Nhà mỗi hai người đàn ông, chật một tí lại đâm ra ấm cúng. Độ này, cha tôi già đi nhiều. Ông để râu, trải trắng xuống quá khuy áo ngực thứ nhất. Ngày trước, ông nổi đình nổi đám với cánh đàn bà thôn quê với mái tóc chải bồng ngược và tài đàn hát. Tôi nghe mẹ kể: "Tao bị tiếng đàn cha mày bắt mất hồn". Cha tôi nói: "Sao dại thế?". Mẹ lườm: "Tại ông bỏ bùa bỏ phép chứ tôi hám gì loại người nghèo xác như ông".
Mẹ nhỏ người, lại ham công tiếc việc nên về già chóng đổ bệnh, rồi mất. Đám tang bà, người làng kéo đến giẫm nát cả vuông vườn. Khói hương nghẹt thở, cứ như bếp đun rạ ướt. Từ khi mẹ tôi mất, cha lặng lẽ như một cái bóng. Cây đàn măng-đô-lin im lìm treo trên vách, nguội tênh. Thừa hưởng dòng máu của cha, tôi cũng yêu âm nhạc nhưng không thích cây măng-đô-lin cũ kỹ. Số tiền dành dụm được mấy mùa Tết, tôi nhờ thằng bạn học trên thị xã lùng mua cho cây ghi ta gỗ. Những ngày ở lính, tài lẻ của tôi là niềm tự hào của đơn vị.
Đợt hành quân tiến vào Nam, đơn vị tôi dừng chân ở một xóm dân ven đường quốc lộ. Nhà bọn tôi trọ có cô con gái tên là Hương, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt sáng đẹp như mắt chim bồ câu, những lúc rỗi, Hương thường bắt tôi đàn hát bài "Nổi lửa lên em". Mặc dù em chỉ làm "nuôi quân" cho bọn tôi vẻn vẹn có mấy ngày, bữa chúng tôi tiếp tục lên đường Hương khóc miết. Kể tay đại đội trưởng cũng tệ, mờ sáng mới báo lệnh xuất phát. Thế là chẳng kịp có đêm chia tay. Hương tiễn tôi, bàn tay em run rẩy bíu chặt lấy túi áo ngực. Tôi cố gỡ để kịp đuổi theo hành quân lúc đó đã khuất sau ngõ xóm.
Tôi là một kẻ không may mắn trong chiến tranh dù rằng ngày về huân, huy chương đính đầy ngực áo. Hai ống chân tôi dập nát đến mức các bác sĩ phải cắt bỏ đến quá đầu gối, sát tận bẹn. Vĩnh biệt những đôi giày da bóng lộn và những ống quần ly là thẳng tắp! Tôi đau đớn trở về quê. Chiến tranh đã tước mất của tôi một nửa chiều cao cho dù hàng ngày tôi đã kê mình lên hai chiếc đòn thấp dùng để đi lại trong nhà. Giờ đây tôi khác gì một đứa bé, mọi sự lớn nhỏ trong cuộc sống đều nhờ vào bàn tay đỡ đần của một người cha mà lưng đã còng thấp xuống. Có người bàn với cha tôi xin tiêu chuẩn người phục vụ hay cho tôi vào ở hẳn trong khu điều dưỡng dành riêng cho thương binh nặng. Cha hỏi ý kiến tôi. Tôi níu lấy áo ông, cầu van "Cha cho con được ở thế này, với cha". Cha tôi không bàn chuyện ấy nữa, tự ông xoay xở lấy mọi việc. Số tiền chế độ của tôi ông cất riêng và thỉnh thoảng lại bấm đốt tay nhẩm tính. Có bữa, thấy ông vui vẻ: "Tháng này cộng cả tiền lãi ngân hàng là gần mười triệu". Tôi băn khoăn: "Đời cha còn được mấy năm nữa mà dành dụm, chắt bóp?". Cha tôi thở dài thườn thượt: "Thì mày cũng phải có vợ con, có một ngôi nhà cho nó tử tế chứ. Ở đây mãi vậy được à?". Tôi nói gạt: "Số con là vậy, ai thèm lấy. Làm người chẳng nên huống hồ làm chồng". "Thế còn con Hương mày nghĩ nó chết rồi chắc?". Tôi trố mắt ngạc nhiên. Thì ra, chẳng có chuyện gì mà giấu ông cụ được. Sáng mai, cha tôi dậy sớm, kêu thằng cháu bên xóm sang dặn dò chuyện cơm nước cho tôi rồi lẳng lặng xách túi, đội mũ ra đi. Nhìn cái dáng lòng khòng của ông khuất dần sau cửa cổng, tôi chỉ chực muốn khóc. Tôi thật vô tích sự, suốt đời chỉ quấy quả Người. Tôi được ưu tiên cấp cho một chiếc xe lăn, thỉnh thoảng tôi đi ra ngoài dạo phố, tạt vào coi cái chợ xép bên vệ đường. Cha tôi ngày ngày trầm mặc. Ông uống rượu ít hơn. Bữa nhâm nhi độ hai chén nhỏ. Nhìn ông uống rượu mà buồn. Nhấp một hớp, cặp mắt đục mờ tối sầm lại, sâu hun hút.
Một bữa, tôi đánh bạo hỏi: "Hay cha thử kiếm việc gì để con làm. Ăn không ngồi rồi thế này cũng chán". Cha nhìn trân trân vào hai ống quần nhũn nhẽo của tôi, nhỏ tiếng: "Vất vả, sợ con không chịu nổi". "Không, con làm được mà" - Tôi vén ống tay áo khoe cánh tay vồng lên những múi thịt cuồn cuộn. Mắt cha tôi ánh lên niềm vui: "Để cha nghĩ xem". Không để tôi đợi lâu, sáng sau đã thấy cha tôi lừng lững đội một bó lá tro về thả đánh uỵch giữa sân. Rồi ông sai thằng cháu vác dao ra vườn chặt mấy cây tre, đẵn thành từng khúc. "Cha định đan tranh ư?" - Tôi buột miệng hỏi. Cha tôi gật đầu, bảo: "Con cứ chịu khó đan thật nhiều, cha sẽ mang chợ bán. Nguyên liệu rẻ mà lợp nhà lại bền". Làm được dăm bảy chục chiếc, cha tôi lại gọi lão Hân xe ngựa - bạn vong niên cùng làng đến chở đi. Dần dà, tôi cũng bớt được mặc cảm mình là đồ ăn bám. Nhìn tôi làm, cha vui. Bữa đứa cháu về chơi, thấy tôi xoay xở chật vật với đám dao cưa, nó sấn vào định đỡ một tay. Cha tôi trừng mắt, quát "Ai khiến, để chú ấy tự làm". Tội nghiệp con bé, ngơ ngác như chú cún nhỏ bị mắng.
Ít lâu sau, cha tôi bảo: "Tranh bữa nay ế rồi, ta chuyển sang làm đồ gỗ". Rồi ông ra chợ, sắm sanh đủ thứ dụng cụ làm mộc và mua cả xe gỗ chất một đống to sụ trước sân. Gì chứ nghề mộc cha tôi thạo lắm. Từ cách kéo cưa, xẻ ván đục mộng mẹo cho đến từng nhát bào làm trơn. Mỗi thứ, cha bảo làm một ít, cứ như đang làm phần gỗ cho một ngôi nhà cầu kỳ nào đấy. Có lần tôi hỏi, ông ừ hữ cho qua chuyện. Biết tính cha không ưa vặn vẹo, tôi không gặng hỏi nữa sợ ông rầy. Việc nhập đồ gỗ có vẻ nhùng nhằng hơn, có hôm ông theo xe đến mấy ngày mới trở về. Chẳng biết hàng tôi làm thế nào mà trông ông hể hả lắm. Sau gần một năm, công việc vãn dần, rồi không thấy ông mua thêm gỗ nữa. Ông thu dọn đám đồ nghề lỉnh kỉnh cho vào một cái bao tải, buộc túm miệng lại. Đêm đó sáng trăng. Cha rủ tôi uống rượu. Ông chần chừ một lát, rồi bảo: "Cha có chuyện này muốn nói với con". "Chuyện gì hả cha?". Tôi hồi hộp và linh cảm có chuyện gì đấy hệ trọng. "Ngày mai, ta chuyển nhà nhé!". Giọng ông run run. "Sao vậy cha?" - Tôi la lên như phải bỏng - Đây chật chội, lại không hợp với con. Vả lại, ngôi nhà này xem ra cũng ọp ẹp lắm rồi. Mà mùa mưa bão thì sắp đến". "Thế cha định dọn đi đâu?". "Ngài mai hẵng hay" - Giọng cha tôi dấm dẳng, ý muốn chuyển sang chuyện khác. Ông lóng ngóng lấy ra từ túi áo ngực một bức ảnh, đưa cho tôi: "Con có thích người phụ nữ này không?".
Dưới ánh trăng bàng bạc, tôi vẫn nhận ra tấm ảnh chụp bán thân một cô gái tay đan len, cặp kính đen che lấp khuôn mặt trái xoan trắng mịn. Ai mà trông quen quen thế nhỉ? Tôi cố lục tìm trong trí nhớ nhưng bất lực. Cha tôi giục: "Có được không?". Cha tôi làm thêm một hớp rượu nữa rồi thủng thẳng: "Lẽ nào, con lại không còn ước mơ gì về hạnh phúc?". Tôi cúi gằm mặt, tay mân mê vết sẹo trên đùi phải. Những lời nói lấp lửng của cha khuấy lên trong tôi một khát vọng mơ hồ. Mặt tôi tự dưng nóng ran. "Thôi, giờ thì hãy vào đi ngủ đi, mai lên đường sớm". Tôi ngoan ngoãn vào nhà, đu lên giường nằm nhưng không tài nào chợp mắt. Cha tôi cũng lật trở suốt đêm. Quá nửa đêm, ông lén dậy ra ngoài sân. Một lúc sau, có tiếng đàn rỉ rả vọng vào. Cả hát nữa. Giọng hát người già khàn đặc, đùng đục. Một lúc nữa thì tiếng đàn im bặt. Nghe thấy tiếng dép lê loẹt quẹt đi ra phía ngõ và độ nửa tiếng sau cái tiếng chân buồn bã ấy mới quay về. Còn tôi, cũng trải qua một đêm đầy mộng mị. Sáng hôm sau, cha thức tôi sớm. Nhưng đã đâu vào đó, lão Hân đánh xe ngựa đến chuyển đồ đạc lên xe. Gia tài tôi chẳng có gì ngoài chiếc xe lăn, hòm đạn đựng mấy bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, hộp đựng huân huy chưong, bọc giấy cuộn bằng khen giấy khen, cây đàn ghi ta gỗ. thấy cha giục lão Hân lên đường, tôi ngạc nhiên: "Thế còn đồ đạc của cha?". "Chật rồi, chuyến sau hãy hay, thế nào cha cũng phải trở lại chào bà con chòm xóm". Tôi thảng thốt ngó lên bức vách: "Thế còn cây đàn măng-đô-lin?". "Cha ném nó xuống sông rồi. Để nó thêm nhớ mẹ mày. Vả lại, đã có cây ghi ta của con, chừng ấy là đủ". Mắt cha vụt đỏ hoe. Tôi cũng nghẹn ngào. Cha giục lão Hân cho ngựa đi nhanh. Hình như ông sợ trời sáng. Chiếc xe ngựa hết quành trái đến quẹo phải. Nhiều đoạn gập ghềnh, tôi phải bám vào thành xe cho khỏi ngã. Con ngựa tía ngoan ngoãn kéo chiếc xe men dọc con đường đất đồi đỏ quạch và dừng lại trước một khu vườn. Cha bảo: "Đến rồi". Lão Hân cũng nhảy xuống cùng cha tôi nhảy xuống cùng cha tôi khênh chiếc xe lăn và đỡ tôi xuống xe.
Trước mắt tôi là một ngôi nhà gỗ xinh xắn như chỉ có đâu trong truyện cổ tích. Ngôi nhà hãy còn mới. Những khóm hoa, cây ăn quả trong vườn đã bén rễ lên xanh. "Nhà cửa con đó, vào đi!". Cha không đùa con đấy chứ?". "Con không tin à? Đó là ngôi nhà do chính bàn tay con làm đấy". Tôi chưa hết bàng hoàng thì lão Hân cũng đã cùng cha tôi ẩy chiếc xe lăn lên dốc. Thêm độ vài chục bước chân, tôi mới thấy rõ từng then gỗ nơi cửa cổng cho đến rèm che, mái lá, cột kèo... Tất cả đã qua bàn tay tôi và giờ đây được lắp ghép lại đẹp đến ngờ vực. Được thiết kế theo kiểu nhà rông của dân tộc miền núi, nhưng có điều khác lạ ấy là ngôi nhà không có cầu thang. Chừng như đọc ra nỗi băn khoăn ấy, cha tôi khẽ khàng: "Muốn lên được sàn này, con phải có câu niệm chú". Lão Hân đã cầm sẵn cây đàn, ấn vào tay tôi. Cha tôi nhỏ giọng: "Giờ thì con hãy đàn và hát bài nào con thích". Như bị ai thôi miên, ký ức xa xăm vụt đến, tôi nhắm mắt thả hồn vào trong bài hát cũ "Nổi lửa lên em" và chờ đợi một cơ may. Khi câu hát cuối cùng đã nhỏ dần lại, chợt nghe trên đầu mình có tiếng kêu vọng đến: "Anh Lâm". Mắt mở choàng, tôi không muốn tin vào mình nữa. Đứng trên ban công của tầng sàn là người đàn bà tôi đã gặp - là người trong bức ảnh mà cha tôi đã cho xem dưới ánh trăng. Người đàn bà đeo kính đen rộng bản rờ rẫm tìm cái cần quay ròng rọc, từ từ hạ chiếc cầu thang đan bằng tre xuống đất.
Tôi ngửa mặt ngó lên, há hốc miệng. Mắt nhoà đi, tôi quay về phía sau nhưng không còn thấy cha tôi, cả lão Hân nữa. Lúc này, nắng trong vườn đồi dậy lên, trong và mỏng. Sau lưng tôi, có tiếng rầm rì ngày một nhỏ dần. Là bước chân người hay tiếng lá rừng rơi?
VuLe biên tập
Chuyện quê
Phan Trung Hiếu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoi-nha-khong-co-cau-thang-a9007.html