Những bí mật trước giờ G: Kỳ cuối: Chiếc áo màu hoàng hậu

Để sắm vai “hai người tình” che mắt cảnh sát Sài Gòn, Tư Cang và Thảo (Mỹ Nhung) thường sóng đôi ra khỏi nhà, cứ như họ “sắp cưới nhau”.

chuy1a-1639361382.jpg
Chị Tư Cang đang dắt con (Nhồng) trên đường phố Sài Gòn năm 1950 - Ảnh: nhân vật cung cấp.

 

Một bữa Thảo hỏi: “Hôm nay anh thích em mặc áo màu gì?”. Tư Cang: “Màu hoàng hậu đi em!”. Và hai người bước ra chiếc xe Honda đỏ nổ máy thoát khỏi cặp mắt dòm ngó của viên cảnh sát mật cạnh nhà. Chở Thảo vòng qua bùng binh chợ Bến Thành, Tư Cang dừng trước rạp Rex và chia tay “người tình”. Thảo cười duyên dáng bước xuống xe, lẫn vào đám đông như một con bướm giữa rừng.

Tư Cang nói, màu sắc tham dự rất nhiều vào các tín hiệu trên “đường tình báo”, để nhận ra nhau, trao tài liệu mật. Tài liệu chuyển theo nhiều cách, như ở một điểm sát Sài Gòn, cô giao thông tên Xinh về đến, đưa Tư Cang gói mắm ruốc rồi đi. Ông gạt mắm ra chén, lẫn trong ruốc có ve dầu Song Thập nhỏ bằng ngón tay út, đập bể chai dầu lộ ra hai tờ giấy hút thuốc rất mỏng, chi chít những dòng báo cáo của anh Tám từ khách sạn Embassy gửi ra về tình hình chính trường Sài Gòn giữa tháng 4.1975. Một cách nghi trang khác khá mạo hiểm như nữ giao thông Tư Ánh đã giao Tư Cang một chồng bánh tráng giữa chợ Bến Thành bên trong có... 2 khẩu K54 và 27 viên đạn.

chuy2b-1639361508.jpg
Tám Thảo giúp Cụm trưởng Tư Cang chỉnh lại bộ quân phục, nhân một dịp gặp gỡ của H.63, lưới tình báo anh hùng với cơ cán đi sâu Phạm Xuân Ẩn nổi tiếng. Ảnh: VinhLT.

 

Đối đầu với hiểm nguy, nhà tình báo vẫn có “những phút giây lãng mạn”? Năm 26 tuổi, trong chuyến thâm nhập lần đầu tiên vào Sài Gòn (1954), ông đã vượt sông Soài Rạp lúc trời tối cùng nữ đồng chí 23 tuổi tên H. xuất thân từ trường nữ sinh Áo Tím (Gia Long). Họ ngồi trên chiếc “xuồng ba lá” (ghép bằng 3 tấm ván mỏng), bất thần tàu tuần tra của lính Pháp từ phía Nhà Bè chạy tới, quét đi quét lại ánh đèn pha sáng rực. Thấy nguy, Tư Cang nhảy xuống sông kéo theo H., cô H. ôm chặt lấy Tư Cang. Ông kể “tôi phải hai chân đạp nước theo động tác lội đứng để giữ thăng bằng, còn cánh tay ôm choàng qua ngực người đồng đội, đầu cô nằm im trên vai tôi, ngửa lên ngang mặt nước...”. Khi tàu tuần tra Pháp đi khỏi, H. vẫn nằm yên trên cánh tay phải của ông giữa dòng Soài Rạp một lúc.

Lên bờ, hai người ngồi bên nhau trên một thân cây bần dưới ánh trăng, mà không nói điều gì cho rõ. Đến lúc con nước ngoài sông dâng cao với tiếng bìm bịp kêu từng chập, báo hiệu trời sắp sáng, thì H. lên tiếng trước: “Rừng lạnh quá!”. Tư Cang bất chợt đưa tay vòng qua thân H. cho ấm, cô để yên. Rồi H. nói anh là người đầu tiên đã ôm siết em và cứu sống em dưới dòng sông, em muốn anh hứa với em một điều được không? Tư Cang hỏi hứa gì? H. đáp: “Hứa anh là của em và em là của anh!”. Nhưng ông im lặng, nhìn vào đôi mắt đẹp lạ thường của H. dưới trăng, không nói gì. H. giục mãi. Ông vẫn im lặng, vì ông nghĩ mình đã... có vợ rồi.

chuy3c-1639361632.jpg
Anh hùng LLVTND , Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) - Cụm tình báo H63.

 

Là do ông cưới vợ hồi mới 18 tuổi ở miền quê Long Phước (1946). Vợ ông kém ông một tuổi. Lúc lấy nhau hai người đều do gia đình đặt để theo lệ xưa với mong muốn con cháu “yên bề gia thất”. Qua những ngày chung đụng họ yêu nhau. Lúc vợ mang thai, ông ra chiến khu đánh Pháp, xa nhà biền biệt. Ông không nói rõ với H. chuyện đó, chỉ sợ H. thêm buồn, nên lấy cớ hai người đang hoạt động bí mật, sống chết bất ngờ không biết trước. H. cúi xuống và nước mắt tuôn ra. Tư Cang nắm lấy tay cô siết chặt, vừa lúc ấy có tiếng người gọi H. đi gấp. Đến khúc quẹo, cô dừng lại quay nhìn Tư Cang lần cuối...

H. đi rồi, Tư Cang lọt vào Sài Gòn, tìm đến nhà của cơ sở cách mạng vùng chợ Hòa Hưng, chỉ cách khám Chí Hòa vài trăm thước. Ở đó hằng ngày cưỡi chiếc mobylette màu vàng để đi lại, vẽ bản đồ, điều tra lực lượng đồn trú của đối phương từ cầu Chữ Y đến Chợ Lớn. Bấy giờ, vợ ông cũng rời làng Long Phước lên Sài Gòn, con gái ông đã lên 7 tuổi và ông cũng biết được, cùng địa chỉ của vợ con. Mặc dầu công tác tình báo không cho phép ông tiếp xúc với người thân, nhưng một hôm, sắp hoàn tất nhiệm vụ, ông không cưỡng nổi, đã ngoắc một chiếc xích lô máy, bảo về số 11 - Rue Villard (nay là đường Phan Chu Trinh, TP.HCM). Gần tới nơi, ông xuống xe đi bộ một quãng, đến gốc cây vú sữa trước nhà và người đầu tiên ông gặp là mẹ vợ của ông đang ngồi vá quần áo dưới bóng cây. Bà nhấc đôi kính lão nhìn sững ông một lát, reo lên kinh ngạc: “Thằng Sáu! Thằng Sáu!” và gọi đứa con gái lên 7 của ông ra đón: “Nhồng ơi! Ba mày về đây nè!”.

Ba vợ của ông đang ngồi trên ván đưa tay lên miệng ra dấu cho bà im lặng. Vợ ông dưới bếp dắt con đi lên, đứa con từ ngày ra đời đến lúc ấy chưa hề thấy mặt cha bao giờ. “Tôi ôm nó vào lòng và hôn lên đầu, lên trán. Con tôi cười và ngước lên nhìn tôi rồi ngập ngừng gọi nhỏ: Ba! Ba! Cũng như nó, lần đầu tiên trong đời tôi thốt lên: Con! Con gái cưng của ba! Vợ tôi ngồi xuống sát bên tôi. Tôi choàng tay qua vai hôn vội vàng lên má”. Vợ ông hỏi: “Anh ở lại đến tối được chớ?”. Ông đáp: “Không, anh phải đi ngay bây giờ”. (Nghe vậy) vẻ mặt vợ tôi thoáng buồn. Lòng tôi càng xót xa”. Có bóng người thập thò nơi cửa, ông đi nhanh ra đường, trái tim vừa rộn lên vì cuộc gặp đã vội co thắt, chùng xuống, vì phải chia tay. Người vợ trẻ năm xưa nay đã hơn 80 tuổi đang sống cùng ông với con gái và cháu ngoại tại TP.HCM.

Ông nói thêm, trên đường hoạt động, ông đã được nhiều người giúp đỡ, như cô gái tên T. đã nhanh trí giúp ông thoát khỏi cuộc ruồng bố bên bờ sông Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ và hồi tưởng: “Đã qua cơn hãi hùng, cô gái T. có vẻ e thẹn. Em chui ra khỏi mui ghe và chạy đi. Tôi nhìn theo, lòng thẫn thờ như vừa bị cô gái mang đi một cái gì. Ôi đời chiến sĩ tình báo rày đây mai đó. Cuối cuộc chiến tranh này, có lẽ quả tim tôi bị nát vụn, để lại mỗi phương trời một mảnh”.

(HẾT)

Theo Trái tim người lính

Giao Hưởng 

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-bi-mat-truoc-gio-g-ky-cuoi-chiec-ao-mau-hoang-hau-a8845.html