn Mỹ. Những điều tôi vừa nói về việc người Mỹ muốn loại ông Ngô Đình Nhu trên đây được chính Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara thừa nhận trong hồi ký xuất bản năm 1995”.
Tướng Nhạ nói tiếp, sau “khúc dạo đầu” không giết được Nhu đó, CIA Mỹ gợi ý với ông Diệm nên đưa Ngô Đình Nhu ra nước ngoài. Người đầu tiên phản đối là Ngô Đình Thục, đã nói đại ý là ở trong nước ông Nhu còn bị ném bom mưu sát, huống chi ra nước ngoài đơn độc, chỉ làm bia cho đạn Mỹ nã chết mà thôi! Vậy rõ ràng “diệt cộng” là một ảo vọng không thành, mà muốn giữ “độc lập” với người bạn “đồng minh” bên trong lại là một ảo vọng khác. Bị tác động bởi hai ảo vọng đó, ông Diệm đi tìm giải pháp khác “quay lại với người Pháp và hòa giải với Hà Nội”. Ông Nhu công khai nêu rõ ý muốn đó và Pháp “hồi âm”: muốn miền Nam trung lập hóa. Còn việc hòa giải với Hà Nội, Nhu rất ngại Vũ Ngọc Nhạ không tán thành, vì Nhu luôn cho rằng Nhạ “chống cộng” quyết liệt nên “nhiều bữa tôi giả vờ tình cờ tìm cách hé mở khéo léo cho Nhu thấy rằng tôi đồng ý việc Sài Gòn bí mật tiến hành tiếp xúc và hòa giải với Hà Nội”.
Kể chuyện trên, tướng Nhạ nhằm minh chứng cho điều ông đã nêu ra về “việc cần thiết của một điệp viên là phải am hiểu từng con người và đặt con người ấy trong những chuyển đổi không ngừng của từng giai đoạn để ứng xử và chinh phục họ”. Đó là những gì “ông cố vấn” đưa ra liên quan đến bí quyết thành công của nhà tình báo. Còn đại tá Tư Cang? Theo Tư Cang, ngoài những cái lớn lao phải tuân thủ, nhà tình báo không được xem thường những thứ nhỏ nhặt khác quanh mình, ngay cả... một chồng bánh tráng ngoài chợ, hoặc một gói mắm ruốc từ đâu đưa đến nhà, như câu chuyện sẽ kể ở kỳ sau.
(Còn tiếp)
Theo Trái tim người lính
Giao Hưởng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-bi-mat-truoc-gio-g-bi-quyet-cua-mot-diep-vien-chien-luoc-ky-6-a8824.html