Anh Quýnh*

Sân ga Sài Gòn, chiều tối... Tôi đứng vật vờ trước cửa vào nhà ga, tai vẫn văng vẳng lời ông chú dặn từ ngoài Hà Nội: "Đến nơi mày cứ đứng chờ, không được đi đâu, bạn tao, tức sếp mày trong đó sẽ ra đón, lớ ngớ lang thang gặp cướp giật đấy!"

minh-hoa-2-1639292979.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

 

Một chiếc mô tô phân khối lớn vụt tới, người đàn ông ngồi trên có mái tóc bồng bềnh dáng dấp giống nghệ sĩ hất hàm hỏi, giọng nằng nặng kiểu miền Trung "Dzũng hả", tôi gật đầu, anh lại hất đầu về phía sau, ý bảo tôi leo lên rất ngắn gọn.

Cứ tưởng gặp sếp phải giới thiệu hay bắt tay hồ hởi, nhìn vẻ lành lạnh mất cả hứng, tôi lặng lẽ xốc chiếc ba lô lính ngồi lên.

- Vô đi, nhà anh đây! Tôi trố mắt nhìn cái "nhà" anh vừa đỗ trước cửa. Nhìn như cái chuồng...thì đúng hơn, khoảng hơn chục mét vuông chứ mấy, tối om om, bước vào bị vấp phát đau điếng.

- Tới rồi hả em, giọng một người đàn bà cất lên, à chị nói tiếng Bắc, ánh điện bật sáng tôi nhận ra người phụ nữ trước mặt cũng  còn trẻ, hơn tôi khoảng vài tuổi, xinh xắn và có vẻ bụi bụi chả khác ông chồng ( nhà hai người thì chỉ vợ chứ ai ở đây ), vội khoanh tay chào phu nhân của sếp.

- Khỏi, chị khoát tay, tắm đi rồi lên ăn, chị nấu chờ anh em mày suốt, tới mấy tiếng lận, đồ nguội hết rồi.

Hóa ra sếp tôi mải làm nên... quên, bắt tôi chờ đúng ba tiếng ngoài ga. Cái tính đãng trí của anh khiến bọn tôi sau này nhiều lúc khốn khổ.

Màn gặp gỡ tưởng thế là xong, nhưng anh ồ lên tiếng " đù má, chờ tao chút " rồi chạy rầm rầm lên gác, lúc sau xuống ném cho tôi một mớ quần áo " lấy tạm của anh xài, vô đây  bận đồ lính kỳ lắm!" , khiến tôi vội lột bộ Tô Châu bạc phếch cất đi và mãi không bao giờ dùng nó trong này nữa.

"Mày từ giờ ở với anh chị, cứ tự nhiên" thêm câu dặn cụt lủn.

Buổi ra mắt đầu tiên tôi với sếp miền nam như vậy đó, chân tình, gọn lẹ và hầu như chả cảm giác có chút tình cảm gì, dù tôi là cháu sếp của sếp.

***

Anh Quýnh là dân Mỹ thuật, người gốc Đà Nẵng, chị vợ anh, Dung là người Hải Phòng. Hai anh chị dắt díu vào đây cỡ cũng bốn năm năm. Thành phố lớn nhất nước đang trong thời kỳ xây dựng ào ạt, các quán bar,  vũ trường, tiệm cà phê kiểu cách mọc lên như nấm sau mưa mỗi ngày khiến công việc của anh làm không hết.

Tuy anh rất có tài, từ nam vào bắc các hợp đồng gửi tới như bươm bướm nhưng vốn là dân thiết kế , sáng tác cho nên khâu tính toán của anh lại dở ẹt, làm đâu lỗ đấy. Đa số do thất thoát vì không trông coi được. Đấy là lý do anh nhờ chú tôi cho vào giúp anh công việc.

Chuyện này với tôi quá bình thường, tôi đi cùng anh từ miền Tây sang sang miền Đông, hầu như các công trình anh tin tưởng giao cho cầm tiền cả.

- Đù má - câu nói khi mở miệng của anh bao giờ cũng vậy, chả khác một số người bắc thường trực chữ đệch mẹ: Thằng ni khá, cố mà ôn thi sau đi học đại học, công ty phát triển lớn cần những thằng như mày. Đi lính lâu quên kiến thức hả, yên tâm, anh sẽ có cách cho chú ôn vẫn thi trúng, trật tao làm con chó. Trong một buổi nhậu cuối tuần với anh em thợ theo kiểu người nam anh nói thế!

Anh nghiện thuốc và cà phê nặng, phòng làm việc của anh hầu như không nhân viên nào ngồi cạnh nổi, lúc nào cũng nghi ngút khói. Đêm về hai chị em thay nhau pha phải đến bốn năm cốc cà phê cho anh.

Cách vẽ thiết kế của anh rất lạ, ở Sài gòn hiện tại có thể vẫn còn nhiều nơi có những tấm phù điêu hay trang trí tường nhà nhìn hơi dị dị, kỳ quái  theo trường phái siêu tưởng...tượng, ngắm mãi cũng chả đoán ra nó toát lên nội dung gì. Chả thế mà tôi nhiều lần cùng thợ kỹ thuật vò đầu bứt tai xem bản vẽ, luận tới luận lui mà không biết làm từ đâu.

Anh bố trí cho tôi ở tầng trệt, miền bắc gọi tầng một, với tôi cũng chả cần cầu kỳ,  chỉ cần cái mùng với chiếc ba lô gối đầu là xong.  Cứ đêm nào anh mắc chỗ nào vẽ không được lại lôi tôi dậy ... nhậu, được cái anh cũng hợp với tôi món rượu, hai anh em chỉ cần ít thịt nguội với chai rượu lai rai là sếp thì giảng giải về mỹ thuật hiện đại còn lính gật đầu tán thưởng liên tục (do buồn ngủ và chả hiểu gì) đến sáng. 

***

Một lần tôi lỡ mồm hỏi : Anh chị cũng nhiều tuổi rồi (anh đã bốn mươi) , sao...không đẻ đứa con đi ?

Anh thở dài " mày chọc trúng nỗi buồn của tao đấy, lần sau đừng hỏi tương tự nữa nghe. Đù..."

Nhưng rồi anh cũng kể, anh chị từng đưa nhau đi khám, kết quả bác sĩ đưa ra là chị khó và rất có thể không sinh được con.

Không hiểu sao sau lần nói chuyện ấy tôi nhìn vợ sếp thấy tiêng tiếc, người xinh thế cơ mà, có thể nói hoa khôi đất Cảng một thời  đấy chứ!

Ở một thời gian, tôi bắt đầu mò mẫm đi chơi , tìm hiểu đất đô thành. Gì chứ mang tiếng vào nơi được mệnh danh hòn ngọc Viễn Đông một thời mà không biết gì thì phí. Càng ngày những buổi đi chơi về khuya, thậm chí qua đêm luôn càng nhiều. Anh cũng chả bận tâm lắm, mỗi người một chìa khóa thích đi về lúc nào chả được.  Chỉ có chị luôn mồm dặn : Sài gòn không phải lành như quê nhà chú đâu. Tôi vâng dạ xong bỏ ngoài tai.

Một lần say rượu, bọn tôi xô xát với mấy thanh niên. Với kiểu nghĩ rừng rú, tôi không lường được mức độ nguy hiểm khi vô tình chạm ngay vào anh em bên quận tư, họ xách dao, xăm gạo đến tìm tận nhà.

-Mày cứ ngồi đấy, pha anh cốc cà phê, việc đó chị mày khác lo . Anh ngồi điềm nhiên, mồm vẫn ngậm điếu thuốc nói như chả có gì xảy ra.

Lúc bấy giừo tôi mới thấy cái chất của con cháu bà Lê Chân trong người chị nó mạnh mẽ như nào.  Chị  ra hẳn đường giọng sắc lạnh.

-  Bọn mày tính bắt nạt em tao à, được, nếu ngon từng đứa vô, thằng nào bước qua cửa tao...hốt xác thằng đó.

Tôi đang thấy vừa sợ vừa nóng mặt vì phải núp sau lưng một người đàn bà, nhưng nghe câu nói ấy cũng lạnh cả gáy.

Tự nhiên mấy tay xăm trổ kia nói với nhau cái gì, xong rút dần. Hoặc là bọn nó không chấp phụ nữ, hoặc bà chị tôi cũng từng nổi tiếng đâu đó.

Sau vụ ấy, tôi bị điều lên Củ Chi ở mấy tháng và sau đó nữa ra miền Trung học, sau đó nữa về quê.

***

Bẵng cách hơn chục năm sau tôi gặp anh trong một lần về Hà Nội, anh hồ hởi chào trước trong khi tôi chỉ gật đầu, nghĩ như lần đầu gặp anh ở sân ga.

- Bắt tay cái nào, nhìn chú mày có vẻ ổn đấy.

Giọng nói và điệu bộ của anh rặt Bắc.

Nhìn anh già đi nhiều, mái tóc bồng bềnh đâu mất, thay vào đó cái đầu cắt ngắn lấm tấm muối tiêu của một ông già.

Hỏi ra thì anh bị vỡ nợ liên tục sau những công trình khi tôi đi được ba năm, đau nhất vố bị người bạn tính hớ  khi nhận một ngôi biệt thự ở Đà Nẵng, anh nhận giá 800 triệu nhưng làm xong thì nó lên tới...1 tỷ 2, giá trị tiền hồi đó rất lớn, anh phải bán nhà và đất giành dụm mua ở Sài gòn, chuyển hẳn ra bắc, nơi quê vợ anh vẫn sống tốt. Hèn chi tác phong anh giờ khác hẳn. Cả cuộc chuyện không thấy anh văng đù tiếng nào.

Ơ thế còn...chị ở đâu? - tôi hỏi ướm

- Anh chị chia tay rồi, chị nói để anh đi lấy vợ khác còn có đứa nỗi dõi tông đường.

- Tội chị quá! -  tôi thở dài: như vậy chị ở một mình buồn lắm!

- Buồn cái quái gì! cổ đã lấy chồng và...có một thằng con trai.

Tôi tưởng anh đang kể chuyện cổ tích.

- Thật ra, anh mới là người không thể có con. Cái giấy của bác sĩ là anh...đạo diễn đấy!

Ảo diệu thật, tôi chả biết nói gì, chỉ biết thốt lên thầm như vậy với sếp cũ

Ngoài trời Hà nội nắng thu vàng rất đẹp.

---

* Tên nhận vật đã được thay.

Theo Chuyện Quê

Dũng Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/anh-quynh-a8828.html