Ngày xửa ngày xưa thì đây là một nghề rất danh giá, ấy là bởi từ hạt thóc gặt về mà muốn thành cơm, thì ắt phải trải qua các công đoạn xay giã sàng sẩy thời mới thành hột gạo, chính vì vậy mà nhà nào đón được ông thợ đóng cối là cứ phải chiều như chiều vong, rượu thịt tuý luý thì cối mới ngon nghẻ, gạo mới không bị lẫn thóc, tất nhiên nhà nào cư xử kém thì cối cứ khấp kha khấp khểnh, xay ra thứ gạo 9, 6, 3, 0 mà thôi. Trong quá trình đi ăn cơm thiên hạ, để giữ kín những bí kíp nghề nghiệp mà không bị mất lòng, dân làng này nghĩ ra một cách ấy là dùng "tiếng lóng", ví dụ ông thợ cả bảo thằng thợ phụ là "làm nhanh lên" thì thành ra là "xấn nhẹn lên", hoặc "có thít êm, xấn cho rỉa" thì tức là hôm nay nhà chủ cho ăn ngon đấy, làm cho tốt vào "thít không êm, xấn xí thôi" là cơm điếu ra gì đâu, làm ẩu cũng được... Ấy nhưng mà khi nhìn thấy tấm ảnh của ông trùm đóng cối và đọc cái tên của ông thì tôi chợt nhận ra, 90% đây là ông Bác đã lưu lạc mấy chục năm nay của nhà mình rồi…
Chả là ông ngoại tôi vốn là lính khố xanh, thấy bảo ông không những khéo nói mà còn hát trống quân rất hay, lên việc các cô gái làng gần nơi ông đóng lính, vướng phải lưới tình của ông thì cũng chẳng có gì là lạ, tất nhiên là trong danh sách ấy có bà ngoại tôi và... mẹ của ông cao thủ đóng cối kia... năm tôi học lớp 8 thì thấy ông bác lên nhận họ hàng, theo lời trăn trối của mẫu thân, sau đó ông ngoại tôi bằng các mối quan hệ trong những năm đi buôn trâu bò, cũng giúp ông bác mở 1 mặt trận đóng cối tại YB, mấy lần tôi được vinh dự lai ông bác vào mấy xã mà nhóm thợ của ông ấy đang hành nghề, trong lúc tôi đang gò lưng đạp vượt dốc thì ông bác hứa như đinh đóng cột "mày chịu khó học hành rồi thì bác truyền cho cái nghề đóng cối, cơm gà cá gỡ mà lại đắt vợ lắm cháu ạ", cũng may mà hồi đó tôi chưa kịp máu gái mà cắp tráp đi theo ông bác, bởi chỉ hơn chục năm sau, khi mà máy xay xát của tàu nó tràn về thì mấy cái cối của ông bác chỉ còn thấy ở trong ...viện bảo tàng. Mà có nhẽ vì nghề nghiệp gia truyền bị mai một, niềm vinh quang đã trở thành hoài niệm mà từ đấy ông bác bặt tin... khi tôi gửi mấy tấm hình về thì cả mẹ tôi và ông cậu đều khẳng định... đích thực là ông Đ rồi...
Hôm nay trên đường đi công tác, tôi quyết tâm về tìm nhà ông, 5km đường làng bê tông nhưng vì đang vào mùa đã biến thành sân phơi, nên phải đi mất gần 30', sau lần hỏi thăm thứ sáu thì cũng tìm được nhà ông, dù khá tự tin nhưng tôi cũng thấy hồi hộp phết, ông bác chắc được bà vợ chiều chuộng, đi chợ về mua cho ít mồi nên ngồi giữa nhà khề khà rượu sáng, có vẻ cũng không mặn mà lắm với mấy vị khách không mời, thế mà khi thấy tôi giới thiệu là từ YB xuống, thì ông bỗng ném luôn đôi đũa, đứng bật dậy hỏi "vậy anh có phải con cháu ông D không", khi tôi thưa cháu là cháu ngoại ông D đây ạ thì ông đã ôm choàng lấy tôi, nước mắt lã chã rơi trên chòm râu bạc "vậy anh có phải con cô B... không" tôi xác nhận ông bèn vừa sụt sùi vừa hỏi thăm hết thẩy các ông cậu bà dì nhà tôi, gần 80 mà ông vẫn còn phong độ minh mẫn lắm, rồi ông gọi bà vợ (thứ ba) ra phô "cháu tôi từ YB về thăm đây bà ơi", chỉ vào mặt tôi ông đay "nhẽ anh đã đi theo bác học nghề đóng cối đấy", tôi chợt nhận ra mình chẳng được di truyền gien của ông ngoại, nên ngẫm ra khả năng đào hoa thời kém lắm...
Chia tay, ông bác cứ ôm chặt lấy tôi, rồi bảo hôm nào mày đưa bác lên YB con nhé, tôi hứa là dứt khoát cháu sẽ bố trí vào 1 ngày gần nhất bác ạ, xe chạy 1 quãng xa mà nhìn gương chiếu hậu vẫn thấy ông bác đứng nhìn theo...
Theo Chuyện Làng quê
Lử Giàng A
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ong-bac-va-nghe-dong-coi-a8837.html