Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định lao động cho các doanh nghiệp, cung cấp kịp thời các thông tin về cung cầu lao động cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý, công nhân lao động của các địa phương làm việc tại các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc làm việc theo hình thức trực tuyến. Tỉnh tạo điều kiện về chỗ ở ký túc xá cho công nhân và đàm phán các khách sạn trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện về mức giá cho chuyên gia, người lao động thuê phòng nghỉ lại tại tỉnh; Khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp; chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp,… Ước năm 2021, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 16.080 lao động, đạt kế hoạch đề ra; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,6%; trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,7%.
Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, gia đình chính sách được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Công tác giải quyết chính sách và chi trả chế độ BHXH, BHYT được quan tâm, quyền lợi của người lao động, người tham gia luôn được đảm bảo kịp thời. Ước năm 2021, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH ở Vĩnh Phúc đạt 36,7%; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 33% và tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,5%.
Tính đến hết ngày 03/11/2021, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ gần 20,2 tỷ đồng cho nhóm chính sách về bảo hiểm (người sử dụng lao động); trên 24,6 tỷ đồng, hỗ trợ trên 63 nghìn lượt đối tượng nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền (đối tượng là người lao động); giải quyết cho 226.252 lượt người lao động hưởng chế độ hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền 303,21 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch CoVid 19.
Vĩnh Phúc cũng đã chủ động có chính sách hỗ trợ công dân ở lại tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ động đón công dân cua tỉnh đang học tập, sinh sống tại các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp về tỉnh(từ tháng 7/2021, đã đón hơn 30.000 công dân về tỉnh, đặc biệt Vĩnh Phúc đã thuê 7 chuyên cơ, chủ động đón hơn 1.200 công dân có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, sinh sống tại các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp về tỉnh ), đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, Vĩnh Phúc đã cử 07 đoàn công tác gồm các y bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm qua, 100% thôn ở nông thôn, tổ dân phố tại các đô thị ở Vĩnh Phúc đã thành lập Tổ COVID cộng đồng với 11.186 thành viên tham gia hoạt động tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch COVID 19, tiếp tục duy trì, hoạt động hiệu quả.
Không những vậy, Vĩnh Phúc có hơn 480 mô hình hay đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh tự quản bảo vệ môi trường” ở thành phố Phúc Yên, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật; Đoàn Thanh niên phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên phối hợp với Ban quản lý chung cư Trang Đạt ra mắt mô hình “Khu chung cư giảm thiểu rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo với mô hình "Phụ nữ thực hiện phân loại rác thải từ gia đình", góp bảo vệ môi trường và phòng chống dịch COVID 19.
MTTQ các cấp ở Vĩnh Phúc đã thành lập Ban tiếp nhận và cấp phát hàng tài trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID 19, đồng thời chủ động bố trí kho bãi, phương tiện và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác tiếp nhận, phân bổ hàng hóa, vật tư đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Kết thúc đợt vận động, hỗ trợ, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền: 12.306.207.000đ, tổng số gạo đã tiếp nhận 150.220 kg; đã hỗ trợ bằng tiền cho 14.149 người với tổng số tiền 9.283.600.000đ; hỗ trợ bằng gạo cho 7.676 người vượt qua khó khăn do dịch COVID 19 gây ra, góp phần ổn định cuộc sống.
Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp. Tính đến 31/10/202, các cấp công đoàn trong tỉnh Vĩnh Phúc đã thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho CNVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID 19 với số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng; vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền là 2.226.600.000đ, cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế và các nhu yếu phẩm...
Có lẽ chưa bao giờ, truyền thống "tối lửa tắt đèn có nhau", “thương người như thể thương thân” ở Vĩnh Phúc lại được lan tỏa rộng khắp và nhân lên mạnh mẽ như trong thời gian này. Hai tiếng “đồng bào” đã thôi thúc trái tim mỗi người con đất Việt, để cùng nhau đùm bọc, sẻ chia, vượt qua những khó khăn, thử thách của dịch COVID 19.
(Còn nữa)
Đón đọc Bài 3: Vẫn đạt mức cao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng